Chủ tịch Quốc hội: Thiệt hại do lãng phí cũng chẳng kém gì tham nhũng

Nhàđầutư
"Đôi khi thiệt hại do lãng phí cũng chẳng kém gì tham nhũng, thậm chí nhiều khi lãng phí các nguồn lực còn trầm trọng hơn, còn lớn hơn. Vì vậy, chúng ta phải hết sức coi trọng vấn đề này trong các hoạt động của Quốc hội", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
BẢO LÂM
27, Tháng 05, 2021 | 19:11

Nhàđầutư
"Đôi khi thiệt hại do lãng phí cũng chẳng kém gì tham nhũng, thậm chí nhiều khi lãng phí các nguồn lực còn trầm trọng hơn, còn lớn hơn. Vì vậy, chúng ta phải hết sức coi trọng vấn đề này trong các hoạt động của Quốc hội", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Chiều 27/5, tại phiên họp thứ 56, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2020.

Vi phạm trong đấu thầu mua sắm tài sản công

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, trình bày báo cáo, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 nhưng với quyết tâm cao, sát sao trong chỉ đạo, điều hành, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong các ngành, lĩnh vực có nhiều chuyển biến tích cực, phù hợp với tình hình mới, đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển đất nước.

Tuy nhiên, chất lượng một số dự thảo văn bản quy định chi tiết thi hành luật chưa cao, một số nội dung vượt quá phạm vi được luật giao quy định chi tiết hoặc chưa phù hợp với quy định của luật. Hệ thống pháp luật còn cồng kềnh, phức tạp, thiếu đồng bộ, tính ổn định chưa cao…

ho-duc-phoc

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Quốc hội.

Do tác động tiêu cực của thiên tai, dịch bệnh, cân đối thu, chi ngân sách Nhà nước (NSNN) gặp nhiều khó khăn, thu ngân sách Trung ương không đạt dự toán, bội chi NSNN tăng so với dự toán (bội chi NSNN năm 2020 khoảng 241,5 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 6,7 nghìn tỷ đồng so với dự toán, nhưng vẫn thấp hơn mức Quốc hội cho phép điều chỉnh). Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và kiểm soát chi của Kho bạc Nhà nước phát hiện còn tình trạng quản lý, sử dụng NSNN chưa đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ ở một số cơ quan, đơn vị.

Đến năm 2020, hệ thống văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, các tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công chuyên dùng (như tiêu chuẩn, định mức sử dụng ô tô chuyên dùng, trụ sở chuyên dùng,...) đã được ban hành tương đối đồng bộ, giúp cho việc quản lý, mua sắm, sử dụng tài sản công tiết kiệm, hiệu quả hơn.

"Tuy vậy, còn xảy ra vi phạm trong đấu thầu mua sắm tài sản công ở một số cơ quan, đơn vị. Điển hình như vụ án hình sự "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP. Hà Nội xảy ra vào tháng 4/2020; vụ "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại UBND TP. Hà Nội và các đơn vị liên quan…", Bộ trưởng Tài chính cho hay.

Công tác sắp xếp trụ sở, nhà, đất công tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện, cơ bản đạt được mục tiêu đề ra. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong quản lý, sử dụng nhà, đất hiệu quả, tiết kiệm và đúng mục đích; tạo quỹ đất để đầu tư xây dựng, phát triển các công trình công cộng, nhà ở xã hội…

Đến cuối năm 2020, các bộ, cơ quan ở Trung ương đã thực hiện báo cáo kê khai, đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý 37.468 cơ sở nhà đất, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án đối với 28.182 cơ sở nhà, đất.

"Xử lý các ngân hàng yếu kém, thua lỗ thì thế nào?"

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí là chủ trương rất lớn của Đảng, được thể chế trong pháp luật, bên cạnh tăng cường đấu tranh phòng chống tham nhũng. Do đó, nước ta có cả Luật  Phòng chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, không chỉ quy định ở khu vực công mà cả khu vực tư.

"Đôi khi thiệt hại do lãng phí cũng chẳng kém gì tham nhũng, thậm chí nhiều khi lãng phí các nguồn lực còn trầm trọng hơn, còn lớn hơn. Vì vậy, chúng ta phải hết sức coi trọng vấn đề này trong các hoạt động của Quốc hội. Tuy vậy, đây là báo cáo thường niên nhưng xem xem phải chăng chúng ta chưa coi trọng đến vấn đề này. Tôi có cảm giác vẫn còn mang tính hình thức nhiều, dù mỗi năm chúng ta có cố gắng hơn", ông Vương Đình Huệ nhận định.

Ông Vương Đình Huệ cũng cho rằng báo cáo chưa chỉ ra địa chỉ cụ thể hoặc có nhưng thiếu tính phản biện, còn nể nang, né tránh. Trong khi đó, tinh thần mà Thủ tướng Chính phủ là phải rõ ràng, minh bạch, cái gì tốt phải khen, địa phương, bộ ngành nào tốt, mô hình nào hay phải nhân rộng, nơi nào vi phạm, yếu kém thì phải phê bình, kỷ luật.

hue

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quốc hội.

Do đó, ông đề nghị Chính phủ cũng như cơ quan thẩm tra tiếp tục đầu tư hoàn thiện báo cáo để đại biểu thảo luận ở tổ, ở hội trường chứ không thể chỉ gửi tài liệu cho đại biểu Quốc hội đọc tham khảo.

Nói về hướng hoàn thiện báo cáo, Chủ tịch Quốc hội cho rằng tập trung lĩnh vực: Khu vực công; tài nguyên đất đai, khoáng sản, bảo vệ môi trường và hộ kinh doanh, tiêu dùng của nhân dân, xã hội…

Chủ tịch Vương Đình Huệ cũng đặt vấn đề xử lý yếu kém trong các doanh nghiệp ngành Công Thương bây giờ đến đâu, bao giờ xong; xử lý các ngân hàng yếu kém, thua lỗ, nhất là các ngân hàng 0 đồng thì thế nào; tình hình lỗ có tăng lên không, báo cáo chưa đề cập trong khi sử dụng vốn nhà nước không chỉ có vấn đề cổ phần hoá, thoái vốn.

"Tôi đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải nâng cao chất lượng các báo cáo, bố trí thảo luận ở tổ, ở hội trường, cần thì phát thanh, truyền hình trực tiếp. Vấn đề này cả xã hội người ta quan tâm, đấu tranh chống tham nhũng là đương nhiên rồi, nhưng gắn liền với nó là thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Mô hình hay, cách làm tốt thì biểu dương khen thưởng, nhân rộng. Bộ, ngành nào tốt thì biểu dương trong Chính phủ, Quốc hội. Anh nào làm không tốt thì phải nêu ra. Phải có kiểm điếm, đánh giá được chứ không nên nêu chung chung", Chủ tịch Quốc hội nói.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ