[Café cuối tuần] Trong thảm họa càng sáng lên phẩm giá

Câu chuyện về phẩm giá của con người, về lòng vị tha và tình yêu sáng lên trong thảm họa lại càng có ý nghĩa thời sự giữa những ngày tháng nhân loại đối diện với đại dịch hiện nay. Những câu chuyện ấy cần tiếp tục được truyền tụng để cho con người biết cách sống xứng đáng hơn.
NGUYỄN PHÚ LA
12, Tháng 02, 2022 | 07:02

Câu chuyện về phẩm giá của con người, về lòng vị tha và tình yêu sáng lên trong thảm họa lại càng có ý nghĩa thời sự giữa những ngày tháng nhân loại đối diện với đại dịch hiện nay. Những câu chuyện ấy cần tiếp tục được truyền tụng để cho con người biết cách sống xứng đáng hơn.

Cách nay 110 năm, đã diễn ra thảm họa: Con tàu Royal Mail Ship (RMS Titanic) đâm vào núi băng trôi, chìm xuống Đại Tây Dương trong chuyến đi đầu tiên và cũng là cuối cùng của nó. Titanic là tàu lớn nhất, hiện đại và sang trọng nhất so với các con tàu thời đó. Tàu chạy bằng hơi nước, dài 269m, rộng 28m, tải trọng choán nước đến 52.310 tấn. Một hệ thống 24 nồi hơi cùng pitton, tuabin và 4 ống khói lừng lững, tạo nên sức đẩy tới 59.000 mã lực. Tàu có thể chở 2435 khách, thủy thủ đoàn 892 người. Nó được đóng trong 3 năm (1909 – 1912) để thực hiện tham vọng thống trị tuyến đường biển xuyên Đại Tây Dương của Hãng vận tải biển The White Star Line.

titanic

Vụ đắm tàu ngày 14/4/1912 của tàu Titanic ngoài khơi bờ biển Nova-Scotia, trong chuyến đi đầu tiên. Ảnh: AFP

Titanic là đỉnh cao kiến trúc và thiết kế hàng hải, là tiến bộ của công nghệ đóng tàu, được đánh giá là "Không thể chìm". Vậy mà sau khi đâm vào núi băng lúc 23g40 ngày 14/10/1912, nó bị nước ùa vào, đầu tàu chúi xuống, đuôi tàu nhô lên, rồi gẫy đôi ra và chìm xuống nước biển lạnh buốt lúc 2g20 ngày hôm sau. Sau đó, đến 4g10, mới có con tàu đầu tiên tiếp cận, cứu hộ mới bắt đầu.

 Trong số 2223 người trên tàu, chỉ có 706 sống sót, 1517 người chết, trong đó có rất nhiều nhà tư bản, là triệu phú hàng đầu cùng các chính khách, nhà văn, nhà báo và văn nghệ sỹ tên tuổi.

Hiện nay, tất cả những người sống sót sau thảm họa cũng đã qua đời. Bà Millvina Dean (sinh 2/2/1912) là người nhỏ tuổi nhất trên tàu Titanic, mất vào ngày 31/5/2009, là hành khách qua đời cuối cùng.

Vụ đắm tàu Titanic được coi là sự kiện “Thảm họa hàng hải lớn nhất của mọi thời đại”. Thảm họa Titanic là đề tài cho hàng loạt cuộc điều tra, kiện tụng với đủ các giả thuyết. Sau đó, người ta đã đề ra rất nhiều thay đổi lớn trong quy định an toàn hàng hải quốc tế.

***

Vụ đắm tàu bi thảm Titanic trở thành đề tài, mang lại cảm hứng sáng tác cho rất nhiều tác phẩm văn học, hội họa và điện ảnh...

Về văn học và tư liệu, Titanic là chủ đề cuốn tiểu thuyết hư cấu Titanic: The Long Night của Diane Hoh. Nhiều cuốn sách thể loại tư liệu, phi hư cấu, viết về thảm họa được phát hành sau khi Titanic đắm. Một số người sống sót, như thủy thủ Lightoller và hành khách Jack Thayer, đã viết sách về trải nghiệm của mình. Walter Lord là tác giả cuốn sách gồm những cuộc phỏng vấn các nhân vật sống sót và bình luận, mang tên “A Night to Remember”

Titanic trở thành bối cảnh của nhiều bộ phim nhựa và truyền hình nổi tiếng: Saved from the Titanic, In Nacht und Eis (1912) Atlantic (1929) Titanic (1943 và 1953), A Night to Remember (1958) S.O.S. Titanic TV movie (1979) Raise the Titanic! (1980), Titanic TV mini-series (1996). Bộ phim được bàn luận và xem nhiều nhất là bộ phim nhựa Titanic (1997) của đạo diễn James Cameron với hai  diễn viên chính Leonardo Di Caprio và Kate Winslet. Phim này giành tới 11 Giải Oscar và thu được số tiền lãi cao nhất trong lịch sử.

Câu chuyện về vụ đắm tàu Titanic cũng mang đến nhiều cảm hứng cho các tác phẩm âm nhạc lớn ra đời, được dựng thành các vở nhạc kịch, được đưa vào nhiều show diễn truyền hình, dựng thành các trò chơi và được chọn làm chủ đề sáng tạo của một số loại hình giải trí khác…

***

Kể từ sau Titanic, trên thế giới vẫn còn xảy ra nhiều thảm họa đắm tàu khác với số người thiệt mạng lớn, có khi còn lớn hơn vụ Titanic:

Hai năm sau thảm hoạ Titanic, chiếc tàu chở khách “Nữ hoàng Ireland” bị đắm trên sông Saint Lawrence sau khi va chạm với tàu chở than Na Uy Storstad, có 1.012 người chết.

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, tàu RMS Lancastria bị đắm tháng 6/1940, hơn 4.000 người chết. Rồi tàu Wilhelm Gustloff đắm ngày 30/1/1945, hơn 9.000 người chết. Hai tàu tiếp theo là Goya, đắm ngày 16/4/1945, 7.000 người chết và tàu SS Cap Arcona, đắm ngày 3/5/1945, hơn 7.700 người chết. Bốn con tàu đắm trong chiến tranh này là do những vụ oanh tạc của máy bay đối phương gây ra, chứ không phải là tai nạn hàng hải. 

Sau đó, là tiếp tục những tai nạn, cũng đến mức thảm họa: Tháng 1/1959, tàu Hans Hedtoft của Đan Mạch đâm vào núi băng và đắm. Hans Hedtoft cũng đắm khi thực hiện chuyến đi đầu tiên và cũng được đánh gía là "Không thể chìm" vì những tiến bộ kỹ thuật trong thiết kế. Năm 1987, tàu MV Dona Paz bị đắm tại Philippines sau khi va chạm với tàu chở dầu Vector và bóc cháy, số người chết “không rõ ràng”, khoảng từ 1.500 tới 4.000 người. Năm 2002, chiếc phà MV Joola của Sénégal bị lật úp ngoài khơi Gambia, 1.863 người chết.

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao mà vụ đắm tàu Titanic lại mang đến nhiều trăn trở, nhiều cảm xúc nhất và làm cho người ta luôn muốn trở lại để nói về nó?

Câu trả lời có lẽ là do người ta đã được nghe kể lại, đã dựng lại được rất cụ thể thời gian từ lúc con tàu phát hiện ra nguy cơ, cách thức nó gặp nạn và diễn biến nhiều câu chuyện về cách ứng xử của con người rất cảm động, đầy nhân văn đối với thảm họa tồi tệ đang từ từ kéo đến. Cái chết sẽ đến, không khác được, nhưng người ta đã bình thản đón nhận để càng sáng lên phẩm giá con người.

***

“Phụ nữ và trẻ em lên trước!” khi thuyền cứu hộ hạ xuống đã trở thành mệnh lệnh trái tim của những con người trong khốn cùng và nhiều câu chuyện trong những giờ phút giây lâm nạn của Titanic đến nay vẫn còn được tiếp tục kể lại. Có thể kể lại một vài câu chuyện:

John Jacob Astor, nhà kinh doanh và phát minh, nhà văn nổi tiếng, sau khi đưa người vợ mang thai xuống thuyền cứu hộ, thì châm thuốc hút và bình thản ở lại. Người ta đề nghị Astor rời đi, khối tài sản của ông đủ để làm 10 tàu Titanic, nhưng ông đã chọn cái chết để giữ gìn nhân cách của mình.

Ben Guggenheim, tỷ phú ngân hàng, trong nguy nan, đã thay cho mình bộ vest sang trọng và nói: “Tôi phải chết thật trịnh trọng, như một quý ông”.

Strauss, sáng lập công ty bách hóa Macy của Mỹ, người giàu thứ hai thế giới, nói: “Tôi không đi khi đàn ông còn ở lại”. Ông khuyên vợ, bà Rosalie, thì bà nói: “Em sẽ ở lại cùng anh”. Họ choàng vai nhau, cùng bước đến chiếc ghế trên boong tàu, ngồi xuống, chờ đợi giây phút cuối cùng đời mình.

Nahuatl, doanh nhân người Pháp, đưa hai con trai lên thuyền và dứt khoát quay lại tàu để… chết.

Cô gái Lydepas ôm chặt chồng mới cưới, quyết không rời đi, chồng cô phải đấm cho cô ngất xỉu để đưa lên thuyền. Về sau, Lydepas đã không tái giá, sống độc thân, để luôn hoài niệm người chồng đã mất…

Linh mục Thomas Byles từ chối xuống thuyền, ở lại làm lễ cầu nguyện, giải tội, an ủi và cùng chết với những người cuối cùng.

Ban nhạc gồm tám người của Wallace Harley bình thản chơi các bản nhạc cho mọi người nghe, đến tận khi con tàu chìm hẳn vào lòng biển sâu…

Còn rất nhiều những hành động và cách thức như thế trong sự kiện Titanic.

Câu chuyện về phẩm giá của con người, về lòng vị tha và tình yêu sáng lên trong thảm họa lại càng có ý nghĩa thời sự giữa những ngày tháng nhân loại đối diện với đại dịch hiện nay. Những câu chuyện ấy cần tiếp tục được truyền tụng để cho con người biết cách sống xứng đáng hơn.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ