Các khu kinh tế cửa khẩu dọc miền Trung ngậm ngùi tiếc 'thời vàng son'

Nhàđầutư
Được đầu tư hàng ngàn tỷ đồng và từng có một giai đoạn cực kỳ thịnh vượng nhưng thực trạng hoạt động tại các cửa khẩu dọc miền Trung hiện nay khá ảm đạm, nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp đóng cửa, rút lui.
VIỆT HƯƠNG
10, Tháng 04, 2018 | 09:01

Nhàđầutư
Được đầu tư hàng ngàn tỷ đồng và từng có một giai đoạn cực kỳ thịnh vượng nhưng thực trạng hoạt động tại các cửa khẩu dọc miền Trung hiện nay khá ảm đạm, nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp đóng cửa, rút lui.

Bài 1: Dự án cửa khẩu quốc tế ngàn tỷ lâm cảnh 'chợ chiều'

Từng một thời được coi là cơ hội làm giàu cho các nhà đầu tư với hoạt động giao thương sầm uất, nhưng tình hình hiện nay tại các Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo (Quảng Trị), Khu kinh tế Bờ Y (Kon Tum) và Cầu Treo (Hà Tĩnh)  khiến không chỉ người trong cuộc cũng phải chạnh lòng. 

Ngậm ngùi tiếc thời vàng son

Khu kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo ra đời cách đây gần 20 năm, đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Trị. Tuy nhiên, hình ảnh nhộn nhịp tại đây nay đã không còn, thay vào đó là khung cảnh đìu hiu.

khu-kinh-te-lao-bao


 Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, Quảng Trị được đầu tư xây dựng trên 1.600 tỷ đồng nhưng đang "chết yểu" sau khi bị siết chặt chính sách (Ảnh: Việt Hương)

Một trong những nguyên nhân khiến hoạt động buôn bán, xuất nhập khẩu tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo giảm mạnh được cho là do sự thay đổi về cơ chế, chính sách. Từ tháng 10/2014, Thông tư 109 ra đời, hàng hóa nhập vào hay xuất đi từ Khu kinh tế - Thương mại đặc biệt (KKTTMĐB ) Lao Bảo đều phải chịu thuế thay vì được hưởng các ưu đãi đặc biệt như trước đây. 

"Rào cản" chính sách làm cho nhiều doanh nghiệp tại đây phải đóng cửa. Không chỉ trong lĩnh vực thương mại, hoạt động xuất - nhập khẩu, xuất nhập cảnh tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Những năm 2010-2012, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu biên giới thời kỳ sầm uất của Khu kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo chiếm khoảng 50% kim ngạch xuất nhập khẩu biên giới của 10 tỉnh biên giới Việt - Lào. Thế nhưng, hiện nay con số này đã mất đi 3 phần.

Đơn cử, tổng kim ngạch XNK qua Lao Bảo (Quảng Trị) năm 2013 là 436 triệu USD thì đến cuối năm 2017 chỉ đạt 145 triệu USD. 

Số liệu tại UBND tỉnh Quảng Trị cho thấy, tỉnh này đã đầu tư trên 1.600 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng ở KKTTMĐB Lao Bảo. Bên cạnh đó, với những chính sách ưu đãi, nơi đây đã thu hút được 63 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký gần 3.698 tỷ đồng, trong đó có 46 dự án đã đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư 3.029 tỷ đồng. Thời kỳ cực thịnh, Lao Bảo đã thu hút 550 doanh nghiệp đến đầu tư kinh doanh và hơn 3.000 hộ kinh doanh cá thể. Thế nhưng, có mặt tại đây trong những ngày đầu tháng 4/2018, trước mắt chúng tôi là một không gian vắng lặng đến nao lòng. 

Cách Lao Bảo không xa, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh) là một trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm của cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Văn bản số 2074/TTg-KTTH ngày 7/12/2012 để tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng khu kinh tế từ nguồn Ngân sách Nhà nước giai đoạn 2013 - 2015. Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo kết nối Việt Nam với Lào và Thái Lan, với nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ, công nghiệp gia công, lắp ráp hàng dân dụng...

Mặc dù được Chính phủ ưu tiên phát triển, lựa chọn là khu kinh tế trọng điểm của Bắc Trung bộ nhưng mấy năm gần đây các hoạt động giao thương buôn bán, thu hút đầu tư, xuất nhập cảnh... qua khu kinh tế này cũng trở nên ảm đạm.

Tiền tỷ phơi nắng, phơi sương

Theo báo cáo của Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh, sau khi Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo được xem là khu phi thuế quan với hàng loạt ưu đãi về chính sách tài chính, đầu tư, đất đai đã có 30 dự án đăng ký đầu tư vào đây với tổng số vốn đăng ký 2.591 tỷ đồng. Trong đó, 15 dự án đã xây dựng cơ bản hoàn thành các hạng mục công trình chính; 9 dự án đang trong giai đoạn xây dựng và dừng xây dựng và 4 dự án chưa triển khai.

Thời điểm xây dựng Khu Hành chính cổng B (Khu kinh tế Cửa khẩu Cầu Treo - Hà Tĩnh), người dân Hà Tĩnh nói chung, huyện Hương Sơn càng thêm kỳ vọng khu kinh tế sẽ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tăng thu ngân sách cho tỉnh... Tuy nhiên, thực tế lại đi ngược lại. Hàng loạt dự án “trống dong cờ mở” khởi công rầm rộ đến nay rơi vào tình cảnh “ngủ đông” hàng năm trời.

img_0271-1250

Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh) đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức trong việc thu hút nhà đầu tư quay trở lại (Ảnh: Việt Hương)

Dự án cửa hàng miễn thuế tại cổng B là dẫn chứng cụ thể. Công trình này đã được đầu tư hàng chục tỷ đồng, xây dựng xong cách đây 2 năm nhưng chưa một lần hoạt động. Nhà đầu tư cũng không còn mặn mà với dự án, thậm chí đang dần rút vốn. 

Tổ hợp công trình Nhà liên hợp Cửa khẩu Cầu Treo kết hợp Quốc môn, đường giao thông tại cửa khẩu bị chậm tiến độ. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc thực thi nhiệm vụ của các cơ quan chức năng cũng như của người dân, doanh nghiệp làm thủ tục qua cửa khẩu. Nguyên nhân dẫn đến việc chậm tiến độ là do thiếu vốn.

4 dự án trong khu công nghiệp (KCN) Đại Kim, xã Sơn Kim 1 gồm: Nhà máy May Five Star Hà Tĩnh (Cty CP May Five Star Hà Tĩnh); Nhà máy sản xuất xe điện, lắp ráp điện, điện tử (Cty CP xe điện Hà Tĩnh); dự án Nhà máy sản xuất kính (Cty CP kính an toàn Sơn Kim); Khu thương mại dịch vụ tổng hợp (Cty TNHH Kim cương Hương Sơn) được “vẽ” ra với hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng đầu tư nhưng sau nhiều năm xây dựng, đến thời điểm này chưa có dự án nào đi vào hoạt động, họa hoằn lắm có vài dự án đưa vào chạy thử nhưng cũng được vài tháng rồi nằm phơi nắng, phơi sương.

kcn dai kim

Khu công nghiệp Đại Kim đang thiếu những nhà đầu tư tâm huyết để vực dậy Khu kinh tế Cửa khẩu Cầu Treo trong thời gian khó khăn này (Ảnh: Việt Hương)

Ngoài Khu kinh tế Cửa khẩu Cầu Treo, Lao Bảo, dọc miền Trung và Tây Nguyên, còn có những cửa khẩu quốc tế như Bờ Y (Kon Tum), Nậm Căn (Nghệ An) cũng rơi vào tình trạng phát triển ì ạch, vắng lặng.

Bờ Y từng được đánh giá sẽ là động lực trong hệ thống các khu kinh tế cửa khẩu của Việt Nam, tọa lạc  trên ngã ba biên giới trong tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, là đầu mối giao thương trong khu vực, một điểm trung chuyển hàng hóa trên tuyến thương mại quốc tế nối từ Myanmar đến Đông Bắc Thái Lan sang Nam Lào với điểm đến quan trọng là khu vực Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung của Việt Nam.

Quy mô, mục tiêu phát triển của Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y theo quy hoạch chung được duyệt đến năm 2025 sẽ phát triển thành đô thị loại II vùng biên giới. Theo quy hoạch, giai đoạn 2006-2015, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y sẽ hoàn thành cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng với kinh phí đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng, phục vụ cho 150.000 dân... Tuy nhiên, với hiện trạng về hạ tầng hiện nay tại Bờ Y vẫn đang là bài toán về "giải quyết khó khăn ngân sách"...

Một thời lừng lẫy, nhưng giờ đây các khu kinh tế cửa khẩu dọc miền Trung cũng cần được "giải cứu". Việc cần kíp trước mắt là các chính sách chưa phù hợp thực tiễn cần sớm được sửa đổi để tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghệp, người dân làm ăn, buôn bán.

(Còn nữa)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ