Vốn ngoại sẽ sớm quay lại?

Nhàđầutư
Ông Hoàng Công Tuấn cho rằng lực bán của nhà đầu tư nước ngoài chỉ mang tính chốt lời sau khi đạt lợi nhuận kỳ vọng. Do đó họ vẫn sẽ tìm kiếm cơ hội để trở lại nếu Việt Nam đạt được sự ổn định kinh tế vĩ mô cũng như định giá thị trường trở về mức hợp lý trong thời gian tới.
KHÁNH AN
21, Tháng 03, 2022 | 07:00

Nhàđầutư
Ông Hoàng Công Tuấn cho rằng lực bán của nhà đầu tư nước ngoài chỉ mang tính chốt lời sau khi đạt lợi nhuận kỳ vọng. Do đó họ vẫn sẽ tìm kiếm cơ hội để trở lại nếu Việt Nam đạt được sự ổn định kinh tế vĩ mô cũng như định giá thị trường trở về mức hợp lý trong thời gian tới.

hoang-cong-tuan1-1214

Ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Công ty Chứng Khoán MBS. Ảnh: Trọng Hiếu.

Sức nóng của giá dầu, áp lực lạm phát tăng cao và căng thẳng địa chính trị Nga - Ukraine khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng và làm khó đà đi lên của thị trường chứng khoán (TTCK). Vốn ngoại cũng diễn biến tiêu cực hơn khi họ rút ròng rã khỏi thị trường Việt Nam từ đầu năm 2020 và chưa có dấu hiệu quay lại. Riêng nửa đầu tháng 3/2022, khối ngoại bán ròng gần 6.800 tỷ đồng trên sàn HoSE và nếu tính từ đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng khoảng 9.843 tỷ đồng.  

Để có góc nhìn cụ thể hơn về diễn biến trên, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Công ty Chứng Khoán MBS.

Ông đánh giá ra sao về diễn biến khối ngoại mạnh tay bán ròng tại TTCK Việt nam trong suốt hơn 2 năm qua?

Ông Hoàng Công Tuấn: Hiện tại lãi suất trên thị trường thế giới đã có xu hướng tăng lên, đặc biệt là tại các quốc gia phát triển. Do đó về mặt tổng thể, dòng vốn đầu cơ nóng trong thời gian vừa qua sẽ rút ra khỏi những thị trường Emerging Markets hoặc Frontier Markets, trong đó có Việt Nam, Indonesia, Philippin, hoặc các quốc gia khác như Đài Loan. Đây là xu hướng chung và mang tính chu kỳ từ nhiều năm nay.

Chúng ta có thể thấy rằng trong những năm trước nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam khá mạnh và họ cũng chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị vốn hóa toàn thị trường. Thị trường trong năm 2021 đã tăng trưởng hết sức thuận lợi, giúp nhà đầu tư nước ngoài có lợi nhuận rất tốt, do vậy diễn biến họ bán ròng để chốt lời là điều bình thường. Tuy nhiên, nếu nhìn trên thị trường ngoại hối, chúng ta có thể thấy rằng lượng vốn được bán chốt lời vẫn đang ở đâu đó trên nền kinh tế Việt Nam chứ chưa rút ra. Nếu trong trường hợp lượng vốn bán ròng 3 tỷ USD đó thực sự rút ra khỏi Việt Nam thì chúng ta sẽ thấy ngay sự biến động mang tính về ngoại hối, dù vậy, hiện chưa thấy yếu tố này.

Tóm lại, lực bán của nhà đầu tư nước ngoài chỉ mang tính chốt lời sau khi đạt mức lợi nhuận kỳ vọng, do đó họ vẫn sẽ tìm kiếm cơ hội để trở lại TTCK Việt Nam nếu chúng ta đạt sự ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian tới cũng như giá chứng khoán trở về mức hợp lý. Nghĩa là giá cổ phiếu phải phù hợp với tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp, trong năm 2020 và 2021 chúng ta đã có sự tăng trưởng thuận lợi, do vậy giá cổ phiếu có thể đã chạy trước sự tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp.

Ông dự báo như nào về diễn biến khối ngoại từ nay cho đến cuối năm?

Ông Hoàng Công Tuấn: Diễn biến khối ngoại từ nay cho đến cuối năm phụ thuộc vào kinh tế vĩ mô của Việt Nam và mặt bằng giá của cổ phiếu. Hiện tại, mặt bằng giá cổ phiếu đã có sự điều chỉnh, tuy nhiên nếu nhìn trên phương diện quy mô toàn cầu thì chúng ta thấy rằng có rất nhiều TTCK đã có sự điều chỉnh trên 10% từ mức đỉnh chỉ trong vài tuần qua, còn TTCK Việt Nam điều chỉnh chưa được nhiều, do vậy mức độ hấp dẫn khá khiêm tốn để nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại.

hoang-cong-tuan1-1214

 

Lực bán của nhà đầu tư nước ngoài chỉ mang tính chốt lời sau khi đạt mức lợi nhuận kỳ vọng, do đó họ vẫn sẽ tìm kiếm cơ hội để trở lại TTCK Việt Nam

Ông Hoàng Công Tuấn

Còn về vĩ mô, với những biến động về địa chính trị trên thế giới và diễn biến giá dầu thì áp lực lạm phát của Việt Nam trong năm 2022 sẽ cao hơn, trong khi mức độ tăng trưởng GDP cũng đang gặp những khó khăn nhất định. Trong trường hợp áp lực lạm phát cao thì mức tăng trưởng sẽ khiêm tốn hơn và chúng ta buộc phải chấp nhận đánh đổi giữa ổn định vĩ mô và tăng trưởng hơn. Tất cả những yếu tố này khiến nhà đầu tư ngoại thận trọng, song, có thể họ sẽ quay trở lại vào giữa hoặc cuối năm 2022.

Trong bối cảnh áp lực lạm phát như vậy, nên chọn nhóm ngành nào để đầu tư thưa ông?

Ông Hoàng Công Tuấn: Trước hết cần phải nhấn mạnh rằng đầu tư tại TTCK Việt Nam trong năm 2022 sẽ mang tính chọn lọc hơn rất nhiều và buộc phải tìm kiếm các cơ hội một cách cẩn trọng. Một là những doanh nghiệp hoặc nhóm ngành nghề có sự tăng trưởng trong năm nay và hai là định giá ở mức hợp lý.

Với các tiêu chí này, có thể nhận thấy cơ hội tại một số nhóm ngành, điển hình như chứng khoán. Nhìn vào lượng tài khoản mới, 2 tháng đầu năm tăng trưởng giao dịch trên 20%. Những công ty chứng khoán tiếp tục lộ trình tăng vốn, có thể nhìn thấy cơ hội tiềm năng đáp ứng vốn cho hoạt động đầu tư. Tôi cho rằng, kết quả kinh doanh các công ty chứng khoán năm nay rất khả quan, vấn đề là mua với giá nào.

Hai là ngành bất động sản (BĐS), nhìn theo chu kỳ kinh tế, sau khi kinh tế phục hồi thì bất động sản bao giờ cũng đi theo sau. Do đó, giá bất động sản năm 2022 dự kiến tiếp tục gia tăng, đặc biệt là bất động sản nhà ở. Cuối cùng là ngân hàng, ngành này có các yếu tố mang tính thuận lợi nhờ gói hỗ trợ kích thích tăng trưởng. Mức độ tăng trưởng tín dụng khả quan, nhất là những ngân hàng tầm trung có thể đạt trên 20%.

Tuy nhiên, năm 2022, ngành ngân hàng sẽ phân hóa bởi mức độ nợ xấu năm 2021 là 8%. Do đó, những ngân hàng có trích lập dự phòng tốt trong năm 2021 là nhóm yếu tố khả quan. Hơn nữa, hệ số NIM của hệ thống ngân hàng năm 2021 tăng do lãi suất huy động giảm tạo đáy. Do đó, năm nay ngân hàng phân hóa cao, tức là cổ phiếu ngành ngân hàng khá khả quan nhưng mang tính chọn lọc rất lớn.

Riêng với bất động sản, nhóm này thường có tương quan đối với lạm phát, ý kiến của ông như nào?

Ông Hoàng Công Tuấn: Đúng vậy, nhóm bất động sản thường có tương quan nhất định với lạm phát. Ví dụ như trong trường hợp lạm phát mặc dù tăng lên nhưng vẫn ở mức hợp lý và kiểm soát được thì nhóm bất động sản vẫn sẽ tích cực. Nhưng đối với trường hợp lạm phát tăng quá cao, vượt quá khả năng kiểm soát của ngân hàng nhà nước, dẫn đến bất ổn vĩ mô thì tại thời điểm đó ngân hàng nhà nước có thể áp dụng biện pháp thắt chặt mặt bằng lãi suất ở mức cao, khi đó bất động sản sẽ gặp khó.

Câu chuyện ở đây là chúng ta cần hiểu rằng trong mọi trường hợp, mọi hoàn cảnh, dù lạm phát có tăng lên hay giảm đi thì sự ổn định của kinh tế vĩ mô mới tạo điều kiện cho TTCK nói chung và các nhóm ngành kinh tế nói riêng tăng trưởng phát triển. Còn trong trường hợp vĩ mô có những dấu hiệu bất ổn hay căng thẳng bởi yếu tố lãi suất và tỷ giá thì thị trường khó để tăng trưởng.

Theo ông, chiến lược đầu tư nào sẽ phù hợp trong bối cảnh hiện tại?

Ông Hoàng Công Tuấn: Chiến lược mà chúng tôi tư vấn cho nhà đầu tư trong năm nay là cần tập trung vào những công ty có khả năng tăng trưởng và định giá hấp dẫn. Có nghĩa là nếu nhìn trên phương diện thị trường, chúng ta cần giải ngân vào những nhịp nhúng khi điều chỉnh, tránh mua cao. Bên cạnh đó cần lưu ý thêm những quan điểm về nhóm ngành cổ phiếu mà tôi đã chia sẻ ở trên.

Xin cảm ơn ông!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ