Nhiều tập đoàn kinh tế, hãng hàng không lớn trên thế giới tạm ngưng hoạt động ở Trung Quốc vì virus Corona

Trước tình hình dịch viêm phổi Vũ Hán do virus Corona mới (2019-nCoV) gây ra tiếp tục lây lan, các tập đoàn lớn trên thế giới đã  thu hẹp hoạt động ở Trung Quốc và kêu gọi nhân viên quay về nước.
QUANG DÂN
31, Tháng 01, 2020 | 12:45

Trước tình hình dịch viêm phổi Vũ Hán do virus Corona mới (2019-nCoV) gây ra tiếp tục lây lan, các tập đoàn lớn trên thế giới đã  thu hẹp hoạt động ở Trung Quốc và kêu gọi nhân viên quay về nước.

Trung Quốc được coi là một trong những thị trường quan trọng và công xưởng lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh do virus Corona gây ra có diễn biến ngày càng lan rộng và nguy hiểm, hầu hết các tập đoàn lớn trên thế giới đã  thu hẹp hoạt động ở Trung Quốc và kêu gọi nhân viên quay về nước.

Nhiều hãng xe dừng sản xuất vì virus Corona

Toyota tạm dừng hoạt động, Honda đóng cửa hai nhà máy sản xuất xe máy đến 9/2 và ba nhà máy ôtô chưa hẹn ngày mở cửa trở lại.

Theo đó, Maki Niimi, một đại diện của Toyota cho biết: "Chúng tôi sẽ xem xét tình hình và đưa ra những quyết định khác từ 10/2". Hãng xe Nhật cũng hạn chế nghiêm ngặt việc du lịch đến tỉnh Hồ Bắc, đồng thời yêu cầu nhân viên tránh việc di chuyển không cần thiết tới các khu vực khác của Trung Quốc. Hiện hãng không có nhân viên nào ở Vũ Hán cũng như toàn tỉnh Hồ Bắc.

Ngày 28/1, Honda thông báo đóng cửa hai nhà máy sản xuất xe máy tại Trung Quốc cho đến 9/2. Việc tạm dừng sản xuất vốn nằm trong kế hoạch nhân dịp Tết Nguyên đán, bắt đầu từ ngày 25/1 và dự kiến bắt đầu trở lại từ 30/1. Nhưng kỳ nghỉ sẽ kéo dài và hoạt động sản xuất tạm đình trệ do diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi Vũ Hán.

automotive_img001

Nhiều hãng xe dừng sản xuất vì virus Corona

Hai nhà máy Nhà máy Tianjin và Taicang của Honda do hãng Sundiro Honda Motorcycle, một chi nhánh của Honda Trung Quốc điều hành, với trụ sở ở Thượng Hải. Dù cả hai nhà máy đều không nằm ở Hồ Bắc, nơi có thủ phủ là Vũ Hán, tâm điểm của dịch viêm phổi cấp, nhưng toàn bộ quốc gia Đông Á đều nằm trong tình trạng cảnh báo cao độ khi các trường hợp nhiễm dịch đang ngày càng tăng.

Tại Vũ Hán, Honda còn có ba nhà máy liên doanh sản xuất ôtô, nơi xuất xưởng các mẫu như CR-V và Civic sedan. Hiện chưa hẹn ngày mở cửa trở lại. Trước đó, ngày 27/1, Honda cho biết đã đưa 30 nhân viên và gia đình của họ trở về nhà tại Nhật. Những nhân viên này làm việc tại nhà máy gần Vũ Hán.

Nissan cũng thông báo kế hoạch đưa phần lớn nhân viên cùng gia đình từ khu vực Vũ Hán trở về Nhật. Tập đoàn xe hơi Pháp PSA cũng có kế hoạch tương tự. General Motors, hãng xe Mỹ lớn nhất tại Trung Quốc, thông báo với nhân viên rằng các nhà máy sẽ đóng cửa tới 9/2. Ford cũng kéo dài kỳ nghỉ và đưa ra quyết định mới vào 10/2.

Volkswagen, hãng xe nước ngoài lớn nhất tại Trung Quốc, sản xuất khoảng bốn triệu xe mỗi năm, yêu cầu nhân viên hạn chế bất cứ chuyến đi nào không cần thiết tới Trung Quốc. Với khoảng 3.500 nhân viên ở Bắc Kinh, hãng đề nghị làm việc tại nhà trong hai tuần kể từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Tại Đức, nhà cung ứng ôtô Webasto cho biết đã có hai nhân viên lây nhiễm virus corona. Hãng đã dừng mọi chuyến bay hai chiều đến và đi Trung Quốc ngay sau đó.

Google, Apple, Facebook tạm ngừng hoạt động ở Trung Quốc

Do sự bùng phát của virus Corona. Ngày 29/1, phát ngôn viên của Google tuyên bố, các văn phòng của công ty ở Trung Quốc sẽ đóng cửa đến hết kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, theo chỉ thị của chính phủ Trung Quốc, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Bên cạnh việc hạn chế du lịch tới Đại lục và Hong Kong, Google đang vận động các nhân viên tại Trung Quốc lập tức trở về nước và làm việc ở nhà trong ít nhất 14 ngày kể từ khi di chuyển. Theo Reuters, động thái của Google cho thấy nỗ lực của ngành công nghệ nhằm giảm thiểu rủi ro liên quan dịch viêm phổi Vũ Hán.

Google không phải công ty công nghệ duy nhất thu hẹp hoạt động tại Trung Quốc do sự bùng phát của virus Corona. Trong tuần qua, hàng loạt công ty gồm Apple, Facebook, Razer và LG đã tạm hủy các chuyến công tác không cần thiết tới quốc gia đông dân nhất thế giới.

google-hq-sign-headquarters-logo-name-720x720

Các văn phòng của Google ở Trung Quốc sẽ đóng cửa đến hết kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Ngày 28/1, Tim Cook, Giám đốc điều hành Apple tuyên bố đóng cửa ba cửa hàng Apple Store ở thành phố Thanh Đảo (tỉnh Sơn Đông), Phúc Châu (tỉnh Phúc Kiến) và Nam Kinh (tỉnh Giang Tô). Ngoài ra, nhiều cửa hàng khác của Apple tại Trung Quốc thực hiện chính sách giảm giờ làm.

"Doanh số của chúng tôi ở Vũ Hán chỉ chiếm một phần nhỏ, nhưng lượng sản phẩm bán ra trên khắp đất nước vẫn bị ảnh hưởng trong vài ngày qua", ông Cook nói. Nhà sản xuất iPhone tăng cường các biện pháp phòng ngừa gồm làm sạch sâu cửa hàng và kiểm tra thân nhiệt nhân viên.

Đối với các đối tác trong chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng, Apple lên kế hoạch tìm nguồn thay thế để bù đắp tổn thất. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, sự cố này có thể làm gián đoạn quá trình chế tạo, thử nghiệm và vận chuyển thế hệ iPhone tiếp theo.

Tương tự Google, Facebook và Razer cũng đưa ra chính sách hạn chế đến Trung Quốc, đồng thời kêu gọi nhân viên trở về nước. Thậm chí, LG đã ban hành lệnh cấm hoàn toàn việc du lịch tới Trung Quốc.

Theo Nikkei Asian Review, dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát khiến nhiều công ty công nghệ lớn của Trung Quốc, như Tencent, Alibaba, Baidu... phải khuyến khích nhân viên giao tiếp với nhau qua các công cụ liên lạc từ xa, trước khi chính thức quay lại làm việc vào ngày 10/2.

ByteDance, công ty sở hữu nền tảng mạng xã hội video ngắn TikTok, yêu cầu nhân viên về quê ăn Tết từ ngày 10/1 đến ngày 13/1 dành hai tuần làm việc ở nhà trước khi lên văn phòng. "Chính sách này nhằm hạn chế sự lây lan của chủng virus mới", phát ngôn viên của ByteDance cho biết.

Các hãng hàng không dừng các chuyến bay đến Trung Quốc

Liên quan đến dịch viêm phổi lạ này, trên toàn cầu, đến ngày 29/1 nhiều hãng hàng không đã ngừng hoặc giảm quy mô số lượng các chuyến bay thẳng đến các thành phố lớn của Trung Quốc trong bối cảnh cảnh báo du lịch tiếp tục gia tăng và nhu cầu đi lại của hành khách giảm do sự bùng phát của virus Corona.

Hãng hàng không Anh British Airways xác nhận đã ngừng tất cả các chuyến bay thẳng đến và đi đến Trung Quốc đại lục. Trên website cả hãng, không có thông tin về các chuyến bay thẳng đến Trung Quốc đại lục trong tháng 1 và tháng 2/2020. Hãng cho biết sẽ đánh giá tình hình và có điều chỉnh phù hợp đối với quyết định này.

Công ty Iberia, một phần của tập toàn IAG cùng với hàng không Anh British Airways BA, cũng cho biết đã ngừng toàn bộ các chuyến bay đến Thượng Hải, Trung Quốc.

Hãng hàng không Air Canada ngày 29/1 cũng thông báo sẽ ngừng tất cả các chuyến bay thẳng đến Bắc Kinh và Thượng Hải. Trước đó, hãng này đã huỷ một số chuyến trong tổng số 33 chuyến bay hằng tuần đến Trung Quốc. Quyết định có hiệu lực từ ngày 30/1 đến 29/2, sau khi chính phủ Canada cảnh báo công dân tránh các chuyến đi không cần thiết đến Trung Quốc.

ba--15803479304131369878850

Ngày 29/1, Hãng hàng không Anh British Airways xác nhận đã ngừng tất cả các chuyến bay thẳng đến và đi tới Trung Quốc đại lục - Ảnh: REUTERS

Hãng American Airlines thông báo tạm dừng các chuyến bay từ Los Angeles đến Bắc Kinh và Thượng Hải nhưng vẫn duy trì các chuyến bay với Trung Quốc từ sân bay Dallas.

Hãng Delta Air Lines giảm một nửa số chuyến bay qua lại giữa Mỹ và Trung Quốc xuống còn khoảng 21 chuyến/tuần.

Ở châu Âu, Hãng hàng không Đức Lufthansa đã ngừng các chuyến bay đến Trung Quốc của hãng và các đường bay tương tự hợp tác với hàng không Thụy Sĩ và Áo đến tháng 2/2020. Hãng Air France của Pháp cho biết sẽ giảm số chuyến bay đến Bắc Kinh và Thượng Hải trong tuần này.

Hãng hàng không Indonesia Lion Air ngày 29/1 cũng thông báo ngừng mọi chuyến bay thẳng đến Trung Quốc. Tương tự là Hãng Seoul Air của Hàn Quốc.

Trong khi đó, Hãng hàng không Ấn Độ IndiGo ngừng các chuyến bay đến Thành Đô và Hong Kong.

Nhiều hãng hàng không khác như Finnair của Phần Lan, Cathay Pacific (trụ sở ở Hong Kong) Jetstar Asia (trụ sở ở Singapore) cũng cho biết đã cắt giảm các chuyến bay đến Trung Quốc vì nhu cầu đi lại giảm mạnh do dịch bệnh.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25180.00 25185.00 25485.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30846.00 31032.00 32001.00
HKD 3185.00 3198.00 3302.00
CHF 27415.00 27525.00 28378.00
JPY 160.64 161.29 168.67
AUD 16085.00 16150.00 16648.00
SGD 18346.00 18420.00 18964.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 18198.00 18271.00 18809.00
NZD   14807.00 15308.00
KRW   17.63 19.26
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2290.00 2378.00
NOK   2269.00 2358.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ