[Café cuối tuần] Chờ đợi gì ở Quy hoạch điện 8?

Nhàđầutư
Bối cảnh thay đổi rất nhanh cả ở trong và ngoài nước là một lý do, song không thể phủ nhận công tác xây dựng quy hoạch điện ở nước ta vẫn còn yếu. Quy hoạch điện 8 với tinh thần chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 55 được kỳ vọng sẽ hạn chế tối đa các lỗ hổng.
XUÂN TIÊN
16, Tháng 05, 2020 | 09:36

Nhàđầutư
Bối cảnh thay đổi rất nhanh cả ở trong và ngoài nước là một lý do, song không thể phủ nhận công tác xây dựng quy hoạch điện ở nước ta vẫn còn yếu. Quy hoạch điện 8 với tinh thần chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 55 được kỳ vọng sẽ hạn chế tối đa các lỗ hổng.

unnamed (1)

Ảnh minh hoạ

Quy hoạch điện 7 (QHĐ7) sắp sửa hoàn thành sứ mệnh của mình. Bên cạnh những kết quả tích cực, thì mổ xẻ, phân tích những điểm chưa đạt, còn yếu sẽ là tiền đề để xây dựng QHĐ8 một cách bài bản, có tính áp dụng cao.

Tất nhiên, việc này đã và đang được tiến hành, sau khi Thủ tướng Chính phủ tháng 10/2019 có Quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập QHĐ8, hoàn tất trong 12 tháng. Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị vừa ban hành tháng 2/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là cơ sở quan trọng cho quá trình xây dựng quy hoạch hiện đang được tiến hành. 

QHĐ8 hướng tới phát triển đa dạng các loại hình năng lượng điện, trong đó ưu tiên, khuyến khích năng lượng tái tạo, thật ra, cũng là phương hướng chủ đạo trong nửa sau QHĐ7, hay nói chính xác hơn là QHĐ7 bổ sung năm 2016.

QHĐ7 được ban hành năm 2011, xác định vai trò chủ đạo của nhiệt điện than, chiếm tới hơn 50% tổng công suất phát điện đến năm 2030. Tuy nhiên lo ngại ô nhiễm môi trường cùng diễn biến chậm tiến độ, thậm chí có dự án trọng điểm vướng vào vụ án hình sự khiến vai trò của nhiệt điện ngày càng giảm dần, dù vẫn rất quan trọng.

Trong bối cảnh đó, QHĐ7 điều chỉnh năm 2016 đã mở ra cánh cửa thênh thang cho năng lượng tái tạo, giúp cả trăm nhà máy mới dồn dập đi vào vận hành, đóng góp ngày càng quan trọng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, thực tế là hiện trạng phát triển năng lượng điện hiện nay đã đi chệch khá xa so với tầm nhìn của QHĐ7 điều chỉnh, đặt ra một băn khoăn lớn về công tác lập quy hoạch. 

Bản thân QHĐ7 điều chỉnh cũng đã bộc lộ rất nhiều lỗ hổng, chắc chắn phải được hàn gắn trong QHĐ8. Vậy, đó là gì?

Đầu tiên là truyền tải điện. Gần một năm kể từ khi kết thúc thời hạn 30/6/2019 để nhận giá ưu đãi (cao nhất 9,35UScent/kwh), hiện một tỷ lệ lớn các nhà máy đang không vận hành được tối đa công suất (trên dưới 60%). Nguyên nhân được đưa ra là do quá tải đường dây. Tuy nhiên phải làm rõ rằng tất cả các dự án hụt công suất là bởi "chen chúc" nhau trong các đường dây 110KV, còn với các đường dây 220KV và 500KV thì dư địa còn rất nhiều. Tất nhiên với cấu trúc xương cá của hệ thống truyền tải điện của Việt Nam, không phải dự án nào cũng có thể đặt gần điểm nối với đường dây 220KV và 500KV.

Tổng công ty Truyền tải điện (EVNNPT) hiện quản lý các đường dây 220KV và 500KV, còn đường dây 110KV thuộc trách nhiệm của các tổng công ty điện lực. Dù ngành điện đã có nhiều giải pháp để nâng công suất truyền tải, song sự khác biệt về cơ quan quản lý là một khó khăn cần giải quyết trong QHĐ8.

Xã hội hoá đầu tư truyền tải điện cũng là một chủ đề cần bàn luận. Đơn vị phụ trách hệ thống xương sống - EVNNPT hiện hoạt động theo mô hình doanh nghiệp công ích, với tỷ lệ ROE chỉ một vài phần trăm, rõ ràng không hấp dẫn nhà đầu tư. Theo các quyết định khuyến khích đầu tư điện mặt trời, điện gió của Thủ tướng thì nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm xây dựng hệ thống đường dây từ nhà máy tới điểm đấu nối với lưới điện. Như vậy việc đầu tư này hiện nay trên thực tế đã được thực hiện bởi tư nhân.

Nhưng vấn đề là hệ thống đường dây này do ai quản lý? Các chủ đầu tư dự án tất nhiên là muốn nhà nước quản lý, thậm chí bàn giao với giá "0 đồng", tuy nhiên các doanh nghiệp truyền tải điện như EVNNPT lại bày tỏ lo ngại về chất lượng thiết bị, chi phí vận hành, bảo dưỡng, thậm chí là trách nhiệm vì không kiểm soát được từ giai đoạn xây dựng. 

Thứ hai là về giá điện. Giá điện gió và mặt trời hiện đều đang được áp dụng ưu đãi nhằm khuyến khích đầu tư. Nhà nước, thông qua EVN sẽ bao tiêu đầu ra của các nhà máy với mức giá cố định. Kết quả là hiện tượng xin dự án rồi bán lại cho nhà đầu tư ngoại nở rộ. Nguồn vốn khổng lồ nước ngoài với lãi suất rất thấp rõ ràng có ưu thế tuyệt đối so với dòng vốn của các nhà đầu tư nội, vốn chịu sự phụ thuộc vào các ngân hàng với lãi suất lên tới hai con số.

Việc này, cộng với bản chất giá điện ở mức hấp dẫn khiến cả trăm dự án đang xếp hàng chờ xin vào QHĐ8. Sự phát triển năng lượng tái tạo nóng đến nỗi Thủ tướng Chính phủ cách đây ít lâu đã phải có chỉ đạo gửi Bộ Công thương, bày tỏ lo ngại về hiện tượng này.

Việc áp dụng giá FIT hiện nay, bên cạnh động lực khuyến khích nhà đầu tư, thì cũng dẫn tới hệ luỵ đó là các doanh nghiệp bị ép giá khi tìm mua thiết bị từ nước ngoài, đặc biệt là điện gió, khi họ phải mua thiết bị của các nhà cung cấp kém tên tuổi, chất lượng chưa được kiểm chứng để kịp thời hạn hưởng ưu đãi giá điện.

Mà muốn bỏ giá FIT thì phải áp dụng đấu thầu, rõ nhất là đấu thầu giá điện. Tiến hành đấu thầu quốc tế một cách minh bạch, loại bỏ các lớp trung gian sẽ giúp giá điện kéo xuống mức thấp nhất có thể. Đương nhiên, đó là kịch bản hoàn hảo nhất, đi kèm với một loạt các điều kiện ở mức lý tưởng, chẳng hạn cần quy hoạch rõ ràng, cụ thể vị trí từng nhà máy, có mặt bằng sạch, có hệ thống truyền tải điện sẵn, công suất gió/ năng lượng mặt trời đủ hấp dẫn, và cách thức đo đạc và thẩm định nhận được sự tin tưởng của nhà đầu tư...

Để làm được điều này là không hề dễ dàng với năng lực trong nước hiện nay, tuy nhiên đó là cái đích cần hướng đến trong dài hạn. Thực tế, tất cả các dự án năng lượng tái tạo đều được chỉ định, theo công thức nhà đầu tư gom đất, rồi đi xin dự án. Nhưng với điện gió trên biển thì sao? Vấn đề quy hoạch cũng như luật pháp liên quan gần như chưa quy định sẽ là một lực cản rất lớn nếu muốn hướng tới một thị trường minh bạch và khuyến khích phát triển.

Tiếp tới là nguồn vốn và an ninh quốc giaTheo tính toán của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), với nhu cầu điện tăng tối thiểu 8%/năm, Việt Nam cần được đầu tư từ 8-12 tỷ USD mỗi năm từ nay đến 2030. Con số này, nếu khối doanh nghiệp nhà nước không triển khai, thì cũng rất khó để các nhà đầu tư trong nước tiêu hoá hết, mà nói thẳng đằng, phần nhiều sẽ thuộc về các nhà đầu tư ngoại, với ưu thế, như đã phân tích, có nguồn vốn rất rẻ.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài là rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh nguồn vốn trong nước hạn chế. Tuy nhiên, năng lượng là một lĩnh vực đặc thù, không chỉ vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng, mà còn là an ninh quốc phòng. Có dự án điện mặt trời hàng trăm ha nằm cạnh biên giới, dự án điện gió đề xuất hàng chục nghìn ha án ngữ bờ biển, rõ ràng không thể tránh khỏi lo ngại nếu về tay nước ngoài.

Vậy thì, làm sao để vừa thu hút được vốn ngoại, lại đồng thời đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng, an ninh quốc phòng là một bài toán đặt ra, mà yêu cầu phải duy trì tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nội trong các dự án có chăng là một giải pháp nên cân nhắc.

Bài toán môi trường

Việt Nam đang ở giai đoạn sơ khai trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đi sau những nước khác cả chục năm. Những hậu quả bởi vậy cũng chưa phát tác, đặc biệt là với các dự án năng lượng mặt trời. Tấm pin năng lượng mặt trời chứa chì, cadmium, thuỷ ngân và nhiều hoá chất độc hại là mối nguy hiểm tiềm tàng khi bị loại bỏ, thường là theo vòng đời dự án (20 năm). Tại nhiều nước trên thế giới, tái chế pin mặt trời đã trở thành quy định bắt buộc, trong khi ở Việt Nam còn rất mơ hồ, gần như chỉ có cách xử lý là chôn lấp như rác thải công nghệ, tác động nguy hại đến chất lượng đất và nguồn nước. Để đẩy mạnh phát triển năng lượng điện mặt trời cần đi kèm với quy hoạch cũng như khuyến khích đầu tư các nhà máy xử lý tấm pin.

Bên cạnh đó, cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng thiết bị, đặc biệt là tấm pin mặt trời, loại bỏ những mẫu mã kém chất lượng, vòng đời thấp.

Với điện gió, nhìn chung ảnh hưởng tới môi trường có phần "vô hình" hơn, song cũng cần cân nhắc trong quy hoạch từng khu vực, khi đây là nguồn ô nhiễm tiếng ồn rất lớn, quá trình xây dựng cũng như vận hành nhà máy trên biển có thể ảnh hưởng lớn tới hệ sinh thái biển.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ