Vinaconex, Cienco4 tiếp tục đối đầu và điểm nhấn Đèo Cả Group ở cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt

Nhàđầutư
Khác với dự án Nghi Sơn - Diễn Châu, lần này "cuộc chơi" Diễn Châu - Bãi Vọt có sự tham gia của một ông lớn khác: Đèo Cả Group.
SỸ TÂN - NGHI ĐIỀN
25, Tháng 03, 2020 | 07:00

Nhàđầutư
Khác với dự án Nghi Sơn - Diễn Châu, lần này "cuộc chơi" Diễn Châu - Bãi Vọt có sự tham gia của một ông lớn khác: Đèo Cả Group.

Mời đọc trước: So găng hai ứng viên cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu

Bộ GTVT vừa ban hành quyết định về việc phê duyệt kết quả sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư thực hiện cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt.

Theo đó, có ba nhà đầu tư trúng sơ tuyển gồm: Liên danh Công ty TNHH Hòa Hiệp - Tập đoàn Cienco4 - Công ty TNHH Đầu tư Núi Hồng - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Vinaconex 2; Liên danh Tổng công ty Vinaconex - CTCP Xây dựng Tân Nam - CTCP HCJ và Liên danh CTCP Tập đoàn Đèo Cả - CTCP Đầu tư xây dựng Hải Thạch - CTCP Bê tông Hà Thanh - Tổng công ty Đầu tư Xây dựng Hoàng Long - Công ty TNHH Tiến Đại Phát.

Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt dài khoảng 49,3km đi qua địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Dự án được thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư khoảng 13.338 tỷ đồng, gồm 8.077 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ, còn lại là vốn huy động của nhà đầu tư.

cao-toc-bgls-156896861503720191018133254.4842100

Dù có mức đầu tư (tư nhân) thấp hơn đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu, song đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt lại thu hút nhiều nhà đầu tư lớn nhờ mật động dân cư mà lưu lượng phương tiện cao. Ảnh minh hoạ

Vinaconex tiếp tục đối đầu Cienco4

Cả ba liên danh trúng sơ tuyển cũng là các nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ đấu thầu dự án, khác với tỷ lệ 2/4 tại dự án Nghi Sơn - Diễn Châu.

Trong đó, hai liên danh đầu tiên đã tham gia dự án Nghi Sơn - Diễn Châu, có sự thay đổi chút ít là bổ sung Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn ở liên danh thứ nhất và thay thế Công ty cổ phần Xây dựng công trình giao thông Thái Sơn bởi CTCP HCJ ở liên danh thứ hai

Động thái này được đánh giá là nhằm gia tăng khả năng cạnh tranh của các liên danh tại một trong những dự án thành phần hấp dẫn nhất cao tốc Bắc Nam.

Tại liên danh thứ nhất, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (Binh đoàn 12) là đơn vị danh tiếng trong lĩnh vực cầu đường, với hàng trăm công trình lớn nhỏ thi công hàng năm. Năm 2019, đơn vị này đạt doanh thu 3.260 tỷ đồng, và đặt mục tiêu doanh thu 3.360 tỷ đồng năm 2020, với định hướng tập trung đấu thầu các gói thầu xây lắp tại dự án cao tốc Bắc - Nam.

Hiện nay, Tổng công ty Trường Sơn là một trong các nhà thầu xây dựng Cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn, đồng thời là thành viên trong liên danh đầu tư dự án BT La Sơn - Tuý Loan có vốn 11.500 tỷ đồng.

Tổng công ty Trường Sơn - Cienco4 từng liên danh cùng nhau đấu thầu xây lắp cao tốc Bắc - Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn vào cuối năm ngoái, tuy nhiên thất bại trước Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường.

Ở liên danh thứ hai, CTCP HCJ mới được thành lập vào cuối tháng 3/2019, tức là chỉ ít tháng trước khi gửi hồ sơ dự thầu dự án Diễn Châu - Bãi Vọt. Dù đặt trụ sở tại Hà Nội, song cổ đông lớn thứ hai (30% cổ phần), đồng thời là Chủ tịch HĐQT của HCJ là ông Lê Văn Nguyên - một doanh nhân quê Diễn Châu Nghệ An. Đáng chú ý hơn cả, cổ đông lớn nhất, sở hữu 40% cổ phần HCJ là ông Nguyễn Trọng Long - Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng Tân Nam - một trong hai thành viên còn lại trong liên danh Vinaconex. Hay nói cách khác, liên danh thứ hai về bản chất có thể coi là cái bắt tay giữa ông lớn Vinaconex và một đại gia xây lắp địa phương (Nghệ An).

Với sự cải thiện và tăng cường đáng kể ở các vị trí thành viên, hai liên danh của Cienco4 và Vinaconex hứa hẹn sẽ tiếp tục mang tới một cuộc đối đầu thú vị nữa tại dự án Diễn Châu - Bãi Vọt.

Tuy nhiên, lần này có thêm một đối thủ đặc biệt sừng sỏ, là liên danh của CTCP Tập đoàn Đèo Cả - CTCP Đầu tư xây dựng Hải Thạch - CTCP Bê tông Hà Thanh - Tổng công ty Đầu tư Xây dựng Hoàng Long - Công ty TNHH Tiến Đại Phát.

Cu Mong 2

Hầm Cù Mông qua Đèo Cả, do Đèo Cả Group đầu tư

Điểm nhấn Đèo Cả

Dường như liên danh này muốn giành chắc phần thắng, bởi chỉ mỗi Đèo Cả Group đã là cái tên mang lại sự tin tưởng gần như tuyệt đối, khi nhà đầu tư BOT tư nhân lớn nhất Việt Nam này đã triển khai thành công nhiều dự án quy mô lớn, mà nổi bật nhất là Hầm đường bộ Đèo Cả có vốn 26.000 tỷ đồng. Uy tín của Đèo Cả cũng thể hiện qua việc tập đoàn này được "huy động" để giải cứu hai dự án rất lớn khác là Trung Lương - Mỹ Thuận (12.700 tỷ đồng) và Bắc Giang - Lạng Sơn (12.200 tỷ đồng).

Về các cái tên còn lại, ngoài CTCP Đầu tư xây dựng Hải Thạch là công ty thành viên, chuyên nhận thầu cho Đèo Cả, thì Bê tông Hà Thanh, Hoàng Long và Tiến Đại Phát cũng là những tên tuổi ít nhiều có tiếng trên thị trường.

Trong đó, Bê tông Hà Thanh được thành lập năm 2000, đúng như tên gọi, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất bê tông các loại, đã tham gia nhiều dự án lớn như Cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Vincom Village.

Chủ tịch HĐQT Bê tông Hà Thanh là doanh nhân Nguyễn Đức Hà (SN 1971), đồng thời cũng là cổ đông lớn nhất, nắm 56,06% vốn doanh nghiệp này; hai cổ đông còn lại là bà Nguyễn Thị Thu và bà Nguyễn Thị Hằng sở hữu lần lượt 19,33% và 24,61% cổ phần.

Từ cuối năm 2017 đến tháng 11/2018, Bê tông Hà Thanh thực hiện hai đợt tăng vốn liên tiếp, tăng mạnh từ 177,34 tỷ đồng lên 950 tỷ đồng. Doanh nghiệp này cũng không ngần ngại dấn sang lĩnh vực bất động sản, với loạt dự án tại Hà Nội như Khu biệt thự nhà vườn Hà Thanh rộng 7,5ha tại Do Liên Hạ, Tiền Phong, Mê Linh; Khu chung cư cao tầng Hà Thanh Green View tại lô đất I-A2 KĐT Tiên Dương - Đông Anh; hay Tổ hợp thương mại dịch vụ, văn phòng cho thuê tại ngã tư Biến thế - thị trấn Đông Anh.

Về phần mình, Tổng công ty Đầu tư Xây dựng Hoàng Long có tuổi đời khá lâu, được thành lập năm 1994 và thuộc sở hữu của gia đình doanh nhân Hoàng Đình Thông. Hiện nay vốn điều lệ của Hoàng Long ở mức 516 tỷ đồng, trong đó doanh nhân xứ Thanh nắm chi phối 56,877%, hai người thân trong gia đình là bà Trần Thị Mơ sở hữu 36,877% và ông Hoàng Đình Thạo có 6,246%.

Hoàng Long hiện diện chủ yếu tại thị trường Thanh Hoá, hoạt động chính trong các lĩnh vực xây lắp, kinh doanh xăng dầu, khai thác vật liệu xây dựng, sản xuất bê tông. Ở ngoài địa phương này, Hoàng Long năm 2016 từng tham gia thi công Gói thầu số 14 tại dự án Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Cái tên cuối cùng - Công ty TNHH Tiến Đại Phát cũng có lịch sử khá lâu đời, được thành lập từ năm 2001 tại Hà Nội, hiện do doanh nhân Ngô Tiến Cương nắm tới 98% vốn. Tiến Đại Phát có vốn điều lệ 1.100 tỷ đồng, được biết đến nhiều hơn cả trong lĩnh vực nhập khẩu phân phối thiết bị y tế, và máy cơ khí, thiết bị hàn cắt. Dù vậy, doanh nghiệp của ông Ngô Tiến Cương, nên biết, cũng là một nhà đầu tư giàu tham vọng trong lĩnh vực BOT.

Tiến Đại Phát thông qua công ty con CTCP BOT Cầu Thái Hà đầu tư xây dựng cầu Thái Hà nối Hà Nam và Thái Bình có tổng vốn đầu tư 1.700 tỷ đồng, khởi công năm 2016 và hoàn thành, bắt đầu thu phí vào đầu năm 2019.

Cũng trong năm 2016, Tiến Đại Phát từng thu hút sự chú ý của dư luận khi đề xuất xây dựng đường Vành đai 4, gồm hai đoạn từ Quốc lộ 32 đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ theo hình thức BOT và đoạn từ cao tốc Hà Nội - Lào Cai đến Quốc lộ 32 theo hình thức BT. Tổng mức đầu tư của 2 dự án này lên tới 19.000 tỷ đồng.

Dù có "profile" khá ấn tượng, song nguồn lực của Tiến Đại Phát vẫn chưa thực sự rõ ràng, đặc biệt khi mà Bảo hiểm Xã hội TP. Hà Nội năm 2018 từng phải chuyển hồ sơ vụ việc doanh nghiệp này nợ 19 tháng bảo hiểm sang cơ quan Công an TP. Hà Nội để phối hợp điều tra, xác minh.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ