Chủ tịch MWG hé lộ lợi nhuận quý I

Nhàđầutư
Lãnh đạo MWG cho biết doanh thu quý I đạt 31.500 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với việc chi phí được tiết giảm nhiều, lợi nhuận gấp nhiều lần cùng kỳ năm trước.
MỸ HÀ
13, Tháng 04, 2024 | 16:38

Nhàđầutư
Lãnh đạo MWG cho biết doanh thu quý I đạt 31.500 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với việc chi phí được tiết giảm nhiều, lợi nhuận gấp nhiều lần cùng kỳ năm trước.

MWG-hop

Ông Nguyễn Đức Tài (ngồi giữa) trả lời cổ đông. Ảnh: M.H

Quý đầu năm doanh thu tăng 17%

Chiều ngày 13/4, Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (mã: MWG) tổ chức họp ĐHCĐ thường niên 2024, cổ đông đã thông qua tất cả nội dung cuộc họp. Năm nay, lãnh đạo MWG đánh giá nền kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức do những diễn biến vĩ mô khó lường trên phạm vi toàn cầu. Dự kiến, nhu cầu mua sắm tiêu dùng nhìn chung đi ngang, thậm chí có thể giảm so với năm 2023 đối với một số mặt hàng không thiết yếu. Công ty lựa chọn thích nghi với bối cảnh kinh doanh đã và đang thay đổi, không đặt nhiều kỳ vọng vào việc sức mua hồi phục khả quan ở giai đoạn này.

Dù vậy, nhà bán lẻ vẫn đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng mạnh. Doanh thu 125.000 tỷ đồng, tăng 6%; lãi sau thuế 2.400 tỷ đồng, gấp 14,2 lần so với thực hiện 2023. Động lực đến từ nền tảng tài chính và kết quả tiến trình tái cấu trúc, tiết kiệm chi phí nhiều hơn. Bên cạnh đó, mặc dù thị trường chung xấu, MWG vẫn nhìn thấy nhiều cơ hội để gia tăng thêm trên dòng sản phẩm đang có để phục vụ khách hàng, đưa ra giải pháp tài chính tốt, chương trình khuyến mãi để kích cầu cùng dịch vụ giao nhận, lắp đặt.

Trong quý đầu năm, đại diện MWG chia sẻ doanh thu 31.500 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, chuỗi Thế Giới Di Động (TGDĐ, bao gồm Topzone) và Điện Máy Xanh (ĐMX) – bán lẻ các sản phẩm công nghệ và điện máy vẫn là trụ cột đóng góp 65% doanh thu, mang lại lợi nhuận chính. Chuỗi bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng Bách Hóa Xanh (BHX) dự kiến đóng góp 30% doanh thu, tăng trưởng 2 chữ số, gia tăng thị phần và bắt đầu mang lại lợi nhuận 2024.

Chuỗi bán lẻ dược phẩm – An Khang, bán lẻ mẹ và bé – Avakids được lên mục tiêu tăng trưởng doanh thu 2 chữ số và đạt điểm hòa vốn trong năm nay. Chuỗi bán lẻ sản phẩm công nghệ và điện máy tại Indonesia – EraBlue cũng được đặt mục tiêu tăng doanh thu 2 chữ số, gia tăng thị phần và trở thành chuỗi bán lẻ điện máy số 1 ở Indonesia trong năm nay.

Về kế hoạch mở rộng, trong vài năm tới, chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh không có kế hoạch mở rộng, thậm chí phải tối ưu mạng lưới. Các chuỗi chưa đem lại lợi nhuận như Bách Hóa Xanh, An Khang, Avakids, EraBlue sẽ được mở rộng có chọn lọc khi bước vào giai đoạn vận hành ổn định, có hiệu quả.

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT nhận xét năm 2024 là năm ổn. Bách Hóa Xanh bước vào giai đoạn mới, đem tiền về cho tập đoàn mẹ. TGDĐ và ĐMX cũng bước qua giai đoạn thay đổi lớn. Một khi TGDĐ và ĐMX giải quyết được điểm yếu, duy trì thị phần thì chỉ cần xoay chuyển một chút (thương lượng, tạo động lực mua hàng) lợi nhuận sẽ quay trở lại ngay.

“Trong quý I, lợi nhuận chắc chắn gấp rất nhiều lần cùng kỳ năm trước. Chính quyết định giảm giá để giữ thị phần là yếu tố tạo ra sự biến đổi ngoạn mục”, ông Tài nói.

Với các chuỗi khác, người đứng đầu doanh nghiệp bày tỏ An Khang là thách đố của tập đoàn, chưa tìm được mô hình kinh doanh đủ sức thu hút khách hàng. MWG có thể mất thêm vài tháng, hoặc thậm chí năm nay để tìm ra mô hình phù hợp. Tập đoàn đang có chiến lược để đẩy mạnh Avakids theo một hướng khác trở thành kênh online hàng đầu trong ngành hàng mẹ & bé, giải quyết vấn đề không có bà mẹ bỉm sữa nào sẵn sàng bỏ ra vài tiếng đồng hồ để ra cửa hàng mua sản phẩm cho con mình. Trong trường hợp hướng đi mới không hiệu quả, MWG sẵn lòng đóng Avakids.

Khi nào Bách Hóa Xanh lên sàn?

Trước thềm tổ chức họp ĐHCĐ thường niên 2024, MWG công bố hoàn tất chào bán 5% vốn Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghệ Bách Hóa Xanh (đơn vị vận hành chuỗi Bách Hóa Xanh). Đối tác mua là CDH Investments – công ty quản lý tài sản đến từ Trung Quốc.

Đại diện MWG cho biết đây là giao dịch phát hành cổ phần sơ cấp, dòng tiền đi vào công ty tài trợ cho vốn lưu động, kế hoạch mở rộng trong tương lai. Nhà đầu tư sau khi trở thành cổ đông không can thiệp vào quá trình vận hành và quyết định của doanh nghiệp. Nhà đầu tư ngoài hỗ trợ tài chính và sẽ tham gia hỗ trợ kết nối với các đối tác, nhà bán lẻ của họ cho Bách Hóa Xanh. Giá trị thương vụ không được tiết lộ do thuộc phạm vi bảo mật.

Điều cổ đông MWG quan tâm tiếp theo đó là khi nào Bách Hóa Xanh IPO. Chủ tịch HĐQT thông tin Bách Hóa Xanh không có kế hoạch gọi thêm vốn sau giao dịch bán 5%. Công ty đã bước sang giai đoạn không phải bù lỗ cho nên thời gian tới sẽ nỗ lực để phát triển đến quy mô đủ lớn và niêm yết trên sàn chứng khoán theo cam kết với cổ đông MWG và nhà đầu tư đã mua 5% vốn chuỗi Bách Hóa Xanh.

MWG phát triển chuỗi hàng tiêu dùng Bách Hóa Xanh từ 2015 và chưa năm nào có lãi; tổng lỗ lũy kế qua 8 năm đã lên mức 8.606 tỷ đồng. Riêng năm 2023, chuỗi lỗ 1.211 tỷ đồng, giảm 59% so với 2022. Ban lãnh đạo công bố chuỗi đã đạt điểm hòa vốn cấp độ công ty vào tháng 12/2023 và đặt mục tiêu năm nay có lãi, con số cụ thể không được đề cập.

Theo quy định, để đưa cổ phiếu lên niêm yết trên HNX hoặc HoSE, doanh nghiệp phải đảm bảo một số tiêu chuẩn như không có lỗ lũy kế tính đến thời điểm đăng ký niêm yết, ROE năm liền trước năm đăng ký niêm yết phải từ 5% trở lên. Trong khi đó, để đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM chỉ cần thỏa mãi điều kiện trở thành công ty đại chúng.

Giảm thời gian khóa cổ phiếu ESOP xuống 2 năm

Dù lợi nhuận MWG lao dốc mạnh năm 2023, ban lãnh đạo vẫn duy trì chính sách trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 5%, tương đương 500 đồng/cp.

HĐQT trình phương án ESOP 2024 với tỷ lệ phát hành tối đa 2% trên tổng số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm phát hành. Công ty thực hiện 110% kế hoạch lợi nhuận 2024 sẽ được phát hành 1%, cứ 1% lợi nhuận sau thuế vượt mức 110% kế hoạch thì tỷ lệ phát hành ESOP được cộng thêm 0,05%.

Ngoài ra, cổ phiếu ESOP bị khóa trong vòng 2 năm kể từ ngày phát hành giảm so với mức 4 năm ở các năm trước. Chủ tịch HĐQT bày tỏ qua quan sát các công ty khác chỉ khóa cổ phiếu ESOP từ 1 đến 2 năm. Đồng thời, việc giảm thời gian khóa ESOP từ 4 năm xuống 2 năm không gây tác động tiêu cực với công ty nhưng lại có giá trị đối với nhân viên.

Công ty sẽ dành ngân sách 100 tỷ trong năm nay để mua lại cổ phiếu, giảm vốn điều lệ. Ông Tài khẳng định đây là động thái tăng giá trị cho cổ đông, không trên góc độ đỡ giá cổ phiếu. Mỗi năm, công ty sẽ dành một phần lợi nhuận sau thuế để mua cổ phiếu quỹ trong năm sau. Do vậy, công ty sẽ thực hiện mua cổ phiếu quỹ bất chấp diễn biến giá cổ phiếu ra sao.

Thực tế thì hằng năm công ty vẫn có ngân sách để mua lại cổ phiếu từ nhân viên nghỉ việc. Trong năm 2023, MWG đã mua hơn 1,1 triệu cổ phiếu ESOP và ghi nhận giảm vốn điều lệ.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ