Cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu trong dự án PPP vẫn nhiều ý kiến trái chiều

Nhàđầutư
Cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu trong dự án PPP là một trong các nội dung quan trọng của dự thảo Luật PPP nhận được nhiều sự quan tâm vì trực tiếp liên quan đến lợi ích của Nhà nước cũng như nhà đầu tư
ANH PHONG
28, Tháng 05, 2020 | 10:27

Nhàđầutư
Cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu trong dự án PPP là một trong các nội dung quan trọng của dự thảo Luật PPP nhận được nhiều sự quan tâm vì trực tiếp liên quan đến lợi ích của Nhà nước cũng như nhà đầu tư

28.5.20 s ppp - vu hong thanh

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.

Sáng 28/5, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, trình bày, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trước Quốc hội sáng nay, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, nhiều ý kiến nhất trí cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị quy định rõ về nguyên tắc chia sẻ, khi nào thì chia sẻ rủi ro, chia sẻ rủi ro ở mức nào và rủi ro nào Nhà nước phải chịu, rủi ro nào nhà đầu tư phải chịu, làm rõ cơ sở xác định mức chia sẻ rủi ro 50%, 75%.

Một số ý kiến đề nghị chỉ thực hiện chia sẻ rủi ro khi doanh nghiệp PPP thua lỗ, mất vốn, đề nghị quy định rõ hơn về cấp có thẩm quyền quyết định, điều kiện, đối tượng áp dụng, cách thức kiểm soát và quản lý rủi ro tài chính quốc gia.

Về nội dung này do còn có ý kiến khác nhau, Chủ nhiệm UBKT thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình 2 phương án để Quốc hội xem xét, quyết định.

Phương án 1 là cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu. Theo ông Vũ Hồng Thanh, về căn cứ, điều kiện áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu: xin tiếp thu sửa đổi, bổ sung quy định tại các Điều 51 (Sửa đổi hợp đồng dự án PPP), Điều 52 (Thời hạn hợp đồng dự án PPP) và Điều 84 (Cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu) xác định không phải trong mọi trường hợp đều được áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu.

Cụ thể, việc chia sẻ phần tăng doanh thu được áp dụng sau khi đã thực hiện điều chỉnh thời hạn hợp đồng PPP theo quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 52; việc chia sẻ phần giảm doanh thu chỉ được thực hiện khi dự án PPP đáp ứng đầy đủ các điều kiện chặt chẽ quy định tại khoản 2 Điều 84 dự thảo Luật: dự án do cơ quan có thẩm quyền lập; áp dụng loại hợp đồng BOT, BTO, BOO và không sử dụng vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng; quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan thay đổi làm doanh thu thực tế thấp hơn 75% mức doanh thu trong phương án tài chính; đã thực hiện đầy đủ các biện pháp điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ hoặc điều chỉnh thời hạn hợp đồng dự án PPP nhưng vẫn chưa bảo đảm được mức doanh thu quy định tại điểm b khoản 2 Điều 84.

Về việc áp dụng cơ chế chia sẻ khi dự án giảm doanh thu mà không áp dụng cơ chế chia sẻ khi nhà đầu tư dự án PPP thua lỗ, mất vốn, Chủ nhiệm UBKT giải trình, dự án PPP được xem xét, đánh giá tính khả thi, hiệu quả về mặt tài chính căn cứ phương án tài chính của dự án, trong đó “thời điểm hoàn vốn cho dự án” là một yếu tố quan trọng.

Với bản chất dài hạn, thời điểm hoàn vốn của dự án PPP có thể lên đến hàng chục năm kể từ thời điểm ký kết hợp đồng dự án. Theo đó, trên thực tế, dự án PPP chỉ được xác định thua lỗ, mất vốn khi không đạt điểm hoàn vốn (bắt đầu có lãi) theo phương án tài chính.

Hơn nữa, có nhiều yếu tố tác động trong thời gian thực hiện và đưa vào khai thác, sử dung dự án (ví dụ: thay đổi tỷ giá, lãi suất vay ... ) sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp dự án PPP cố tình tăng cao các chi phí quản lý để tránh lãi phát sinh lớn hoặc nếu lỗ sẽ lỗ nhiều hơn, làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước.

Do đó, dự thảo Luật PPP không tiếp cận theo hướng chia sẻ khi nhà đầu tư dự án PPP thua lỗ, mất vốn, mà chỉ xem xét việc áp dụng chia sẻ khi doanh thu của dự án bị sụt giảm do lỗi từ phía Nhà nước. Mặt khác, sụt giảm doanh thu lớn sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới dòng tiền của doanh nghiệp, có khả năng tác động đến khả năng trả nợ đối với bên cho vay nên cần cơ chế để xử lý ngay cho từng năm. Cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu sẽ được xem xét trên cơ sở kiểm soát doanh thu hàng năm quy định tại khoản 4 Điều 84 của dự thảo Luật.

Về cơ sở xác định các mức tỷ lệ trong cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, tại hồ sơ dự án Luật do Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, cơ chế này được đề xuất theo hướng Nhà nước chia sẻ không quá 50% phần hụt thu và nhà đầu tư chia sẻ không thấp hơn 50% phần tăng thu.

Một số ý kiến cho rằng quy định như vậy không rõ, không bảo đảm sự bình đẳng trong mối quan hệ chia sẻ giữa Nhà nước và tư nhân, do vậy, xin tiếp thu theo hướng cố định tỷ lệ 50%-50%.

Về tỷ lệ mức doanh thu cam kết để bắt đầu thực hiện chia sẻ khi giảm doanh thu: hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 không quy định cụ thể mức này, một số ý kiến đề nghị phải quy định tỷ lệ cụ thể.

Từ kinh nghiệm một số nước và thực tiễn triển khai một số dự án BOT giao thông, ông Thanh cho biết, xin tiếp thu theo hướng: Khi doanh thu thực tế chỉ đạt 75% doanh thu trong phương án tài chính trở xuống, với các dự án đủ điều kiện, Nhà nước bắt đầu xem xét, tính toán việc chia sẻ phần giảm doanh thu; Khi doanh thu thực tế đạt từ 125% doanh thu trong phương án tài chính trở lên, Nhà nước bắt đầu xem xét, yêu cầu nhà đầu tư chia sẻ phần tăng doanh thu.

Còn phương án 2 được đề xuất theo cơ chế chia sẻ phần lỗ, lãi. Với phương án này, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, về căn cứ, điều kiện áp dụng cơ chế chia sẻ phần lỗ, lãi: xin tiếp thu sửa đổi, bổ sung quy định tại các Điều 51 (Sửa đổi hợp đồng dự án PPP), Điều 52 (Thời hạn hợp đồng dự án PPP) và Điều 84 (Cơ chế chia sẻ lỗ, lãi) xác định không phải trong mọi trường hợp đều được áp dụng cơ chế chia sẻ phần lỗ, lãi.

Cụ thể, việc chia sẻ phần lãi tăng thêm sau điểm hòa vốn so với phương án tài chính tại hợp đồng được áp dụng sau khi đã thực hiện điều chỉnh thời hạn hợp đồng PPP theo quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 52; việc chia sẻ phần lỗ sau điểm hòa vốn so với phương án tài chính tại hợp đồng chỉ được thực hiện khi dự án PPP đáp ứng đầy đủ các điều kiện chặt chẽ quy định tại khoản 2 Điều 84 dự thảo Luật: dự án do cơ quan có thẩm quyền lập; áp dụng loại hợp đồng BOT, BTO, BOO và không sử dụng vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng; quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan thay đổi làm doanh nghiệp dự án PPP bị thua lỗ; đã thực hiện đầy đủ các biện pháp điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ hoặc điều chỉnh thời hạn hợp đồng dự án PPP nhưng doanh nghiệp vẫn bị thua lỗ.

Cũng theo Chủ nhiệm UBKT, cơ chế chia sẻ phần lỗ, lãi phải được xác định tại quyết định chủ trương đầu tư. Đối với dự án PPP thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, việc chia sẻ phần lỗ do ngân sách địa phương bảo đảm.

"Từ thời điểm phát sinh sự thay đổi của quy hoạch, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các bên trong hợp đồng dự án PPP xác định phần lỗ thực tế gửi cơ quan tài chính theo phân cấp xem xét thực hiện cơ chế chia sẻ phần lỗ, lãi. Việc hạch toán thu, chi ngân sách nhà nước khi chia sẻ phần lỗ, lãi thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước", Chủ nhiệm Thanh nói.

Về tỷ lệ chia sẻ phần lỗ, lãi, Nhà nước chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP 50% phần lỗ sau điểm hòa vốn so với phương án tài chính tại hợp đồng hoặc nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chia sẻ với Nhà nước 50% phần lãi tăng thêm sau điểm hòa vốn so với phương án tài chính tại hợp đồng nhằm bảo đảm sự bình đẳng trong mối quan hệ chia sẻ giữa Nhà nước và tư nhân.

Trước 2 phương án được đưa ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng nhiều đại biểu đang nghiêng về phương án 1.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24550.00 24560.00 24880.00
EUR 26360.00 26466.00 27632.00
GBP 30809.00 30995.00 31946.00
HKD 3098.00 3110.00 3212.00
CHF 27438.00 27548.00 28416.00
JPY 161.57 162.22 169.82
AUD 15912.00 15976.00 16463.00
SGD 18126.00 18199.00 18741.00
THB 670.00 673.00 701.00
CAD 17913.00 17985.00 18518.00
NZD   14797.00 15289.00
KRW   17.77 19.41
DKK   3543.00 3675.00
SEK   2338.00 2431.00
NOK   2283.00 2375.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ