Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung: Thất bại vì cạnh tranh thiếu lành mạnh, triệt tiêu lợi thế lẫn nhau

Nhàđầutư
Mặc dù đã tròn 10 năm thành lập Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung (Huế - Bình Định), nhưng thất bại vì thu hút đầu tư theo hướng cạnh tranh tràn lan dẫn đến triệt tiêu lợi thế lẫn nhau và làm lệch định hướng khai thác tiềm năng sẵn có của Vùng.
VIỆT HƯƠNG
09, Tháng 05, 2018 | 06:49

Nhàđầutư
Mặc dù đã tròn 10 năm thành lập Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung (Huế - Bình Định), nhưng thất bại vì thu hút đầu tư theo hướng cạnh tranh tràn lan dẫn đến triệt tiêu lợi thế lẫn nhau và làm lệch định hướng khai thác tiềm năng sẵn có của Vùng.

Có thể nói, các khu kinh tế, khu công nghiệp (KKT, KCN) trong Vùng KTTĐ miền Trung đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc giải quyết công ăn việc làm, chuyển dịch cơ cấu và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong Vùng. Tuy nhiên, sau 10 năm thành lập Vùng KTTĐ miền Trung, kết quả vẫn còn nhiều rào cản do các địa phương cạnh tranh tràn lan; chưa có sự kết nối, liên kết chặt chẽ.

2_65524

Hội nghị bàn về sự phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung vừa diễn ra tại TP. Huế 

Một cuộc thảo luận "nảy lửa" giữa lãnh đạo 5 tỉnh, thành phố thuộc Vùng KTTĐ miền Trung: Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định cùng các chuyên gia kinh tế đã thảo luận về hướng liên kết phát triển các KKT-KCN trong vùng vừa diễn ra tại Thừa Thiên - Huế.

Cạnh tranh theo kiểu "người được, kẻ mất"

Vùng KTTĐ miền Trung được thành lập từ năm 2008, gồm 5 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định với diện tích tự nhiên là 27.881,7 km2, chiếm 8,45% diện tích cả nước; dân số khoảng 6,5 triệu người, chiếm trên 7,0% dân số cả nước; có điều kiện thuận lợi hình thành một hành lang kinh tế, thương mại quan trọng kết nối Bắc – Nam và là cửa ngõ ra biển của tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây, nối Myanma, Lào, Campuchia với đường hàng hải quốc tế qua biển Đông và Thái Bình Dương.

Ông Nguyễn Văn Cao - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Chủ tịch hội đồng Vùng KTTĐ miền Trung cho biết, đến cuối năm 2016, Vùng KTTĐ miền Trung có 4 KKT và 19 KCN (gồm Chân Mây – Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế), Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi) và Nhơn Hội (Bình Định) được Thủ tướng cho phép thành lập, thu hút được hơn 1.280 dự án (DA) với tổng vốn đầu tư ký kết hơn 500.000 tỷ đồng. Trong đó, đã thực hiện hơn 210.000 tỷ đồng, thu ngân sách khoảng 36.000-40.000 tỷ đồng.

"Các KKT-KCN có vai trò quan trọng trong việc giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu và thúc đẩy sự phát triển KT-XH của vùng. Tuy nhiên, lĩnh vực đầu tư vào các KKT-KCN còn ít có công nghệ cao; đang thu hút đầu tư theo hướng cạnh tranh tràn lan, dẫn đến triệt tiêu lợi thế lẫn nhau và làm lệch định hướng khai thác tiềm năng sẵn có. Vì vậy, đã đến lúc cần xem xét, đề xuất một mô hình liên kết mới", Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao nhấn mạnh.

Theo báo các từ các KKT, KCN miền Trung, hiện nay Vùng KTTĐ miền Trung có tạo thêm năng lực sản xuất mới, nhưng chưa tạo ra bước đột phá trong phát triển công nghiệp, phần lớn thu hút vào các KKT, KCN trong Vùng là các ngành thâm dụng lao động, sử dụng nhiều nhiên liệu, năng lượng, ít công nghệ cao, như: dệt may, da giày, sản xuất sản phẩm nhựa, vật liệu nung, chế biến nông - lâm - thủy sản... Cơ cấu ngành nghề này làm cho chất lượng, tốc độ phát triển các KKT, KCN của Vùng không cao.

a

Thực tế việc liên kết vùng trong các KKT, KCN miền Trung đang có sự bất cập, cạnh tranh khốc liệt... (Trong ảnh: Nhà máy lọc dầu Dung Quất)

Ông Đàm Minh Lễ, Phó trưởng BQL KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi cho biết, tình trạng các cấp chính quyền địa phương vẫn còn duy trì cơ cấu khép kín, do chưa thấy được lợi ích khi tham gia liên kết nên chưa mạnh dạn thực hiện liên kết. Sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư giữa các địa phương cũng gây khó khăn cho quá trình liên kết. Chưa có cơ chế cụ thể về việc liên kết vùng.

Nhiều chuyên gia nhận định rằng, miền Trung có nhiều lợi thế lại không có KCN chuyên sâu. Đã xảy ra tình trạng cạnh tranh nội bộ Vùng rất khốc liệt, không liên kết mà cạnh tranh, cạnh trạnh theo hướng cùng xuống đáy, hạ giá của mình xuống để kéo đối tác vào...

Lệch hướng khai thác tiềm năng giữa các vùng 

Một trong những nguyên nhân khác, là chưa có những phân tích sâu nhằm đưa ra cơ chế phân công thu hút, phát triển hợp lý, tạo nên lợi thế tổng thể của toàn vùng. Ngược lại, đang có sự thu hút đầu tư theo hướng cạnh tranh tràn lan trên tất cả các lĩnh vực, tại tất cả các địa phương, làm triệt tiêu lợi thế lẫn nhau và làm lệch lạc định hướng khai thác tiềm năng sẵn có vào phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương trong Vùng.

Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nêu rõ, thực tế đã có sự va chạm và bất cập về sự ưu đãi hiện nay tại các KKT, KCN. Vấn đề ưu đãi cho KKT cũng không có gì khác, chẳng qua là sự gò ép, gán vùng đặc biệt khó khăn nhưng thực tế đó là nơi phát triển, dẫn tới việc làm mất quyền năng liên kết vùng, lệch hướng khai thác tiềm năng.

btb438487-1

 Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao cho rằng, lĩnh vực đầu tư vào các KKT-KCN còn ít có công nghệ cao; đang thu hút đầu tư theo hướng cạnh tranh tràn lan, dẫn đến triệt tiêu lợi thế lẫn nhau và làm lệch định hướng khai thác tiềm năng sẵn có.

Còn theo PGS-TS Trần Đình Thiên (Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam), Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, các KKT-KCN nằm trong Vùng KTTĐ miền Trung cơ bản giống nhau về địa hình và lợi thế, vì vậy mỗi địa phương nên chọn một lợi thế để tạo thành điểm chung cho vùng. Đã đến lúc cần đặt vấn đề một cách thẳng thắn và gay gắt về liên kết của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

“Trước hết phải đánh giá cho được, việc xây dựng KKT và KCN của miền Trung vừa qua thành công hay thất bại, lấy tiêu chí nào để nói rằng nó thành công. Những KKT,  KCN được dành cho sự quan tâm đặc biệt, dù được đầu tư lớn như vậy mà không tạo được sự phát triển như kỳ vọng thì có thể coi là thất bại", ông Thiên nói.

Theo ông Thiên, mục tiêu để các nhà kinh tế ngồi lại với nhau tại Hội nghị Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung lần này nhằm phân tích rõ việc các tỉnh miền Trung đang tập trung ưu đãi chứ không được quyền tạo lập thể chế tốt. Cạnh tranh mà dựa trên ưu đãi là tặng cái lợi ích của mình cho nhà đầu tư, nhưng lại được rất ít, để giải quyết vấn đề lấp đầy các KKT, KCN mà thôi.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Vùng KTTĐ miền Trung cần phải đổi mới về liên kết, đấy là một thể chế Vùng đủ quyền và đủ lực để liên kết các KKT, KCN nhưng hiện nay chưa có được. Để thu hút nhà đầu tư, chúng ta cần thay đổi tư duy, phải để nhà đầu tư tốt chọn mình... là một trong những định hướng chính mà các lãnh đạo địa phương cần mạnh dạn thay đổi về việc xúc tiến đầu tư hiện nay.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25175.00 25177.00 25477.00
EUR 26671.00 26778.00 27961.00
GBP 31007.00 31194.00 32152.00
HKD 3181.00 3194.00 3297.00
CHF 27267.00 27377.00 28214.00
JPY 159.70 160.34 167.58
AUD 16215.00 16280.00 16773.00
SGD 18322.00 18396.00 18933.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18215.00 18288.00 18819.00
NZD   14847.00 15342.00
KRW   17.67 19.30
DKK   3582.00 3713.00
SEK   2293.00 2380.00
NOK   2270.00 2358.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ