Văn hoá xếp hạng tín nhiệm - 'bác sĩ' trên thị trường vốn

Nhàđầutư
Ông Phùng Xuân Minh, Chủ tịch Saigon Ratings cho rằng, đang thiếu một quy định bắt buộc để tạo văn hoá xếp hạng tín nhiệm với thị trường vốn Việt Nam. Nghiệp vụ này có thể ví như các "bác sĩ" khám được sức khoẻ cho toàn bộ thị trường, là giải pháp tối ưu giảm thiểu rủi ro đầu tư.
N.THOAN
19, Tháng 09, 2022 | 07:00

Nhàđầutư
Ông Phùng Xuân Minh, Chủ tịch Saigon Ratings cho rằng, đang thiếu một quy định bắt buộc để tạo văn hoá xếp hạng tín nhiệm với thị trường vốn Việt Nam. Nghiệp vụ này có thể ví như các "bác sĩ" khám được sức khoẻ cho toàn bộ thị trường, là giải pháp tối ưu giảm thiểu rủi ro đầu tư.

Báo cáo mới nhất của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vừa nối dài thêm một tháng trầm lắng ở hoạt động phát hành mới. Cụ thể, trong tháng 8/2022, chỉ có 26 đợt phát hành TPDN riêng lẻ với giá trị 13.930 tỷ đồng và 1 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng trị giá 300 tỷ đồng, chủ yếu là trái phiếu của các ngân hàng thương mại, trong khi trước đó, thời kỳ sôi động, có hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công trong 1 tháng.

Ông Don Lambert, Trưởng ban Phát triển Khu vực Kinh tế tư nhân, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho biết, thị trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua phát triển rất nhanh, hiện nay đã có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Điều này là đáng mừng, cho thấy thị trường vốn của Việt Nam đang rất phát triển. Tuy nhiên, phát triển nhanh cũng đi cùng với rủi ro lớn hơn. 

Đại diện ADB đánh giá, hoạt động xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp của Việt Nam chưa phát triển tương xứng với tốc độ tăng trưởng rất nhanh của thị trường. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới những rủi ro vừa qua trên thị trường trái phiếu.

Vai trò của xếp hạng tín nhiệm trên thị trường trái phiếu được đặt ra liên tục trong thời gian gần đây trong bối cảnh Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 153 nhằm bịt lại lỗ hổng của hoạt động phát thành TPDN riêng lẻ. Thực tế có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh câu chuyện này, đặt vấn đề về năng lực của tổ chức xếp hạng, độ tin cậy của kết quả xếp hạng và trách nhiệm của đơn vị cấp phép?

Để làm rõ hơn những thắc mắc nêu trên, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với ông Phùng Xuân Minh, Chủ tịch Saigon Ratings - một trong 2 đơn vị hiện nay được Bộ Tài chính cấp phép hoạt động trong lĩnh vực xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp.

phung-xuan-minh

Ông Phùng Xuân Minh, Chủ tịch Saigon Ratings. Ảnh: VOV

Chuyên gia ADB đánh giá xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam chưa phát triển tương xứng với tốc độ tăng trưởng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong khoảng vài năm trở lại đây. Xin ông cho biết, vai trò của xếp hạng tín nhiệm trên thị trường trái phiếu? Trong bối cảnh của Việt Nam, thị trường mới chỉ ở mức tăng trưởng nóng, đa số là phát hành TPDN riêng lẻ thì một quy định về yêu cầu xếp hạng tín nhiệm nên ở mức nào là phù hợp?

Ông Phùng Xuân Minh, Chủ tịch Saigon Ratings: Lịch sử và kinh nghiệm phát triển thị trường trái phiếu quốc tế đã hình thành hai loại hình tổ chức xếp hạng tín nhiệm (Credit Rating Agency - CRA).

Thứ nhất, là các tổ chức Xếp hạng tín nhiệm quốc tế (thường được gọi là nhóm big three), gồm có S&P, Moody’s và Fitch Ratings và 3 tổ chức này đã cung cấp hơn 90% thị phần dịch vụ Xếp hạng của thế giới.

Thứ hai, là các tổ chức CRA nội địa chủ yếu hoạt động kinh doanh trong phạm vi ở mỗi quốc gia. Thông thường ở mỗi quốc gia có nền kinh tế phát triển, được Chính phủ thẩm định cấp giấy phép hoạt động cho 1 đến 3 tổ chức CRA đã hoạt động ổn định vài thập kỷ đến nay (Nhật Bản 3, Hàn Quốc 3, Thái Lan 3, Malaysia 3, Philipin 1 và Đài Loan 1). Tuy nhiên, đối với Trung Quốc và Ấn Độ thì có 5 đến 6 CRA được cấp giấy phép hoạt động.

Trước hết, chúng ta cũng cần phải đánh giá khách quan về vị trí, vai trò của các định chế xếp hạng tín nhiệm quốc tế (nhóm big three) và tổ chức Xếp hạng tín nhiệm độc lập nội địa ở mỗi quốc gia.

Các tổ chức định chế xếp hạng tín nhiệm quốc tế, có uy tín và vai trò tác động rất lớn đối với việc đánh giá tín nhiệm của mỗi quốc gia và cả nền tài chính thế giới.

Các tổ chức CRA độc lập ở mỗi quốc gia, là một loại hình định chế đặc thù, với nguyên tắc hoạt động độc lập, khách quan, chính trực và minh bạch. Đồng thời, đóng vai trò là tổ chức trung gian và không thể thiếu nhằm tham gia vào sự vận hành phát triển chung của thị trường tài chính nói chung và thị trường trái phiếu nói riêng.

Hoạt động hiệu quả của các tổ chức CRA sẽ giúp cho thị trường khắc phục được khiếm khuyết về tính bất đối xứng thông tin đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường. Tức là các tổ chức CRA có thể hỗ trợ cho việc cung cấp một cách đầy đủ, kịp thời, công khai minh bạch, độc lập và khách quan tất cả các thông tin của tổ chức phát hành và từng loại trái phiếu được doanh nghiệp chào bán ra thị trường. Trên cơ sở đó, các nhà đầu tư tổ chức hoặc cá nhân trong nước và quốc tế, có thể tiếp cận thông tin tham khảo đáng tin cậy để xem xét, cân nhắc và quyết định đầu tư phù hợp với khẩu vị rủi ro. Ý nghĩa lớn nhất, quan trọng nhất của vấn đề này, là phù hợp với thông lệ hoạt động quốc tế trong việc minh bạch thông tin thị trường, bảo vệ các quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư trên thị trường và phân biệt rõ chất lượng trái phiếu được các doanh nghiệp phát hành.

Đối với các nhà phát hành (và hoặc trái phiếu) có chất lượng tín nhiệm tốt sẽ thuận lợi hơn trong việc huy động vốn đầu tư phát triển (trong nước và quốc tế), với chi phí vốn vay hợp lý hơn và có thể chủ động, đa dạng hóa trong việc thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển doanh nghiệp.

Đối với Việt Nam, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 412/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 Phê duyệt Đề án cải thiện Xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030. Mục tiêu cụ thể của Đề án, là phấn đấu nâng Xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức đầu tư, tương ứng Baa3 (đối với Moody’s) hoặc là BBB- (đối với S&P và Fitch) trở lên nhằm góp phần giảm chi phí huy động vốn, giảm mức rủi ro tín dụng quốc gia và thực hiện các nhiệm vụ đa mục tiêu phát triển kinh tế đất nước.

Trong thời gian qua, đã có những mối quan ngại về sự tăng trưởng nóng, bất thường, thiếu lành mạnh, an toàn và bền vững của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Trong khi đó, thực trạng khung khổ pháp lý vừa chưa phù hợp với thông lệ thế giới và yêu cầu thực tiễn; vừa chưa thật sự đảm bảo yêu cầu trong công tác quản lý, giám sát của một số cơ quan quản lý nhà nước chức năng. Bên cạnh những cảnh báo, các cơ quan quản lý cũng đang gấp rút hoàn thiện các cơ chế chính sách nhằm ngăn chặn những khiếm khuyết.

Hiện nay, Bộ Tài chính cũng đã tiến hành đánh giá tình hình thị trường thời gian qua để xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Một trong những nội dung đáng chú ý được đề cập trong Nghị định này, là việc cơ quan quản lý đã bổ sung quy định về xếp hạng tín nhiệm đối với một số loại trái phiếu phát hành; cùng với đó là quy định về mục đích phát hành trái phiếu nhằm tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu đúng mục đích và siết chặt điều kiện nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp để bảo vệ cho các nhà đầu tư cá nhân. Hy vọng, khi Nghị định trên được ban hành sẽ giúp ngăn chặn các rủi ro trên thị trường, đồng thời giúp thị trường TPDN phát triển lành mạnh và bền vững.

Chúng tôi cho rằng, đây là bước tiến quan trọng của Chính phủ trong việc hướng tới mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu minh bạch, an toàn, hiệu quả và bền vững nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể tiếp tục tiếp cận, thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển trung hạn và dài hạn trong thời gian tới.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chỉ mới ở giai đoạn sơ khai, quy mô còn nhỏ bé so với một số quốc gia trong khu vực và đang trong quá trình hoàn thiện các điều kiện hạ tầng để phát triển bền vững. Dù quy mô thị trường TPDN tăng mạnh trong những năm gần đây, để đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng, nhưng đến năm 2021, tổng dư nợ TPDN chỉ khoảng 16,8% GDP. So với các nước trong khu vực và trên thế giới, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam còn khá khiêm tốn. Các nước như Trung Quốc, Hongkong, Nhật, Thái Lan, Singapore, quy mô thị trường TPDN vào khoảng 30% - 40% GDP.

Cần nhấn mạnh rằng, trái phiếu riêng lẻ nên được quản lý hiệu quả, chỉ dành cho các tổ chức và cá nhân nhà đầu tư chuyên nghiệp. Trong các trường hợp các trái phiếu phát hành chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro cao như không có tài sản đảm bảo, không có bảo lãnh thanh toán hoặc là các doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả thì cần phải có quy định bắt buộc có lộ trình việc Xếp hạng tín nhiệm tổ chức phát hành và trái phiếu phát hành để minh bạch thông tin và bảo vệ nhà đầu tư trên thị trường. Điều này càng cần thiết hơn, khi mà thị trường trái phiếu giao dịch riêng lẻ chiếm tỷ trọng cao như tại Việt Nam (hơn 95% thị trường trái phiếu). Mục tiêu trong thời gian tới là cần phải tiếp tục sửa đổi Luật chứng khoán, Nghị định 155 của chính phủ nhằm tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng, phù hợp với xu hướng phát triển thị trường trái phiếu, theo thông lệ của thế giới.

Kinh nghiệm quản lý của một số quốc gia có thị trường trái phiếu phát triển cho thấy, Chính phủ quy định về lộ trình bắt buộc Xếp hạng tín nhiệm, sau thời gian thực hiện vài ba năm thì thị trường dần hình thành văn hóa Xếp hạng và khi đó chính phủ có thể bãi bỏ các quy định này. Một số định chế tài chính như Ngân hàng thế giới (IMF), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) đều kiến nghị Chính phủ Việt Nam cần có các quy định bắt buộc để từng bước hình thành văn hóa Xếp hạng tín nhiệm tổ chức phát hành và trái phiếu trên thị trường. Việc xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành và trái phiếu ngoài những mục đích nói trên, thì cũng có sự hỗ trợ thông tin tham khảo bổ ích cho doanh nghiệp trong các hoạt động quản trị và quản lý, IPO, hoạt động M&A, hợp tác đối tác phát triển kinh doanh…

Có ý kiến đặt vấn đề, ai là người xếp hạng các tổ chức xếp hạng tín nhiệm? Làm sao để tin tưởng được các kết quả xếp hạng này là minh bạch, độc lập và thực sự có giá trị?

Ông Phùng Xuân Minh, Chủ tịch Saigon Ratings: Việc cho phép một tổ chức xếp hạng tín nhiệm trong nước hoạt động là một bước tiến mới trong quá trình thúc đẩy phát triển nền tài chính Việt Nam hiện nay. Cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán, hoạt động xếp hạng tín nhiệm ngày càng đóng vai trò quan trọng, trong việc thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển; đồng thời có thể hỗ trợ doanh nghiệp chủ động chiến lược đa dạng hóa và từng bước nâng cao khả năng tiếp cận, thu hút các nguồn vốn vay từ hệ thống ngân hàng thương mại, huy động vốn từ thị trường trái phiếu trong nước và quốc tế và các nguồn lực vốn đầu tư phát triển  khác.

Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới đã ban hành các khuôn khổ pháp lý cho việc quy hoạch phát triển, quy trình thẩm định hồ sơ và quyết định cấp giấy phép hoạt động của các CRA là rất chặt chẽ, rõ ràng và nghiêm ngặt.

Saigon Ratings đã có hơn 3 năm chuẩn bị các hồ sơ pháp lý, kinh doanh và nền tảng chuyên môn để trình cho Bộ tài chính và 7 Bộ, Ngành chức năng thẩm định trong gần 3 năm, trước khi chính thức được cấp giấy phép hoạt động với tư cách là một CRA đầu tiên của Việt Nam.

Trong quá trình hoạt động hàng năm Saigon Ratings phải có các báo cáo kiểm toán quy trình hoạt động và báo cáo tài chính gửi về Bộ Tài chính quản lý, giám sát việc tuân thủ pháp luật và trong quá trình hoạt động chúng tôi thường xuyên nhận được các văn bản lưu ý, nhắc nhở các vấn đề tuân thủ có liên quan.

Về trách nhiệm của Saigon Ratings, chúng tôi phải tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc hoạt động độc lập và khách quan, chính trực và minh bạch; đồng thời tuân thủ hệ thống kiểm soát nội bộ; quy trình hệ thống nghiệp vụ chuyên môn, chuẩn mực đạo đức và ngăn ngừa, phòng chống các yếu tố rủi ro, xung đột lợi ích trong quá trình hoạt động.

Hiện nay, Saigon Ratings đã, đang nhận được sự hợp tác hỗ trợ tích cực và hiệu quả từ các đối tác chiến lược Fitch Learning, ADB và sự hợp tác chuyên môn với một số chuyên gia có uy tín, kinh nghiệm từng làm việc ở các tổ chức Xếp hạng tín nhiệm quốc tế trước đây. Đồng thời, là một CRA đầu tiên của Việt Nam, trở thành thành viên chính thức của tổ chức Hiệp hội Xếp hạng Châu Á (ACRAA), Saigon Ratings có nhiều điều kiện, cơ hội để học hỏi kinh nghiệm quản trị, quản lý vận hành và nghiệp vụ chuyên môn nhằm từng bước tiệm cận phù hợp với thông lệ hoạt động và chuẩn mực chất lượng chuyên môn các CRAs thế giới. Những báo cáo xếp hạng tín nhiệm của Saigon Ratings về các tổ chức phát hành và trái phiếu sẽ được chính thị trường nhìn nhận, đánh giá và thẩm định độ tín nhiệm một cách khách quan.

Chuyên gia ABD cho biết, một nguy cơ trong tương lai có thể nhìn thấy ở Việt Nam là sắp tới có thể có quá nhiều tổ chức xếp hạng tín nhiệm, dẫn tới cuộc đua xuống đáy, giảm tiêu chí để thu hút nhà phát hành. Xin ông chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về xếp hạng tín nhiệm và làm sao để tốt nhất cho thị trường thời điểm hiện tại?

Ông Phùng Xuân Minh: Theo Quyết định số 507/QĐ-TTg ngày 17/4/2015 về Phê duyệt Quy hoạch phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, theo đó đến năm 2030, xem xét cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cho tối đa 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm.

Về khuyến nghị của đại diện IMF và ADB, chúng tôi cho rằng các tổ chức này đã nghiên cứu, tham khảo và tổng kết thực tiễn về kinh nghiệm vận hành thị trường trái phiếu thành công ở rất nhiều quốc gia để nhiều lần đưa ra ý kiến tư vấn cho Chính phủ và các Bộ, Ngành Việt Nam.

Thực trạng phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, điều kiện cơ sở hạ tầng thị trường và hoạt động sơ khai của các CRAs rất tương đồng với thực tế các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia… cách đây vài ba thập kỷ. Vì vậy, chúng tôi hy vọng Chính phủ và các cơ quan chức năng cần tham khảo kinh nghiệm quản lý của các quốc gia có thị trường trái phiếu phát triển và căn cứ vào điều kiện thực tiễn của thị trường Việt Nam để đưa ra các chính sách quản lý đối với hoạt động Xếp hạng tín nhiệm cho phù hợp với mục tiêu phát triển thị trường trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ