VNDirect: 'Cổ phiếu ngân hàng trở nên hấp dẫn hơn khi cân nhắc giữa rủi ro và hiệu quả'

Nhàđầutư
VNDirect đánh giá cổ phiếu ngân hàng điều chỉnh mạnh trong thời gian qua phần nào đã phản ánh tác động tiêu cực của đợt bùng phát dịch COVID-19 hiện nay. Cũng vì vậy, cổ phiếu ngân hàng trở nên hấp dẫn hơn khi cân nhắc giữa rủi ro và hiệu quả đầu tư.
ĐÌNH VŨ
13, Tháng 09, 2021 | 17:48

Nhàđầutư
VNDirect đánh giá cổ phiếu ngân hàng điều chỉnh mạnh trong thời gian qua phần nào đã phản ánh tác động tiêu cực của đợt bùng phát dịch COVID-19 hiện nay. Cũng vì vậy, cổ phiếu ngân hàng trở nên hấp dẫn hơn khi cân nhắc giữa rủi ro và hiệu quả đầu tư.

tin-dung-ndt

Ảnh: Trọng Hiếu

Tổng hợp từ kết quả kinh doanh 17 ngân hàng, báo cáo cập nhật triển vọng ngành ngân hàng 6 tháng cuối năm của Chứng khoán VNDirect cho biết: Tín dụng toàn ngành bắt đầu chững lại từ tháng 7 khi số lượng ca nhiễm COVID-19 mỗi ngày tăng cao và việc giãn cách xã hội quyết liệt hơn được áp dụng ở nhiều thành phố lớn.

Cụ thể, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng chỉ tăng 0,9% trong 2 tháng vừa qua, đạt 7,4% tại thời điểm cuối tháng 8 so với mức 6,44% nửa đầu năm.

Theo đó, VNDirect hạ dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành cho năm 2021 xuống 10-12% từ mức 13% đưa ra trước đó, do cầu tín dụng chưa phục hồi bởi ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch bệnh hiện nay.

Ở kịch bản cơ sở, VNDirect kỳ vọng số lượng ca nhiễm mỗi ngày sẽ giảm và việc đi lại sẽ được nới lỏng vào cuối tháng 9. Nhờ vậy, nhu cầu tín dụng sẽ tăng trở lại vào cuối quý 4/2021. 

VNDirect cũng bày tỏ lạc quan về triển vọng trong năm 2022 của ngành ngân hàng vì tin rằng lãi suất thấp sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng khi tiêu dùng trong nước dần hồi phục sau đại dịch. Bên cạnh việc cải thiện thu nhập lãi thuần từ hoạt động tín dụng, các nguồn thu ngoài lãi cũng góp phần đáng kể vào mức tăng lợi nhuận ròng.

Đáng chú ý, tỷ lệ chi phí/ thu nhập (CIR) bình quân giảm xuống 35,3% trong 6 tháng đầu năm 2021 từ mức 43,4% cùng kỳ năm ngoái nhờ các ngân hàng trì hoãn việc mở rộng mạng lưới trong thời gian này, cùng với đó, những ngân hàng đã đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng công nghệ và số hóa trong giai đoạn trước, bây giờ bắt đầu gặt hái thành quả.

Theo VNDirect, nhờ diễn biến lạc quan ở các nguồn thu cũng như chi phí hoạt động mà cho dù hầu hết các ngân hàng tích cực trích lập dự phòng trong 6 tháng đầu năm 2021 để chuẩn bị cho khả năng nợ xấu mới tăng cao do các doanh nghiệp chịu tác động mạnh từ đợt bùng phát đang diễn ra, nhưng lợi nhuận ròng 6 tháng của các ngân hàng vẫn tăng cao.

Cụ thể, chi phí tín dụng trung bình tăng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 1,5%. Các ngân hàng có tỷ lệ trích lập dự phòng/lợi nhuận trước dự phòng cao gồm có BIDV (65,5%), VPBank (48,9%), EIB (44,3%).

Nhờ đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) trung bình được cải thiện lên 123,2% vào cuối tháng 6/2021 từ mức 108,8% vào cuối 2020 và 80,8% tháng 6/2020. Các ngân hàng có tỷ lệ LLR cao nhất cuối tháng 6/2021 là Vietcombank (351,8%), Techcombank (258,9%), MB (236,5%) và ACB (207,7%).

Dự phòng nhiều, xóa nợ nhiều cũng giúp tỷ lệ nợ xấu (NPL) bình quân của 17 ngân hàng giảm xuống mức 1,49% cuối tháng 6/2021 so với mức 1,54% cuối năm 2020 và mức 1,81% cuối tháng 6/2020. Các ngân hàng ghi nhận chất lượng tài sản tốt nhất cuối tháng 6/2021 với tỷ lệ nợ xấu thấp nhất gồm: Techcombank (0,4%), Vietcombank (0,7%), ACB (0,7%) và MB (0,8%).

Ngày 7/9/2021, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành TT14/2021/TT-NHNN cho phép các ngân hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và miễn giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với dư nợ phát sinh sau thời gian quy định theo TT03/2021/TT-NHNN và TT01/2020/TT-NHNN.

Theo nhận định của VNDirect, chính sách mới này sẽ giúp giảm áp lực trích lập dự phòng cho các ngân hàng và hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Do lo ngại về khả năng gia tăng nợ xấu trong một vài quý tới, công ty chứng khoán này cho rằng, các ngân hàng có chất lượng tài sản vững chắc và nguồn dự phòng dồi dào sẽ có lợi thế hơn trong thời gian tới.

Về việc giá cổ phiếu ngân hàng điều chỉnh mạnh trong thời gian qua, VNDirect cho rằng, phần nào đã phản ánh tác động tiêu cực của đợt bùng phát dịch hiện nay. Vì vậy cổ phiếu ngân hàng trở nên hấp dẫn hơn khi cân nhắc giữa rủi ro và hiệu quả đầu tư.

Công ty chứng khoán này lưu ý rủi ro chính đối với ngành ngân hàng hiện nay là việc áp dụng giãn cách xã hội do dịch COVID-19 lâu hơn dự kiến; hoặc một biến thể khác của chủng virus phát sinh có thể cản trở hoạt động kinh tế trở lại bình thường. "Điều này có thể khiến các ngân hàng ghi nhận trích lập dự phòng cao hơn và cầu tín dụng yếu hơn so với dự báo trong giai đoạn nửa sau 2021 và 2022. Một rủi ro khác là NIM giảm nhiều hơn dự báo do nhu cầu tín dụng bị suy yếu", VNDirect khuyến cáo.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25154.00 25454.00
EUR 26614.00 26721.00 27913.00
GBP 31079.00 31267.00 32238.00
HKD 3175.00 3188.00 3293.00
CHF 27119.00 27228.00 28070.00
JPY 158.64 159.28 166.53
AUD 16228.00 16293.00 16792.00
SGD 18282.00 18355.00 18898.00
THB 667.00 670.00 698.00
CAD 18119.00 18192.00 18728.00
NZD   14762.00 15261.00
KRW   17.57 19.19
DKK   3574.00 3706.00
SEK   2277.00 2364.00
NOK   2253.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ