Vốn mỏng - Bộ Tài chính nói vậy mà không phải vậy!

Nhàđầutư
Báo cáo định hướng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế, trong đó có Luật Thuế TNDN, của Bộ Tài chính đang là tâm điểm tranh luận của giới chuyên gia tài chính và doanh nghiệp trong những ngày gần đây. Nhadautu.vn xin đăng tải bài viết của Ths Chu Đức Toàn về vấn đề này.
CHU ĐỨC TOÀN
23, Tháng 08, 2017 | 17:49

Nhàđầutư
Báo cáo định hướng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế, trong đó có Luật Thuế TNDN, của Bộ Tài chính đang là tâm điểm tranh luận của giới chuyên gia tài chính và doanh nghiệp trong những ngày gần đây. Nhadautu.vn xin đăng tải bài viết của Ths Chu Đức Toàn về vấn đề này.

tax_burden

 Thuế phí hiện đang đè nặng lên vai người dân và doanh nghiệp 

Lý lẽ của Bộ Tài chính

“Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều nước có quy định về vốn mỏng, theo đó lãi phải trả đối với phần vốn vay vượt quá tỷ lệ nhất định (tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu) không được coi là chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).

OECD khuyến nghị áp dụng tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu là 3:1. Trên thực tế, đa số các quốc gia và vùng lãnh thổ như: Đài Loan, New Zealand, Đức, Úc, Nhật Bản, Ba Lan, Hà Lan, Tây Ban Nha, Chile, Peru, Nam Phi, Bồ Đào Nha, Bra-xin quy định vốn vay của doanh nghiệp trên vốn chủ sở hữu vượt quá tỷ lệ 3:1 thì được coi là vốn mỏng. Một số nước phát triển quy định tỷ lệ thấp hơn, chẳng hạn như Canada là 2:1, Pháp, Mỹ là 1,5:1, thậm chí tỷ lệ này ở Venezuela là 1:1. Một số nước tỷ lệ này còn phân biệt theo đối tượng, ví dụ Trung Quốc quy định tỷ lệ 2:1 đối với doanh nghiệp thông thường, 5:1 đối với các tổ chức tài chính; Nga quy định tỷ lệ 3:1 đối với doanh nghiệp thông thường và tỷ lệ 12,5:1 đối với ngân hàng và các tổ chức tài chính; Hàn Quốc quy định tỷ lệ 3:1 nếu vay của các cổ đông nước ngoài và tỷ lệ 6:1 đối với các tổ chức tài chính. Theo đó, phần lãi vay phải trả vượt quá tỷ lệ được coi là vốn mỏng thì không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.

Để đảm bảo lành mạnh hóa tài chính của doanh nghiệp, của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy việc tái cơ cấu kinh tế, chống chuyển giá cần bổ sung quy định không tính vào chi phí được trừ đối với phần chi trả lãi vay của khoản vay vốn tương ứng với khoản vay vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu (5:1) đối với lĩnh vực sản xuất, vượt quá 4 lần vốn chủ sở hữu (4:1) đối với các lĩnh vực còn lại, đối với một số lĩnh vực đặc thù như tín dụng, ngân hàng được áp dụng tỷ lệ cao hơn: không quá 12 lần vốn chủ sở hữu. Nội dung sửa đổi, bổ sung được thể hiện tại khoản 3 Điều 3 dự thảo Luật".

Có thể hiểu đề xuất áp dụng quy định về vốn mỏng của Bộ Tài chính nhằm hướng tới hai mục tiêu: Chống chuyển giá của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và lành mạnh hóa tài chính của doanh nghiệp.

Kinh nghiệm quốc tế ra sao?

Sau khi thực hiện khảo sát các quy định về vốn mỏng tại các nước mà Bộ Tài chính trích dẫn nêu trên, người viết bài này nhận thấy kinh nghiệm quốc tế không phù hợp với đề xuất của Bộ Tài chính.

Cụ thể, các nước trên thế giới áp dụng quy định về vốn mỏng chỉ với mục đích chống chuyển giá, không nhằm các mục đích khác.

Do đó, trong quy định của phần lớn các nước mà Bộ Tài chính đề cập ở trên, các tỷ lệ về vốn mỏng thường chỉ áp dụng cho một số loại hình doanh nghiệp cụ thể, với các khoản vay nợ xuyên biên giới, và/hoặc với các bên liên quan của doanh nghiệp, chỉ với mục đích chống việc chuyển chi phí lãi vay về quốc gia đó để giảm thu nhập chịu thuế với các nguồn thu nhập từ quốc gia này.

Table _ 3

 

Một số nước chỉ giới hạn áp dụng quy định vốn mỏng tại các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài, bao gồm các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hoặc các doanh nghiệp trong nước có hoạt động đầu tư ra nước ngoài, như: Úc, New Zealand, Đài Loan, Thái Lan.

Định nghĩa về các khoản nợ vay trong công thức tính tỷ lệ vốn mỏng thường chỉ là các khoản vay từ cổ đông nước ngoài có quyền soát kiểm soát (bao gồm cả các khoản bảo lãnh, thu xếp vốn có sự can thiệp của các cổ đông) so với vốn chủ sở hữu. Các nước áp dụng bao gồm Brazil, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga...

Tại một số nước, khái niệm nợ vay để tính tỷ lệ vốn mỏng được mở rộng để bao gồm các khoản vay từ các bên liên quan (bao gồm cả các khoản bảo lãnh, thu xếp vốn có sự can thiệp của các bên liên quan) so với vốn chủ sở hữu. Các nước áp dụng gồm có Peru, Venezuela, Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Ba Lan… Đáng chú ý là định nghĩa của các nước về bên liên quan khá giống nhau, đó là bên có sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp không dưới 25% cổ phần có quyền biểu quyết của doanh nghiệp.

Một số nước như Trung Quốc không áp dụng qui định về vốn mỏng với khoản nợ của bên cho vay là bên liên quan là doanh nghiệp trong nước, nếu doanh nghiệp cho vay không chịu thuế suất thu nhập doanh nghiệp thấp hơn doanh nghiệp đi vay.

Một lý do khiến các nước đều không áp dụng tỷ lệ vốn mỏng với các khoản vay lẫn nhau giữa các doanh nghiệp trong nước là nhằm tránh đánh thuế hai lần khi chi phí lãi vay của doanh nghiệp A chính là thu nhập lãi vay của doanh nghiệp B và đã được doanh nghiệp B đóng thuế trên phần thu nhập này. Đồng thời, điều này cũng tránh cho thuế suất thực phải nộp doanh nghiệp trong nước cao hơn đối thủ cạnh tranh nước ngoài.

Để rõ hơn xin xem ví dụ dưới đây:

Von mong vi du

 

Một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Úc… áp dụng đồng thời tỷ lệ vốn mỏng cổ định (nợ/vốn chủ sở hữu) cùng với tỷ lệ trung bình ngành trong nước theo nguyên lý cánh tay nối dài. Nghĩa là nếu doanh nghiệp chứng minh được tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của mình tương đương với các doanh nghiệp trong nước hoạt động cùng ngành thì sẽ được miễn áp dụng tỷ lệ vốn mỏng.

Một số nước trên thế giới áp dụng tỷ lệ vốn mỏng khác, là tỷ lệ “chi phí tài chính ròng/ EBITDA” như Đức, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Với cách tính này, chi phí tài chính ròng được tính trên tất cả các khoản nợ vay không phân biệt bên cho vay.

Tại Việt Nam hiện nay, khoản 3, Điều 8, Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, đã có quy định về vốn mỏng với các giao dịch với các bên liên kết tương tự thông lệ quốc tế. Cụ thể, Nghị định 20 đã quy định tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế.

Như vậy, có thể thấy đề xuất của Bộ Tài chính áp dụng tỷ lệ vốn mỏng (nợ/vốn chủ sở hữu) với toàn bộ các khoản vay của doanh nghiệp là hoàn toàn khác biệt so với thông lệ quốc tế, vốn chỉ áp dụng cho các khoản vay với bên liên quan, hoặc cổ đông kiểm soát nước ngoài nhằm mục đích chống chuyển giá. Đồng thời, việc áp dụng thêm một tỷ lệ vốn mỏng nữa (nợ/vốn chủ sở hữu) bên cạnh tỷ lệ quy định tại Nghị định 20 nói trên (chi phí lãi vay/EBITDA) cho mục đích chống chuyển giá là không cần thiết.

Bộ Tài chính cần nêu rõ Bộ đã căn cứ vào kinh nghiệm quốc tế nào để đưa ra đề xuất áp dụng tỷ lệ vốn mỏng nợ/vốn chủ sở hữu, đồng thời đưa ra kết quả nghiên cứu thực nghiệm chứng minh được việc áp dụng tỷ lệ vốn mỏng nợ/vốn chủ sở hữu với các doanh nghiệp trong nước sẽ giúp cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững hơn.

Cũng cần lưu ý rằng, hầu hết các nước ASEAN – đối thủ cạnh tranh trực tiếp về mặt kinh tế của Việt Nam - và phần lớn các quốc gia châu Á chưa áp dụng qui định này.

Vốn mỏng là gì?

Một công ty thông thường được tài trợ vốn thông qua vốn chủ sở hữu và vay nợ. “Vốn mỏng” đề cập đến tình huống mà công ty huy động vốn với tỷ lệ nợ tương đối cao so với vốn chủ sở hữu. Các công ty vốn mỏng đôi khi còn được gọi là công ty có tỷ lệ đòn bẩy vốn cao.

Vì sao vốn mỏng lại quan trọng?

Tỷ lệ nợ của công ty càng cao, tương đương chi phí lãi phải trả càng cao, thì lá chắn thuế càng lớn, lợi nhuận chịu thuế sẽ càng thấp. Do đó, vay nợ thường là cách huy động vốn mang lại hiệu quả về thuế cao hơn so với huy động vốn chủ sở hữu.

Các quy định về “vốn mỏng”

Cơ quan thuế của các quốc gia thường đưa ra quy định về hạn mức chi phí lãi vay được khấu trừ khi tính toán lợi nhuận chịu thuế.

Những quy định này được đưa ra để ngăn chặn việc chuyển giao lợi nhuận xuyên biên giới thông qua vay nợ quá mức, do đó nhằm mục đích bảo vệ thu nhập từ thuế của một quốc gia, đồng thời đảm bảo môi trường đầu tư công bằng cho các doanh nghiệp trong nước so với các doanh nghiệp nước ngoài.

Các quy định về vốn mỏng thường được xem xét kỹ lưỡng để tránh đánh thuế hai lần với các doanh nghiệp trong nước và tránh không ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước so với các đối thủ nước ngoài cùng ngành.

Vốn mỏng thường được quy định bằng một trong hai phương pháp: (i) Xác định mức nợ tối đa mà khoản lãi phải trả được khấu trừ (theo ước tính hoặc giả định độc lập khách quan theo nguyên lý cánh tay nối dài hoặc theo tỷ lệ cố định nợ/vốn tối đa); (ii) Xác định khoản lãi tối đa được khấu trừ bằng cách tham khảo tỷ lệ giữa chi phí lãi (đã trả hoặc phải trả) với một biến số khác (ví dụ tỷ lệ chi phí tài chính ròng/EBITDA).

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ