Cần thẳng thắn với 'lỗ hổng' năng lượng tái tạo

Nhàđầutư
Thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài là cần thiết, khi mà nguồn lực trong nước còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên trong chiến lược phát triển năng lượng tái tạo cần đặt đúng vai trò của an ninh quốc gia, gồm cả an ninh năng lượng, an ninh quốc phòng và an ninh môi trường.
XUÂN TIÊN
18, Tháng 06, 2020 | 07:00

Nhàđầutư
Thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài là cần thiết, khi mà nguồn lực trong nước còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên trong chiến lược phát triển năng lượng tái tạo cần đặt đúng vai trò của an ninh quốc gia, gồm cả an ninh năng lượng, an ninh quốc phòng và an ninh môi trường.

solar

Không như nhiệt điện, điện gió và điện mặt trời sử dụng quỹ đất rất lớn. Nếu không quản lý tốt, đây sẽ là một quy cơ tiềm tàng đối với an ninh quốc gia. 

Mời đọc trước:

Bài 1: Bí ẩn ông chủ nhà máy điện gió lớn nhất Việt Nam

Bài 2: Xin dự án điện mặt trời rồi...bán cho Trung Quốc

Bài 3: Thủ tướng chỉ đạo làm rõ vấn đề Tạp chí Nhà đầu tư nêu về phát triển năng lượng tái tạo

Hai văn bản của Thủ tướng

Như Nhadautu.vn đã đưa tin, Văn phòng Chính phủ ngày 14/5 có Công văn số 3778/VPCP-CN về việc thông tin của Tạp chí Nhà đầu tư phản ánh lỗ hổng trong giao nhà đầu tư các dự án năng lượng tái tạo. Cụ thể, vào ngày 8/5/2020, Tạp chí Nhà đầu tư đã có nội dung phản ảnh về cơ chế “xin-cho” đang là một lỗ hổng lớn trong thực tế phát triển năng lượng tái tạo. Theo đó, nhiều nhà đầu tư yếu kém về năng lực vẫn giành được những dự án quy mô lớn, rồi nhanh chóng sang tay cho nhà đầu tư ngoại kiếm lời, trong đó có các doanh nghiệp Trung Quốc.

Tới thời điểm hiện tại, Tạp chí Nhà đầu tư/ Nhadautu.vn chưa nhận được thông tin chính thức từ Bộ Công thương. Tuy nhiên đơn vị này thông qua một số cơ quan truyền thông cho rằng việc doanh nghiệp nội bán dự án điện mặt trời cho nước ngoài, trong đó có Trung Quốc là "hoạt động bình thường".

"Việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư là hoạt động bình thường trong cơ chế thị trường và được quy định trong Luật Đầu tư", Bộ Công Thương nhấn mạnh và nêu quan điểm việc nhà đầu tư nước ngoài thông qua các nhà đầu tư trong nước để tham gia các dự án đầu tư là tín hiệu tốt trong việc thu hút đầu tư đối với ngành điện.

Giải thích lý do các tập đoàn năng lượng lớn trên thế giới ít khi trực tiếp đi phát triển dự án, Bộ Công Thương cho hay đây là cách để các tập đoàn nước ngoài tránh, giảm các rủi ro, thời gian và chi phí ở giai đoạn phát triển dự án như đền bù giải phóng mặt bằng, xin phê duyệt của chính quyền, đối tác địa phương, trung ương. Trong khi đó, đây lại là thế mạnh của các nhà đầu tư trong nước. Việc kết hợp giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn cho dự án và cho nhà đầu tư.

Không rõ những nội dung này có được Bộ Công thương báo cáo lên Thủ tướng hay không. Tuy nhiên diễn biến đáng chú ý là chỉ cách đây chừng một tuần, Thủ tướng tiếp tục có công văn gửi Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Công thương yêu cầu làm rõ phản ánh của báo chí về thông tin một tập đoàn trong nước bán 4 dự án điện mặt trời tại biên giới Campuchia cho nước ngoài, đồng thời nghiên cứu, đề xuất giải pháp quản lý phù hợp đảm bảo an ninh quốc gia và an ninh năng lượng.

Hai công văn chỉ đạo trong thời gian ngắn cho thấy người đứng đầu Chính phủ đang rất quan tâm đến vấn đề năng lượng tái tạo. Quá trình phát triển nóng kể từ Quy hoạch điện VII bổ sung năm 2016, bên cạnh mặt tích cực, thì đã và đang để lại những hệ luỵ không nhỏ. Mà nếu không thẳng thắn thừa nhận, rất khó để có một cách tiếp cận hợp lý nhất khi mà qua "sóng" điện mặt trời sẽ là điện gió và điện khí LNG.

Cần đặt đúng vai trò an ninh quốc gia

Chưa rõ Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng như thế nào về vấn đề cơ chế "xin cho" dự án năng lượng tái tạo. Vì sao nhiều nhà đầu tư năng lực rất hạn chế, song vẫn xin được dự án để rồi hoàn tất thủ tục pháp lý và bán cho nước ngoài kiếm lời?

Việc quản lý còn nhiều bất cập của Bộ Công thương đặt ra hai đầu mục: Đầu tiên, chi phí trung gian nếu được loại bỏ sẽ tạo tiền để để giảm giá điện, hoặc bớt đi gánh nặng bao tiêu cho EVN; thứ hai, bản chất nhà đầu tư là tìm kiếm lợi nhuận, nên miễn ai mua giá cao là họ bán, không quan trọng bên mua đến từ đâu, dẫn đến nguy cơ đối với an ninh quốc gia, gồm an ninh năng lượng, an ninh môi trường và an ninh quốc phòng. 

Thực tế là với tiềm năng rất lớn, nhiều nhà đầu tư quốc tế, cả từ châu Á và Phương Tây bày tỏ sự quan tâm tới các dự án năng lượng của Việt Nam. Tuy nhiên, những nhà đầu tư "nhiệt tình" hơn cả chắc hẳn không ai ngoài Trung Quốc. Các tập đoàn Trung Quốc đang đứng chủ nhiều dự án năng lượng quy mô rất lớn, đặc biệt trong lĩnh vực nhiệt điện, và là nhà thầu quen mặt trong hàng loạt các dự án năng lượng lớn nhỏ ở Việt Nam.

Với năng lượng mặt trời, các doanh nghiệp Trung Quốc "một mình một ngựa" tại thị trường cung cấp tấm pin ở Việt Nam. Lợi thế tuyệt đối của họ là chi phí rất rẻ, tuy nhiên về công nghệ và chất lượng thì không khỏi dẫn tới quan ngại "tiền nào của nấy". Việc ban hành hệ thống quy chuẩn và áp dụng quy chuẩn trên thực tế có đủ khắt khe để sàng lọc công nghệ đời cũ, lạc hậu vẫn là dấu hỏi. Hệ luỵ của tấm pin mặt trời đối với môi trường là rất lớn, đã được thế giới cảnh báo từ lâu. Ở Việt Nam, bởi xu hướng làm điện mặt trời mới bắt đầu chừng 3-4 năm trở lại, chưa hết vòng đời tấm pin nên những tác hại chưa bộc lộ. Cần lưu ý rằng áp lực nâng cao chất lượng hàng hoá của Trung Quốc nhằm đáp ứng tiêu chuẩn của Phương Tây dẫn đến nhu cầu thải loại công nghệ cũ là không nhỏ. 

Về an ninh năng lượng, trên thực tế, với mục tiêu đảm bảo đủ nguồn phát, Việt Nam trước nay luôn mở cửa chào đón nhà đầu tư ngoại. Bởi vậy không có quy định về hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên trong bối cảnh nhu cầu về năng lượng của Việt Nam ở trung và dài hạn tiếp tục tăng cao, việc cân đối, tránh để một quốc gia khác nắm tỷ phần quá lớn trong lĩnh vực năng lượng là vấn đề cần đặt ra. Như đã biết, sông Đà - con sông cung cấp 3 nhà máy thủy điện quan trọng nhất của nước ta là Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình - có hơn một nửa lưu vực về phía thượng nguồn nằm trên đất Trung Quốc.  Trung Quốc hiện cũng là nhà đầu tư số 1 trong lĩnh vực nhiệt điện ở Việt Nam, và tới đây không loại trừ là mảng năng lượng tái tạo. Ở một ví dụ điển hình, dư luận Philipines vừa qua nóng lên câu chuyện an ninh năng lượng khi Trung Quốc tham gia sâu vào hệ thống truyền tải điện của quốc gia nay. Lo ngại lên đến mức độ "cả đất nước Philipines có thể chìm trong bóng tối chỉ cần một cú ngắt mạch của kỹ sư Bắc Kinh".

Với an ninh quốc phòng, khác nhiệt điện, các dự án năng lượng tái tạo sử dụng diện tích đất/biển rất lớn, từ vài chục đến hàng nghìn, thậm chí nhiều chục nghìn ha. Có những dự án được lập ở vùng nhạy cảm như biên giới, cửa biển và cấp đất/biển trong suốt hàng chục năm trời rõ ràng là nguy cơ đối với an ninh quốc phòng. Trong khi đó, việc cấp phép dự án dễ dãi và chưa có các điều kiện hạn chế chuyển nhượng dự án/ cổ phần dự án ở các địa phương nhạy cảm rõ ràng là lỗ hổng cần vá sớm nhất có thể.

Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE), các quốc gia trên thế giới đang ngày càng gắn liền phát triển năng lượng với an ninh quốc phòng. Với Việt Nam, nguy cơ còn lớn hơn bội phần khi Biển Đông chưa bao giờ "lặng sóng". Bởi vậy, phải tỉnh táo trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư. Các dự án phải tuân theo tiêu chí an ninh quốc phòng của từng địa phương.

"Trước đây Ban Bí thư đã có chỉ thị rất rõ ràng về nơi nào được đưa nhà đầu tư nước ngoài đến, nơi nào bị cấm. Nay cũng phải như vậy. Cần định danh cụ thể, làm rõ dự án nào thì người nước ngoài được tham gia và tham gia bao nhiêu phần trăm, dự án nào cần đảm bảo quyền kiểm soát của Việt Nam. Việc núp bóng nước ngoài là vấn đề hiện hữu, nhức nhối. Tuy nhiên tôi cho rằng nếu làm quyết liệt, chúng ta hoàn toàn làm được để đảm bảo an ninh quốc phòng", GS.TSKH Nguyễn Mại bày tỏ quan điểm, ông nhấn mạnh thêm rằng các quy định này cần được đưa vào văn bản quy phạm pháp luật cấp Nghị định, căn cứ trên các luật hiện hành. Nghị định này không sợ vi phạm cam kết WTO hay các FTA, nếu được xây dựng công khai, minh bạch sẽ là cơ sơ quan trọng để thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước, hạn chế tối đa tình trạng xin cho, thiếu kiểm soát chất lượng nhà đầu tư như hiện nay.

Người Trung Quốc và đất Việt Nam

Trong một báo cáo mới đây của Bộ Quốc phòng, tính tới ngày 30/11/2019, các doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng đất Việt Nam với tổng diện tích 162.467,7ha, trong đó có 943,7ha thuộc khu vực biên giới đất liền và 5.393,7ha khu vực biên giới biển, kể cả mặt biển. Riêng tại Đà Nẵng, giai đoạn 2011-2015  có 134 lô đất, 1 thửa đất liên quan đến cá nhân, doanh nghiệp người Trung Quốc sở hữu, "núp bóng" sở hữu và thuê đất. Hầu hết các lô đất thuộc "sở hữu" của người Trung Quốc đều ở vị trí các đường lớn, ven biển, đắc địa cho hoạt động kinh doanh và có ý nghĩa quan trọng trong khu vực phòng thủ. Vì thế, theo Bộ Quốc phòng, cử tri và dư luận xã hội lo ngại về việc Đà Nẵng cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho người Trung Quốc là có cơ sở.

Trước thực trạng này, Bộ Quốc phòng đã báo cáo và đề xuất Chính phủ 2 việc.

Thứ nhất, chỉ đạo các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố rà soát đánh giá tổng thể các dự án đầu tư của nước ngoài, nhất là dự án liên quan đến Trung Quốc tại khu vực biên giới, biển, đảo có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh; kịp thời phát hiện, điều chỉnh những bất cập của luật Đầu tư, luật Đất đai và cơ chế quản lý, cấp phép các hoạt động đầu tư nhằm hạn chế sơ hở không để cá nhân, doanh nghiệp Trung Quốc lợi dụng hoạt động.

Thứ hai, chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác nắm tình hình, phối hợp với công an rà soát các hoạt động của người Trung Quốc ở địa bàn đơn vị đảm nhiệm; chú ý các hoạt động lợi dụng vỏ bọc đầu tư, liên kết, núp bóng để hoạt động chống phá; kịp thời phát hiện báo cáo Bộ Quốc phòng tham mưu với Chính phủ chỉ đạo xử lý, ngăn chặn.

Mời đọc thêm chùm bài viết về năng lượng tái tạo của Nhadautu.vn:

Thương vụ '1 vốn 7 lời' ở Bình Phước?

Hệ sinh thái kinh doanh nghìn tỷ của Á hậu Châu Mộng Như

Cách đại gia Thái 'gom' dự án năng lượng ở Việt Nam

Hình bóng kiến trúc sư Lưu Hướng Dương ở dự án điện gió 4.900 tỷ tại Hà Tĩnh

Chờ đợi gì ở Quy hoạch điện 8?

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ