Vụ án VN Pharma: Xử lý nghiêm sai phạm các bên có liên quan

Nhàđầutư
Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng yêu cầu tập trung điều tra làm rõ, xử lý nghiêm sai phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến Vụ án "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế.
QUANG DÂN
23, Tháng 11, 2019 | 07:27

Nhàđầutư
Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng yêu cầu tập trung điều tra làm rõ, xử lý nghiêm sai phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến Vụ án "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế.

Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Chỉ đạo Trung ương đã yêu cầu tập trung điều tra làm rõ, xử lý nghiêm sai phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến Vụ án "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế.

Trước đó, Như Nhaudautu.vn đã đưa tin, VKSND tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố Nguyễn Minh Hùng, cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP VN Pharma và 11 đồng phạm về tội Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, theo khoản 4, Điều 157 Bộ luật Hình sự 1999 có khung hình phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

jfh-1847

Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Minh Hùng (bên phải) 17 năm tù, bị cáo Võ Mạnh Cường (bên trái) 20 năm tù.

Theo đó, các bị can bị truy tố trong vụ án này gồm: Nguyễn Minh Hùng (SN 1978), nguyên Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty VN Pharma; Võ Mạnh Cường (SN 1978), nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại hàng hải Quốc tế H&C; Nguyễn Trí Nhật (SN 1975), nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty VN Pharma; Ngô Anh Quốc (SN 1984), nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty VN Pharma; Phan Cẩm Loan (SN 1973), nguyên Phó trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty VN Pharma;

Lê Thị Vũ Phương (SN 1982), nguyên Kế toán Trưởng Công ty VN Pharma, Phan Xuân Thiện (SN 1977), nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty VN Pharma; Bùi Ngọc Duy (SN 1986), nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển Công ty VN Pharma; Phạm Văn Thông (SN 1954), dược sỹ ở TP. HCM;

Phạm Anh Kiệt (SN 1963), nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn - viết tắt là Sapharco; Hoàng Trúc Vy (SN 1988), nguyên nhân viên Phòng Nghiên cứu và phát triển Công ty VN Pharma; Phạm Quỳnh Trang (SN 1980), nguyên nhân viên Công ty TNHH Thương mại hàng hải Quốc tế H&C.

Theo cáo trạng, công ty VN Pharma được thành lập từ tháng 10/2011 do Nguyễn Minh Hùng làm chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc. Từ năm 2012, Hùng nhận thấy thị trường có nhu cầu về thuốc chữa trị ung thư nên đã bàn với Võ Mạnh Cường, Giám đốc Công ty Thương mại hàng hải quốc tế H&C, nhập khẩu loại thuốc chữa ung thư là H-Capita 500mg về Việt Nam.

Do thiếu một số giấy tờ về tiêu chuẩn thuốc mà phía công ty ở Canada không cung cấp được, Hùng đã chỉ đạo nhân viên làm giả các giấy tờ để nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita 500mg Caplet chữa bệnh ung thư giả vào Việt Nam với mục đích bán kiếm lời (thực tế đã nhập 9.300 hộp thuốc H-Capita).

Cơ quan tố tụng cáo buộc trị giá lô thuốc chỉ hơn 5,3 tỷ đồng, các bị can đã nâng khống thêm giá mua hơn 6,8 tỷ đồng, tổng cộng là hơn 12 tỷ đồng. Số tiền nâng giá thuốc hơn 6,8 tỷ đồng này được chuyển về Việt Nam rồi các bị can rút ra và thu lời bất chính.

"Các bị can trong vụ án này đã đồng phạm thực hiện hành vi buôn bán 9.300 hộp thuốc H-Capita giả, gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Trong đó, Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu các bị can còn lại đóng vai trò đồng phạm thực hành tích cực", cáo trạng nêu rõ.

Ngoài ra, cáo trạng cũng cho rằng mặc dù rất nhiều tài liệu trong hồ sơ nhập khẩu thuốc được làm giả như đã nêu trên, nhưng Tổ thẩm định đã đánh giá hồ sơ đạt yêu cầu và đề nghị Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cấp phép nhập khẩu đơn hàng trên.

Đối với tài liệu điều tra có căn cứ xác định các chuyên gia và cán bộ Cục Quản lý Dược tham gia thẩm định, cấp phép nhập khẩu lô thuốc đã không làm hết trách nhiệm, bỏ qua các điều kiện để cấp phép nhập khẩu lô thuốc H-Capita cho Công ty VN Pharma.

Theo những sai phạm các chuyên gia, cán bộ Cục Quản lý Dược đã để xảy ra việc nhập khẩu lô thuốc H-Capita chữa bệnh ung thư giả vào Việt Nam, VKSND Tối cao đã yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" để điều tra làm rõ.

Nhưng Cơ quan điều tra chưa thực hiện việc khởi tố. Do thời hạn điều tra vụ án đã hết, Cơ quan điều tra đã tách hồ sơ, tiếp tục điều tra làm rõ xử lý sau. Trên cơ sở đó, VKSND Tối cao đề nghị tiếp tục làm rõ, xử lý trong giai đoạn tiếp theo đối với sai phạm của một số cán bộ thuộc Cục Quản lý Dược và những người liên quan khác.

Liên quan đến vụ án, ngày 30/10/2017, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm mà TAND TP.HCM đã tuyên trong vụ án trên.

HĐXX cấp phúc thẩm nhận định các bị cáo đều nhận thức được rằng việc làm giả hồ sơ, con dấu và các tài liệu khác để nhập khẩu lô thuốc H-Capita 500 mg Caplet là hành vi trái pháp luật, y đức.

Các bị cáo đã thỏa thuận mua bán, làm đơn đặt hàng, thiết lập hồ sơ xin phép nhập khẩu lô thuốc, chuẩn bị bán hàng thông qua đấu thầu, chỉ định trước tiền hoa hồng cho các bác sĩ… đến khi làm thủ tục thông quan là để bán hàng giả nhằm thu lợi bất chính, bất chấp hậu quả.

Cấp phúc thẩm cho rằng đủ cơ sở xác định lô thuốc H-Capita 500 mg Caplet là thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, kiểm nghiệm. Lô thuốc được hợp thức hóa từ thuốc giả sang thuốc có nguồn gốc bằng việc chuyển đi từ nơi nào đó sang Ấn Độ, Singapore về Việt Nam rồi nâng khống giá thuốc bán cho người bệnh. Trong các phiên tòa, Võ Mạnh Cường thừa nhận không biết nguồn gốc các lô thuốc này.

Tháng 7/2017, TAND TP.HCM xét xử Nguyễn Minh Hùng và 8 bị can về các tội "Buôn lậu và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức".

Tòa tuyên bị cáo Hùng 12 năm tù về tội "Buôn lậu". Các bị cáo khác trong vụ án lĩnh từ 2 năm tù treo đến 5 năm tù giam.

Cáo trạng của VKSND tối cao xác định sau khi dùng hồ sơ giả để để "qua mặt" được tổ thẩm định của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), Nguyễn Minh Hùng cùng đồng phạm nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita 500mg Caplet giả chữa bệnh ung thư.

Ngoài nhập thuốc H-Capita giả, năm 2012, Nguyễn Minh Hùng còn tìm gặp Võ Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hàng hải Quốc tế H&C để bàn chuyện làm ăn, bởi Cường tự giới thiệu là người đại diện của Công ty Health 2000 Canada.

Hùng và Cường thỏa thuận sử dụng Giấy phép đăng ký lưu hành do Bộ Y tế cấp, để mua 4 loại thuốc do Công ty Health 2000 Canada sản xuất, gồm: Kafotax 1000; Kaderox 250; H2K Levofloxacin và H2K Ciprofloxacin.

Để nhập khẩu lô thuốc này, Hùng và đồng phạm cũng làm giả hợp đồng mua bán, chứng từ nhập khẩu hàng hóa.

Theo cáo trạng, từ năm 2013 đến tháng 9/2014, sau khi nhập khẩu trót lọt 9.300 hộp thuốc H-Capita giả, bị can Ngô Anh Quốc, cựu Phó Tổng giám đốc VN Pharma chỉ đạo Lê Thị Vũ Phương, Kế toán trưởng công ty sử dụng tiền để chi cho việc tiêu thụ các lô thuốc ở một số bệnh viện.

Trị giá lô thuốc chỉ là 251.100 USD (tương đương hơn 5,3 tỷ đồng), các bị can đã nâng khống thêm giá mua là 320.850 USD (tương đương hơn 6,8 tỷ đồng).

Số tiền nâng giá thuốc (hơn 6,8 tỷ đồng) này được chuyển vào 2 tài khoản dịch vụ chuyển tiền ở nước ngoài của Công ty Auspicious Keen Limited và Công ty Sigma Holding Corp (có cùng địa chỉ tại 132 Nathan Road, Tsim Sha Tsui, Kowloon, Hong Kong) rồi các bị can nhận lại tiền tại Việt Nam.

Cơ quan công tố cáo buộc đây là khoản thu lợi bất chính của các bị can ngay trong giai đoạn mua thuốc, bởi khi nhập khẩu các bị can đã khai báo giá thuốc nhập khẩu là 75 USD/hộp (trong khi giá thực tế chỉ là 27 USD/hộp) và nộp thuế nhập khẩu theo giá này.

Đồng thời kết quả đấu thầu lô thuốc cung cấp vào các bệnh viện có giá là 31.000 đồng/viên, chênh lệch khoảng 12.000 đồng/viên so với giá mua thực tế và tiền thuế nhập khẩu.

Toàn bộ lô thuốc H-Capita nêu trên sau khi nhập khẩu vào Việt Nam đã bị phát hiện, thu giữ nên thiệt hại thực tế của Công ty VN Pharma là hơn 6 tỷ đồng (tiền chi thực tế và tiền thuế nhập khẩu). Công ty VN Pharma đã có đơn yêu cầu xử lý các bị can theo quy định pháp luật.

Trong số hơn 14 tỷ đồng, cơ quan tố tụng quy kết 7 tỷ đồng là tiền có được từ nâng giá thuốc H-Capita. Một nửa còn lại chưa xác định được là tiền nâng giá của những lô thuốc nào.

"Từ tháng 10/2014 đến tháng 5/2015, để việc kinh doanh thuốc thuận lợi, VN Pharma đã chi hơn 14 tỷ đồng thu được từ việc nâng khống giá mua thuốc để chi cho việc tiêu thụ hàng giả", cáo trạng nêu rõ.

Ngày 16/9/2019, Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo kết luận Thanh tra về việc cấp giấy phép nhập khẩu, giấy đăng ký lưu hành đối với 10 loại thuốc của Công ty Helix, cấp giấy phép hoạt động cho Công ty Helix và việc trúng các gói thầu cung cấp cho các bệnh viện của CTCP VN Pharma.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, thuốc chữa bệnh là một loại hàng hóa đặc biệt, nhưng trong thời gian qua ngành y tế còn để xảy ra những thiếu sót, vi phạm trong khâu cấp số đăng ký thuốc; khâu cấp phép nhập khẩu thuốc; khâu cấp phép hoạt động về thuốc, nguyên liệu làm thuốc cho doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam; công tác đấu thầu cung cấp thuốc cho các cơ sở khám, chữa bệnh. Nếu không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời sẽ có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của nhân dân.

Thanh tra việc thẩm định, cấp số đăng ký đối với 7 loại thuốc, TTCP cho rằng sau khi nhận hồ sơ xin cấp số đăng ký 7 thuốc, Cục Quản lý Dược (QLD) thực hiện quy trình các bước tiếp nhận, xử lý, thẩm định, xét duyệt hồ sơ đăng ký và giao cho các chuyên gia thẩm định theo quy trình. Tuy nhiên, thời hạn thẩm định và cấp số đăng ký chậm so với quy định từ 100 đến 150 ngày; biên bản thẩm định chỉ ghi tuần thẩm định, không ghi ngày thẩm định lần đầu.

Để hướng dẫn việc thẩm định, xét duyệt, cấp số đăng ký thuốc, năm 2009, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 22 quy định việc đăng ký thuốc. Tuy nhiên, TTCP chỉ rõ, nội dung Thông tư này còn bất cập, nội dung chưa đầy đủ.

"Đây là một trong những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý, dẫn đến hồ sơ xin cấp số đăng ký có tài liệu bị làm giả nhưng không được phát hiện kịp thời. Trách nhiệm này thuộc lãnh đạo Bộ Y tế, Cục QLD thời điểm năm 2009, đồng thời lãnh đạo Bộ Y tế, Cục QLD thời kỳ 2011-2014 cũng phải chịu trách nhiệm chính vì thiếu quan tâm, chỉ đạo để sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh nội dung Thông tư 22 cho phù hợp", Thanh tra Chính phủ chỉ rõ.

Khi Thông tư 22 có hiệu lực thi hành, Bộ Y tế cũng chậm sửa đổi quy chế hoạt động của Hội đồng Tư vấn và Chuyên gia thẩm định thay thế quy chế cũ, mãi đến ngày 14/11/2014, Bộ Y tế mới sửa đổi quy chế này.

TTCP cũng phát hiện, trong cấp giấy phép nhập khẩu 3 loại thuốc cho Công ty VN Pharma, Tổ Chuyên gia Thẩm định đã để thời hạn xét duyệt, cấp giấy phép nhập khẩu chậm từ 28 đến 60 ngày, vi phạm quy định trong Thông tư 47/2010 của Bộ Y tế.

Đáng chú ý, tại Điều 12 Quyết định số 151/2007/QĐ-TTg, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Y tế chịu trách nhiệm quy định chi tiết về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu thuốc chưa có số đăng ký. Tuy nhiên, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 47/2010 có nội dung quy định còn bất cập, chưa đầy đủ.

Trong Thông tư 47, Bộ Y tế chưa quy định trong hồ sơ xin cấp phép nhập khẩu thuốc phải có giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Thực tế trong 3 năm (2012, 2013, 2014), Bộ Y tế đã cấp 607 giấy phép nhập khẩu thuốc chưa có số đăng ký cũng không yêu cầu doanh nghiệp nộp giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam, trong đó có 3 thuốc (H-Capita, H-Epra 40 và H-Lastapen 500mg).

Những bất cập, chưa đầy đủ của Thông tư số 47 là một trong những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý dẫn đến việc thuốc H-Capita được cấp giấy phép nhập khẩu ngày 30/12/2013 nhưng giấy phép hoạt động của Công ty Austin Hồng Kông đã hết hạn từ ngày 6/10/2013 và ngày 11/4/2014 Chi cục Hải quan cửa khẩu Quốc tế Tân Sơn Nhất đã cho phép nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita vào Việt Nam.

Từ việc ban hành Thông tư số 47 không đúng nội dung với Quyết định số 151/2007/QĐ-TTg dẫn đến việc cấp giấy phép nhập khẩu 200.000 hộp thuốc H-Capita và cho phép nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita vào Việt Nam không đúng quy định, trách nhiệm này thuộc về lãnh đạo Bộ Y tế, Cục QLD.

Thanh tra việc thẩm định, cấp phép hoạt động cho Công ty Helix vào năm 2014, TTCP tiếp tục phát hiện Cục QLD đã xét duyệt cấp giấy phép hoạt động chậm 53 ngày so với quy định. Các thành viên Tổ Chuyên gia cũng không ghi ngày, tháng, năm thẩm định, Trưởng Tiểu ban Theo dõi việc thực hiện quy chế và Trưởng Tiểu ban Thẩm định về tài chính không ghi ngày, tháng, năm kết luận hoặc đề nghị; tại biên bản thẩm định cũng không ghi ngày, tháng lập và lỗi chính tả ghi địa chỉ của Công ty Helix.

TTCP cũng tiếp tục chỉ ra những bất cập trong Thông tư số 47 do Bộ Y tế ban hành. Trong Thông tư có nội dung chưa đầy đủ, thiếu cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành trong nước và với cơ quan Y tế nước ngoài nơi sản xuất, xuất khẩu thuốc.

Thông tư chưa quy định nội dung hồ sơ, hình thức, biện pháp, trình tự, thủ tục và thẩm quyền đánh giá các cơ sở sản xuất thuốc nước ngoài và việc lưu hành thuốc tại nước sở tại; chưa quy định cụ thể các trường hợp phải tiến hành kiểm tra, xác minh cơ sở sản xuất thuốc để Tổ Thẩm định có căn cứ đánh giá doanh nghiệp sản xuất thuốc nước ngoài trước khi trình duyệt, cấp giấy phép hoạt động.

"Đây là một trong những thiếu sót, sơ hở trong công tác quản lý dẫn đến tình trạng trong hồ sơ xin cấp phép hoạt động của Công ty Helix có tài liệu bị làm giả và Công ty Helix không tồn tại trên thực tế nhưng không kịp thời phát hiện dẫn đến cấp giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam cho công ty này. Trách nhiệm này thuộc lãnh đạo Bộ Y tế, Cục QLD", kết luận thanh tra khẳng định.

TTCP cũng phát hiện, trong công tác đấu thầu mua thuốc có một số thiếu sót, vi phạm như: Việc xây dựng kế hoạch đấu thầu mua thuốc có thiếu sót về thủ tục hành chính, thiếu tiêu chí theo quy định, kế hoạch thuốc xây dựng chưa sát với tình hình sử dụng thuốc; Tổ Chuyên gia đánh giá hồ sơ dự thầu chưa làm tròn nhiệm vụ được giao trong việc chấm, xét, chọn thầu, thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu vượt quy định.

Ngày 18/9/2019, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự: Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc thẩm định, xét duyệt, cấp phép và cho thông quan nhập khẩu đối với các thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Công ty Helix Canada và nhãn mác Công ty Health 2000 Canada, theo quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Sáng 24/9/2019, TAND TP.HCM đã mở phiên xét xử sơ thẩm lần thứ hai đối với các bị cáo trong vụ án Công ty cổ phần VN Pharma (viết tắt là VN Pharma) nhập khẩu thuốc điều trị ung thư giả.

Chiều 1/10, TAND TP.HCM đưa ra phán quyết đối với vụ án “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”, xảy ra tại CTCP VN Pharma.

Qua đó, HĐXX tuyên phạt Nguyễn Minh Hùng (nguyên Tổng Giám đốc Công ty VN Pharma) 17 năm tù giam. Theo HĐXX, Hùng là người có hiểu biết, lẽ ra phải tìm hiểu kỹ về thuốc H-Capita trước khi nhập, nhưng bị cáo lại thuê người viết hồ sơ và nâng giá nên chính là chủ mưu, có vai trò tích cực.

Đối với bị cáo Võ Mạnh Cường (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hàng hải quốc tế H&C) HĐXX tuyên án 20 năm tù vì đã thông đồng với Hùng làm giả hồ sơ. Theo HĐXX, Cường hoàn toàn chủ động và ý thức được hành động của mình, nên bị xác định là chủ mưu cầm đầu.

Bên cạnh đó, 10 bị cáo còn lại gồm: Nguyễn Trí Nhật 12 năm tù, Ngô Anh Quốc 11 năm (cộng bản án 5 năm tù của TAND cấp cao tại Hà Nội về tội đưa hối lộ, hình phạt tổng hợp với bị cáo Quốc là 16 năm tù) – 2 bị cáo cùng là nguyên Phó tổng giám đốc công ty VN Pharma.

Lê Thị Vũ Phương (Kế toán trưởng) 5 năm tù; Phan Cẩm Loan (Phó phòng xuất nhập khẩu công ty VN Pharma) 7 năm tù; Phan Xuân Thiện (dược sĩ) 7 năm tù; Bùi Ngọc Duy (nguyên Trưởng phòng công ty VN Pharma) 6 năm tù; Phạm Văn Thông (dược sĩ) 5 năm tù.

Phạm Anh Kiệt (nguyên Tổng giám đốc Công ty Dược Sài Gòn- Sapharco) 3 năm tù; Hoàng Trúc Vy (cán bộ công ty VN Pharma) 3 năm tù, Phạm Quỳnh Trang (nhân viên Công ty H&C) 4 năm tù.

Đồng thời, cấm các bị cáo đảm nhiệm chức vụ hoặc làm các nghề liên quan đến y tế trong vòng 5 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

Đối với các hành vi khác của công ty VN Pharma, cùng các đối tượng có liên quan và trách nhiệm của một số cá nhân Cục quản lý dược - Bộ Y tế; VKS tiếp tục yêu cầu Cơ quan điều tra làm rõ, xử lý trong giai đoạn tiếp theo. Hiện cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án thiếu trách nhiệm tại Cục quản lý dược.

Bên cạnh đó, HĐXX kiến nghị Cơ quan an ninh điều tra – Bộ Công an cần nhanh chóng điều tra kết luận những hành vi đã tách ra khỏi vụ án này. Trong vụ án này, ông Raymundo có vai trò đặc biệt quan trọng vì vậy kiến nghị Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an nhanh chóng điều tra xác minh rõ ông Raymundo.

Đối với việc ông Ngô Nhật Phương cung cấp tài liệu vụ án khi đang đóng dấu mật là có dấu hiệu phạm tội làm lộ bí Nhà nước, HĐXX truyền kiến nghị của VKS đến Cơ quan an ninh điều tra - Bộ Công an điều tra làm rõ những cá nhân, tổ chức làm lộ bí mật nhà nước theo thẩm quyền.

Ngoài ra, HĐXX cũng đề nghị Bộ Y tế rà soát, xử lý hiện tượng các công ty nhập khẩu nâng khống giá thuốc, sau đó nhận lại số tiền nâng khống chi "hoa hồng" bán thuốc. Việc này dẫn đến tình trạng thuốc nhập khẩu vào Việt Nam luôn có giá cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của người dân, nhất là người nghèo. HĐXX cũng chỉ ra các "lỗ hổng" trong việc cấp giấy phép nhập khẩu tạo cơ hội cho một số đối tượng lợi dụng.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24620.00 24635.00 24955.00
EUR 26213.00 26318.00 27483.00
GBP 30653.00 30838.00 31788.00
HKD 3106.00 3118.00 3219.00
CHF 26966.00 27074.00 27917.00
JPY 159.88 160.52 167.96
AUD 15849.00 15913.00 16399.00
SGD 18033.00 18105.00 18641.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17979.00 18051.00 18585.00
NZD   14568.00 15057.00
KRW   17.62 19.22
DKK   3520.00 3650.00
SEK   2273.00 2361.00
NOK   2239.00 2327.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ