Các khu kinh tế cửa khẩu dọc miền Trung ngậm ngùi tiếc 'thời vàng son' (Bài 2)

Nhàđầutư
Bức tranh kinh tế tại các khu kinh tế cửa khẩu dọc miền Trung đang ảm đạm hơn bao giờ hết khi nhiều doanh nghiệp phá sản, nhà đầu tư không mặn mà, hàng hóa lưu thông hạn chế... Nguyên nhân là do cơ chế, chính sách thiếu nhất quán, chưa đồng bộ.
VIỆT HƯƠNG
11, Tháng 04, 2018 | 15:39

Nhàđầutư
Bức tranh kinh tế tại các khu kinh tế cửa khẩu dọc miền Trung đang ảm đạm hơn bao giờ hết khi nhiều doanh nghiệp phá sản, nhà đầu tư không mặn mà, hàng hóa lưu thông hạn chế... Nguyên nhân là do cơ chế, chính sách thiếu nhất quán, chưa đồng bộ.

LB

Chính sách mới nhằm xóa bỏ những thủ tục rườm rà tại KKT Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo nhưng việc thực thi thiếu nhất quán khiến khu vực này đang vắng lặng sau khi được đầu tư hàng ngàn tỷ đồng. (Ảnh: Việt Hương)  

Rào cản từ chính sách thiếu nhất quán

Thực tế, tại các khu kinh tế cửa khẩu quốc tế như Lao Bảo (Quảng Trị), Cầu Treo (Hà Tĩnh) đã có hàng trăm doanh nghiệp phá sản, đóng cửa, ngừng hoạt động, hàng hóa lưu thông hạn chế. 

Ngày 26/11/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg quy định cơ chế, chính sách tài chính đối với khu kinh tế cửa khẩu và sau đó Bộ Tài chính có Thông tư số 109/2014/TT-BTC ngày 15/8/2014 hướng dẫn thực hiện một số điều của Quyết định trên.

Sau khi Thông tư 109 ra đời, Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo không còn được ưu đãi như trước. Chính vì thế, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, ngừng hoạt động tại vùng này.

Cụ thể, theo Khoản 2, Điều 3, Quyết định số 72 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế, chính sách tài chính đối với khu kinh tế cửa khẩu là: "Khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu là khu vực địa lý có ranh giới xác định, được ngăn cách với lãnh thổ bên ngoài bằng hàng rào cứng, có cổng và cửa ra vào bảo đảm điều kiện cho sự kiểm soát của cơ quan Hải quan và các cơ quan chức năng có liên quan, có cơ quan Hải quan giám sát, kiểm tra hàng hóa và phương tiện ra vào khu".

Căn cứ quy định nêu trên, Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo và Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo không bảo đảm quy định về khu phi thuế quan theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (không được ngăn cách với khu vực bên ngoài bằng hàng rào cứng - PV) nên không áp dụng chính sách thuế đối với khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu theo Quyết định số 72 kể từ ngày 1/9/2016 (thời điểm Luật Thuế xuất nhập khẩu có hiệu lực), phải thực hiện chính sách thuế như đối với khu kinh tế cửa khẩu.

Điều này đồng nghĩa với việc Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo không thuộc khu vực phi thuế quan và truy thu thuế GTGT đối với doanh thu của doanh nghiệp kể từ thời điểm Luật Thuế xuất nhập khẩu có hiệu lực. Chính vì thế, lưu lượng hàng hoá xuất nhập khẩu qua những cửa khẩu này giảm mạnh nên các doanh nghiệp không còn mặn mà như trước đây.

Bên cạnh những vường mắc về chính sách nêu trên còn có nguyên nhân bắt nguồn từ việc quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ và việc bố trí quá nhiều lực lượng dọc Đường 9 khiến doanh nghiệp cảm thấy bị "làm phiền". Đây chính là những nguyên nhân được các cơ quan chức năng Quảng Trị xác định và đang tìm giải pháp tháo gỡ.

Mô hình "một cửa một lần dừng" có thực sự ưu việt?

"Một cửa một lần dừng" là một trong những sáng kiến cải cách thủ tục hành chính mang tính đột phá do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đề xuất, lần đầu tiên được áp dụng thí điểm cho cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và Densavanh (Lào). Đây là mô hình có nhiều ưu việt như đơn giản hoá thủ tục, rút ngắn thời gian thông quan.

20170704095830_NPRI

Mô hình kiểm tra “Một cửa, một điểm dừng” (Single Windows Inspection/ Single Stop Inspection– SWI/SSI). Cặp cửa khẩu Lao Bảo (Việt Nam) - Densavanh (Lào) đã chính thức triển khai hơn 3 năm nay. 

Mô hình này được áp dụng đối với tất cả các loại hình  xuất nhập khẩu, nhập cảnh. Đây được xem là sự đột phá về cải cách thủ tục được áp dụng chung cho cả 2 quốc gia Việt Nam - Lào, có ý nghĩa tích cực trong thúc đẩy phát triển tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) và kết nối khu vực, góp phần hỗ trợ Lào triển khai chủ trương biến Lào từ một nước không có biển thành nước trung chuyển, cầu nối đất liền trong khu vực.

 
Có thể nói, những hạn chế, vướng mắc trong cơ chế, chính sách đã tạo một rào cản lớn gây khó khăn, cản trở cho sự phát triển của Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo từng sầm uất một thời. Chính vì vậy, sự cần thiết ở đây là cần có cơ chế đặc thù vì trong thực tế lâu nay không thể xây dựng hàng rào cứng nhưng ở đây vẫn đảm bảo điều kiện cho việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát Hải quan, quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa khu này với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu.

Ông Nguyên Văn Bình - Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị

Tuy nhiên, qua thực tế triển khai, mô hình này bộc lộ một số bất cập, được đánh giá là đã làm ảnh hưởng lớn đến các hoạt động thương mại, đầu tư, xuất nhập khẩu, lao động, giao thông vận tải… Khó khăn hơn nữa là những quy định về lao động, tạm trú, niên hạn sử dụng xe, đổi biển số xe, hoạt động vận tải… giữa hai nước thiếu sự thống nhất, gây khó khăn cho các hoạt động xuất nhập khẩu và xuất nhập cảnh.

Đặc biệt, theo mô hình này, mặc dù cùng ngồi ở một điểm để làm thủ tục, nhưng mỗi nước lại áp dụng theo quy định riêng, chưa có một quy chế chung thống nhất. Sự khác biệt trong chính sách điều hành của hai nước là một trong những trở ngại lớn đến việc triển khai mô hình, gây khó khăn cho các doanh nghiệp.

"Mô hình một cửa một lần dừng quá minh bạch khiến doanh nghiệp chúng tôi không còn đường cựa quậy. Làm kinh doanh mà tất tần tật đều phải chịu thuế thông quan thì lấy gì để ăn. Nhiều doanh nghiệp hết mặn mà với Lao Bảo, chuyển hướng đi các cửa khẩu khác. Thậm chí, những doanh nghiệp này còn chọn cung đường xa hơn, khó đi hơn nhưng giảm thiểu được nhiều chi phí - cái mà doanh nghiệp nào cũng cần", chủ một doanh nghiệp sản xuất chế biến hạt điều xuất nhập khẩu tại Lao Bảo tiết lộ.

Những khoảng thời gian trước mốc Thông tư 109 ra đời (trước năm 2014), nhiều doanh nghiệp vẫn tìm đến với Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo bởi nhà đầu tư vẫn tin rằng đây là “thiên đường cơ hội”. Nhưng say đó, có một thực tế không thể phủ nhận chính là tại nơi nhiều ưu đãi này, doanh nghiệp đang loay hoay tìm lối đi khi cơ chế, chính sách có nhiều thay đổi và tạo ra các vướng mắc, khó khăn.

Ông Nguyên Văn Bình - Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị cho biết: "Có thể nói, những hạn chế, vướng mắc trong cơ chế, chính sách đã tạo một rào cản lớn gây khó khăn, cản trở cho sự phát triển của Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo từng sầm uất một thời. Chính vì vậy, sự cần thiết ở đây là cần có cơ chế đặc thù vì trong thực tế lâu nay không thể xây dựng hàng rào cứng nhưng ở đây vẫn đảm bảo điều kiện cho việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát Hải quan, quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa khu này với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu".

1111111-1402


Những hạn chế của mô hình "một cửa một lần dừng" đang khiến Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo không còn sôi động như trước đây (Ảnh: Việt Hương) 

Tương tự, Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh) được xem là khu phi thuế quan, với hàng loạt ưu đãi về chính sách tài chính, đầu tư, đất đai cho các nhà đầu tư hoạt động trong khu kinh tế (theo QĐ 72 của Chính phủ - PV).

Kể từ khi quyết định có hiệu lực, khu Kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo rầm rộ hẳn lên bởi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đua nhau đầu tư vào. Hàng trăm doanh nghiệp địa phương được thành lập. Khu hành chính cổng B được xây dựng hoành tráng, hiện đại hàng ngàn tỷ đồng. Không những thế, những doanh nghiệp, người dân trong vùng khu kinh tế đã biết nắm bắt thời cơ để làm ăn, mạnh dạn đầu tư sản xuất ngày một phát triển. Chính điều đó đã làm cho Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo phát triển năng động, sầm uất hơn bao giờ hết. Biến Cầu Treo trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế của tỉnh Hà Tĩnh nói riêng và miền Trung nói chung.

Đang là khu phi thuế quan với hàng loạt chính sách ưu đãi, bỗng dưng Thông tư số 109 (Bộ Tài chính ra đời năm 2014) thực hiện một số điều từ Quyết định 72 về cơ chế chính sách tài chính đối với khu kinh tế cửa khẩu. Thông tư của Bộ Tài chính như "cú sốc" lớn đối với các nhà đầu tư cũng như nhân dân trong khu kinh tế. Trong đó, đặc biệt là quy định danh mục tất cả các mặt hàng chịu thuế ngay khi nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan Cầu Treo (trừ hàng hóa nhập vào để thực hiện dự án đầu tư - PV), đã khiến cho tình hình tại khu kinh tế này ngày càng đìu hiu.

Thiếu quan tâm doanh nghiệp

Ngày 1/9/2016, Luật Thuế xuất nhập khẩu có hiệu lực, Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo cũng như Lao Bảo không còn được xem là khu phi thuế quan, không được hưởng các chính sách thuế đối với hàng hóa, dịch vụ như trước đây.

Việc thay đổi chính sách liên tục và gần như không còn ưu đãi gì đáng kể, khiến doanh nghiệp, nhà đầu tư bị động, lúng túng trong kế hoạch sản xuất kinh doanh, không muốn đầu tư dài hạn vào khu kinh tế. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp địa phương “chết yểu”, vỡ nợ, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản. Thực tế, bức tranh kinh tế tại Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo ảm đạm hơn bao giờ hết.

Không chỉ vậy, khi cơ chế nhà nước thay đổi liên tục đối với Khu kinh tế thì ngay nội tại tỉnh Hà Tĩnh, việc sát nhập Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo vào Khu Kinh tế tỉnh Hà Tĩnh đang trở thành vấn đề đáng quan tâm. Việc sáp nhập này thêm lần nữa khiến doanh nghiệp có cảm giám như mình bị bỏ rơi trong giai đoạn khó khăn nhất khi đầu tư vào Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.

Trong khi đó, cũng tại miền Trung - một cửa khẩu thuộc vùng heo hút và khó khăn của tỉnh Quảng Bình là Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cha Lo trong những năm gần đây lại đang phát triển một cách rầm rộ.

Tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cha Lo, đã có nhiều chính sách mạnh bạo trong thu hút nhà đầu tư. Đặc biệt là thủ tục thông thoáng thông quan tại cửa khẩu này đã trở thành điểm đến của doanh nghiệp và vận chuyển thương mại qua biên giới. Cụ thể, năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu, quá cảnh và phi mậu dịch tại Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo là 1,7 tỷ USD. Thuế hàng hóa qua cửa khẩu đạt 37,8 tỷ đồng. Riêng trong 2 tháng đầu năm 2018, kim ngạch đạt trên 207 triệu USD, thuế hàng hóa qua cửa khẩu Cha Lo ước đạt 4 tỷ đồng.

Vì sao cùng miền Trung, Khu kinh tế Cửa khẩu Cha Lo lại đang phát triển rầm rộ trong khi Lao Bảo và Cầu Treo lại rơi vào tình trạng ảm đạm? Cách nào vực dậy hai khu kinh tế cửa khẩu quan trọng này? Đó là những câu hỏi thiết nghĩ các cơ quan liên quan cần sớm vào cuộc để nghiên cứu, điều chỉnh chính sách phù hợp với thực tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, qua đó biến các khu kinh tế cửa khẩu phát triển.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ