[Gặp gỡ thứ Tư] 'Quy hoạch 2 bên sông Hồng sẽ sớm huy động được đầu tư công nghệ cao'

Nhàđầutư
"Có quy hoạch phân khu sông Hồng thì mới giải quyết được vấn đề dân sinh, sinh kế cho người dân vùng này. Nếu giải quyết sớm được, Hà Nội cũng sẽ sớm huy động đầu tư công nghệ cao, phát triển nông nghiệp khu vực này", Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
THẮNG QUANG
20, Tháng 01, 2021 | 07:58

Nhàđầutư
"Có quy hoạch phân khu sông Hồng thì mới giải quyết được vấn đề dân sinh, sinh kế cho người dân vùng này. Nếu giải quyết sớm được, Hà Nội cũng sẽ sớm huy động đầu tư công nghệ cao, phát triển nông nghiệp khu vực này", Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung trải qua 1 năm đầy thử thách nhưng đã đạt những thành quả kinh tế - xã hội khiến cả thế giới phải khâm phục. Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chia sẻ với Nhadautu.vn về những kết quả của năm 2020 và định hướng phát triển TP. Hà Nội trong nhiệm kỳ mới.

Năm 2020 là năm khó khăn với toàn thế giới, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, để khái quát tình hình thành phố trong năm qua, ông thấy điều gì ấn tượng nhất?

Ông Vương Đình Huệ: Năm 2020 là một năm đầy biến cố, thử thách nhưng Thành phố đã cùng cả nước bước qua với nhiều kết quả tích cực, được báo chí và các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam là một điểm sáng của khu vực thời COVID-19, thuộc nhóm quốc gia đạt mức tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới. Có được kết quả này, tôi cho rằng có sự chỉ đạo kịp thời của Trung ương, Chính phủ, chính quyền các địa phương và đặc biệt là sự nhất trí, hưởng ứng rất cao của Nhân dân trong thực hiện "nhiệm vụ kép", vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế.

Với Hà Nội, trách nhiệm đó càng nặng nề hơn. Là cửa ngõ quốc tế, nơi trung chuyển của vùng và cả nước, nơi có số lượng người tiếp nhận, sàng lọc, cách ly và điều trị rất lớn, nguy cơ lây nhiễm cao, do đó sự an toàn của Hà Nội trước bệnh dịch sẽ có vai trò quan trọng đối với các địa phương khác trên cả nước. Tính luỹ kế tới nay cuối năm 2020, TP. Hà Nội đã cách ly tại khu tập trung gần 44.800 người, luỹ tích có 198 ca mắc COVID-19, chưa có ca mắc tử vong. Đã trải qua gần 140 ngày liên tiếp Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới tại cộng đồng.

Kết quả kiểm soát dịch bệnh COVID-19 cũng góp phần giúp Thành phố tổ chức thành công đại hội 17.118 chi bộ, 2.310 tổ chức cơ sở đảng và 50 đảng bộ cấp trên cơ sở, tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP. Hà Nội thành công, tạo nhiều dấu ấn tốt đẹp, không chỉ đề ra mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm phát triển TP. Hà Nội trong 5 năm tới mà còn định hướng tới năm 2030 và tầm nhìn tới năm 2045.

Trong phát triển kinh tế - xã hội, Hà Nội chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực khi dịch vụ, thương mại, du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là các quận khu vực nội thành. Nhưng bằng tinh thần "góp gió thành bão", "ngoại thành chi viện cho nội thành", trên nguyên tắc bảo đảm kiểm soát COVID-19, tăng trưởng của Hà Nội năm 2020 tăng 3,98%, cao gấp khoảng 1,4 lần bình quân cả nước. Công nghiệp, xây dựng duy trì tăng trưởng khá, đạt 6,39%; dịch vụ tăng 3,29%, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hoá vẫn tăng hơn 10% so với năm 2019.

Chỉ số lạm phát được kiểm soát ở mức 2,67%, thấp hơn mức tăng chung cả nước và thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Hoàn thành kế hoạch giải quyết việc làm mới cho gần 160.000 lao động, tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn bình quân chung cả nước, chỉ ở mức 2,3%. Thu ngân sách vượt dự toán hơn 2%, đạt gần 285.000 tỷ đồng, tăng gần 6% so với năm 2019. Nếu tính cả số thu ngân sách trên địa bàn do Cục Thuế TP. Hà Nội quản lý thì tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố đạt trên 340.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, nguồn thu  nội địa bền vững trong bối cảnh đại dịch COVID-19, chiếm 93% thu ngân sách. Tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt 416.000 tỷ đồng, tăng gần 10% so với năm 2019, dư nợ tín dụng đạt trên 2,3 triệu tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm 2019. TP. Hà Nội đã giảm, giãn, hoãn thuế, phí, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp trên 26.000 tỷ đồng, chiếm 30,9% tổng số tiền hỗ trợ của cả nước. Kịp thời hỗ trợ bằng tiền hơn 604 tỷ đồng cho người có công và các đối tượng khó khăn khác do dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ và Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ; tích cực ủng hộ nhân dân miền Trung khắc phục hậu quả mưa lũ với tổng số tiền và hàng hoá trị giá 124,8 tỷ đồng; huy động Quỹ Vì biển đảo 44 tỷ đồng, Quỹ vì người nghèo các cấp được trên 83 tỷ đồng.

PLD_6058

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ. Ảnh: PV.

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, kéo giảm tội phạm hình sự 15,6% so với năm 2019, khám phá 100% các vụ trọng án trên địa bàn, tai nạn giao thông giảm sâu. Hệ thống chính trị ngày càng được củng cố. Nhờ làm tốt việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, chỉ trong năm 2020, Hà Nội tiết kiệm chi thường xuyên được hơn 3.000 tỷ đồng, dành tất cả để chi cho an sinh xã hội, phòng, chống dịch và đầu tư phát triển. Nhờ đó, tỷ trọng chi thường xuyên của thành phố chỉ chiếm 51%, còn 49% dành chi cho đầu tư phát triển, cao hơn nhiều so với tỷ trọng 27% chi đầu tư phát triển của cả nước.

Nông nghiệp Thủ đô tăng trưởng 4,2%, mức cao nhất trong 9 năm trở lại đây, càng có ý nghĩa khi quý I/2020, ngành này tăng trưởng âm 1,17% do tác động của đại dịch COVID-19 và dịch tả lợn châu Phi. Tới nay, giá trị ngành nông nghiệp Hà Nội đạt 46.000 tỷ đồng, cao hơn 2.000 tỷ đồng so với năm 2019. Đến hết năm 2020, Hà Nội có khoảng 1.000 sản phẩm được công nhận OCOP, chiếm 41% các sản phẩm OCOP của toàn quốc; có 13 đơn vị cấp huyện đạt và 367 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ tương ứng là 72,2% và 96,1%, đưa Hà Nội đứng đầu cả nước về số xã và số huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Cùng với đó, nhiều dự án, công trình lớn ở thành phố cũng hoàn thành, giải quyết được nhiều điểm ùn tắc hơn hai chục năm nay, cải thiện bộ mặt đô thị như cầu vượt Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt, cầu thấp Linh Đàm nối với vành đai 3 trên cao, đường trên cao đoạn ngã tư Vọng - ngã tư Sở, đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long và khai trương nút xoay vành đai 3 nối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Dư luận nhân dân vui mừng và đánh giá cao khi năm 2020, Hà Nội đã xử lý dứt điểm vụ xử lý sai phạm trật tự xây dựng ở chung cư số 8B Lê Trực (quận Ba Đình), bảo đảm các yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan thúc đẩy tiến độ, đưa đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông vận hành thử nghiệm vào cuối năm 2020 và bàn giao, chạy thương mại trong tháng 1/2021, quyết định các giải pháp căn cơ trong vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải,...  góp phần cải thiện bộ mặt đô thị, xử lý ô nhiễm môi trường và giảm tải ùn tắc giao thông.

Hà Nội có kế hoạch gì cụ thể giải quyết triệt để những vấn đề bức xúc về môi trường, đô thị hiện nay?

Ông Vương Đình Huệ: Thành phố đã thống kê được 20 vấn đề dân sinh nổi cộm cần xử lý, trong đó có các vấn đề về ô nhiễm không khí, môi trường, ùn tắc giao thông, trật tự xây dựng, cảnh quan đô thị,... Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã chủ động mời Ban cán sự Đảng của 10 Bộ, ngành làm việc, không chỉ để góp ý vào các kế hoạch, chiến lược phát triển của Thủ đô trong 5 năm, 10 năm tới mà còn để tranh thủ sự hỗ trợ và chung tay xử lý các vấn đề dân sinh bức xúc. Riêng với dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Hà Nội đã cho thành lập tổ công tác chung làm nhiệm vụ đôn đốc tiến độ dự án. Thành phố cũng giao Sở GTVT tập dượt, kết nối xe bus công cộng với các tuyến đường sắt này. Hiện nay, dự án đang tiến hành chạy thử trước khi vận hành thương mại vào tháng này.

Nhiều người rất vui khi biết việc xử lý sai phạm nhà 8B Lê Trực treo lại trong 5 năm qua nhưng tới nay đã kết thúc. Trước rất nhiều áp lực, nhưng với chỉ đạo kiên quyết, các sở, ngành và quận Ba Đình đã hoàn thành việc xử lý sai phạm, trao trả mặt bằng cho chủ đầu tư và hai bên đã thống nhất các phương án xử lý, tạo điều kiện nhanh nhất cho người mua nhà đến ở trước Tết Tân Sửu, cải thiện bộ mặt đô thị, đáp ứng được các yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Với Khu liên hiệp xử lý rác thải Nam Sơn ( trên địa bàn huyện Sóc Sơn), thành phố xác định mục tiêu phải giải quyết bền vững và lâu dài. Thiết lập cơ chế thanh tra, giám sát việc thu gom, vận chuyển rác thải từ các điểm tập kết tới các khu xử lý, không để rỉ nước rác, không để người dân phải chặn xe rác. Rà soát, thực hiện ký kết công khai, minh bạch các hợp đồng đấu thầu, thu gom rác từ năm 2021.

Mới đây, tôi đã tới Nam Sơn và thấy môi trường được cải thiện rất nhiều. Đồng thời, Thành phố và chủ đầu tư đang phấn đấu trong quý I/2021 lắp đặt 2 tổ máy đầu tiên của Nhà máy điện rác Nam Sơn và khoảng tháng 5/2021 vận hành toàn bộ nhà máy, dự kiến xử lý khoảng 4.000 tấn rác/ngày, phát ra được 75-100 MW điện. Trong buổi làm việc giữa Thành uỷ với Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương, Bộ đã ưu tiên đưa các nhà máy điện rác mà Hà Nội đã đăng ký, trong đó có Nhà máy điện rác Nam Sơn bổ sung vào quy hoạch điện 8. Hiện nay còn một số nhà máy nữa ở Chương Mỹ, Phú Xuyên, Sơn Tây… Như vậy, mỗi ngày Hà Nội có thể xử lý khoảng hơn 6.000-7.000 tấn rác. Việc này vừa giải quyết căn bản được tình trạng đốt rác gây ô nhiễm, vừa hạn chế được chôn lấp rác, lại tạo ra năng lượng điện.

Ngoài những "bài toán khó" đó, khai thác cát sỏi trái phép trước đây cũng là vấn đề rất nhức nhối của Hà Nội. Nhưng trong kỳ họp HĐND cuối năm, Thành phố đã chất vấn quyết liệt nội dung này, sau đó xử lý nghiêm một loạt tàu khai thác cát trái phép nên đã tạo ra tính răn đe rất cao.

Lâu nay nhiều người vẫn nói "Hà Nội không vội được đâu", nhưng Thủ tướng cũng đã nói rồi, "Hà Nội không vội không xong". Nhiều vấn đề của Hà Nội không xử lý nhanh và ngay tức khắc, sẽ không đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố.

Văn kiện Đại hội Đảng bộ TP. Hà Nội lần thứ XVII có nêu sẽ nỗ lực cạnh tranh với các thành phố trong khu vực và thế giới. Vậy ưu tiên của Hà Nội để đạt được mục tiêu này là gì?

Chúng tôi đặt ra các mục tiêu tổng quát cho Thủ đô từng giai đoạn, đến năm 2025, Hà Nội là thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực. Đến năm 2030 Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô và đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là Thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế.

Hà Nội không chỉ là trái tim, mà còn là bộ mặt của cả nước. Với nền văn hiến lâu đời, truyền thống văn hoá tiêu biểu, nơi hội tụ nhân tài, là "Thành phố vì hoà bình", thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của thế giới và với vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, Hà Nội có nhiều tiềm năng, khả năng để nâng cao vị thế hơn nữa, sánh ngang với nhiều Thủ đô, trung tâm kinh tế, sáng tạo khác của thế giới và khu vực.

Trong thời gian tới Thành ủy Hà Nội sẽ ban hành Nghị quyết về phát triển ngành công nghiệp văn hóa, xác định yếu tố phát triển văn hóa, con người chính là nguồn lực nội sinh quan trọng và đột phá để phát triển bền vững Thủ đô. Phát triển kinh tế của Hà Nội cũng phải dựa trên nền tảng về văn hóa.

Vì thế, Hà Nội sẽ chú trọng phát triển ngành công nghiệp văn hóa tập trung vào các lĩnh vực như: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; báo chí - truyền thông; du lịch,...

Trong bước đường đó, văn hoá - sáng tạo sẽ là những thành tố cơ bản để cùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại sẽ đóng vai trò là nền tảng để Hà Nội thực hiện được 5 định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá.

Ba khâu đột phá đó là: Ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, xây dựng một số công trình tiêu biểu, không gian kiến trúc cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô. Tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô. Phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu…, kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.

Để tận dụng tốt cơ hội phát triển, năm 2021, Thường trực Thành ủy Hà Nội sẽ trình Bộ Chính trị 3 việc: Xem xét, điều chỉnh quy hoạch phát triển Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến 2050, để tạo khuôn khổ phát triển cho thành phố, phù hợp Luật Quy hoạch mới.

Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Thủ đô để trình Quốc hội, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung luật này.

Tổng kết, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020, để ban hành nghị quyết mới làm hành lang pháp lý cho chiến lược phát triển tới đây.

Với tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước", cộng với những lợi thế về mặt tự nhiên, địa lý, địa chính trị, sự quan tâm của Trung ương và thành tựu trong 35 năm đổi mới, Hà Nội có tâm thế và hội tụ đủ các điều kiện để phát triển rất mạnh trong thời gian tới. Các lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước khi về làm việc với Hà Nội đều kỳ vọng vào điều này.

Trong điều kiện dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, gây những tác động không nhỏ đến nước ta, vậy thưa Bí thư, Hà Nội sẽ làm gì để vượt qua khó khăn, thách thức và thực hiện thành công mục tiêu, chỉ tiêu đã đặt ra?

Ông Vương Đình Huệ: Chúng ta hy vọng sớm có vaccine phòng dịch COVID-19, nhưng khi chưa có đủ thì rủi ro đối với lĩnh vực này còn rất lớn. Vì vậy, nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19 và các dịch khác có thể xảy ra trong tương lai vẫn được thành phố xác định là trọng tâm. Với rủi ro như vậy, chắc chắn phải có cách làm khác thì mới đạt được mục tiêu tăng trưởng cho năm 2021 và giai đoạn 2020-2025.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thành ủy Hà Nội dự kiến sẽ ban hành một Nghị quyết riêng về phát triển du lịch trong bối cảnh mới. Tới đây sẽ rà soát lại để bổ sung, điều chỉnh chiến lược cho ngành du lịch và tái cơ cấu lại ngành này kể cả về môi trường, hạ tầng, doanh nghiệp, sản phẩm du lịch để có nguồn thu đa dạng, bền vững.

Hà Nội sẽ bàn và ban hành nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa vì Hà Nội được vinh danh là thành phố thiết kế sáng tạo. Yếu tố con người, yếu tố văn hóa Hà Nội cần được coi là một nguồn động lực nội sinh đột phá và quan trọng để phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới. Theo hướng đó, thành phố cần chú trọng đăng cai tổ chức những sự kiện văn hóa tầm cỡ khu vực, thế giới và mang tính thương hiệu riêng của Hà Nội.

Trước mắt, năm 2021, Hà Nội được vinh dự đăng cai SEAGAME và PARAGAME. Ngoài ra, Hà Nội cũng sẽ có đề án riêng về chỉnh trang đô thị, hiện đại hóa, phát triển kinh tế đô thị, kinh tế ban đêm, mô hình kinh tế chia sẻ, ngành nghề dịch vụ cao cấp, tài chính, ngân hàng, logistics, bảo hiểm. Hà Nội đang mong muốn trở thành trung tâm hàng đầu của ASEAN về chuyển đổi số, an toàn an ninh thông tin mạng, trí tuệ nhân tạo; một trung tâm hàng đầu về thương mại.

Muốn triển khai các được các kế hoạch nêu trên, Đảng bộ TP. Hà Nội đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng, chính quyền. Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo chủ chốt đã nói "Hà Nội yêu cầu phải cao hơn các địa phương khác" nên lần này trong chủ đề Đại hội đã xác định "Gương mẫu xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại".    

Đây sẽ thành một phương châm xử thế, chứ không chỉ là mục tiêu phấn đấu vì có gương mẫu mới trở thành một đảng bộ trong sạch, vững mạnh, gây dựng và củng cố niềm tin, sự đồng lòng, nhất trí trong Đảng, chính quyền và Nhân dân để xây dựng, phát triển Thủ đô.

Với khí thế, quyết tâm và niềm tin của một mùa xuân mới, một nhiệm kỳ mới, tôi tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và Nhân dân Thủ đô sẽ tiếp tục đoàn kết, chung sức đồng lòng, vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XVIII của Đảng bộ Thành phố đã đề ra, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Từ khi nhận nhiệm vụ Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông rất tâm huyết thực hiện quy hoạch 2 bên bờ sông Hồng để tạo động lực phát triển cho Hà Nội. Những khó khăn, vướng mắc của dự án sẽ được giải quyết như thế nào?

Ông Vương Đình Huệ: Hà Nội đang triển khai Quyết định 1259/QĐ-TTg của Thủ tướng về quy hoạch chung Thủ đô đến 2030 tầm nhìn 2050. Đến nay, tỷ lệ phủ kín quy hoạch theo quyết định đó mới đạt 86%. Bốn quy hoạch phân khu nội đô của Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Đống Đa được xây dựng từ 3 đến 4 năm qua, về cơ bản sẽ được giải quyết xong trong năm 2021.

Còn các quy hoạch phân khu sông Hồng trải dài trong phạm vi khoảng 120km sông Hồng chảy qua Hà Nội, từ khu vực Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ… chảy qua các quận nội thành, vòng xuống Thường tín, Phú Xuyên… Trong 40-60km chạy qua đoạn trung tâm là các phân khu sông Hồng.

Quy hoạch phân khu sông Hồng vướng nhất về quy định đỉnh lũ, thoát lũ. Vấn đề này đặt ra rất lâu, Hà Nội cũng đã thuê các đơn vị thiết kế để làm. Theo quyết định của Thủ tướng, tốc độ thoát lũ trên sông Hồng qua Hà Nội phải là 20.000 mét khối/giây; đỉnh lũ là 13,5 mét. Với cao độ đó, xác suất 500 năm mới xảy ra một lần. Bây giờ có Thủy điện Lai Châu rồi khả năng các thông số còn thấp hơn nữa. Hà Nội vẫn theo thông số này, sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ NN&PTNT tiếp tục đẩy nhanh tốc độ xây dựng quy hoạch phân khu này, trình Thủ tướng xem xét thông qua.

Có quy hoạch được phân khu sông Hồng thì mới giải quyết được vấn đề dân sinh, sinh kế cho người dân vùng này. Dọc theo tuyến này có khoảng 1 triệu dân. Nếu giải quyết sớm được, Hà Nội cũng sẽ sớm huy động đầu tư công nghệ cao, phát triển nông nghiệp khu vực này, bởi khi chưa có quy hoạch, theo quy định đất đai ngoài bãi chỉ cho thuê thời hạn không quá 5 năm. Sau 5 năm phải đấu thầu lại, nhà đầu tư rất ngại chuyện đầu tư khoa học công nghệ vì lo ngại không trúng thầu lại.

Bây giờ đất bãi rất nhiều mà chưa sử dụng được. Nếu làm được quy hoạch, diện mạo đô thị mới khang trang hiện đại được. Cùng với quy hoạch có 10 cây cầu bắc qua sông Hồng, lúc đó Hà Nội mới có dư địa phát triển. Nhưng trên nguyên tắc phải đảm bảo tuyệt đối an toàn về phòng chống lũ.

Đó là nguyên tắc tối thượng. Không được phép để xảy ra rủi ro cho thành phố. Sắp tới đây, chúng tôi có thể thi ý tưởng về thiết kế quy hoạch, sau đó triển khai làm. Cộng với đó là quy hoạch sông Đuống. Rồi đặt ra vấn bảo tồn và phát triển. Chúng tôi cũng mong muốn nghiên cứu Cầu Long Biên trở thành cầu đi bộ thì sẽ tạo không gian văn hoá đặc sắc của Thủ đô.

Với các dự án đô thị vệ tinh, lộ trình thực hiện như thế nào, thưa Bí thư?

Ông Vương Đình Huệ: Hà Nội có 5 đô thị vệ tinh. Thủ tướng đã phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc với quy mô 600 nghìn dân. Tiếp nữa là các đô thị Xuân Mai, Sóc Sơn, Sơn Tây và thứ 5 là Phú Xuyên. Hà Nội đang tiếp tục xây dựng, triển khai quy hoạch phân khu cho các đô thị này. Về cơ bản là cần thúc đẩy, nhưng không dàn hàng ngang.

Nếu dàn hàng ngang cả 5 khu đô thị vệ tinh này thì rất khó khi còn 5 huyện chuẩn bị lên quận thì Thành phố sẽ không đủ nguồn lực. Chúng tôi đang tập trung cho một số khu đô thị có dư địa, ví dụ như Khu đô thị Hòa Lạc, Khu đô thị Sóc Sơn, hay như Phú Xuyên để kết nối với khu vực phía Nam thành động lực phát triển. Kết cấu hạ tầng và quy hoạch đều triển khai đồng bộ nhưng tập trung nguồn lực cho một số khu đô thị vệ tinh đã có quy hoạch để tạo ra bứt phá.

Nhất là khu đô thị Hòa Lạc có 3 nhân tố rất cơ bản là Khu công nghệ cao, Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Đại học quốc gia. Thủ tướng cũng phê duyệt quy hoạch Khu đô thị ở phía Bắc sông Hồng, gồm toàn bộ khu N6, chỗ Trung tâm triển lãm quốc tế, hai là thành phố thông minh trục Nhật Tân Nội Bài. Trong nhiệm kỳ, Thành phố sẽ tập trung sức để thực hiện.

Xin cảm ơn ông!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ