CEO Highlandbp: Thành công là làm được điều mình muốn

Nhàđầutư
Khởi nghiệp ở cái tuổi hơn 40, bà Nguyễn Thị Cẩm Hằng CEO Highlandbp cho rằng thành công theo định nghĩa của mình, không phải là phải đạt được mục tiêu to lớn A, B hay C, những mục tiêu định lượng, rõ ràng mà mình làm được cái mình muốn phù hợp với năng lực bản thân.
MỸ HÀ
19, Tháng 10, 2023 | 13:53

Nhàđầutư
Khởi nghiệp ở cái tuổi hơn 40, bà Nguyễn Thị Cẩm Hằng CEO Highlandbp cho rằng thành công theo định nghĩa của mình, không phải là phải đạt được mục tiêu to lớn A, B hay C, những mục tiêu định lượng, rõ ràng mà mình làm được cái mình muốn phù hợp với năng lực bản thân.

Ms-Cam-Hang1

Bà Nguyễn Thị Cẩm Hằng. Ảnh: NVCC.

Ở độ tuổi ngoài 40, bà Nguyễn Thị Cẩm Hằng, từ bỏ công việc ổn định ở một ngân hàng để thành lập Công ty cổ phần Cao nguyên Bình Phước (Highlandbp) – doanh nghiệp dùng gáo dừa khô để sản xuất than gáo dừa, loại than tự nhiên có khả năng sinh nhiệt cực tốt và không chứa thành phần khí độc hại ảnh hưởng sức khỏe con người.

Doanh nghiệp thành lập vào 2019, mới bắt đầu đi vào sản xuất thì gặp phải đại dịch COID-19, sau khi dịch kết thúc lại đối diện với suy thoái kinh tế. Trải qua nhiều biến cố nhưng CEO Highlandbp vẫn rất lạc quan, đương dầu thử thách với sự tự tin vào năng lực cũng như tiềm năng ngành nghề mình theo đuổi.

Dù chỉ gặp gỡ qua cuộc gọi ngắn giữa giờ nghỉ trưa nhưng những gì nữ CEO này chia sẻ khiến phóng viên Nhadautu.vn cảm thấy được truyền cảm hứng, tinh thần sẵn sàng trải nghiệm, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách và trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cố hết sức để vượt qua.

Thành công là làm được điều mình muốn phù hợp với năng lực bản thân

Bỏ công việc ổn định, lương cao ở ngân hàng, bán cả nhà để khởi nghiệp, điều hết sức mạo hiểm khi ở độ tuổi ngoài 40, động lực nào để bà dám thực hiện?

Bà Nguyễn Thị Cẩm Hằng: Bản thân tôi thấy điều đó hết sức bình thường. Mọi người ở ngoài nhìn vào có thể thấy mạo hiểm. Nhưng mình ở trong cuộc mới thấy, đến một thời điểm nào đó, như là “thiên thời địa lợi nhân hòa”, tự tin khả năng có thể làm được, tin tưởng rằng công việc mới sẽ đem đến niềm hạnh phúc, cảm xúc khác so với trước.

Khi làm sản xuất, tôi có nhiều vấn đề phải đối mặt để giải quyết hơn, qua đó tôi biết được giới hạn mình tới đâu, khám phá xem giới hạn của bản thân và chợt nhận ra mình chấp nhận được thì dấn thân thôi.

Vậy trải nghiệm khác biệt ở ngân hàng và khởi nghiệp ra sao?

Bà Nguyễn Thị Cẩm Hằng: Về nguyên tắc khác nhau rất rõ ràng. Khi làm ở ngân hàng, tôi ăn mặc phong cách, thời thường, có xe đưa rước, bên dưới toàn là nhân viên chuyên nghiệp, nói một hiểu mười. Còn khi khởi nghiệp, tôi làm việc ở xưởng, làm trực tiếp với công nhân chân lấm tay bùn, nói mười hiểu một, thậm chí không hiểu.

Làm ngân hàng đúng ngày đúng tháng nhận lương, cuối năm nhận thưởng. Nhưng làm chủ thì đúng ngày đúng tháng phải lo tiền có kịp về để trả lương không, thưởng tết như thế nào. Nếu công ty trả lương chậm hay thưởng không đủ đảm bảo cuộc sống công nhân thì rất áy náy.

Nhưng cảm xúc mang lại cũng khác biệt. Khi làm ngân hàng, mọi người tiếp xúc nhau vẫn có khoảng cách nhất định cho phù hợp với mục đích công việc. Còn ở xưởng, con người rất chân thật, cởi mở. Tôi cảm thấy rất vui, rất hạnh phúc vì mọi người kết nối, gắn bó. Ở ngân hàng cảm xúc được trau chuốt, chuẩn bị nhưng ở công ty do mình làm chủ thì cảm xúc chân thật.

Tôi cho rằng những trải nghiệm nào cũng tuyệt vời hết, nhưng tại thời điểm này, khi đã lớn tuổi thì tôi lại thích sự gần gũi, chân thật hơn.

san-pham-highlandbp

CEO Highlandbp tin vào tiềm năng sản phẩm than sạch, nguồn: Highlandbp

Bà có từng lo sợ mình không thành công không?

Bà Nguyễn Thị Cẩm Hằng: Tôi không nghĩ đến việc thành công hay không. Với tôi thành công không phải đem lại cho mình nhiều tiền hoặc mình làm việc gì đó mới để khẳng định năng lực. Mà thành công với bản thân tôi là thấy được năng lực của mình có thể làm được, thấy được tiềm năng của ngành này và nó phù hợp.

Nói đúng hơn, thành công theo định nghĩa của tôi, không phải là phải đạt được mục tiêu to lớn A, B hay C, những mục tiêu định lượng, rõ ràng mà mình làm được cái mình muốn phù hợp với năng lực bản thân.

Không ngại đương đầu thử thách

Như vậy bà không có áp lực gì hết, bà làm và hưởng thụ mọi thứ?

Bà Nguyễn Thị Cẩm Hằng: Đúng vậy, ngay cả thất bại, khó khăn tôi đều cảm thấy đương nhiên và ung dung giải quyết.

Điều gì khiến bà có những suy nghĩ lạc quan như vậy?

Bà Nguyễn Thị Cẩm Hằng: Đầu tiên, tôi thuộc tuýt người sống với hiện tại, tức là mình có năng lực gì, mình làm được gì thì sẽ sống hết mình với điều đó. Như trong thời niên thiếu, tôi cũng đã sống rất hết mình, trải qua những điều rất tuyệt vời và bây giờ nhìn lại thấy tự hào, những điều tôi đã trả qua không phải ai cũng được trải qua. Cho đến hiện tại, tôi vẫn sống như vậy, lối sống theo bản năng nhưng không phóng túng.

Chính vì sống như vậy nên với tôi mỗi ngày đều là trải nghiệm rất nhiều cung bậc, chuyện gì cũng đối đầu, cũng tham gia vào, tích lũy kiến thức và kinh nghiệm.

Đồng thời, trong cuộc đời tôi có 2 biến cố lớn. Thứ nhất là mất đứa con đầu lòng, tôi từng nghĩ mình không bao giờ vượt qua được và ám ảnh suốt đời. Song, sau khi sự việc xảy ra, tôi ngồi lại và suy nghĩ sự việc xảy ra không ai muốn, mình đã cố gắng hết sức rồi, duyên phận không có, chỉ cần sống tử tế ông trời sẽ bù đắp lại. Sau đó, trời thương và cho tôi một đứa con khác.

Biến cố thứ 2 là đứa con thứ 2 của tôi rơi vào tình trạng thập tử nhất sinh, bé mới 5 tháng tuổi bị tay chân miệng, biến chứng viêm màng não và bị hôn mê thời gian dài. Tôi đã cố gắng hết sức, thử mọi cách cũng may ông trời thương bé vượt qua được. Tôi đã trải qua cảm xúc thăng hoa, kiểu từ đáy vực mà lên đỉnh cao.

Qua biến cố đó, tôi cảm thấy không có điều gì có thể làm tôi gục ngã được. Khó khăn nhất đã vượt qua, tài sản quý giá nhất cuộc đời, hơi thở của mình đã giữ được thì không gì không thể vượt qua được nữa. Nhờ đó, tôi luôn tâm niệm rằng mọi chuyện rồi cũng có hướng giải quyết, còn không được nữa thì số phận đã an bài, đành chấp nhận thôi.

Phải tìm cách tồn tại trước rồi mới tính đến phát triển

Trở lại với Highlandbp, trải qua liên tiếp khó khăn, dịch bệnh, suy thoái kinh tế, lạm phát và lãi suất lên cao, công ty đã đối mặt ra sao?

Bà Nguyễn Thị Cẩm Hằng: Khi xây dựng Highlandbp, tôi trải qua rất nhiều bất lợi. Công ty bắt đầu hoạt động vào 2020 thì dịch bệnh bùng phát. Dù vậy, tôi vẫn quyết định làm theo kế hoạch vì mọi việc đã được chuẩn bị hết. Nhờ có thị trường trước rồi nên ban đầu công ty làm để duy trì khách hàng, để máy vẫn chạy là chủ yếu. Thời điểm đó giá cước tàu lên rất, rất cao, công ty chấp nhận hòa vốn hoặc lỗ để lấy đơn hàng, có khách hàng.

Dịch vừa được kiểm soát, công ty đối diện với khủng hoảng kinh tế, nhà cung cấp nguyên liệu đẩy giá lên, tiêu thụ chững lại. Tôi chủ trương không phát triển nữa, chấp nhận mức tối thiểu để duy trì. Thay vì xấu nhiều, xấu ít hay không xấu thì tôi chọn giải pháp cái nào tổn hại ít nhất và đem về kết quả chấp nhận. Tôi xác định phải tìm cách tồn tại trước rồi mới tính đến phát triển.

highlandbp

Khuôn viên nhà xưởng Highlandbp tại Bình Phước, nguồn: Highlandbp

Bà có thể chia sẻ cách doanh nghiệp sinh tồn?

Bà Nguyễn Thị Cẩm Hằng: Trước đây, công ty dự định mở rộng ra một số thị trường có biên lợi nhuận tốt hơn. Song, trong lúc khó khăn, tôi chọn khoan tham gia mà duy trì thị trường hiện có, để khách hàng chấp nhận câu chuyện giá cả phù hợp nhu cầu.

Cùng với đó, thay vì xuất khẩu, công ty tham gia vào thị trường trong nước. Người tiêu dùng trong nước bắt đầu quan tâm đến sản phẩm thân thiện môi trường, không tổn hại sức khỏe trong đó có sản phẩm của công ty (than sạch - phế phẩm nông nghiệp). Mặc dù nguồn thu không lớn do tham gia trễ hơn các đơn vị khác nhưng cũng góp thêm nguồn thu để duy trì sản xuất.

Đồng thời, công ty cũng tìm mọi cách để tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản phẩm. Như, chúng tôi kiếm nhà cung cấp có mức giá cạnh tranh hơn, tăng năng lực lao động của công nhân lên, giữ lực lượng lao động làm lâu năm, tay nghề đã thành thạo thay vì tuyển người mới có tay nghề kém, năng suất lao động thấp cần được đào tạo.

Nâng cao năng lực bán hàng, bên cạnh bán cho nhà bán sỉ hay thương mại thì chúng tôi tìm đến nhiều kênh phân phối thương mại điện tử như Alibaba, Lazada, Shopee, Facebook…

Nhìn chung, "cái khó ló cái khôn", tôi kết hợp nhiều giải pháp để công ty tồn tại và vượt qua giai đoạn khó lường hiện nay.

Mặc dù nói năm nay chỉ duy trì nhưng tôi đánh giá công ty không đi lùi hay không tăng so với năm trước mà duy trì ở mức độ chuyên sâu. Vì năm nay công ty phát triển thêm được khách hàng, cải thiện năng suất lao động, cải thiện giá thành.

Lãi suất tăng cao, công ty giải quyết áp lực ra sao?

Bà Nguyễn Thị Cẩm Hằng: Công ty dùng đòn bẩy tài chính nên thực sự gặp áp lực lớn khi lãi suất tăng cao. Tôi dùng biện pháp là huy động vốn từ người thân quen, hiểu và có lòng tin năng lực của tôi. Công ty vay USD lãi suất thấp hơn VND cũng đỡ áp lực phần nào. Tuy nhiên, 3 tháng trở lại đây tỷ giá tăng mạnh khiến cho phần chênh lệch lãi suất bị triệt tiêu.

Ở địa phương (Bình Phước) có gói tài trợ dành cho doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp mới hoạt động. Mặc dù nguồn lực không nhiều và thường xuyên nhưng cũng giúp công ty tôi giải tỏa phần nào áp lực.

Bà đánh giá triển vọng kinh tế sắp tới như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Cẩm Hằng: Nền kinh tế hiện nay quá khó lường. Mọi người rất kỳ vọng quý IV ổn định và qua quý I năm sau phát triển. Tuy nhiên, xung đột Israel và Hamas diễn ra mới đây, nguy cơ lan rộng ra ảnh hưởng đến giá dầu, khiến giá thành của nhiều ngành sản xuất tăng lên, kéo theo sức mua giảm. Những ngành sản xuất sản phẩm thiết yếu như gạo, dầu, than… sẽ ít bị ảnh hưởng. Người tiêu dùng có thể cắt giảm nhưng vẫn phải duy trì một lượng nhất định để sử dụng.

Nền kinh tế hiện nay là nền kinh tế tuần hoàn, có sự liên kết chặt chẽ và ảnh hưởng lên nhau. Ví dụ như logistics, khi hàng “ế”, các đơn vị vận chuyển thay vì tổ chức 10 chuyến hàng mỗi tuần thì cắt xuống 5 chuyến. Điều này ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng, công ty có thể mất 20 ngày giao hàng thay vì 10 ngày như bình thường, vòng quay vốn dài thêm, chi phí vốn cao hơn.

Mặt khác, thời điểm gần hết năm, doanh nghiệp càng co lại hơn, tâm lý ngủ đông chờ qua năm khởi sắc hơn. Tôi cho rằng nếu khởi sắc phải đến quý II/2024. Trong bối cảnh đó, những doanh nghiệp vốn không dài sẽ bị hụt hơi. Với một nền kinh tế gắn chặt với nhau như hiện nay thì một doanh nghiệp hụt hơi sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp khác. Câu “một con ngựa đau một tàu bỏ cỏ” rất đúng cho tình huống bây giờ.

ms-cam-hang2

Biết bản thân đang có gì, làm được gì và tự tin cái mình đang có. Ảnh: NVCC.

Cảm thấy phù hợp hãy cứ dấn thân

Bà có thể chia sẻ một chút về bản thân, như cách bà cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp?

Bà Nguyễn Thị Cẩm Hằng: Tôi cho rằng thay vì phân ra gia đình và công việc sao không hòa làm một. Sao cần phải phân ra? Sắp xếp là do mình. Người phụ nữ cũng như đàn ông đều phải chia sẻ để cân đối giữa lo cho gia đình và phát triển sự nghiệp.

Đây là vấn đề thuộc về tư duy, thay đổi định kiến (PV - đàn ông ra ngoài làm việc lo sự nghiệp, phụ nữ chăm gia đình). Tôi thấy cần thay đổi, chúng ta cần lên tiếng, dù không thể cổ vũ cộng đồng nhưng chúng ta thay đổi từ chính gia đình mình. Ví dụ như tôi có con gái, tôi dạy cho nó hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ để cân bằng, con trai tôi dạy cho cách chia sẻ công việc với người phụ nữ trong gia đình. Chỉ với những hành động nhỏ nhặt, theo tôi sẽ có tác động lớn, thay đổi trong gia đình mình để từ đó xã hội thay đổi theo.

Từ bỏ sự ổn định để khởi nghiệp ở tuổi 40, bà có lời khuyên gì cho những người phụ nữ ngoài 30 chênh vênh với công việc?

Bà Nguyễn Thị Cẩm Hằng: Sao không nghĩ gừng càng già càng cay. Đừng biến tuổi tác thành bất lợi. Tôi đánh giá phụ nữ ngoài 30 có lợi thế là kinh nghiệm và có độ đằm. Gen Z hay phụ nữ trước 30 gặp biến cố gì đều dễ tung hê, sẵn sàng từ bỏ do họ nghĩ rằng có thời gian rất dài để làm lại. Còn phụ nữ trên 30 thì bền bỉ hơn, họ sẽ tìm cách để giải quyết và qua đó hình thành kỹ năng xử lý khó khăn.

Ngoài ra, phụ nữ sau 30 đã qua giai đoạn xây dựng gia đình, sinh con và sẵn sàng để cống hiến cho công ty. Đó là những lợi thế của phụ nữ sau 30 trong mắt nhà tuyển dụng.

Ngoài ra, nếu không muốn bó buộc ở một tổ chức, thế hệ phụ nữ sau 30 bây giờ có nhiều cơ hội để làm hơn thời của tôi rất nhiều. Họ có thể mở công việc kinh doanh cho riêng mình bằng cách tận dụng công nghệ như bán hàng online, quản lý giao hàng, quản lý trang web, sáng tạo nội dung…

Tôi muốn khuyên những người phụ nữ ngoài 30 rằng có rất nhiều cơ hội để làm việc, cảm thấy phù hợp với công việc nào hãy dấn thân, không nên chờ phải có điều kiện này, điều kiện kia mới bắt đầu mà bỏ lỡ cơ hội. Biết bản thân đang có cái gì, làm được gì và tự tin trên cái mình đang có.

Xin cảm ơn bà!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ