Việt Nam hậu cách ly xã hội, tương lai nào để sống chung với COVID-19

"Đời sống và kinh tế cả nước có thể chuyển sang trạng thái bình thường mới là sống với 'bệnh truyền nhiễm COVID-19' nhưng không có dịch COVID-19", Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nêu quan điểm.
THU HẰNG - QUANG HUY
15, Tháng 04, 2020 | 13:27

"Đời sống và kinh tế cả nước có thể chuyển sang trạng thái bình thường mới là sống với 'bệnh truyền nhiễm COVID-19' nhưng không có dịch COVID-19", Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nêu quan điểm.

COVER_DESKTOP

 

"Nhiệm vụ của Việt Nam bây giờ là: Bằng mọi cách phải kiềm chế sự lây lan, không để đạt mức 1.000 người nhiễm trong vòng 10 ngày kể từ khi có 100 người nhiễm, tức là vào ngày 3/4, và tốt nhất chỉ có dưới 500 người nhiễm vào ngày 3/4”.

Đó là nhiệm vụ trung tâm trong kiến nghị dài 12 trang mà Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 22/3 - 10 ngày trước khi Chỉ thị 16 về cách ly xã hội được ban hành. Giải pháp trong mô hình chống dịch COVID-19 mà ông Nhân đề xuất trong bản kiến nghị này đều được thực hiện trên toàn quốc.

Ngày 22/3, cả nước có 113 ca nhiễm COVID-19. Mười ngày sau, 1/4, khi lệnh cách ly xã hội có hiệu lực, cả nước có 118 ca nhiễm. Và đến nay, 24 ngày sau bản kiến nghị của ông Nhân, số ca nhiễm là 265, vẫn rất xa con số 1.000 mà ông Nhân kiến nghị trước đó phải tránh xa. 45/63 tỉnh, thành không có người nhiễm, các “ổ dịch” nguy hiểm đều được kiểm soát và chưa có ai tử vong do dịch COVID-19.

Tuy nhiên, thành công này đi kèm với tổn thất nhất định và Việt Nam phải chuẩn bị như thế nào để bước vào giai đoạn hồi phục hậu cách ly xã hội trong khi dịch vẫn còn lây lan trên thế giới. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân một lần nữa tiếp tục có những dự báo mới cho một Việt Nam hậu cách ly xã hội. Ông chia sẻ với Zing về những phân tích, tầm nhìn và kiến nghị để chuẩn bị bước vào giai đoạn “bình thường mới”.

SUB1

 

- Sau 80 ngày “chống dịch như chống giặc” (từ 23/1) và đặc biệt là gần 2 tuần cách ly xã hội, theo ông, Việt Nam đã đạt được thành công gì trong cuộc chiến này?

- Với sự chỉ đạo rất sớm của Bộ Chính trị, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của cấp ủy và chính quyền các địa phương để phòng dịch COVID-19, Việt Nam đã đạt được 4 kết quả rất quan trọng, có ý nghĩa chính trị, xã hội, kinh tế, được quốc tế thừa nhận.

Thứ nhất, với dân số gần 100 triệu người, chúng ta bị lây nhiễm khá sớm (ca đầu tiên từ 23/1). Đến 1/4, Việt Nam đã có 218 người nhiễm, đến 12/4 là 260 người. Tức là 1 triệu người dân chỉ có 2,6 người bị nhiễm – đây là tỷ lệ thuộc nhóm thấp nhất thế giới.

Tỷ lệ nhiễm trên 1 triệu dân hiện nay ở Singapore là 424 người, ở Hàn Quốc là 205, ở Nhật là 53, ở Mỹ là 1.680, ở Anh là 1.240, ở Pháp là 2.030, ở Ý là 2.586. Điều này nói lên rằng nguy cơ tự lây nhiễm nội sinh tiếp tục ở Việt Nam là rất thấp so với các nước.

Thứ hai, đối với tất cả các nước đã qua dịch quy mô lớn (Pháp, Ý, Đức, Tây Ban Nha, Anh và Mỹ), tốc độ tăng số người nhiễm sau khi đạt 100 người nhiễm ở một nước là rất quyết định.

Phân tích tỷ lệ bình quân ở 10 nước có số ca nhiễm cao cho thấy 10 ngày sau khi số người nhiễm đạt 100 thì sẽ có 1.000 người nhiễm, 10 ngày sau đó sẽ có 8.000 người nhiễm và 10 ngày tiếp theo sẽ đạt 32.000 người. Như vậy, để ngăn chặn tốc độ lây lan tăng vọt, giai đoạn 10 ngày sau khi có 100 người nhiễm là rất quan trọng.

Ngày 22/3, Việt Nam đã có 113 người nhiễm, nếu tính từ 6/3 là 96 người. 10 ngày sau, ngày 1/4, Việt Nam chỉ có 218 người nhiễm, rất xa con số cần tránh là 1.000 theo kinh nghiệm quốc tế nói trên. Như vậy, Việt Nam đã giữ được rất an toàn dịch 10 ngày sau khi có 100 người bị nhiễm và chưa bước vào giai đoạn tăng tốc số người bị nhiễm như các nước ở châu Âu và Mỹ.

Sau 80 ngày có người nhiễm Covid-19 đầu tiên, ở Việt Nam có 265 người bị nhiễm, trong khi con số này ở Singapore là 2.522 (gấp gần 10 lần Việt Nam), ở Nhật là 3.139 (gấp 12 lần), ở Hàn Quốc là 10.423 (gấp 40 lần), ở Pháp là 109.609 (gấp hơn 400 lần) và ở Mỹ là 532.879 (gấp hơn 2.000 lần). Với dân số gần 100 triệu người và 265 ca nhiễm, chưa có ai bị chết, thì mức độ lây lan COVID-19 sau 80 ngày chưa phải là dịch. Chúng ta đã phòng dịch rất tốt.

Thứ ba, mặc dù tổng số người đã bị nhiễm của một nước là chỉ số rất quan trọng thể hiện sự lây lan và tác hại xã hội của dịch COVID-19, song nó không phản ánh khả năng chịu được dịch, khắc phục hậu quả dịch của một nước. Số người nhiễm virus cần được điều trị tại mỗi thời điểm, so sánh với năng lực điều trị bệnh truyền nhiễm như COVID-19 của hệ thống y tế mỗi địa phương và cả nước là chỉ số rất quan trọng về khả năng chịu đựng của hệ thống y tế trong chống dịch COVID-19.

Ngày 21/3 và 1/4, số người nhiễm cần điều trị ở Việt Nam là 164 người, cao nhất từ khi có người nhiễm đầu tiên (23/1) đến nay. So với số giường bệnh để điều trị nhiễm COVID-19 của cả nước là 3.500 giường (đủ các điều kiện điều trị tích cực) thì tỷ lệ chiếm dụng giường bệnh chỉ là 4,7%, tức là hơn 95% giường bệnh để điều trị COVID-19 ở Việt Nam chưa sử dụng đến.

Như vậy, khả năng chống chọi với dịch của Việt Nam vẫn rất cao. Với kinh nghiệm quốc tế khoảng 15% người bị nhiễm phải điều trị tích cực, thì 3.500 giường bệnh hồi sức có thể phục vụ chữa trị khi cả nước có 23.000 người nhiễm cùng lúc, gấp gần 200 lần số người đang nhiễm phải đi điều trị hôm nay (120 người).

Thứ tư, dịch COVID-19 ở Việt Nam chỉ tập trung ở Hà Nội, TP.HCM và có xuất hiện ở một số tỉnh, thành phố khác, song đa số các tỉnh, thành phố của Việt Nam chưa có người bị nhiễm tại địa phương.

Từ ngày 23/1 đến 7/4, có 25 tỉnh, thành phố đã có người bị nhiễm COVID-19, nhưng thực tế phân bổ rất không đồng đều. Tổng số người đã nhiễm ở Hà Nội là cao nhất, ngày 7/4 là 114 ca (chiếm 45,8% cả nước), ở TP.HCM là 54 ca (chiếm 21,7% cả nước). Như vậy, hai thành phố chiếm khoảng 67,5% người nhiễm cả nước.

Có 2 tỉnh lúc cao nhất cũng không có quá 13 người nhiễm mỗi tỉnh. Các tỉnh còn lại đều dưới 10 người, chủ yếu 1 - 3 người mỗi tỉnh. Đặc biệt, 38 tỉnh không có ai nhiễm từ 23/1 đến bây giờ (chiếm 60%) số tỉnh, thành cả nước.

Nếu tính số tỉnh, thành phố đến 7/4 còn có người nhiễm phải điều trị thì mức độ lây nhiễm Covid-19 ở Việt Nam còn thấp hơn nữa. 18/63 tỉnh, thành phố có người nhiễm, chiếm 29% số tỉnh, thành phố cả nước. 45/63 tỉnh, thành phố, chiếm tỷ lệ 71%, không có người nhiễm.

Tình hình này khác hẳn các nước ở châu Âu, Mỹ đã có người nhiễm COVID-19 từ tháng 1/2020 giống Việt Nam như Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Đức, Mỹ hay Trung Quốc: 100% các tỉnh, các thành phố, các bang của các nước này đều bị nhiễm.

Như vậy, nguy cơ lây nhiễm COVID-19 từ bản thân các địa phương của Việt Nam suốt thời gian qua là thấp.

SUB2

 

- Để đạt được những kết quả trên, theo ông, giải pháp của Việt Nam có gì khác biệt so với thế giới trong phòng, chống đại dịch COVID-19?

- Với kinh nghiệm phòng chống dịch từ các năm trước, khi dịch COVID-19 nổ ra tại Trung Quốc, từ tháng 1/2020, Việt Nam đã triển khai đồng bộ 9 giải pháp dựa trên nguyên tắc: Phòng bệnh đi trước chữa bệnh. Phòng dịch kịp thời, kiên quyết, triệt để bằng sức mạnh của cả hệ thống chính trị và văn hóa người Việt, chữa bệnh tập trung, đồng bộ, sáng tạo.

Thứ nhất, cách ly tập trung và chữa trị những người đã bị lây nhiễm, truy tìm và cách ly người đã tiếp xúc với người lây nhiễm (F1, F2, F3). Hai là khoanh và cô lập nhanh các ổ lây nhiễm. Ba là hạn chế và và tiến tới không cho người từ các nước có dịch vào Việt Nam. Bốn là điều trị tích cực các bệnh nhân đã bị nhiễm, nâng cấp khả năng hệ thống y tế ở mỗi địa phương (năng lực chữa bệnh, năng lực cách ly).

Năm là đóng cửa các trường học, hạn chế các hoạt động tụ tập đông người, hạn chế đi lại. Sáu là đeo khẩu trang, rửa tay diệt khuẩn thường xuyên. Bảy là tuyên truyền sâu rộng, kịp thời đến 100% các hộ dân, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và văn hóa Việt Nam.

Tám là sự lãnh đạo chặt chẽ, kịp thời của Đảng và chính quyền ở Trung ương và mỗi tỉnh, thành phố. Chín là theo dõi sát sao tình hình dịch ở các nước trên thế giới, rút ra các bài học cho Việt Nam, dự báo tình hình để chủ động có các biện pháp phòng ngừa kịp thời, không để bị động lớn, bất ngờ.

Việc phòng dịch triệt để sẽ làm cho quy mô lây nhiễm diễn ra thấp, không làm hệ thống y tế quá tải, không làm tiêu hao nhiều nguồn lực ở khâu chữa bệnh.

Trên thế giới hiện nay, mức độ nhiễm dịch rất cao. Nhiều nước châu Âu, Mỹ coi nhẹ việc phòng bệnh, làm cho dịch diễn ra quy mô lớn, vượt quá khả năng chữa bệnh của hệ thống y tế quốc gia, gây rối loạn đời sống xã hội. Lúc này để ngăn chặn dịch lây lan buộc phải dùng đến biện pháp: Cấm đi lại, mọi người phải ở trong nhà, trừ khi đi chợ, mua thuốc, đi làm theo yêu cầu của Nhà nước.

Nguyên nhân bùng phát dịch COVID-19 ở nhiều nước là yếu kém trong phòng dịch. Họ tranh luận rất lâu là có cần đeo khẩu trang không, có cần hạn chế tụ tập không. Và khi hai câu hỏi này được trả lời là cần thì số người nhiễm đã lên đến hàng nghìn, hàng chục, hàng trăm nghìn người.

- Tuy chúng ta đã đạt được những chiến thắng nhất định, trong cuộc chiến chống dịch này còn những nguy cơ nào đang tồn tại?

Việc hàng triệu công nhân đi làm hàng ngày hiện nay (tức là họ hoàn toàn không thực hiện cách ly xã hội) đang là nguy cơ lớn nhất lây lan COVID-19 và có thể phát triển thành dịch. Vì vậy phải kiểm soát chặt chẽ nguy cơ này để các nhà máy có nguy cơ lớn phải thực hiện nhiều biện pháp giảm nguy cơ đến mức cần thiết hoặc phải tạm dừng hoạt động.

TP.HCM đang triển khai việc đánh giá nguy cơ lan dịch tại các công ty bằng bộ chỉ số nguy cơ từ ngày 6/4. Từ giảm thiểu và kiểm soát nguy cơ lây lan dịch ở các doanh nghiệp, sẽ triển khai các giải pháp đồng bộ, hiệu quả để giảm thiểu và kiểm soát nguy cơ lây lan COVID-19 tại các trường học. Khi đó việc đi học lại bình thường, trong trạng thái: vừa học, vừa phòng dịch trong trường học.

Theo dự báo của tôi, nếu Việt Nam tiếp tục làm tốt 9 giải pháp đã triển khai, tối thiểu hóa và kiểm soát nguy cơ lây lan COVID-19 tại các doanh nghiệp và trường học, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát lây nhiễm và khống chế việc lây nhiễm COVID-19 ở mức thấp!

Vấn đề phải giải quyết từ tháng 4 đến tháng 12/2020 và cả năm 2021 là thực hiện trạng thái “bình thường mới” của đời sống xã hội, kinh tế ở Việt Nam khi dịch còn đang tác động rất mạnh ở tất cả các nền kinh tế chủ yếu của thế giới. Đây là trạng thái có lây nhiễm COVID-19, có bệnh truyền nhiễm COVID-19, nhưng không có dịch COVID-19 ở Việt Nam.

Chúng ta đã sống và làm việc trong trạng thái này từ 23/1 đến nay với tổng số ca nhiễm là 260 và đang có 120 người được điều trị. Số ca nhiễm vẫn tăng, nhưng số người được điều trị vẫn kiểm soát được, không cao, đạt đỉnh vào ngày 29/3 với 163 người được điều trị và giảm dần. Không có dịch COVID-19.

SUB3

 

- Trong khi các cường quốc kinh tế đều đang đứng đầu về số người nhiễm COVID-19 thì Việt Nam đứng thứ 103 về số ca nhiễm (10/4) và không có ca tử vong. Ông nhận định thế nào về tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam trong đại dịch này?

- Việt Nam có cơ hội tiếp tục phát triển kinh tế rất tốt trong điều kiện “bình thường mới” của thế giới.

Hiện nay, cả thế giới có 208 nước có lây nhiễm COVID-19. 13 quốc gia có số người nhiễm nhiều nhất thế giới đã chiếm đến 84% số người nhiễm toàn cầu. 10/13 nước này có thu nhập bình quân đầu người ở mức cao, từ 24.000-65.000 USD/người. Nói cách khác, dịch này đang tấn công mạnh mẽ nhất vào các nước giàu. Những trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch này.

Tháng 1 năm nay, khi dịch bắt đầu, cả thế giới chỉ có 27 nước bị nhiễm thôi. Nhưng 27 nước này đóng góp 77% tổng GDP toàn thế giới và ngày 10/4 đã có 1.367.996 người bị nhiễm, chiếm hơn 76% số người nhiễm trên thế giới. Còn đến nay, hơn 210 nước bị nhiễm đã chiếm 99% dân số thế giới, chiếm 99% GDP toàn cầu. Dịch bệnh này sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế ở các nước phát triển và toàn thế giới.

Đến nay, trạng thái của Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Anh, Mỹ là rất nhiều bệnh viện quá tải, ngành y tế quá mức chịu đựng. Giải pháp bây giờ của họ không còn đường nào khác ngoài yêu cầu mọi người dân ở nhà để giảm lây lan, nhưng điều này đồng nghĩa với toàn bộ nền kinh tế bị đình trệ.

Còn ở Việt Nam, chúng ta không cấm đi lại, thông tin rộng rãi đến toàn bộ người dân về virus corona và cách phòng chống, yêu cầu ra đường thì đeo khẩu trang, rửa tay, và cố gắng hạn chế đi lại, tụ tập, kiểm soát xuất nhập cảnh. Xuất hiện ca nhiễm nào thì khoanh vùng ngay và cách ly cả F1, F2, F3. Chính các biện pháp này giúp chúng ta giữ được số người lây nhiễm thấp. Cuối cùng thì giờ họ thấy trên 2 người là đã đông rồi.

QUOTE6_DESKTOP

 

Thế nhưng ban đầu, nhiều người nói những biện pháp này không cần thiết. Singapore, nhiều nước châu Âu và Mỹ đều từng phát biểu rằng không cần thiết phải đeo khẩu trang. Chúng ta hạn chế tụ tập đông người rất sớm nhưng họ nói rằng tụ tập 5.000 người trở lên mới là đông và phải hạn chế. Cuối cùng thì giờ họ thấy trên 2 người là đã đông rồi. Vậy nên biện pháp hiện nay của họ là ngăn sông cấm chợ, mọi người phải ở trong nhà, ở nhà là yêu nước. Vì họ đã rơi vào giai đoạn cao của dịch, với hàng nghìn, hàng vạn, hàng trăm nghìn người nhiễm rồi, không còn biện pháp nào khác. Cách làm đó gây khổ cho dân và thiệt hại lớn cho nền kinh tế.

Tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam bằng 200% GDP của ta nên nền kinh tế Việt Nam lệ thuộc rất mạnh vào xuất nhập khẩu. Khi các nước có dịch, họ không nhập khẩu nhiều mà cũng không thể xuất khẩu (cái ta cần); họ nhập thực phẩm, thuốc men, dụng cụ y tế. Với dân số gần 100 triệu dân, thị trường nội địa của ta rất lớn, nhu cầu hàng tiêu dùng và xây dựng cơ bản rất lớn. Đây là cơ hội rất tốt để phát triển kinh tế khi các nước khác có dịch.

Chừng nào các nước là đối tác thương mại và đầu tư chủ yếu của Việt Nam còn đang có dịch, thì chừng ấy nhu cầu trong nước của 100 triệu dân với GDP đầu người gần 3.000 USD là cơ hội rất quan trọng để phát triển kinh tế và chuẩn bị khôi phục xuất nhập khẩu, đầu tư và dịch vụ quốc tế!

- Trong khi các cường quốc kinh tế vẫn đang loay hoay trong đại dịch thì Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh này. Theo ông, chúng ta nên làm gì để tận dụng cơ hội này?

- Hiện nay, thế giới chưa có vắn-xin và cũng chưa có thuốc nên tôi đánh giá chưa thể loại trừ việc lây nhiễm loại virus này được. Các nước đều đang phấn đấu giảm nhanh số người nhiễm và duy trì để không tăng trở lại. Nói cách khác, tính chất chung là không thể kết thúc việc lây nhiễm ngay khi chưa có vắc-xin. Các nước có thể kết thúc được dịch nhưng chưa thể kết thúc chuyện có người vẫn nhiễm COVID-19.

Chúng ta phải xác định tinh thần chung sống với một số người nhiễm ở quy mô nhỏ nhất định, lâu dài và nhiễm COVID-19 sẽ giống như một bệnh truyền nhiễm nhưng có thể kiểm soát để không có dịch COVID-19. Nếu phấn đấu được trạng thái như vậy là rất tốt.

Lấy ví dụ, ai cũng biết ma túy có hậu quả nghiêm trọng phải kiên quyết phòng và chống tệ nạn ma túy nhưng không nước nào có số người nghiện bằng 0 được cả. Chúng ta vẫn phải chung sống với ma túy và tìm cách giữ ở mức thấp nhất. Hay như sốt xuất huyết năm nào cũng nổ ra nhưng cũng không tiêu diệt được nó mà giữ ở mức thấp nhất.

Tương tự, việc lây lan dịch COVID-19 này cũng vậy. Khi nào chưa có vắc-xin thì còn chung sống nhưng cố gắng giữ ở mức độ thấp nhất, không gây rối loạn xã hội. Xã hội hoạt động bình thường ở một trạng thái mới: Có bệnh truyền nhiễm corona nhưng không có dịch corona.

Hiện, Hàn Quốc là một nước thành công sớm ở chỗ khi số người nhiễm tăng cao lên một mức nhất định, khoảng hơn 7.000 người, họ đã kéo được số người phải chữa trị trong các bệnh viện xuống. Khi tỷ lệ nhiễm của Hàn Quốc là 25 ca nhiễm/triệu dân, số ca nhiễm tại đây tăng vọt.

Nhưng khi số ca nhiễm tới mức 151 ca nhiễm/triệu người, ngày 11/3 thì số người phải chữa trị ở các bệnh viện bắt đầu giảm dần, tức là họ đã qua đỉnh dịch. Ngày 24/3, có 105 người phải chữa trị/triệu người và hiện họ chỉ có khoảng 57 người phải điều trị/triệu dân. Có thể dự báo, đầu tháng 5, họ sẽ trở lại mức 25 người phải điều trị/triệu dân như trước khi bùng phát dịch. Đó là mô hình của Hàn Quốc và họ mất khoảng 100 ngày để đạt được kết quả này.

Đến nay, ngoài Hàn Quốc có thể thấy Iran đã qua đỉnh dịch vào ngày 6/4, Đức qua đỉnh dịch vào ngày 7/4, còn Việt Nam đã qua đỉnh lây nhiễm vào ngày 29/3. Dĩ nhiên tất cả 4 nước đã qua đỉnh này nếu nới lỏng các biện pháp phòng dịch không hợp lý thì dịch có thể xuất hiện trở lại.

Còn với Nhật Bản, họ bị nhiễm từ ngày 15/1, trước Việt Nam 8 ngày. Sau 76 ngày từ người nhiễm đầu tiên, Việt Nam chỉ có 255 người nhiễm, họ có 2.180 người nhiễm. Dù vậy, Việt Nam vẫn phải cảnh giác vì lây nhiễm ở Nhật Bản chỉ tăng tốc kể từ khi có 1.300 người nhiễm. Các nước khác sau 100 ca nhiễm là số người nhiễm tăng vọt.

So với láng giềng Nhật Bản, Hàn Quốc, chúng ta giữ tốt hơn và so với nhiều nước khác cũng rất tốt. Và đặc biệt là chúng ta chưa có giai đoạn tăng tốc. Đây là điều rất thuận lợi để chúng ta bước vào giai đoạn có bệnh nhưng không có dịch. Bằng các biện pháp như vừa qua, chúng ta phải giữ sao cho số ca nhiễm tăng chậm và số người phải điều trị ở các bệnh viện chỉ khoảng 150-300 người là tốt nhất, còn nhiều nhất là không quá 500 người.

Chúng ta vẫn phải duy trì các biện pháp lâu nay đã làm, từ việc đóng cửa trường học, các doanh nghiệp và mở rộng từng bước quy mô tập trung đông người. Phải tổng kiểm soát chặt người từ nước ngoài về và cắt được nguồn lây nhiễm. Ví dụ, người nước ngoài đến Việt Nam phải lấy mẫu xét nghiệm ngay tại sân bay, nhà ga, bến tàu với quy mô và tần suất liên tục.

Ứng dụng của dịch vụ, ứng dụng của viễn thông để giám sát việc tụ tập quy mô lớn và truy tìm những người là F1, F2, F3 khi phát hiện có ca nhiễm F0. Đi học, đi làm, đi chơi mà phải đeo khẩu trang có thể sẽ trở thành một hành vi sống mới mà mỗi người phải chấp nhận, cho đến khi có vắc-xin COVID-19. Năng lực cách ly và điều trị COVID-19 cũng phải được đảm bảo nâng cấp thường xuyên.

Trong bối cảnh đó, có khả năng trong quý II, nhất là đến tháng 6, đời sống và kinh tế cả nước phải chuyển sang trạng thái bình thường mới là sống với “bệnh truyền nhiễm COVID-19” nhưng không có dịch COVID-19.

Mỗi cơ quan, mỗi doanh nghiệp, mỗi ngành nghề, mỗi gia đình, cộng đồng dân cư phải tự hỏi: Để ngăn chặn sự lây lan rộng người nhiễm COVID-19, việc gì lâu nay ta vẫn làm thì giờ không được làm, việc gì chúng ta phải thay đổi cách làm, việc gì xưa nay không làm nhưng giờ phải làm vì sự an toàn cho mình, cho cơ quan, doanh nghiệp, cho ngành nghề mình, cho gia đình mình và cộng đồng dân cư nơi mình sống.

Chúng ta phải tập thích nghi, cùng toàn xã hội sống trong trạng thái “bình thường mới”: Sản xuất, hoạt động, làm việc, vui chơi trong môi trường có bệnh truyền nhiễm COVID-19 nhưng không có dịch COVID-19.

- Xin cảm ơn ông!

(Theo Zing)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ