[CAFÉ Cuối tuần] Từ ồn ào Thủ Thiêm: BT và những uẩn khúc

Nhàđầutư
Với các dự án BOT thiếu minh bạch, thu phí cao, người dân có thể dễ dàng phản ứng nhưng hầu như khó làm được gì với các dự án BT vì chủ đầu tư không thu phí trực tiếp của người dân mà được Nhà nước đổi đất để lấy hạ tầng đã xây dựng.
ANH MAI
12, Tháng 05, 2018 | 07:39

Nhàđầutư
Với các dự án BOT thiếu minh bạch, thu phí cao, người dân có thể dễ dàng phản ứng nhưng hầu như khó làm được gì với các dự án BT vì chủ đầu tư không thu phí trực tiếp của người dân mà được Nhà nước đổi đất để lấy hạ tầng đã xây dựng.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm là dự án đầu tiên thực hiện kêu gọi các nhà đầu tư hạ tầng bằng hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), thành phố đổi đất lấy hạ tầng.

Tuy nhiên, từ lúc có quy hoạch đến khi triển khai, dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm liên tục được điều chỉnh với một "ma trận" văn bản được ban hành. Hàng loạt điều chỉnh trên giấy với những thay đổi không rõ ràng về mặt pháp lý đã khiến cho dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm được phủ “chiếc áo” bí ẩn. Đây không chỉ là nguyên nhân dẫn tới khiếu kiện, khiếu nại kéo dài mà còn ảnh hưởng đến tiến độ dự án khi hơn 20 năm kể từ lúc có quy hoạch (năm 1996), dự án vẫn chưa thể đến đích.

Tại cuộc tiếp xúc cử tri ngày 9/5, cử tri quận 2, TP.HCM đã đặt câu hỏi với các đại biểu quốc hội về 4 tuyến đường được làm với giá "khủng" 1.000 tỷ đồng/km. Các con đường được đầu tư với chi phí "khủng" gây thắc mắc cho người dân chính là dự án bốn tuyến đường chính tại khu đô thị mới Thủ Thiêm có tổng chiều dài 11,9km, tổng mức đầu tư được duyệt là hơn 12.000 tỷ đồng được thực hiện theo hình thức hợp đồng BT.

Với các dự án BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) thiếu minh bạch, thu phí cao, người dân có thể dễ dàng phản ứng nhưng hầu như khó làm được gì với các dự án BT vì chủ đầu tư không thu phí trực tiếp của người dân mà được Nhà nước đổi đất để lấy hạ tầng đã xây dựng.

Trong khi đó, về bản chất, các dự án BT là "anh em song sinh" với các dự án BOT, và đằng sau nó vẫn là những hạn chế, bất cập, hệ lụy.

Những uẩn khúc

Cuối tháng 4/2017, dự án đường Trần Hữu Dực (nối từ đường Lê Đức Thọ tới đường 70) chính thức được thông xe sau 8 năm xây dựng. Không chỉ đóng góp vào việc hoàn thiện mạng lưới đường bộ phía Tây, "con đường Tasco" còn là yếu tố giúp không ít dự án bất động sản tại Nam Từ Liêm (Hà Nội) trở nên sáng giá.

Năm 2009, dự án đường Lê Đức Thọ kéo dài bắt đầu khởi công. Nằm trên địa bàn Từ Liêm cũ (nay là quận Nam Từ Liêm), dự án có điểm đầu là nút giao với đường Lê Đức Thọ, điểm cuối là nút giao với đường 70. Với hình thức BT, chủ đầu tư Công ty Cổ phần Tasco được sở hữu quỹ đất ngót 70ha tại Thủ đô (38 ha tại Xuân Phương thực hiện dự án Khu đô thị sinh thái Xuân Phương - Foresa Villa; 30ha tại dự án Đơn vị ở số 1, Xuân Phương để triển khai dự án Khu nhà ở sinh thái Foresa Mỹ Đình và 3.000m2 tại 48 Trần Duy Hưng). 

tran huu duc

 Dự án BT xây dựng tuyến đường từ Lê Đức Thọ đến Khu đô thị mới Xuân Phương của Tasco bị phát hiện nhiều sai phạm.

Năm 2012, chủ đầu tư Tasco bị chỉ mặt nhiều vi phạm trong tính toán áp dụng định mức, đơn giá, tỷ lệ chi phí, khối lượng của nhiều hạng mục (dẫn tới tổng mức đầu tư của dự án bị đội lên 437 tỷ đồng).

Sau cuộc thanh tra năm 2012, năm 2013 UBND TP. Hà Nội chỉ đạo một cuộc rà soát lớn các dự án BT. Dự án xây dựng tuyến đường Lê Đức Thọ đến Khu đô thị mới Xuân Phương cũng nằm trong “danh sách đen” mà nguyên Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo yêu cầu dừng thực hiện theo hình thức BT và giao cơ quan rà soát và thanh lý hợp đồng.

Mặc dù các cơ quan chức năng yêu cầu xử lý sai phạm cụ thể như vậy nhưng dự án vẫn tiếp tục được thực hiện theo hình thức hợp đồng BT. Tháng 4/2015, dự án nhúc nhắc trở lại và tới 28/4/2017 (tức sau chừng 7 năm kể từ khi khởi công), tuyến đường 3,5km đã cán đích.

Thậm chí theo thông tin từ Báo cáo thường niên năm 2016 của Tasco, với dự án này Tasco được đối ứng tới 3 khu đất với tổng diện tích gần 90ha chứ không phải 21ha như thời điểm bị thanh tra năm 2012 nêu.

Tuy rằng đã phát hiện hàng loạt những sai phạm tại dự án BT xây dựng tuyến đường từ Lê Đức Thọ đến Khu đô thị mới Xuân Phương nhưng tới đây nhiều khả năng Tasco tiếp tục tham gia cùng Công ty Cổ phần bất động sản Thái An thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng đường 70, đoạn từ Nhổn đến Hà Đông theo hình thức hợp đồng BT dưới sự chỉ định của TP Hà Nội với 71ha đất đối ứng.

Trong khi đó, khuất tất tại dự án BT đường trục phía Nam Hà Nội do Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) làm chủ đầu tư đang được các cơ quan chức năng làm rõ vì có dấu hiệu sai phạm ngay từ đầu vào năm 2007.

Từ năm 2007, Cienco 5 đề xuất với tỉnh Hà Tây cũ xin đầu tư dự án đường trục phía Nam theo hợp đồng BT để được làm chủ đầu tư 3 dự án tại khu đô thị Thanh Hà và Mỹ Hưng để hoàn vốn. Đề xuất này được chấp thuận, nhưng đằng sau nó ẩn chứa hàng loạt rủi ro khi nhà đầu tư này không đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án.

Theo hợp đồng BT được ký kết giữa UBND tỉnh Hà Tây cũ và Cienco 5, tổng mức đầu tư dự án đường trục phía Nam sau nhiều lần điều chỉnh lên tới 6.076 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư khoảng 607 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động.

Đổi lại việc thực hiện dự án này, Cienco 5 sẽ được tỉnh Hà Tây cấp đất thực hiện 3 dự án khu đô thị Thanh Hà (gồm Thanh Hà A và Thanh Hà B), đô thị Mỹ Hưng - Cienco 5 để hoàn vốn dự án. Trong đó, khu đô thị Thanh Hà có diện tích 388,73ha, khu đô thị Mỹ Hưng - Cienco 5 có tổng diện tích 182ha. Tổng diện tích đất 3 khu đô thị được giao cho Cienco 5 theo hợp đồng BT lên tới 570,73ha đất trên địa bàn quận Hà Đông và huyện Thanh Oai.

Kết quả thẩm định năng lực tài chính xác định vốn chủ sở hữu của Cienco 5 thời điểm năm 2007 trước khi thực hiện dự án BT đường trục phía Nam là 796,6 tỷ đồng. Nhưng kết quả xác minh của các cơ quan điều tra ghi nhận mức vốn chủ sở hữu của Cienco 5 giai đoạn 2007-2008 chỉ đạt khoảng 51-157 tỷ đồng.

Khoảng đầu năm 2014, Bitexco được chỉ định là nhà đầu tư tuyến đường bao quanh Khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An theo hình thức BT, gồm phần tuyến đường (bao gồm tuyến số 1, tuyến số 5) và nút giao tuyến số 1 và đường 70. Dự án này cũng năm trong 7 dự án BT gây thất thoát vốn theo kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2017.

Tổng mức đầu tư dự án là 1.475 tỷ đồng. Để đổi lại khoản vốn này, Bitexco được UBND TP. Hà Nội đổi khu đất phía nam đường vành đai 3 (thuộc phường Đại Kim - quận Hoàng Mai và phường Thanh Liệt - huyện Thanh Trì). Đây là khu đất rộng khoảng 90 ha. Nếu tính cả hồ nước xung quanh có thể lên đến gần 200 ha.

Trên đất này, Bitexco công bố dự án đầu tư khu đô thị sinh thái The Manor Central Park trị giá lên đến 1,9 tỷ USD. Sẽ có trên 1.000 căn hộ thấp tầng, 18 tòa cao ốc, trường học, trung tâm thương mại... được xây dựng.

Lợi ích lớn

Trên đây chỉ là một số dự án trong nhiều dự án BT trong chương trình đổi đất lấy hạ tầng xuất hiện một loạt các sai phạm gây thất thoát vốn lớn mà Thanh tra Chính phủ đã kết luận.

Cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng” được coi như sáng kiến của Bà Rịa – Vũng Tàu từ nửa đầu những năm 1990. Tuy nhiên, hệ quả tham nhũng đã làm cho lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bị thi hành kỷ luật sau khi thanh tra việc thực hiện “đổi đất lấy hạ tầng”.

Cách làm chỉ định nhà đầu tư thực hiện công trình, sau khi bàn giao công trình, chính quyền địa phương thanh toán cho nhà đầu tư bằng đất đai theo kiểu “hàng đổi hàng” của Bà Rịa - Vũng Tàu đã được nhiều địa phương khác áp dụng.

Ít bị người dân phản ứng như các dự án BOT, các dự án BT (đổi đất lấy hạ tầng) được các chuyên gia nhận định rất dễ bị bóp méo, biến tướng do thiếu công khai minh bạch vì những khoản sinh lời vô cùng lớn.

Trong vài năm trở lại đây, trong khi các dự án BOT dường như có phần “im ắng” hơn thì dự án BT lại đang trở thành một cơn “sốt” thực sự trên cả nước. Hiện chưa có một báo cáo đầy đủ nào về toàn cảnh các dự án BT tại Việt Nam. Chỉ riêng ở Hà Nội, với 16 dự án BT đã và đang triển khai từ năm 2015 về trước, tổng mức đầu tư đã lên tới 28.874 tỷ đồng và từ năm 2012 trở về trước có đến 63 dự án BT (theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội về các dự án BT tháng 6/2017)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ