[Café cuối tuần] Hãy mở cửa, đừng do dự nữa!

Nhàđầutư
Mùa xuân của lễ hội, rồi mùa hè của du lịch đang đến rồi, hãy mở bung những cánh cửa, xóa bỏ nốt những rào cản để đón luồng sinh khí mới thổi vào cuộc sống của chúng ta!
Nhà văn, dược sĩ TRẦN THANH CẢNH
19, Tháng 02, 2022 | 07:48

Nhàđầutư
Mùa xuân của lễ hội, rồi mùa hè của du lịch đang đến rồi, hãy mở bung những cánh cửa, xóa bỏ nốt những rào cản để đón luồng sinh khí mới thổi vào cuộc sống của chúng ta!

le-hoi-trang-an-2021-ket-noi-cac-di-san

Lễ hội Tràng An 2021. Ảnh: Internet

Đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) đang đi đến hồi kết. Tuy nhiên con virus gây ra dịch bệnh Sars-CoV-2 sẽ không biến mất khỏi đời sống chúng ta, mà nó sẽ tồn tại cùng loài người như hàng tỷ loại virus xưa nay vẫn thế. Loài người chúng ta phải chấp nhận chung sống cùng nó.

Nên dù nó có biến thành thể mới omicron hay một biến thể nào đó khác nữa nay mai, đó là đặc tính sinh học của chúng, ta biết để phòng tránh tác hại của nó mà thôi. Cái hy vọng có thể diệt hết hay không lây nhiễm, thực tế đã cho thấy đó là không tưởng, hão huyền.

Khi đại dịch mới nổ ra, sự hiểu biết về loài virus mới này chưa đầy đủ về mọi mặt: cách lây lan, cách sinh trưởng, cách gây bệnh và các hậu quả khi nó xâm nhiễm, gây ra những triệu chứng nguy hiểm nào và cách điều trị các triệu chứng đó ra sao... Tất cả đều chưa rõ ràng, đều phải mò mẫm để tìm cho được cách khống chế nó.

Điều đó dẫn đến các nước, các chính phủ đã cho thực hiện những cách chống dịch nhiều khi rất cực đoan, đóng cửa kinh tế xã hội trên phạm vi toàn quốc, toàn thế giới. Một tình trạng vô tiền khoáng hậu xảy ra suốt thời gian qua. Tình trạng này mà cứ tiếp diễn sẽ là sự đổ vỡ không biết đâu mà lường!

Thật may cho chúng ta, sau những bỡ ngỡ thậm chí hoảng hốt ban đầu, cho đến nay chúng ta về cơ bản đã có những hiểu biết khá đầy đủ về COVID. Đã biết rõ, chỉ khoảng 20% số người nhiễm virus (dương tính) phát các triệu chứng bệnh, và số bị nặng chỉ chiếm vài ba phần trăm. Đã sản xuất được vaccine để phòng và hạn chế tác hại của COVID.

Và quan trọng nhất, các thầy thuốc trên thế giới đã hiểu rõ các biến chứng nguy hiểm của COVID có thể gây ra cho người cùng cách điều trị: để phòng và điều trị hội chứng “cơn bão cytokine” gây chết người do thiếu ô xi máu, đã có thuốc đặc hiệu nhóm corticoid. Để phòng trừ các cục máu đông gây nghẽn mạch, đã có các thuốc dự phòng và đánh tan các cục máu đông như aspirine, rivaroxaban…

Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của máy móc cho các chức năng sống của cơ thể bệnh nhân nặng luôn sẵn sàng. Nhiều bệnh nhân nặng được cứu sống. Và thế là người ta ngộ ra, thực ra COVID cũng không có gì là ghê gớm lắm như ban đầu chúng ta hình dung.

Trên các dữ liệu khoa học chính xác và đúng đắn thu nhận được, chiến lược chống COVID của tuyệt đại đa số các nước trên thế giới được điều chỉnh từ “Zero COVID” sang “sống chung cùng COVID”. Không thể khác. Chúng ta không thể sống cách ly khỏi xã hội, cách ly khỏi nhau, sống như những “nô lệ mới” của một “gã độc tài” mang tên COVID! Như thế hoàn toàn không thể gọi là cuộc sống loài người, vốn được mệnh danh là chúa tể của muôn loài.

Thế là bắt đầu từ các nước tiên tiến Âu, Mỹ, các biện pháp mở cửa thích ứng với COVID được triển khai. Thực tế đã cho thấy hoàn toàn thích hợp, khi xác định sống chung cùng COVID. Thậm chí đến nay, các nước Bắc Âu đã tuyên bố dỡ mọi rào cản xã hội về COVID. Đến ngày 24/2 tới đây là nước Anh. Thế nhưng đã từ lâu, nước Anh đã hầu như mở cửa: nếu bạn là người mê bóng đá, từ tháng 8 năm ngoái khi giải Premier League khai mạc, các sân vận động nước Anh đã chật ních khán giả chen vai thích cánh và không cần khẩu trang!

Nước ta bị ảnh hưởng của COVID sau các nước khác. Đặc biệt nặng nề ở đợt dịch trong TP.HCM và các tỉnh lân cận bắt đầu từ tháng 6/2021. Cho đến giờ phút này, có thể nói dịch đã bao phủ đồng đều khắp cả nước. Tuy là một nước đi sau, nhưng việc chống dịch của chúng ta cũng xảy ra nhiều chuyện dở khóc dở cười: phong tỏa cực đoan trên diện rộng. Phong tỏa chết cứng ở nhiều địa phương. Thậm chí là mỗi nơi áp dụng một cách khiến cho kinh tế xã hội cả nước có lúc như bị gãy khúc, tê liệt.

Tình trạng sợ hãi thái quá đã dẫn đến những biện pháp cực đoan. Và không loại trừ những kẻ té nước theo mưa để kiếm ăn như vụ “kit test Việt Á” mà cơ quan công an đang điều tra. Tất cả những điều đó đã tác động tiêu cực đến kinh tế xã hội nước nhà: hàng chục năm nay chưa từng xảy ra tình trạng “tăng trưởng âm”, vậy mà nó đã hiện hữu ở báo cáo của Chính phủ năm vừa qua.

Trên bình diện dân cư, rất nhiều tầng lớp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, suy giảm về thu nhập, từ đó dẫn đến tác động tiêu cực cho cả nền kinh tế. Nền kinh tế xã hội của chúng ta đã đến điểm tới hạn, không thể chịu đựng được thêm nữa. Thêm nữa sẽ là sự sụp đổ không hồi phục nổi. Nên với những hiểu biết về COVID và độ bao phủ của vaccine, chúng ta cần phải nhanh chóng thực hiện chiến lược sống chung cùng COVID một cách triệt để.

Phải mở cửa toàn diện đời sống kinh tế xã hội: trẻ em phải được đến trường, cán bộ công nhân phải đến công sở nhà máy làm việc, các cơ sở du lịch tôn giáo phải được hoạt động bình thường, không có gì ngăn cấm nữa. Cuộc sống phải trở lại như trước, mọi cánh cửa phải được mở ra hết cỡ, không nên còn một sự gì vương bận rụt rè nào ở đây. Trên thực tế dịch COVID đã chuyển thành căn bệnh truyền nhiễm thông thường như bệnh cúm hàng năm rồi. Nếu ai đó mắc, đã có thuốc và các cơ sở y tế luôn sẵn sàng phục vụ.

Để kết thúc bài này, tôi xin thông tin đến các bạn cả nước: tỉnh Bắc Ninh nơi tôi sống thường xuyên, đã từng là tâm dịch của cả nước. Nay COVID vẫn đang tiếp diễn. Thế nhưng những người chủ trì chống dịch nơi đây đã mở cửa cho học sinh mọi cấp học đến trường từ cuối tháng 9. Và thực tế đã cho thấy đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, không có bất cứ một sự cố đáng kể nào xảy ra!

Vậy thì các nơi, các ngành còn rụt rè gì nữa? Mùa xuân của lễ hội, rồi mùa hè của du lịch đang đến rồi, hãy mở bung những cánh cửa, xóa bỏ nốt những rào cản để đón luồng sinh khí mới thổi vào cuộc sống của chúng ta!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25157.00 25457.00
EUR 26777.00 26885.00 28090.00
GBP 31177.00 31365.00 32350.00
HKD 3185.00 3198.00 3304.00
CHF 27495.00 27605.00 28476.00
JPY 161.96 162.61 170.17
AUD 16468.00 16534.00 17043.00
SGD 18463.00 18537.00 19095.00
THB 674.00 677.00 705.00
CAD 18207.00 18280.00 18826.00
NZD 0000000 15007.00 15516.00
KRW 0000000 17.91 19.60
       
       
       

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ