[Café cuối tuần] Cần bàn định toàn dân về quy hoạch sông Hồng!

Nhàđầutư
"Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn ngàn năm!" Đấy là câu mở đầu bài thơ "Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?" của nhà thơ Chế Lan Viên. Một bài thơ mang tính sử thi, lãng mạn, hùng ca, đã rất nổi tiếng, quen thuộc qua nhiều hình thức thể hiện, với người Việt.
NGUYỄN THÀNH PHONG
13, Tháng 03, 2021 | 07:21

Nhàđầutư
"Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn ngàn năm!" Đấy là câu mở đầu bài thơ "Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?" của nhà thơ Chế Lan Viên. Một bài thơ mang tính sử thi, lãng mạn, hùng ca, đã rất nổi tiếng, quen thuộc qua nhiều hình thức thể hiện, với người Việt.

Bài thơ ra đời cách đây gần 60 năm, vào khoảng đầu năm 1965, khi đất nước ta chuẩn bị bước vào cuộc chiến đấu sinh tử với máy bay và bom đạn giặc Mỹ bắn phá miền Bắc.

AD2B43F4-30CB-43F3-9B83-F1842B8964A2

Phối cảnh một trong những đề án quy hoạch sông Hồng được đề xuất từ năm 2007. Ảnh: TP

Bài thơ mở đầu bằng hình ảnh sông Hồng như thế và còn láy lại hình ảnh con sông ấy gắn với khát vọng dựng xây công nghiệp hóa đất nước ngay trong thời kỳ đang mù mịt đạn bom chiến tranh:

"Rồi với đôi tay trắng từ Đinh, Lý, Trần, Lê…

Đảng làm nên công nghiệp

Điện trời ta là sóng nước sông Hồng

An Dương Vương hãy dậy cùng ta xây sắt thép

Loa thành này có đẹp mắt Người chăng?".

Tôi nhớ lại bài thơ này và những câu thơ ấy một cách không tình cờ, là vì đang vào thời điểm chúng ta bàn chuyện quy hoạch và xây dựng đoạn sông Hồng đi qua Thủ đô Hà Nội…

Sông Hồng là con sông Cái, con sông Mẹ, con sông hình thành nên đồng bằng Bắc Bộ, bồi đắp nên nền tảng nền văn minh nông nghiệp lúa nước sông Hồng. Nước Việt ta trải qua lịch sử mấy ngàn năm đã nhận lấy những ân sủng hào hiệp vun đắp của con sông này. Người ta đã tính, lưu lượng nước sông Hồng nơi cửa bể, cao nhất đến 30.000 m3/giây vào mùa lũ, thấp nhất là 700 m3/giây vào mùa cạn. Mỗi một m3 nước sông Hồng chứa khoảng 1,5 kg phù sa, đã giúp cho đồng bằng Bắc Bộ hàng năm tiến dần ra biển với tốc độ cao nhất so với các con sông khác trên địa cầu. Những ai đã sống và hiểu biết về vùng đất cửa bể Thái Bình và Nam Định, đều nhận thấy đất bằng đã vươn xa ra biển kể từ ngày mình còn thơ dại đến khi trưởng thành ra sao. Sóng biển ở cửa sông Hồng luôn u trầm và nặng nhọc vì sinh nở đất đai đã nhiều ngàn năm nay…

Người Việt, trong lịch sử, chưa có nhiều công tích trong việc trả nợ ơn nghĩa, tiếp  sức tái tạo và khai thác những giá trị của sông Hồng. Công cuộc lớn nhất được ghi nhận là từ thời nhà Lý (thế kỷ thứ 11), đã khơi dòng sông Đuống để chia lũ sông Hồng và tạo nên hệ thống giao thông đường thủy của vùng đồng bằng Bắc bộ. Sông Đuống được đặt tên chữ là Thiên Đức, nối sông Hồng với cửa Lục Đầu Giang, kết nối ba con sông có chữ Đức trong tên gọi là Minh Đức (sông Lục Nam), Nhật Đức (sông Thương) và Nguyệt Đức (sông Cầu) đổ ra thành sông Thái Bình. Tứ đức, nhật nguyệt thiên minh, từ đó mới tỏa sáng. Rồi phải đợi đến rất lâu sau đó, gần 800 năm, thời vua Minh Mạng, mới có thêm một lần nạo vét và mở rộng hệ thống các con sông này...

Trong thời đại mới, công cuộc xây dựng hệ thống các nhà máy thủy điện, đã bắt đầu khai thác được những giá trị tiềm ẩn ngàn đời nay của các con sông chi lưu của sông Hồng. Tuy nhiên, công cuộc ấy đã có những tác động tiêu cực, làm ảnh hưởng tới con sông Mẹ là sông Hồng căn cốt của chúng ta…

Bây giờ, đúng là đã đến một thời điểm rất thích hợp, hội tụ cả thiên thời, địa lợi, để chúng ta nghĩ đến việc khai thác những tiềm năng của con sông Hồng, nhất là ở đoạn đi qua Hà Nội. Cùng với khai thác, cũng rất cấp thiết là việc phải tái tạo được một sức sống mới cho con sông Hồng ân nghĩa với đất nước ta.

Những thông tin về bàn thảo việc xây dựng quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng mà Hà Nội đưa ra mang đến cho chúng ta nhiều phấn khởi, nhưng cũng đầy ắp những lo âu, phấp phỏng…

Xây đựng một quy hoạch phát triển hai bên bờ, tạo nên sức sống mới cho sông Hồng là một công trình lớn lao, mang ý nghĩa thời đại. Quy hoạch ấy phải có ý nghĩa biểu tượng của tinh thần và trí tuệ quốc gia, mang dấu ấn hiện đại, tôn trọng cao nhất sự hài hòa, vừa bảo vệ được thiên nhiên, môi trường, tôn thêm vẻ đẹp và là nền tảng để khai thác được tốt nhất những tiềm năng và giá trị của con sông Mẹ này. Quy hoạch ấy phải tôn vinh sông Hồng là của Việt Nam và thể hiện Hà Nội hiện đại, đẹp đẽ, quyến rũ và tự hào bởi vì có sông Hồng.

Quy hoạch phát triển này không chỉ là thiên thời, địa lợi mà còn phải hội tụ sâu sắc yếu tố nhân hòa…

Quy hoạch này không thể sửa chữa. Nếu làm sai hoặc yếu kém, bất cập chỉ một khía cạnh nào đó là cũng không thể sửa chữa, là mắc phải trọng tội với lịch sử.

Vì thế, đây không phải là một công việc của riêng Hà Nội. Đây là một đại dự án hệ trọng nhất trong tầm mức quốc gia. Do đó, dự án này phải do Quốc hội chủ trì với sự bàn định của toàn dân. Quốc hội cần đưa ra một cách thức phù hợp để toàn dân bàn định về đại dự án này một cách công khai và rộng rãi nhất để có thể tập hợp được cao nhất tinh hoa văn hóa, trí tuệ, ý nguyện của nhân dân và cập nhật những yếu tố thời đại để chúng ta không phải trả giá cho bất cứ những sai lầm nào đó về đại dự án rất lớn lao này.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25475.00
EUR 26606.00 26713.00 27894.00
GBP 30936.00 31123.00 32079.00
HKD 3170.00 3183.00 3285.00
CHF 27180.00 27289.00 28124.00
JPY 158.79 159.43 166.63
AUD 16185.00 16250.300 16742.00
SGD 18268.00 18341.00 18877.00
THB 665.00 668.00 694.00
CAD 18163.00 18236.00 18767.00
NZD   14805.00 15299.00
KRW   17.62 19.25
DKK   3573.00 3704.00
SEK   2288.00 2376.00
NOK   2265.00 2353.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ