[Café cuối tuần] Cứ bình tĩnh mà sống

Nhàđầutư
Đành rằng dịch bệnh là hiện hữu, virus Sars-CoV-2 là nguy hiểm, nhưng có đáng sợ đến mức khiến cho cả guồng máy xã hội hầu như tê liệt, chuỗi sản xuất gần như đứt gãy mà hậu quả của nó gây ra cho nền kinh tế chưa biết khi nào mới hồi phục được như hiện nay.
Dược sĩ, nhà văn TRẦN THANH CẢNH
08, Tháng 01, 2022 | 13:44

Nhàđầutư
Đành rằng dịch bệnh là hiện hữu, virus Sars-CoV-2 là nguy hiểm, nhưng có đáng sợ đến mức khiến cho cả guồng máy xã hội hầu như tê liệt, chuỗi sản xuất gần như đứt gãy mà hậu quả của nó gây ra cho nền kinh tế chưa biết khi nào mới hồi phục được như hiện nay.

Trong dịp cuối năm vừa rồi, khi dịch COVID có hiện tượng tái phát tại các khu công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh, tôi đã tới một số nhà máy, công ty tại đó. Do một cơ duyên, tôi đi phát thuốc của các nhà tài trợ cho công nhân trong vùng nguy cơ cao, tặng họ vitamin C để uống bổ sung, tăng cường sức đề kháng chống lại sự xâm nhiễm của virus Sars- CoV-2.

cong nhan samsung

Nhân viên Samsung Việt Nam khử khuẩn trước khi vào nhà máy. Ảnh: Bảo Anh

Tôi đã đến tận nơi, vào tận phân xưởng, đã trao đổi, trò chuyện với cả quản lý công ty và công nhân của họ. Rồi tôi hỏi han thêm những người chịu trách nhiệm chống dịch nơi đây. Tôi đọc các bài viết đủ kiểu trên các phương tiện truyền thông. Và tôi chợt nhận ra rằng, hình như tất cả chúng ta đang có phần “tự vẽ ma nhát mình”.

Đành rằng dịch bệnh là hiện hữu, virus Sars-CoV-2 là nguy hiểm, nhưng có đáng sợ đến mức khiến cho cả guồng máy xã hội hầu như tê liệt, chuỗi sản xuất gần như đứt gãy mà hậu quả của nó gây ra cho nền kinh tế chưa biết khi nào mới hồi phục được như hiện nay. Soi xét một cách kỹ lưỡng, số người chết vì COVID thực sự đáng tiếc là ít, rất ít. Vậy thì cái hậu quả chúng ta đang phải đón nhận có đáng không?

Tôi có một ông bạn làm giám đốc bệnh viện dã chiến to nhất nhì khu vực khi dịch nổ ra, nơi thu dung điều trị cho công nhân các khu công nghiệp bị dương tính. Lúc đông tới cả ngàn người. Thế nhưng, như ông bạn vẫn cập nhật cho tôi thường xuyên diễn biến tình hình của các công nhân F0 đó: Hầu hết là họ chẳng có triệu chứng gì. Có vài người xổ xít kiểu như cảm cúm, cho uống vài viên thuốc cảm, ít vitamin C, rồi khỏi. Toàn công nhân đang lứa tuổi trẻ khỏe nên họ hầu như không hề hấn gì hết. Hết đợt cách ly, xét nghiệm âm tính, lại về lao động ầm ầm.

Tôi đã suy nghĩ mãi về thực tế diễn tiến này. COVID là một dịch bệnh gây ra cho một nhóm dân cư, đặc biệt là những người trên 65 tuổi và những người bị bệnh lý nền mãn tính nhiều thương vong. Nhưng chúng ta có nên nhìn nhận nó quá khủng khiếp như vừa qua không? Đến mức mà phong tỏa chết cứng, rào phố, rào làng, bịt ngõ, cấm mọi hoạt động kinh tế xã hội bình thường, ai ở đâu ở đấy, cách ly triệt để người với người, nhà với nhà, thôn xóm phố phường cách ly nhau, tỉnh huyện cấm nhau qua lại. Đến quốc lộ cũng bị chặt khúc ngăn xe.

Thế là hậu quả đến liền: Sản xuất đình đốn, lưu thông ách tắc, xã hội trì trệ. Những ngày đó, nhìn ra phố, ra làng có cảm tưởng như cuộc sống đã bị kéo lùi về những năm khốn khó. Chỉ mấy tháng dịch mà thành quả xây dựng của chúng ta bị hủy hoại đi không tính đếm nổi. Thế mới biết cuộc đời có một định lý bất biến là: Phá bao giờ cũng dễ hơn xây!

Nhưng rốt cuộc chúng ta đã nhận ra sai lầm, là không thể nào chống dịch theo cái phương pháp cũ “Zero Covid” được. Một khi đã xác định rằng không có cách nào loại bỏ hết virus ra khỏi đời sống con người, thì phải chấp nhận thích ứng với nó mà thôi. Nghị quyết 128 của Chính phủ đã ra đời và nhấn mạnh điều này. Đó là một chính sách kịp thời, đúng đắn.

Nhưng từ chính sách đi vào thực tế là cả một quãng đường dài. Phải có một bước chuyển lớn về tư duy, nhận thức, bởi nhiều người, nhiều ngành, nhiều cấp đã quá quen với nếp nghĩ thụ động từ trước, “Chống dịch như chống giặc”, “Bao vây, phong tỏa, truy vết, dập dịch”… Dịch bệnh chưa từng có tiền lệ, con virus sinh ra dịch bệnh này cũng “tinh quái” chưa từng có, nó biến đổi có khi hàng ngày. Vậy thì chúng ta cần phải điều chỉnh cách chống dịch, thích ứng với điều kiện cụ thể.

Chúng ta hoàn toàn không thể đóng cửa nhà máy hàng ngàn, hàng chục ngàn công nhân khi xuất hiện virus trong môi trường làm việc được. Người nhiễm virus mà không có triệu chứng gì thì không thể coi là bệnh nhân, họ có thể sống và lao động một cách bình thường. Chúng ta bắt buộc phải chấp nhận virus sẽ lây lan trong toàn bộ cộng đồng dân cư trẻ, khỏe mạnh, đang độ tuổi lao động và học tập. Bởi như đã nói ở trên, rõ ràng sự đóng cửa các cơ sở sản xuất kinh doanh sẽ mang lại nhiều hệ lụy, thậm chí là thiệt hại về nhân mạng do các yếu tố xã hội và bệnh tật khác còn lớn hơn do dịch nhiều lần.

Với một cộng đồng dân cư trẻ khỏe, việc nhiễm virus lại là một cơ may: Những người này sau khi nhiễm, cơ thể sẽ sinh ra một lượng kháng thể dồi dào mạnh mẽ, tạo nên một lá chắn “Miễn dịch cộng đồng tự nhiên” rất vững mạnh bảo vệ cho cả những người xung quanh. Vấn đề ở đây là cần bảo vệ “nhóm yếu thế” đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định danh: Những người cao tuổi từ 65 trở lên, những người có bệnh lý nền ảnh hưởng đến hệ miễn dịch như tiểu đường, tim mạch, ung thư, suy thận, béo phì… Kinh nghiệm lâm sàng trong chống dịch trên thế giới đã cho biết, những đối tượng này một khi bị bệnh sẽ rất dễ dẫn đến trở nặng, thậm chí tử vong. Sự quá tải y tế xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới, trong tâm dịch hầu như là ở các đối tượng này. Chính vì vậy họ phải được bảo vệ đầu tiên và cẩn trọng.

Thật may, giờ chúng ta đã có vaccine, hãy ưu tiên cho đối tượng này trước. Hơn nữa, giờ đây chúng ta đã hiểu biết về phác đồ và thuốc điều trị sớm các triệu chứng gây chết người gây ra bởi virus. Cơn bão mang tên “Cytokine” cùng hội chứng đông máu, là hai nguyên nhân gây tử vong hàng đầu với bệnh nhân COVID, cần được khắc chế sớm. Vậy thì bệnh nhân sẽ không bị nặng, không phải vào cấp cứu mà làm quá tải các cơ sở y tế. Khi chúng ta đã biết cách điều trị sớm, những người trẻ chẳng may bị bệnh sẽ nhanh chóng vượt qua mà hầu như không bị ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe.

Thế thì tại sao chúng ta phải hạn chế họ học tập, làm việc, vui chơi giải trí? Trường học cần phải được mở lại. Nhà máy, công ty phải hoạt động bình thường. Các dịch vụ xã hội cần phải được mở dần ra để cuộc sống của chúng ta bình thường. Hai năm qua đã là quá đủ cho loài người rút ra được thực chất đây là loại dịch bệnh gì, mức độ nguy hiểm đến đâu, khả năng phòng tránh và điều trị bệnh thế nào. Về cơ bản, chúng ta đã hiểu, đã nhận thức được, rồi đây COVID-19 sẽ trở thành một loại bệnh đặc hữu, ai mắc phải, có triệu chứng thì tới bệnh viện chữa trị mà thôi. Bắt buộc phải như vậy.

Cũng như mọi người đều phải hiểu vòng đời của mỗi con người luôn tuân theo một quy luật bất biến nữa là “sinh-lão-bệnh-tử”. Một khi đã hiểu điều đó, tại sao chúng ta cứ phải sợ hãi trước những hiển nhiên như thế? Vậy, thay vì lo lắng, chúng ta nên “lờ” những tất yếu rồi sẽ đến kia để cứ bình tĩnh mà sống, mà đón nhận. Hãy làm việc hết mình, sống từng phút giây thật có ý nghĩa, chứ đừng ngồi ru rú trong nhà, nhìn ra ngoài cửa rồi sợ hãi đủ điều.

Mà ngoài trời thì mùa xuân đã về, chim hót ríu ran, hoa nở tưng bừng. Nào, ta hãy dẹp những điều phiền muộn năm cũ sang một bên và cùng nhau lao động, sản xuất kinh doanh, vui đón năm mới phát tài phát lộc!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25153.00 25453.00
EUR 26686.00 26793.00 27986.00
GBP 31147.00 31335.00 32307.00
HKD 3181.00 3194.00 3299.00
CHF 27353.00 27463.00 28316.00
JPY 161.71 162.36 169.84
AUD 16377.00 16443.00 16944.00
SGD 18396.00 18470.00 19019.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 18223.00 18296.00 18836.00
NZD   14893.00 15395.00
KRW   17.76 19.41
DKK   3584.00 3716.00
SEK   2293.00 2381.00
NOK   2266.00 2355.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ