Các hãng ô tô Nhật Bản đạt lợi nhuận khả quan

Nhàđầutư
Toyota ghi nhận lợi nhuận ròng kỷ lục trong 9 tháng cuối của năm 2021, trong khi Honda và Nissan đều dự báo mức lợi nhuận khả quan.
KIM NGÂN
10, Tháng 02, 2022 | 15:44

Nhàđầutư
Toyota ghi nhận lợi nhuận ròng kỷ lục trong 9 tháng cuối của năm 2021, trong khi Honda và Nissan đều dự báo mức lợi nhuận khả quan.

Toyota

Đồng yên yếu đi khiến hàng xuất khẩu rẻ hơn và mang lại lợi nhuận lớn hơn khi ngoại tệ mà Toyota kiếm được đổi sang yên. Ảnh: Nikkei Asia

Toyota Motor đạt lợi nhuận ròng 2,3 nghìn tỷ yên (20 tỷ USD) từ tháng 4 đến tháng 12/2021, tăng 58% so với cùng kỳ năm trước, nhờ đồng yên yếu đi và biên lợi nhuận hoạt động cao hơn.

Doanh nghiệp bán ô tô lớn nhất thế giới cho biết doanh thu đạt 23 nghìn tỷ yên trong ba quý, tăng 19%. Lợi nhuận hoạt động tăng 68% lên 2,5 nghìn tỷ yên.

Những hạn chế về sản xuất đã góp phần đưa đến tình trạng cầu vượt cung và ưu đãi dành cho các đại lý giảm, khiến tỷ suất lợi nhuận tăng, theo Nikkei Asia. Khi toàn ngành ô tô "vật lộn" để tăng sản lượng và sản xuất xe mới vẫn tiếp tục giảm, ưu đãi mà Toyota dành cho các đại lý giảm xuống, đặc biệt ở Bắc Mỹ. Yếu tố này giúp Toyota tiết kiệm tổng cộng khoảng 150 tỷ yên (gần 1,3 tỷ USD) trong ba quý.

Đồng yên yếu đi cũng khiến hàng xuất khẩu rẻ hơn và mang lại lợi nhuận lớn hơn khi ngoại tệ mà Toyota kiếm được đổi sang yên.

Toyota giữ nguyên dự báo lợi nhuận cả năm ở mức 2,49 nghìn tỷ yên, trong khi giảm nhẹ dự báo doanh thu từ 30 nghìn tỷ yên xuống 29,5 nghìn tỷ yên do sản lượng tiếp tục bị hạn chế bởi tình trạng thiếu chip và làn sóng đại dịch mới nhất.

Honda Motor hôm thứ Tư cho biết hãng đạt lợi nhuận ròng 582 tỷ yên trong 9 tháng tính đến tháng 12/2021, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu đạt 10,6 nghìn tỷ yên trong ba quý, tăng 12%. Lợi nhuận hoạt động tăng 50% lên 671 tỷ yên.

Đồng yên yếu hơn và nhu cầu cho vay và cho thuê tăng nhanh, được thúc đẩy bởi các biện pháp kích thích kinh tế, đã thúc đẩy lợi nhuận của Honda. Lợi nhuận của Honda chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh dịch vụ tài chính.

Honda nâng dự báo lợi nhuận cả năm lên 670 tỷ yên (5,8 tỷ USD), từ mức 555 tỷ yên mà hãng dự báo hồi tháng 11. Hãng hiện kỳ vọng lợi nhuận hoạt động là 800 tỷ yên cho năm tài chính này, kết thúc vào tháng 3. Trước đó, Honda dự báo lợi nhuận hoạt động là 660 tỷ yên.

Trước đó, Nissan ghi nhuận lợi nhuận ròng 201,3 tỷ yên trong giai đoạn 9 tháng cuối của 2021, trong khi cùng kỳ năm 2020 lỗ ròng 367,7 tỷ yên do các đợt phong tỏa ảnh hưởng nặng nề đến ngành công nghiệp ô tô. Doanh thu cũng tăng so với cùng kỳ năm trước.

Nissan cho biết kết quả 9 tháng được thúc đẩy nhờ điều kiện thị trường thuận lợi ở Mỹ và sự cải thiện về chất lượng bán hàng ở mỗi thị trường. Điều này dẫn đến "sự gia tăng đáng kể trong doanh thu thuần trên một  đơn vị của các mẫu xe chính mới", đồng thời lợi nhuận cũng được cải thiện "nhờ kỷ luật tài chính và kiểm soát chặt chẽ chi phí cố định".

Nissan dự báo lợi nhuận ròng năm tài chính đến tháng 3/2022 là 205 tỷ yên (1,77 tỷ USD). Trước đó hãng đã tăng dự báo lợi nhuận năm lên gấp ba lần, lên 180 tỷ yên.

Chi phí nguyên liệu thô

Các doanh nghiệp hiện quan ngại về chi phí nguyên liệu thô tăng cao. Toyota cho biết những khoản chi ngày càng leo thang này sẽ tiêu tốn của hãng khoảng 630 tỷ yên cho năm tài chính hiện tại, tính đến hết tháng Ba. Một đại diện của Toyota cho biết: "Do vậy, sự căng thẳng là rất lớn, điều mà chưa từng xảy ra trong quá khứ".

Gánh nặng chi phí nặng nề nhất trong khoảng 10 năm qua đột ngột hiện lên, lên tới khoảng 200 tỷ yên, vị đại diện cho biết. "Hiện tại, chúng tôi đang ở trong một tình huống hoàn toàn khác".

Giá nhiều loại hàng hóa và nguyên liệu thô đã tăng trong năm nay. Theo dữ liệu từ QUICK-FactSet, giá nhôm tính đến thứ Tư tăng 55% so với một năm trước đó, trong khi West Texas Intermediate, một chỉ số tiêu chuẩn cho giá dầu, tăng 49%.

Vị đại diện này nói thêm vì Toyota nỗ lực cắt giảm các chi phí khác và cải thiện tỷ suất sinh lợi, có khả năng hãng không thể hấp thụ được "sự gia tăng nhanh chóng và đáng kể của chi phí nguyên vật liệu". "Chúng tôi không nghĩ là những chi phí này sẽ giảm đáng kể trong năm tài chính tới hoặc sau đó, và chúng tôi coi đây là một thách thức nghiêm trọng".

Khủng hoảng chip

Thiếu chip tiếp tục là nỗi ám ảnh lớn của các hãng ô tô Nhật Bản.

Tháng 1, Toyota công bố sản lượng xe trong năm tài chính hiện tại sẽ giảm xuống dưới mức mục tiêu gần đây nhất 9 triệu chiếc, khi cuộc khủng hoảng chip tàn phá chuỗi cung ứng của Đông Nam Á. Hôm thứ Tư, Toyota cho biết hiện họ dự kiến sản lượng năm là 8,5 triệu chiếc.

Đầu tháng này, Honda thông báo hãng sẽ giảm sản lượng tại các nhà máy lắp ráp ở nước mẹ Nhật Bản khoảng 10% so với mức kế hoạch vào tháng 2, do nguồn cung linh kiện chất bán dẫn từ Đông Nam Á bị đình trệ sau đợt lũ lụt vào tháng 12 ở Malaysia.

Tuy nhiên, Nissan vẫn đưa ra những triển vọng lạc quan, một phần do công ty đang dần chuyển hướng sang sản xuất xe điện. Hãng cho biết: "Dự báo sản lượng bán ra cho năm tài chính 2021 không đổi, ở mức 3,8 triệu chiếc, trong bối cảnh tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn trầm trọng và sự gia tăng của COVID-19 đang ảnh hưởng đến hoạt động của nhà máy".

"Nissan đã điều chỉnh tăng triển vọng cả năm bởi hiệu quả hoạt động được cải thiện hơn nữa do nâng cao chất lượng bán hàng và tối ưu hóa chi phí…".

Tháng trước, Nissan và các đối tác liên minh Renault và Mitsubishi Motors cam kết thúc đẩy hợp tác khi họ đầu tư hơn 25 tỷ USD vào phát triển xe điện trong 5 năm tới.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ