Vì sao doanh nghiệp không mặn mà đầu tư xử lý rác tại Đồng bằng sông Cửu Long?

Nhàđầutư
Thời gian qua, nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) "trải thảm" mời gọi doanh nghiệp đầu tư nhà máy xử lý rác nhưng cho đến nay có nhiều địa phương chưa thu hút được dự án vào lĩnh vực này.
AN HÒA
06, Tháng 04, 2023 | 13:03

Nhàđầutư
Thời gian qua, nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) "trải thảm" mời gọi doanh nghiệp đầu tư nhà máy xử lý rác nhưng cho đến nay có nhiều địa phương chưa thu hút được dự án vào lĩnh vực này.

rac phuong thao

Do thiếu nhà máy xử lý, "núi rác" mọc lên ở nhiều địa phương. Ảnh An Hòa

"Núi rác" mọc lên ở nhiều địa phương

Cần Thơ đang lâm vào cuộc "khủng hoảng" xử lý rác khi lượng rác thu gom trên địa bàn thiếu nơi tập kết để xử lý. Tại các bãi rác tạm, lượng rác tồn đọng không được đưa đến nhà máy ngày càng nhiều đã gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân đô thị.

Lý giải về tình trạng trên, đại diện Sở TN&MT Cần Thơ cho biết, Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn (rác sinh hoạt) Thới Lai do Công ty TNHH Năng lượng môi trường EB Cần Thơ, (thuộc Công ty TNHH Quốc tế Everbright Trung Quốc) đầu tư đi vào hoạt động vào cuối năm 2018. Kể từ khi Cần Thơ có được nhà máy xử lý rác này, hơn 400 tấn rác thải sinh hoạt hàng ngày đã được xử lý. Cùng với đó là dự án xử lý rác tại xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ mỗi ngày xử lý được khoảng 100 tấn rác. Khi hai nhà máy xử lý rác này vận hành song song thì cơ bản giải quyết được gần hết khối lượng rác thải được thu gom trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, trong tháng 3 và tháng 4 này, chủ đầu tư nhà máy xử lý rác Thới Lai xin giảm công suất để bảo trì, nâng cấp thiết bị nên mỗi ngày chỉ nhận xử lý khoảng 100 tấn rác. Từ đó dẫn đến tình trạng rác thải không có chỗ xử lý, địa phương cũng không kịp bố trí bãi tập kết rác.

Trong cuộc họp mới đây về tháo gỡ khó khăn trong xử lý rác, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, lượng rác dôi dư trong thời gian nhà máy xử lý rác Thới Lai đại tu vào khoảng 7.000 tấn. Do đó, huyện Cờ Đỏ cần chuẩn bị diện tích đất đảm bảo đủ tập kết khoảng 10.000 tấn. Bên cạnh đó, khu xử lý chất thải rắn ở xã Đông Thắng phải nâng công suất tiếp nhận lên 150 tấn mỗi ngày, thay vì 100 tấn như hiện tại để giải quyết tình trạng rác thải ùn ứ khắp nơi như hiện nay.

Cần Thơ được xem là đơn vị dẫn đầu khu vực về tỷ lệ rác sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ phù hợp. Thế nhưng khi một trong 2 nhà máy xử lý giảm công suất để đại tu thì ngay lập tức xảy ra "khủng hoảng" rác.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt toàn vùng ĐBSCL khoảng 14.000 tấn/ngày, tương đương 5 triệu tấn/năm, tuy nhiên tỷ lệ thu gom có nơi chỉ mới đạt 40%, nếu tỷ lệ thu gom tốt thì khối lượng rác thải sẽ còn cao hơn nhiều.

Toàn vùng hiện chỉ mới có 2 khu xử lý có tính liên tỉnh là khu xử lý rác tại Tân Thành, Long An và nhà máy đốt rác phát điện tại huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ. Còn lại các địa phương khác chỉ có một số tỉnh như Cà Mau, Bến Tre có nhà máy xử lý rác nhưng công suất rất nhỏ, hầu hết các địa phương khác chỉ áp dụng biện pháp chôn lấp, trong đó chỉ có 19/124 bãi chôn lấp hợp vệ sinh, còn lại trên 100 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, rủi ro gây ô nhiễm đất nước, không không khí và nhu cầu sử dụng đất dành cho chôn lấp rác cao, tỷ lệ tái sử dụng thấp.

tap ket ra NK

Một bãi tập kết rác tạm tại khu dân cư Thới Nhựt-TP. Cần Thơ đã quá tải vì thiếu nơi xử lý. Ảnh An Hòa

Vì sao thiếu nhà máy xử lý rác?

Ngày 11/01 vừa qua UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành quyết định về việc chấm dứt hoạt động dự án Nhà máy điện rác Hậu Giang do Công ty TNHH Một thành viên Greenity Hậu Giang làm chủ đầu tư.

Dự án này được địa phương chấp thuận chủ trương đầu tư vào năm 2016. Dự án có quy mô sử dụng đất lên đến 23ha; tổng vốn đầu tư 1.320 tỷ đồng.

Giai đoạn 1 dự án có công suất xử lý rác thải 300 tấn/ngày, phát điện 6 MW; giai đoạn 2 nâng công suất lên gấp đôi. Mục tiêu của dự án sẽ xử lý toàn bộ rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án này rất chậm nên buộc địa phương phải thu hồi dự án.

Theo chia sẻ của Nhà đầu tư dự án này, khó khăn lớn nhất của Dự án là nguồn rác đầu vào không bảo đảm nhu cầu vận hành nhà máy, việc tìm kiếm hợp đồng xử lý rác công nghiệp để bù đắp lượng rác thiếu hụt cũng không khả thi. Bên cạnh đó, chi phí nguyên nhiên liệu tăng đột biến trong thời gian qua đã khiến tổng mức đầu tư tăng lên rất nhiều so với dự toán. Từ những khó khăn đó, doanh nghiệp không thể tiếp tục triển khai thực hiện dự án này.

Mới đây, Liên doanh Công ty Harvest Waste Hà Lan và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tư vấn và Dịch vụ Đầu tư Alpha cũng đã có đề xuất được nghiên cứu đầu tư Dự án nhà máy xử lý rác thải thành năng lượng tại tỉnh Sóc Trăng.

Theo đề xuất của nhà đầu tư này, để dự án khả thi thì địa phương phải cam kết đảm bảo được nguồn cung cấp khoảng 800 tấn rác/ngày; thời gian vòng đời hoạt động của dự án phải từ 25 năm trở lên mới đảm bảo để nhà đầu tư thu hồi vốn. Cùng với đó là việc đấu nối phát điện và giá bán điện phải được các cơ quan chức năng cam kết ổn định theo vòng đời dự án.

Theo lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, 2 yêu cầu đề xuất của nhà đầu tư, địa phương đã giao cho ngành chức năng rà soát lại xem lại khối lượng rác thải thu gom hàng ngày có đảm bảo đạt khối lượng như yêu cầu của nhà đầu tư yêu cầu hay không. Bên cạnh đó, việc đấu nối phát điện của nhà máy còn phải xin ý kiến của Bộ Công Thương.

rac

Nguồn rác thu gom được tại một số địa phương chưa đáp ứng đầu vào cho các nhà máy xử lý rác quy mô lớn, hiện đại. Ảnh An Hòa

Theo dự báo của GIZ, tổng lượng chất thải rắn đô thị đến năm 2030 của vùng ĐBSCL có thể đạt 7 triệu tấn/năm, trong đó có khoảng 300.000 tấn chất thải nguy hại. Do đó yêu cầu xử lý chất thải rắn đang là vấn đề mà các địa phương quan tâm nhất hiện nay. Tuy nhiên, điều khó khăn hiện nay là tỷ lê thu gom rác thải tại mỗi địa phương là rất khác nhau. Tỷ lệ thu gom bình quân chỉ đạt 40%, tập trung khu vực nội ô đô thị. Khối lượng rác tại các địa phương thu gom được không đồng đều, có nơi đạt đến hàng ngàn tấn/ngày nhưng có nơi chỉ 100-200 tấn/ngày. Ở các địa phương có lượng rác thải thu gom được ít, rất khó kêu gọi nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư nhà máy xử lý rác.

Để khắc phục khó khăn vừa nêu, GIZ đề xuất các địa phương trong vùng cần liên kết xây dựng khu xử lý quy mô khoảng 50 ha để thu gom xử lý chất thải rắn cho các thành phố, thị xã trong cự ly vận chuyển tối đa 40km.

Giải pháp quản lý: sau khi thu gom sẽ phân loại, xử lý tại tỉnh (trạm trung chuyển), số còn lại sẽ vận chuyển bằng đường bộ hoặc đường thủy về nhà máy xử lý.

Đồng quan điểm đó, ông Nguyễn Quốc Tuấn, nguyên Phó Cục trưởng Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho rằng, hiện nay, việc quy hoạch nguồn nguyên liệu rác thải sinh hoạt theo địa giới hành chính cấp tỉnh là chưa hợp lý. Do đó, cơ quan chức năng cần quy hoạch theo khối lượng rác được tính bởi dân số, lượng phát thải khu công nghiệp để quy hoạch, mời gọi đầu tư nhà máy xử lý.

Trong khí đó, theo TS Phạm Văn Khánh, Trưởng ban Kinh tế Tổng hội Xây dựng Việt Nam, để dự án xử lý rác hấp dẫn nhà đầu tư hơn thì việc xây dựng chi phí cho xử lý rác cần phải có tính toán mức hợp lý hơn. Hiện chi phí xử lý rác tại Việt Nam thấp hơn nhiều quốc gia trong khu vực, đây cũng là nguyên nhân khiến cho dự án nhà máy xử lý rác thải kém hấp dẫn nhà đầu tư.

"Chính vì các dự án xử lý rác: nặng trách nhiệm xã hội, hiệu quả về kinh tế thấp nên các Ngân hàng thương mại không "mặn mà" cho vay đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực này, vì thế có rất ít nhà đầu tư trong nước có đủ nguồn lực để đầu tư vào lĩnh vực này", ông Khánh phân tích.

Ông Phạm Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Trung và Tây Nguyên, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) thừa nhận, thời gian qua, văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường chưa đồng bộ, nhiều văn bản chồng chéo, trách nhiệm về quản lý chất thải rắn sinh hoạt còn chưa rõ ràng giữa các ngành, các cấp, phần lớn các tỉnh, thành phố đều thiếu nguồn lực để thực hiện quy hoạch quản lý chất thải rắn.

"Hiện nay cũng chưa có quy định cụ thể về thẩm định công nghệ xử lý chất thải rắn, cũng như chưa khuyến cáo công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt để áp dụng, do đó địa phương còn gặp nhiều lúng túng khi lựa chọn công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt. Công nghệ xử lý rác thải hiện tại chủ yếu là chôn lấp, sử dụng diện tích đất lớn gây lãng phí tài nguyên, một số bãi chôn lấp thực hiện đốt thủ công gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng", ông Sơn cho hay.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ