Nhìn lại sự phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế tại Việt Nam

Nhàđầutư
Trải qua chặng đường hơn 30 năm hình thành và phát triển các KCN, hơn 25 năm xây dựng, phát triển các KKT cửa khẩu cùng hơn 20 năm thành lập, phát triển các KKT ven biển, các KCN và KKT đã ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
VƯƠNG THỊ MINH HIẾU*
16, Tháng 11, 2023 | 09:13

Nhàđầutư
Trải qua chặng đường hơn 30 năm hình thành và phát triển các KCN, hơn 25 năm xây dựng, phát triển các KKT cửa khẩu cùng hơn 20 năm thành lập, phát triển các KKT ven biển, các KCN và KKT đã ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

received_720813926759183

Bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày tham luận tại Diễn đàn "Khu công nghiệp Việt Nam 2023. Ảnh: Lê Toàn

Phát triển KCN, KKT tại Việt Nam và yêu cầu xây dựng các KCN sinh thái để thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh

Việc phát triển KCN trên địa bàn cả nước thời gian qua đã góp phần hình thành nhiều khu đô thị, dịch vụ mới và hệ thống giao thông kết nối, tạo diện mạo mới cho địa phương; từng bước tác động tới quá trình đô thị hóa theo hướng chuyển đổi vùng nông nghiệp lạc hậu thành khu đô thị - công nghiệp phát triển.

KKT ven biển, với không gian phát triển kinh tế - xã hội quy mô lớn và năng lực sản xuất tổng hợp đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi khu vực ven biển kém phát triển trở thành vùng động lực phát triển kinh tế, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hình thành khu đô thị chất lượng cao, khu nghỉ dưỡng cao cấp ven biển, phát triển du lịch và một số ngành công nghiệp sản xuất mới, tiến tới hình thành thành phố công nghiệp ven biển.

KKT cửa khẩu góp phần tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng phát triển các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch và công nghiệp, góp phần mở rộng thị trường, tăng cường giao lưu hàng hóa, kích thích sản xuất và tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm. Nhiều tỉnh biên giới trước đây là vùng sâu, vùng xa, kinh tế chậm phát triển, nay từng bước trở thành các trung tâm thương mại phát triển năng động, tạo động lực phát triển các khu vực lân cận.

Năm 1991, từ KCN đầu tiên được thành lập tại thành phố Hồ Chí Minh (KCX Tân Thuận), đến hết tháng 10/2023, cả nước đã có 413 KCN đã thành lập (bao gồm 369 KCN nằm ngoài các KKT, 37 KCN nằm trong các KKT ven biển, 07 KCN nằm trong các KKT cửa khẩu) với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 129,9 nghìn ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 87,7 nghìn ha.

Trong số các KCN đã được thành lập, có 295 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 92,2 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 63 nghìn ha và 119 KCN đang trong quá trình xây dựng với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 37,5 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 24,7 nghìn ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các KCN cả nước đạt khoảng 51,8 nghìn ha, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 57,8%. Nếu tính riêng các KCN đã đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 72,9%.

KKT cửa khẩu được thành lập sớm nhất vì mục đích thí điểm là KKT cửa khẩu Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh). Đến nay đã có 26 KKT cửa khẩu được thành lập tại 21 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biên giới đất liền, với tổng diện tích 766 nghìn ha. Các KKT cửa khẩu thu hút được khoảng trên 300 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 83 nghìn tỷ đồng và trên 1 tỷ USD .

KKT mở Chu Lai (tỉnh Quảng Nam) là KKT ven biển đầu tiên được thành lập năm 2003, đến nay cả nước đã có 18 KKT ven biển được thành lập với tổng diện tích 857,6 nghìn ha (kể cả diện tích mặt biển) bao gồm diện tích đất liền khoảng 569,1 nghìn ha (chiếm khoảng 1,68% tổng diện tích đất cả nước), trong đó khoảng 141,9 nghìn ha đã được quy hoạch để phát triển các khu chức năng.

Tính đến cuối tháng 10/2023, có khoảng 64,4 nghìn ha đất khu chức năng, đất nông lâm ngư nghiệp, đất hạ tầng kỹ thuật đã được xây dựng kết cấu hạ tầng. Trong đó, tổng diện tích đất đã cho thuê để thực hiện các dự án đầu tư sản xuất đạt khoảng 21,5 nghìn ha. Quy hoạch phát triển các KKT ven biển Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bao gồm 19 KKT ven biển với tổng diện tích khoảng 871,5 nghìn ha (tính cả diện tích mặt biển) trong đó diện tích đất liền khoảng 583,1 nghìn ha (chiếm khoảng 1,75% diện tích đất quốc gia) và 288,4 nghìn ha diện tích mặt biển. 

Qua các thời kỳ, Đảng, Nhà nước đã có các chủ trương, đường lối, chính sách để định hướng cho sự phát triển các KCN, KKT. Các cấp chính quyền từ Trung ương tới địa phương đã quan tâm chỉ đạo, tích cực để cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, tạo điều kiện ngày càng thuận lợi cho các KCN, KKT hoạt động. Trên cơ sở đó, đến nay, hệ thống KCN, KKT trong cả nước có mặt ở 61/63 tỉnh, thành phố, đã thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước nói chung cũng như các địa phương nói riêng.

Công tác bảo vệ môi trường trong KCN, KKT đã từng bước được các cấp, các ngành, doanh nghiệp KCN quan tâm, chú trọng. Hiện nay, trong số 295 KCN đang hoạt động có 267 KCN đã hoàn thành xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung (đạt tỷ lệ 90,5%). Tổng công suất xử lý nước thải của các nhà máy hiện đang hoạt động đạt hơn 1.273.740 m3/ngày đêm, đáp ứng nhu cầu và tiêu chuẩn xả thải của KCN.

Các KCN đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng cân bằng về kinh tế, xã hội và môi trường, bảo đảm sự phát triển bền vững và thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh.

Thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh các giai đoạn 2012-2020 và 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, với sự hỗ trợ của các tổ chức, chuyên gia quốc tế và nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, thời gian qua đã thí điểm chuyển đổi một số KCN từ mô hình truyền thống sang KCN sinh thái, gắn kết hoạt động công nghiệp với bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng xung quanh KCN, chuyển đổi không gian phát triển công nghiệp từ chiều ngang sang chiều sâu.

Tại các KCN đã chuyển đổi này, doanh nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, đã xuất hiện sự liên kết hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp.

Kết quả bước đầu của việc chuyển đổi KCN sinh thái đã đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường, huy động được nguồn lực lớn từ khu vực kinh tế tư nhân cho giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.

received_675539974561112

Dữ liệu Bộ Kế hoạch - Đầu tư về các KCN và KKT Việt Nam trong hơn 30 năm qua. Ảnh: Lê Toàn

Nhìn lại sự phát triển của KCN sinh thái trên thế giới và Việt Nam

Trên thế giới, mô hình KCN sinh thái hướng tới phát triển bền vững đã được triển khai từ những năm 1990 và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tại Đan Mạch, KCN Kalundborg là điển hình trong phát triển KCN sinh thái khép kín với 20 mạng lưới cộng sinh công nghiệp nội khu, phát triển "từ các trao đổi sản phẩm độc lập dần dần phát triển thành một mạng lưới phức tạp của các tương tác cộng sinh" của các công ty trong khu vực và hệ thống đô thị địa phương, trong đó quan trọng nhất là sự trao đổi cộng sinh giữa nhu cầu nước và hơi nước giữa các nhà máy.

Mô hình KCN sinh thái tại Kalundborg thực hiện từ năm 1982 đến 1997 đã giúp tiết kiệm 19.000 tấn dầu, 30.000 tấn than, 600.000 m3 nước và 130.000 tấn CO2. Năm 2001, các doanh nghiệp trong KCN đã tiết kiệm 160 triệu USD khi tham gia mạng lưới cộng sinh. 

Tại Hàn Quốc, Chương trình KCN sinh thái được thực hiện từ năm 2005 đến 2019, được chia làm 3 giai đoạn và kết thúc sớm hơn dự kiến. Tính đến 2017 có 105 KCN thông thường thành đã hoàn thành chuyển đổi sang KCN sinh thái. Trong giai đoạn 1, 47 KCN tạo ra các lợi ích tương đương 189 triệu USD, trong đó 97 triệu USD thu được từ việc giảm chi phí và 92 triệu USD từ doanh thu; giảm lượng chất thải tương đương 477.633 tấn, nước thải 110.032 tấn, năng lượng 176.781 TOE, và các khí nhà kính 668.198 tấn CO2-eq, chiếm 0,83% chất thải, 0,008% nước thải và 0,14% năng lượng tiêu thụ trong năm 2012.

Tại Trung Quốc, mô hình KCN sinh thái được triển khai cuối những năm 1990, đóng quan trọng trong việc thực hiện kinh tế tuần hoàn do Cục Bảo vệ Môi trường đề xuất 2001. Năm 2012, Chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ 745 triệu RMB cho 22 KCN để thực hiện các giải pháp chuyển đổi, chiếm khoảng 8,5% tổng chi phí đầu tư của mỗi dự án chuyển đổi sang KCN sinh thái. Theo đánh giá của Chính phủ Trung Quốc, các KCN sinh thái đều có cơ sở hạ tầng tốt; đạt hiệu quả trong thực hiện sản xuất sạch hơn và khung kinh tế tuần hoàn với nhiều mạng lưới cộng sinh. Các KCN sinh thái có năng suất lao động cao, đạt nhiều lợi ích kinh tế nhờ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đạt hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng và giảm thiểu phát thải.

Tại Việt Nam, thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh, các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs 2030), Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (COP 21), ... việc chuyển đổi các KCN thông thường sang KCN sinh thái là hướng phát triển mới nhằm gắn kết phát triển công nghiệp với bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng, phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay của Việt Nam.

Việc chuyển đổi các KCN theo hướng bền vững được thực hiện thông qua thúc đẩy sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên, trao đổi năng lượng và các sản phẩm phụ giữa các doanh nghiệp cùng khu. Bên cạnh việc chuyển đổi các KCN hiện hữu, trong dài hạn, Việt Nam cũng hướng tới việc quy hoạch và xây dựng mới các KCN sinh thái, trong đó đáp ứng các yêu cầu về thiết kế, quy hoạch, đồng thời thu hút các dự án đầu tư theo ngành nghề, lĩnh vực, quy trình và công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, có tính tương hỗ về sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu chất thải và tái sử dụng nguyên vật liệu, năng lượng.

Với sự hỗ trợ của các tổ chức, chuyên gia quốc tế và nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, thời gian qua, việc thúc đẩy triển khai mô hình KCN sinh thái tại Việt Nam đã được triển khai thông qua dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam” giai đoạn năm 2014-2019. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ quản đã phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) triển khai thí điểm chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái với nguồn tài trợ từ Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO), Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) và UNDP, nhằm phát triển công nghiệp từ chiều ngang sang chiều sâu, và thúc đẩy sự liên kết hợp tác trong sản xuất để sử dụng hiệu quả nguồn lực.   

Sau hơn 4 năm triển khai hỗ trợ chuyển đổi 4 KCN thí điểm (KCN Khánh Phú, KCN Gián Khẩu tại Ninh Bình, KCN Hòa Khánh tại Đà Nẵng và KCN Trà Nóc 1&2 tại Cần Thơ), trên 72 doanh nghiệp thực hiện trên 900 giải pháp tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn, tiết kiệm cho doanh nghiệp trên 22.000 MWh điện, 600.000 m3 nước, 140 TJ nhiên liệu hóa thạch, gần 3.600 tấn hóa chất và chất thải, trên 76 tỷ đồng/năm và huy động trên 207 tỷ đồng từ khu vực tư nhân để thực hiện giải pháp; giảm tiêu thụ năng lượng, nước, hóa chất và chất thải; cắt giảm 32 Kt khí CO2/năm.

Kết quả bước đầu của việc chuyển đổi KCN sinh thái đã đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường, huy động được nguồn lực lớn từ khu vực kinh tế tư nhân cho giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Từ năm 2020 đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp với UNIDO thông qua dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu”, nhân rộng mô hình KCN sinh thái tại thêm 3 địa phương là Hải Phòng, Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh và thu được các kết quả rất đáng khích lệ.

Tính đến tháng 10/2023, Dự án hỗ trợ 68 doanh nghiệp tại 3 KCN Deep C-Đình Vũ, Amata Đồng Nai và KCN Hiệp Phước góp phần tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực tại KCN và với khu đô thị liền kề hướng tới thực hiện kinh tế tuần hoàn thông qua các hoạt động đào tạo, đánh giá, xác định và thực hiện khoảng 300/600 giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn và 62 giải pháp cộng sinh công nghiệp giúp tiết kiệm 23 triệu kWh điện/năm, 384 nghìn m3 nước/năm, tiết kiệm 3,1 triệu USD/năm và giảm 24 nghìn tấn CO2 tương đương/năm.

Trên cơ sở các kết quả tích cực của KCN sinh thái trong thời gian qua, Chính phủ Thụy Sỹ thông qua Cục Kinh tế liên bang Thụy Sỹ (SECO) cam kết tiếp tục cùng UNIDO tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam đẩy mạnh triển khai KCN sinh thái trong giai đoạn 2014-2018 với tổng số vốn ODA dự kiến trên 3 triệu USD.

Ngoài ra, trong các khuôn khổ hợp tác với các tổ chức quốc tế khác, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hỗ trợ việc xây dựng KCN sinh thái tại Bình Dương, thực hiện các mạng lưới tuần hoàn nước đối với một số KCN tập trung nhiều hoạt động dệt may tại Hưng Yên, Thừa Thiên Huế; thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả năng lượng trong các KCN để xây dựng KCN sinh thái theo mô hình của Hàn Quốc; tiếp tục mở rộng các hoạt động hợp tác với Phái đoàn liên minh Châu Âu (EU), Tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững Việt Nam của Hà Lan (IDH),... để triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong các KCN thực hiện kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của chuỗi ngành hàng để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.  

Việc triển khai mạnh mẽ KCN sinh thái thời gian qua có ý nghĩa lan tỏa lớn đến khu vực tư nhân tại Việt Nam, đặc biệt đối với các KCN nằm ngoài khuôn khổ Dự án như KCN Nam Cầu Kiền (thuộc Công ty Cổ phần Shinec). KCN hiện đang phát triển theo hướng KCN sinh thái thông minh, thực hiện tốt các hoạt động kinh tế tuần hoàn. Việc triển khai KCN sinh thái, kinh tế tuần hoàn đem lại lợi ích thiết thực cho khách hàng, các nhà đầu tư hoạt động trong KCN Nam Cầu Kiền, đồng thời đảm bảo tính bền vững từ quá trình quản lý tốt môi trường, xã hội.

Những điểm mới trong cơ chế, chính sách đối với phát triển KCN, KKT và cơ chế chính sách cho KCN sinh thái

Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2022 quy định về quản lý KCN, KKT. Nghị định gồm 08 Chương, 76 Điều quy định các nội dung chính như sau:

Một là, hoàn thiện quy trình quy hoạch, đầu tư hạ tầng, thành lập KCN, KKT và các điều kiện có liên quan: Nghị định bãi bỏ quy định về lập, điều chỉnh, bổ sung và phê duyệt quy hoạch phát triển KCN, KKT và thay thế bằng quy định về phương hướng xây dựng, phương án phát triển hệ thống KCN, KKT trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh để đảm bảo tính đồng bộ với quy định của pháp luật về quy hoạch; bãi bỏ thủ tục thành lập KCN nhằm giảm bớt thủ tục hành chính và hoàn thiện trình tự, thủ tục, điều kiện đầu tư hạ tầng KCN (tỷ lệ lấp đầy, quy mô KCN, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, năng lực của nhà đầu tư và một số điều kiện khác).

Hai là, bảo đảm sự cân đối về phát triển KCN, KKT giữa các địa phương: Nghị định quy định không áp dụng điều kiện về tỷ lệ lấp đầy 60% trong quá trình xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án hạ tầng KCN trong các trường hợp sau đây: (i) các địa phương có diện tích KCN dưới 1.000 ha; (ii) KCN thuộc địa bàn ưu đãi đầu tư, KCN trong KKT; (iii) KCN hoạt động theo các loại hình KCN mới. Quy định nêu trên nhằm khuyến khích sự phát triển của KCN, KKT đối với các địa phương còn khó khăn trong công tác thu hút đầu tư. Đối với với những địa phương có lợi thế thu hút đầu tư và đã có hệ thống KCN phát triển, cần đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các loại hình KCN mới, thân thiện với môi trường.

Ba là, kiểm soát việc thành lập KCN trong thời gian tới, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, tránh tình trạng phát triển tràn lan các KCN: Nghị định quy định về diện tích và việc phân kỳ đầu tư KCN. Cụ thể, KCN có quy mô diện tích quy hoạch trên 500 ha phải được phân kỳ đầu tư theo các giai đoạn, mỗi giai đoạn không quá 500 ha. Trường hợp KCN thu hút các dự án đầu tư thực hiện cụm liên kết ngành với tổng vốn đầu tư của các dự án trong cụm liên kết ngành tối thiểu tương đương 02 tỷ đô la Mỹ thì giai đoạn đầu không quá 1.000 ha.

Bốn là, khuyến khích phát triển loại hình KCN, KKT mới: Nghị định bổ sung loại hình KCN chuyên ngành, KCN công nghệ cao, KKT chuyên biệt, khu phi thuế quan trong KKT; bổ sung các quy định nhằm làm rõ chính sách hỗ trợ và hợp tác phát triển, tiêu chí xác định, ưu đãi, chứng nhận, trình tự, thủ tục đăng ký chứng nhận KCN sinh thái; đồng thời, quy định cụ thể các chính sách ưu đãi đối với các loại hình KCN mới trong đó quy định không áp dụng điều kiện về tỷ lệ lấp đầy khi xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các loại hình KCN này. Quy định mới này giúp các cơ quan Nhà nước có thêm công cụ để quản lý các mô hình KCN mới, có lợi trực tiếp cho doanh nghiệp hạ tầng, doanh nghiệp đầu tư vào KCN vì sẽ có nhiều sự lựa chọn, nâng cao hiệu quả đầu tư.

Năm là, hỗ trợ tiếp cận đất đai trong KCN cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp thuộc diện được ưu tiên, hỗ trợ: Nghị định quy định bắt buộc phải dành một phần diện tích trong KCN cho các cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư (tối thiểu 5 ha đất công nghiệp hoặc tối thiểu 3% tổng diện tích đất công nghiệp). Giá cho thuê đất, giá cho thuê lại đất và các loại phí sử dụng hạ tầng đối với phần diện tích này tối đa không quá 70% mức giá và các loại phí sử dụng hạ tầng thực tế tại thời điểm cho thuê, cho thuê lại.

Sáu là, giải quyết tối đa việc quy hoạch, xây dựng nhà ở và công trình công cộng cho người lao động làm việc trong KCN: Nghị định yêu cầu các địa phương phải xác định quỹ đất để quy hoạch xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong các KCN ngay từ bước quy hoạch; quy định các điều kiện liên quan đến việc bố trí quy hoạch, đầu tư xây dựng khu nhà ở và công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động trước khi dự án KCN, KCN mở rộng được chấp thuận chủ trương đầu tư; bổ sung quy định về việc xây dựng công trình dịch vụ, tiện ích công cộng, cơ sở lưu trú cho người lao động làm việc trong KCN trên phần đất dịch vụ trong KCN.

Bảy là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước: Nghị định đã bổ sung các quy định liên quan đến hệ thống thông tin quốc gia về KCN, KKT. Đây sẽ là một trong những công cụ chính để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác báo cáo, giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của các KCN, KKT và công khai thông tin cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu.

Bên cạnh việc điều chỉnh, bổ sung nội dung cho phù hợp hơn, Nghị định tiếp tục kế thừa các quy định của Nghị định số 82/2018/NĐ-CP về thẩm quyền, trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, Ban Quản lý KCN, KKT và định hướng kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về KCN, KKT cả Trung ương và địa phương theo hướng tinh gọn, một đầu mối, đủ thẩm quyền, đủ năng lực để phát triển các mô hình mới, tiếp cận phương thức quản lý nhà nước hiện đại.

Đối với KCN sinh thái, Nghị định số 35/2022/NĐ-CP đã bổ sung mới một số cơ chế, chính sách phát triển KCN sinh thái so với Nghị định 82/2018/NĐ-CP trước đây, đặc biệt việc khuyến khích xây dựng mới các KCN sinh thái thông qua quy hoạch xây dựng, thiết kế hợp lý các phân khu chức năng và định hướng thu hút các dự án đầu tư có ngành, nghề tương đồng để hỗ trợ thực hiện cộng sinh công nghiệp và một số ưu đãi đối với KCN sinh thái mới hướng đến giảm phát thải, thực hiện kinh tế tuần hoàn trong KCN, KKT.

Ngoài ra, Nghị định cũng làm rõ hơn thẩm quyền của UBND cấp tỉnh trong việc định hướng và hỗ trợ triển khai các KCN sinh thái tại địa phương; đơn giản hóa các điều kiện, tiêu chí và thủ tục chứng nhận KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái; quy định việc thực hiện theo dõi, giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện KCN sinh thái và doanh nghiệp sinh thái trên hệ thống thông tin về KCN, KKT theo định hướng chuyển đổi số; các quy định liên quan đến chứng nhận lại hoặc chấm dứt hiệu lực, thu hồi Giấy chứng nhận KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái.

Định hướng phát triển KCN trong thời gian tới gắn với phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn

Trước những bối cảnh hiện nay, khi thế giới đang trong quá trình điều chỉnh hết sức mạnh mẽ, làm thay đổi trật tự và cấu trúc về thương mại, đầu tư. Tốc độ thay đổi của ngày hôm nay nhanh hơn rất nhiều trong quá khứ; và chắc chắn tương lai sẽ biến chuyển nhanh hơn hiện tại.

Các nhân tố tác động mạnh tới Việt Nam sẽ là: (i) Xoay trục địa chính trị trong chiến lược ngoại giao của các nước lớn; (ii) Xu hướng phát triển mạnh mẽ của CMCN 4.0 (chuyển đổi số, phát triển xanh, bền vững); (iii) Tái sắp xếp chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu; hình thành chuỗi cung ứng mới; (iv) Gia tăng cạnh tranh khốc liệt giữa các quốc gia trong thu hút đầu tư; thiết kế chính sách riêng để thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ lõi có giá trị gia tăng lớn hoặc nâng cao vị thế quốc gia (điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghiệp hydrogen xanh, phương tiện điện…); (v) Việt Nam đã và đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và khu vực thông qua các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao; đồng thời đã thành công xác lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các cường quốc hàng đầu thế giới.

Đây chính là những yếu tố vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam để phát triển bứt phá và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Phát triển bền vững không còn là khẩu hiệu mà đang thực sự trở thành xu thế tất yếu, là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp xác định tầm nhìn và định hướng chiến lược kinh doanh. Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, các KCN, KKT trong thời gian tới cần có những giải pháp đột phá, phù hợp với xu thế mới, trong đó tập trung vào các trọng tâm sau:

Thứ nhất, mạnh dạn tiên phong thay đổi hướng phát triển các mô hình KCN, KKT mới. Theo đó, tập trung đẩy mạnh phát triển mô hình KCN sinh thái, KCN xanh, trong đó cần quy hoạch hình thành các khu Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, hướng đến xây dựng “Thung lũng Sillicon Việt Nam”.

Thứ hai, lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm trụ cột cho phát triển trong tương lai. Trong đó, chuyển hướng sang chủ động kiến tạo, tạo môi trường cho các doanh nghiệp công nghệ, start-up được hình thành và phát triển. Dành quỹ đất và nguồn lực cho các dự án R&D, nghiên cứu thử nghiệm sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, tiết kiệm năng lượng...

Thứ ba, thu hút đầu tư có chọn lọc, chủ động tiếp xúc, bám sát các Tập đoàn hàng đầu thế giới trong các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên.

Thứ tư, phát triển sản xuất, công nghiệp, dịch vụ trên nguyên tắc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, gắn với liên kết phát triển vùng, hình thành cụm liên kết ngành; hạn chế phát triển KCN trên đất nông nghiệp có năng suất ổn định (đặc biệt là đất trồng lúa) và tại các khu vực khó có khả năng đền bù, giải phóng mặt bằng.

Thứ năm, phát triển kinh tế phải đi liền với phát triển hạ tầng xã hội; đảm bảo bền vững về môi trường; quy hoạch và triển khai các giải pháp xây dựng nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động trong KCN, KKT; hoàn thiện hệ sinh thái công nghiệp - đô thị - dịch vụ, đảm bảo cho việc phát triển bền vững các KCN, KKT.

Thứ sáu, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, xây dựng nhà máy xử lý nước thải; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tại Ban Quản lý KCN, KKT, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư tại các KCN, KKT.

Thứ bảy, nâng cao năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn của các KCN, KKT các địa phương thông qua: (i) cải thiện cơ sở hạ tầng (giao thông, cảng biển, cảng hàng không, dịch vụ logistic); (ii) tăng cường nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Nhìn lại chặng đường phát triển của đất nước hơn 30 năm qua, có thể khẳng định mô hình KCN, KKT đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò, vị trí ngày càng quan trọng, là động lực thúc đẩy tăng trưởng và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; là kênh thu hút các nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo sự phát triển bền vững.

Trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các KCN, KKT trên cả nước phát triển nhanh, bền vững và hiệu quả, đặc biệt đối với các mô hình KCN mới như KCN sinh thái. Trong đó, việc nghiên cứu, xây dựng Luật KCN, KKT để bảo đảm tăng cường tính cạnh tranh quốc tế của các mô hình KCN, KKT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng các Bộ, ngành và địa phương triển khai trong thời gian tới.

*Bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư 

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25475.00
EUR 26606.00 26713.00 27894.00
GBP 30936.00 31123.00 32079.00
HKD 3170.00 3183.00 3285.00
CHF 27180.00 27289.00 28124.00
JPY 158.79 159.43 166.63
AUD 16185.00 16250.300 16742.00
SGD 18268.00 18341.00 18877.00
THB 665.00 668.00 694.00
CAD 18163.00 18236.00 18767.00
NZD   14805.00 15299.00
KRW   17.62 19.25
DKK   3573.00 3704.00
SEK   2288.00 2376.00
NOK   2265.00 2353.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ