Cải thiện môi trường kinh doanh để doanh nghiệp phát triển hậu COVID-19

Nhàđầutư
Bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh – Viện CIEM cho rằng, để tiếp tục cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, cần tiếp tục đơn giản hóa, tạo sự minh bạch trong quy định, thủ tục, phát triển hệ thống dịch vụ công trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt…
THÀNH VÂN
18, Tháng 07, 2020 | 07:01

Nhàđầutư
Bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh – Viện CIEM cho rằng, để tiếp tục cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, cần tiếp tục đơn giản hóa, tạo sự minh bạch trong quy định, thủ tục, phát triển hệ thống dịch vụ công trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt…

Ngày 17/7, tại Đà Nẵng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp tổ chức hội nghị “Đồng hành cùng doanh nghiệp và kiến nghị cải thiện môi trường kinh doanh”.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng thảo luận về hiệu quả triển khai các chương trình hỗ trợ của Chính phủ và địa phương giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh sau dịch bệnh COVID-19 và đưa ra những đề xuất nhằm tăng cường thực thi chính sách, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh.  

IMG_9632

Hội nghị “Đồng hành cùng doanh nghiệp và kiến nghị cải thiện môi trường kinh doanh” tại Đà Nẵng. 

Theo đó, cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của Chính phủ.

Kể từ năm 2014, Chính phủ liên tục ban hành các nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đồng thời, triển khai nhiều biện pháp chính sách để cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Nhờ những nỗ lực kể trên, điểm số môi trường kinh doanh của Việt Nam (theo báo cáo Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới) liên tục cải thiện trong những năm gần đây: năm 2015, Việt Nam đạt 61,11 điểm; 2016 là 63,83; 2017 là 67,93; năm 2018 là 68,36 và năm 2019 đạt 69,80.

Mặc dù những nỗ lực cải cách của Chính phủ đã đạt được nhiều kết quả tích cực và được các tổ chức quốc tế cùng cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. Tuy nhiên, từ chính sách đến thực thi vẫn còn nhiều khoảng trống.

Bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh – Viện CIEM cho biết, trong thời gian qua, các bộ, ngành đã có những nỗ lực đáng kể để cải thiện môi trường kinh doanh. Cụ thể như: giảm các thủ tục để miễn lệ phí môn bài, giảm thời gian cấp phép xây dựng, triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử.... Hiện, đa số các địa phương cũng đã triển khai cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh để nâng cao chất lượng phục vụ.

Bà Thảo cho rằng, riêng về các điều kiện kinh doanh, thời điểm năm 2015, có khoảng hơn 6.000 điều kiện. Nhưng trong đó, theo đánh giá của các chuyên gia, một nửa là không cần thiết. Đến năm 2019, khoảng 60% số điều kiện này đã được cắt giảm. Đó là một ví dụ điển hình cho nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của các Bộ, ngành.

“Để tiếp tục cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, cần tiếp tục đơn giản hóa, tạo sự minh bạch trong quy định, thủ tục, phát triển hệ thống dịch vụ công trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc...”, bà Thảo cho hay.

Cũng tại hội nghị, nhiều vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý nhà nước nêu ra để từ đó đề xuất những kiến nghị về cải cách các quy định pháp luật, thủ tục hành chính nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, giảm thiểu rủi ro và chi phí, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và yên tâm đầu tư, kinh doanh.  

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM cho hay, Luật doanh nghiệp 2020 sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ chất lượng quản trị nói riêng và doanh nghiệp nói chung, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo ông Hiếu, luật sẽ thay đổi theo hướng từ cải cách gia nhập thị trường chuyển mạnh sang nâng cao chất lượng doanh nghiệp với 5 thay đổi quan trọng: cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho việc đăng ký kinh doanh, gia nhập thị trường; nâng cao khung pháp lý về quản trị doanh nghiệp, nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông; nâng cao hiệu lực quản trị và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp có sở hữu nhà nước; thúc đẩy thị trường vốn nhằm đa dạng hóa nguồn vốn cho sản xuất, đầu tư; tạo thuận lợ cho tổ chức lại và mua bán doanh nghiệp.

Tỉ giá đang cập nhật
Điều chỉnh kích thước chữ