Bắc Ninh vững vàng vượt qua đại dịch
Việc triển khai đồng bộ các giải pháp từ xây dựng kế hoạch, ban hành văn bản, thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở khám chữa bệnh, trường học, các khu cách ly tập trung, công ty, doanh nghiệp… đã góp phần tạo sự thống nhất, nhất quán trong chỉ đạo điều hành của tỉnh về công tác phòng, chống dịch.
Từ những kết quả đạt được, Bắc Ninh đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp; chủ động nắm bắt tình hình, diễn biến dịch, các tình huống phát sinh để thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch. Huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo sự thống nhất, triển khai tổng thể, toàn diện các cấp, các lĩnh vực. Thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ (chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và cách ly tại chỗ)...
Để lan tỏa, nêu gương, rút ra được các bài học kinh nghiệm quý báu, các giải pháp quan trọng để chiến thắng đại dịch COVID-19, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, Nhadautu.vn có cuộc trao đổi với ông Ngô Tân Phượng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh.
Xin ông cho biết những kết quả mà Bắc Ninh đã đạt được trong công tác phòng, chống dịch COVID-19?
Ông Ngô Tân Phượng: Với quyết tâm thực hiện bằng được “mục tiêu kép”, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặt ra những bài toán khó hơn về cân bằng mục tiêu phòng chống dịch với phát triển kinh tế - xã hội. Bắc Ninh đã kiên quyết, kiên trì kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa hai mục tiêu này. Câu hỏi đặt ra là “làm thế nào khoanh vùng nhanh nhất, hẹp nhất có thể để vừa chặn đứng sự lây lan của dịch vừa giảm thiểu tác động của dịch đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội?”. Nhiều quyết định khó khăn được đưa ra trao đổi lấy ý kiến, đưa lên đặt xuống rất nhiều lần. Từ các quyết định phong tỏa, áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội,… không có quyết định nào là dễ dàng.
Đặc biệt, khi dịch bệnh có dấu hiệu lây lan từ cộng đồng vào các khu, cụm công nghiệp tập trung và ngược lại. Bắc Ninh buộc phải đưa ra những quyết sách kịp thời. Thời điểm đó, có nhiều ý kiến cho rằng nên đóng cửa các khu công nghiệp để tập trung dập dịch. Tuy nhiên, là tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp đứng đầu cả nước, việc đóng băng hoạt động sản xuất có thể gây ra hệ luỵ rất lớn, nguy hiểm hơn có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng sản xuất của doanh nghiệp trong cả nước. Với trách nhiệm và tinh thần quyết tâm cao nhất, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã thống nhất bằng mọi giá bảo vệ “thành trì sản xuất công nghiệp”. Nhiều cuộc họp đã được tổ chức ngay trong đêm để phân tích và đi đến các quyết định:
- Duy trì sản xuất trong doanh nghiệp để thực hiện mục tiêu kép với sáng kiến “3 cùng”: Cùng ăn - cùng ở - cùng làm. Đồng thời, 50% số công nhân còn lại sẽ được quản lý chặt chẽ tại địa bàn dân cư thông qua các chủ nhà trọ và Tổ COVID cộng đồng để đảm bảo có nguồn công nhân “sạch” sẵn sàng thay thế cho lực lượng công nhân làm trong nhà máy.
- Xây dựng phương án “một cung đường - 2 địa điểm”
+ Bố trí cho người lao động chỉ đi trên một cung đường nối 2 địa điểm là nơi làm việc và nơi ở tập trung, đảm bảo an toàn.
+ Khuyến khích công nhân cùng một nhà máy ở tập trung một khu nhà trọ (có camera theo dõi và không ra ngoài sau 21 giờ hàng ngày).
- Với phương án "2 tại chỗ, một vùng xanh", tức là công nhân sản xuất, ăn uống tại nhà máy nhưng ngủ ở nơi an toàn.
Đây thực sự là quyết định “cân não” với ban lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh vì tại thời điểm đó, đây là giải pháp chưa có tiền lệ song lại là biện pháp an toàn nhất để bảo vệ sự an toàn cho doanh nghiệp, bảo đảm chuỗi sản xuất, bảo vệ an toàn sức khỏe và cuộc sống của người lao động. Và như đã biết, đến nay, Bắc Ninh vẫn là một trong những địa phương triển khai linh hoạt, hiệu quả nhất “3 cùng” (3 tại chỗ) trong thời điểm dịch bệnh lây lan trong các khu, cụm công nghiệp tập trung.
Những kết quả mà Bắc Ninh đạt được trong quá trình phòng, chống dịch COVID-19 có thể nói là rất đáng tự hào, ông có thể cho biết vì sao Bắc Ninh có thể làm được như vậy?
Ông Ngô Tân Phượng: Hai năm vừa qua, tỉnh Bắc Ninh luôn coi công tác phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, BCĐ Quốc gia để tổ chức thực hiện các biện pháp về phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Tôi và các đồng chí lãnh đạo tỉnh đều nhận thức rõ từ thực tiễn chống dịch là đợt dịch sau bao giờ cũng diễn biến phức tạp và khó lường hơn đợt dịch trước. Từ đó, công tác phòng chống dịch của tỉnh được yêu cầu phải đặt ở mức sẵn sàng cao nhất để có thể ứng phó với những tình huống dịch bệnh xảy ra.
Để đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe của nhân dân vừa phục hồi và phát triển kinh tế là hết sức khó khăn, vất vả. Song, càng khó khăn phải càng quyết tâm, cố gắng phòng chống dịch. Tôi và các đồng chí lãnh đạo tỉnh đều xác định làm việc không có ngày nghỉ, chủ động theo dõi, đeo bám, nắm địa bàn, cập nhật thông tin 24/24 cũng như thường xuyên kiểm tra công tác phòng chống dịch ở cơ sở để kịp thời chỉ đạo, điều hành với diễn biến dịch mới phát sinh. Tuy nhiên, không chỉ cá nhân tôi và các đồng chí lãnh đạo tỉnh vất vả mà cả hệ thống chính trị tỉnh đã tích cực vào cuộc với trách nhiệm và tình cảm. Tôi và các lãnh đạo tỉnh đồng hành và chia sẻ những khó khăn với đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, những chiến sỹ tuyến đầu trên mặt trận chống dịch. Họ thực sự là những người hùng trong cuộc chiến đầy cam go và thử thách này.
Bắc Ninh không những phòng, chống dịch COVID-19 thành công, được Chính phủ biểu dương và cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, xin ông cho biết quá trình phòng, chống dịch COVID-19 nhằm ổn định sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, Bắc Ninh đã rút ra được những bài học kinh nghiệm quý báu nào?
Ông Ngô Tân Phượng: Bắc Ninh và Bắc Giang là 2 địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt dịch thứ 4, một đợt dịch được đánh giá là hết sức phức tạp, đa ổ dịch, đa nguồn lây và đa biến chủng. Thực tiễn trong công tác phòng chống dịch cho thấy dịch bệnh lần sau khó khăn, phức tạp, diễn biến khó lường hơn lần trước, hậu quả nặng nề hơn, cách xử lý khó khăn hơn, tác động xấu hơn. Đúc rút kinh nghiệm hay và bài học quý qua các đợt chống dịch trước để kế thừa, phát huy những việc tốt, những việc gì đã làm được, cũng như chủ động, mạnh dạn triển khai các giải pháp quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt trong tình hình mới, tỉnh Bắc Ninh đang dần kiểm soát và khống chế được dịch bệnh. Những giải pháp mà tỉnh đã triển khai sẽ là bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác phòng chống dịch của địa phương:
Thứ nhất, trong công tác lãnh, chỉ đạo phải bám sát vào các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính Phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và hướng dẫn nghiệp vụ của Bộ Y tế; phải đảm bảo các vấn đề cơ bản mang tính nguyên tắc đó là bảo vệ an toàn, sức khỏe cho nhân dân là mục tiêu cao nhất; kiên định với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, “lấy người dân là trung tâm”, chủ thể trong phòng, chống dịch. Lưc lượng tham gia phòng, chống dịch là cả hệ thống chính trị, đặc biệt là toàn thể nhân dân; bám sát tình hình thực tế, nhanh chóng, kịp thời đưa ra những quyết định, chỉ đạo cụ thể, phù hợp, hiệu quả trong tổ chức thực hiện phòng, chống dịch.
Thứ hai, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong phòng chống dịch bệnh; thực hiện triệt để phương châm “Bốn tại chỗ”, cụ thể hóa trách nhiệm, gắn trách nhiệm cá nhân, kiên quyết xử lý mọi trường hợp lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm, thực hiện không nghiêm các quy định, chỉ đạo về phòng, chống dịch (trong đó cần nêu cao cao vai trò, trách nhiêm của người cán bộ, đảng viên). Giám sát và áp dụng chế tài nghiêm với các trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch.
Thứ ba, Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống dịch bệnh để mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận phòng chống dịch, thực hiện nghiêm quy định 5K và các quy định khác của cấp có thẩm quyền. Triển khai hiệu quả các mô hình Tổ COVID cộng đồng ở các khu dân cư và tại các doanh nghiệp để phát huy sức mạnh toàn dân.
Thứ tư, phòng tránh nhiễm dịch cho các “thành trì” trọng yếu có nguy cơ trở thành ổ dịch như khu công nghiệp tập trung là vấn đề rất quan trọng cần phải có giải pháp quyết liệt, kịp thời… Đồng hành, lắng nghe, chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp với quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu kép vừa ngăn chặn, đẩy lùi và phòng chống dịch bệnh đảm bảo sức khỏe của nhân dân vừa phục hồi và phát triển kinh tế.
Thứ năm, quán triệt tinh thần “chủ động tấn công”, chủ động ngăn chặn dịch từ các nguồn lây; luôn chuẩn bị cho các tình huống xấu hơn. Tiếp nhận, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn Vaccine (ưu tiên cho đối tượng tuyến đầu chống dịch và công nhân tại các khu công nghiệp). Tiêm phòng Vaccine phải được xác định là giải pháp căn cơ nhất để tấn công dịch bệnh.
Thứ sáu, nâng cao năng lực xét nghiệm tại chỗ. Khi phát hiện các ca mắc thì cần truy vết thần tốc, khoanh vùng, phong tỏa, cách ly, triển khai lấy mẫu, xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm sớm nhất. Triển khai cách ly tập trung khoa học và hiệu quả.
Làn sóng thứ 4 của đại dịch COVID-19 đã gây nhiều khó khăn và tác động tiêu cực tới nền kinh tế của Bắc Ninh, song với các giải pháp sáng tạo, linh hoạt và chủ động của các cấp lãnh đạo, đến thời điểm hiện tại, dịch cơ bản được kiểm soát. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, doanh nghiệp được đảm bảo đã góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng. Xin ông cho biết những kết quả nổi bật của kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh?
Ông Ngô Tân Phượng: Bắc Ninh là một trong hai địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của COVID-19 trong giai đoạn đầu đợt dịch thứ 4. Đến thời điểm hiện tại, tình hình dịch bệnh của tỉnh đã được kiểm soát; hoạt động sản xuất cơ bản đã khôi phục trạng thái bình thường trước dịch. Thành quả này có được là nhờ hội tụ sức mạnh, đó là sự đồng tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân và sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, vai trò lãnh đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã được thể hiện rõ nét qua kết quả công tác phòng, chống dịch trong thời gian qua của tỉnh Bắc Ninh.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại với diễn biến khó lường, kinh tế Bắc Ninh vẫn đạt nhiều kết quả tốt, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước.
Tốc độ tăng GRDP ước đạt 6,9%; giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh ước tăng 10%; giá trị xuất khẩu ước tăng 18,7%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước tăng 12,6% so với dự toán.
Toàn tỉnh thu hút đầu tư trong nước gấp 2,14 lần so với năm 2020; thu hút đầu tư nước ngoài gấp 1,5 lần và đặc biệt có những nhân tố mới, tạo động lực phát triển cho các năm tiếp theo.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp không bị đứt gãy. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện.
Kết quả trên là tổng hòa của nhiều yếu tố:
- Sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;
- Sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị;
- Sự tin tưởng, ủng hộ, đồng hành và quyết tâm của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn.
Từ công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 tại Bắc Ninh, ông có đề xuất gì với Chính phủ để Bắc Ninh nói riêng và cả nước nói chung chiến thắng đại dịch nguy hiểm này?
Ông Ngô Tân Phượng: Trong triển khai thực hiện Nghị quyết 128, phải nhất quán, thông suốt từ Trung ương xuống địa phương; cấp dưới phải phục tùng cấp trên; địa phương tuyệt đối không được ban hành các quy định trái với chỉ đạo của cấp trên; nếu thực hiện cao hơn, sớm hơn, phải báo cáo cấp trên.
Bảo đảm mục tiêu kép nhưng đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết. Các giải pháp phòng, chống dịch phải dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của từng địa phương; đảm bảo người dân được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh; được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất, ngay từ cơ sở; không gây ách tắc cho lưu thông, sản xuất.
Các địa phương phải chuẩn bị cơ sở, năng lực điều trị theo hướng vừa tập trung để điều trị các ca bệnh nặng, vừa phân cấp, phân tán để người bệnh tiếp cận y tế nhanh nhất, sớm nhất, ngay từ cơ sở.
Kinh nghiệm từ công tác phòng, chống dịch trong 4 đợt vừa qua đã một lần nữa tiếp tục khẳng định ý thức của người dân là một trong những chìa khóa then chốt để chiến thắng đại dịch. Người dân cần tuân thủ nghiêm túc các quy định của ngành y tế để phòng ngừa nhiễm bệnh cho bản thân và lây nhiễm cho người khác. Mỗi người dân phải nêu cao ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng, đặc biệt nếu bản thân mình đang bị nhiễm bệnh. Tôi tin tưởng rằng nếu người dân đồng thuận và luôn hợp tác tốt nhất với chính quyền, chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua dịch bệnh. Chiến thắng đại dịch COVID-19 chính là chiến thắng của Nhân dân.