Cần có sự đột phá trong tư duy để phát triển kinh tế ven biển miền Trung

Nhàđầutư
Chuyên gia cho rằng, để phát triển các khu kinh tế ven biển miền Trung trong thời gian tới, cần có sự đột phá trong tư duy phát triển với những sáng tạo và "cách làm mới" trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.
THÀNH VÂN
08, Tháng 12, 2023 | 06:54

Nhàđầutư
Chuyên gia cho rằng, để phát triển các khu kinh tế ven biển miền Trung trong thời gian tới, cần có sự đột phá trong tư duy phát triển với những sáng tạo và "cách làm mới" trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Vẫn còn nhiều "điểm nghẽn"

Vùng ven biển miền Trung trải dài trên địa bàn 14 tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận với bờ biển dài gần 2.000 km, đang có 11 khu kinh tế (KKT) vùng biển và ven biển. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, hoạt động của các KKT ven biển miền Trung vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế.

TS. Hoàng Hồng Hiệp, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung bộ cho biết, khung thể chế và mô hình phát triển KKT ven biển còn chưa hoàn thiện. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng bên trong và bên ngoài KKT vẫn chưa được đầu tư đồng bộ, tính kết nối giữa các KKT ven biển với các trung tâm kinh tế Vùng còn nhiều hạn chế.

Đáng chú ý, các KKT miền Trung đang nặng về thu hút đầu tư vào phát triển công nghiệp, lĩnh vực dịch vụ và đô thị hóa còn chậm phát triển. Hiện tại, các dự án đầu tư vào các KKT này chủ yếu là các ngành công nghiệp nhẹ, thâm dụng lao động như dệt may, da giày, lắp ráp hàng điện tử và thiếu các dự án đầu tư vào các ngành công nghiệp/dịch vụ sử dụng công nghệ cao.

"Một số KKT ven biển đang trong tình trạng "khát đầu tư" nên còn có tư duy thu hút đầu tư bằng mọi giá mà không quan tâm nhiều đến yếu tố môi trường và môi sinh cho cư dân địa phương", TS. Hoàng Hồng Hiệp cho hay.  

Tương tự, ông Lê Minh Dương, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư phía Nam tại Đà Nẵng , Bộ KH&ĐT nhìn nhận, nhiều "nút thắt" trong phát triển KKT ven biển cũng đang hiện hữu trong thực tế. Trong đó, thể chế, chính sách về khu kinh tế chưa đảm bảo tính ổn định, thống nhất, đồng bộ và chưa có sự đột phá để phát huy vai trò và đóng góp của các khu trong phát triển kinh tế - xã hội.

Empty

KKT Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: T.V.

Tính pháp lý về quy định khung đối với khu kinh tế chưa cao. Khung pháp lý điều chỉnh hoạt động khu kinh tế chưa có sự thay đổi căn bản, mới dừng lại ở cấp Nghị định. Trong khi đó, hoạt động của khu kinh tế liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau như: quy hoạch, đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, môi trường, nhà ở, lao động...

"Tính đồng bộ, gắn kết giữa quy hoạch phát triển KKT với các quy hoạch: hạ tầng xã hội, nguồn nhân lực, sử dụng đất và đô thị chưa cao. Việc phát triển theo định hướng bền vững, hài hòa giữa công nghiệp, đô thị và dịch vụ, tạo liên kết, hợp tác, hình thành chuỗi giá trị giữa các doanh nghiệp trong và ngoài KKT chưa được chú trọng đúng mức", ông Dương nói.

Ông Dương cho biết thêm, chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư vào KKT chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu; số lượng các dự án có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ sạch chưa nhiều. Các đối tác lớn như Châu Âu, Bắc Mỹ còn hạn chế; một số dự án triển khai không triển khai, hoặc triển khai rất chậm tiến độ so với kế hoạch đã đăng ký…

Empty

KKT Chu Lai, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: T.V.

Giải pháp nào để phát triển?

Để phát triển các KKT ven biển miền Trung trong thời gian tới, ông Dương cho biết, các KKT ven biển cần có sự đột phá trong tư duy phát triển với những sáng tạo và "cách làm mới" trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

"Sớm nghiên cứu, tham mưu đề xuất chính sách tổng thể về ưu đãi đầu tư đặt trong bối cảnh hiện nay là thuế tối thiểu toàn cầu, thuế cacbon, các loại thuế về môi trường, trong hàng loạt các điều kiện khi tiếp cận thị trường "khó tính"; cơ chế chính sách phát triển bền vững các mô hình khu, khuyến khích các khu công nghiệp trong khu kinh tế hiện hữu chuyển thành khu công nghiệp sinh thái...", ông Dương đề xuất.

Ông Dương cũng cho rằng, đã đến lúc cần có luật về mô hình các khu, không chỉ là khu công nghiệp, khu kinh tế mà còn có các khu công nghệ cao; phải có luật để điều chỉnh và áp dụng thống nhất trong cả nước về cách tiếp cận, trình tự thủ tục, ưu đãi, đặc biệt là mô hình quản lý ở địa phương…

Còn TS. Lê Văn Hùng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng cho rằng, giai đoạn tới, để thúc đẩy các KKT ven biển thực sự trở thành các động lực phát triển của địa phương và vùng, Việt Nam nên nghiên cứu nhằm có những chính sách trọng tâm thí điểm tạo môi trường phát triển từ 2 đến 3 cụm khu KKT ven biển theo vùng.

Khi đó, nguồn lực mới thực sự được tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội và các công cụ bảo vệ, phục hồi môi trường sinh thái để tạo ra những KKT ven biển thực sự bền vững.

"Các KKT ven biển cần thí điểm thực hiện một số mô hình phát triển như khu công viên công nghiệp xanh, khu hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng chuyên môn hóa/tập trung vào một nhóm ngành/lĩnh vực cụ thể", TS. Hùng cho hay.

Trong khi đó, nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ (gồm ThS. Phạm Quốc Trí và ThS. Nguyễn Thị Thanh Thủy) cho rằng, cần nhanh chóng xây dựng cơ chế hoạt động cụ thể cho Khu phi thuế quan - "hạt nhân" của Khu kinh tế ven biển. Từ đó, tạo cơ sở pháp lý đưa Khu phi thuế quan vào hoạt động, tạo sự đột phá trong giao lưu kinh tế quốc tế trên các lĩnh vực ngoại thương, thương mại và đầu tư.

Theo nhóm này, đây là mô hình Khu phi thuế quan lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam, là động lực của Khu kinh tế ven biển và cũng là nét đặt trưng nhất của Khu kinh tế ven biển so với các mô hình khu kinh tế khác. Tuy nhiên, đến tại thời điểm này, Khu phi thuế quan vẫn chỉ tồn tại trên lý thuyết, nội dung cụ thể cho nó vẫn chưa được làm rõ.

Trong khi xu thế hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam ngày một mạnh mẽ, đòi hỏi cần nhanh chóng đưa Khu phi thuế quan vào hoạt động với tư cách là "sân chơi" thu nhỏ trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Một sự chậm chân trong việc đưa Khu phi thuế quan vào hoạt động sẽ là nhân tố "xoá mòn" dần những thế mạnh, những đặc trưng đặc biệt của Khu kinh tế ven biển. 

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ