Ưu đãi thuế quan theo các FTA, cơ hội cho thương mại và đầu tư Ấn Độ tại Việt Nam đối với ngành dược

Nhàđầutư
Ấn Độ là một trong các quốc gia xuất khẩu lớn nhất các sản phẩm dược phẩm vào Việt Nam. Với mức giá rẻ hơn các nguồn nhập khẩu từ Châu Âu và Hoa Kỳ, nguồn dược phẩm nhập khẩu từ Ấn Độ rất quan trọng trong việc ổn định giá cả các sản phẩm dược phẩm nhập khẩu.
VỤ TRƯỞNG NGUYỄN VĂN PHỤNG
23, Tháng 01, 2021 | 06:30

Nhàđầutư
Ấn Độ là một trong các quốc gia xuất khẩu lớn nhất các sản phẩm dược phẩm vào Việt Nam. Với mức giá rẻ hơn các nguồn nhập khẩu từ Châu Âu và Hoa Kỳ, nguồn dược phẩm nhập khẩu từ Ấn Độ rất quan trọng trong việc ổn định giá cả các sản phẩm dược phẩm nhập khẩu.

VN-India-trade

 

Việt Nam và Ấn Độ có quan hệ nền tảng vững chắc từ truyền thống hữu nghị lâu năm, quan hệ ngoại giao được thiết lập chính thức vào năm 1972 và được nâng cấp từ quan hệ Đối tác Chiến lược lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào năm 2016.

Mối quan hệ kinh tế giữa hai nước đã không ngừng phát triển kể từ khi ký kết Hiệp định về Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư (1997) cho đến nay. Quan hệ thương mại song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam trong thời gian vừa qua đã tăng trưởng khá ổn định và không ngừng phát triển.

Đối với Ấn Độ, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 18 trên toàn cầu và trong ASEAN, là đối tác thương mại lớn thứ 4 sau Singapore, Indonesia và Malaysia. Đối với Việt Nam, Ấn Độ là đối tác thương mại lớn trong 10 đối tác quan trọng, có nguồn nhập khẩu lớn thứ 7 và thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 trên toàn cầu. Tuy nhiên hoạt động thương mại giữa hai quốc gia vẫn còn gặp nhiều rào cản và thách thức.

Khái quát quan hệ kinh tế Ấn Độ - Việt Nam

Ấn Độ và Việt Nam tuy gặp nhiều khó khăn và thách thức từ khoảng cách xa về địa lý, những khó khăn trong vận chuyển, sự khác biệt trong phong tục, tập quán, thị hiếu và môi trường kinh doanh, sự tương đồng về cơ cấu xuất nhập khẩu của hai nền kinh tế … nhưng ngược lại, hai nước có khá nhiều tiềm năng để có thể phát triển thương mại và đầu tư trong tương lai gần.

Việt Nam và Ấn Độ có thể hợp tác trong các lĩnh vực thế mạnh như nông nghiệp, dệt may, da giầy, năng lượng tái tạo, dược phẩm y tế... Việt Nam có thể hợp tác, cùng học hỏi kinh nghiệp của Ấn Độ trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, xử lý môi trường nuôi tôm, chuyển giao công nghệ, phát triển năng lượng gió, năng lượng mặt trời...

Không chỉ quan tâm đến Việt Nam, Ấn Độ luôn mong muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế với các nước ASEAN, và trên thực tế Ấn Độ và ASEAN đã tích cực kết nối về mặt thể chế thông qua việc đàm phán và ký kết Hiệp định Thương mại Tự do Ấn Độ - ASEAN (AIFTA).

Kết nối này bao gồm: Hiệp định Thương mại hàng hóa (AITIG) và Hiệp định Thương mại dịch vụ và đầu tư. Trong đó, AITIG có hiệu lực đối với Việt Nam năm 2010 và Hiệp định đầu tư và thương mại dịch vụ ASEAN-Ấn Độ đã được ký kết vào ngày 13/11/2014 và có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2015.

Các khoản đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam ước tính lũy kế vào khoảng 1,9 tỷ đô la Mỹ, bao gồm cả các khoản đầu tư được chuyển qua các nước thứ ba. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài Việt Nam, tính đến tháng 6 năm 2020, Ấn Độ có 278 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 887,27 triệu USD, đứng thứ 26 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Các lĩnh vực đầu tư chính của Ấn Độ vào Việt Nam là năng lượng, thăm dò khoáng sản, dầu khí, chế biến nông sản, sản xuất đường, chè, cà phê, nông dược, công nghệ thông tin và linh kiện ô tô.

Về phía đầu tư từ Việt Nam sang Ấn Độ, tính đến năm 2019, Việt Nam có 6 dự án đầu tư tại Ấn Độ với tổng vốn đầu tư ước tính 28,55 triệu USD, chủ yếu trong lĩnh vực dược phẩm, công nghệ thông tin, hóa chất và vật liệu xây dựng.

Ấn Độ nhập khẩu từ Việt Nam các loại thiết bị máy móc, đồ điện tử, sắt thép, hóa chất. Trong khi đó, Việt Nam đang nhập khẩu từ Ấn Độ nhiều sản phẩm bông, nguyên liệu cho ngành dệt may và nguyên liệu cho ngành chế biến nông nghiệp, thức ăn gia súc và dược phẩm.

Quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam - Ấn Độ trong lĩnh vực dược phẩm và thiết bị y tế

Theo thông tin tham khảo từ Đại sứ quán Cộng hòa Ấn Độ thì trong các năm qua, Ấn Độ là một trong các quốc gia xuất khẩu lớn nhất các sản phẩm dược phẩm vào Việt Nam. Với mức giá rẻ hơn các nguồn nhập khẩu từ Châu Âu và Hoa Kỳ, nguồn dược phẩm nhập khẩu từ Ấn Độ rất quan trọng trong việc ổn định giá cả các sản phẩm dược phẩm nhập khẩu.

Ấn Độ hiện là nhà cung cấp lớn thứ 3 của Việt Nam, sau Pháp và Đức trong lĩnh vực dược phẩm, với kim ngạch nhập khẩu 9 tháng năm 2020 đạt 198 triệu USD. Trong khi nhu cầu dược phẩm của Việt Nam ngày càng tăng, trung bình mỗi người Việt Nam chi 64 USD/năm cho việc mua dược phẩm. Với những quy định mới đi vào hiệu lực cùng với việc Việt Nam ký kết hàng loạt các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) đã đem lại cả cơ hội lẫn thách thức cho các doanh nghiệp dược phẩm Ấn Độ.

Theo BNEWS, Việt Nam và Ấn Độ có nhiều lợi thế và tiềm năng đẩy mạnh hợp tác đầu tư trong ngành dược, thiết bị y tế. Việt Nam đang kêu gọi đầu tư phát triển sản xuất dược phẩm. Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo trực tuyến “Cơ hội hợp tác và đầu tư ngành dược phẩm tại Việt Nam” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Tp. Hồ Chí Minh (VCCI-HCM) phối hợp với Hội đồng xúc tiến Xuất khẩu Dược phẩm Ấn Độ (Pharmexcil) tổ chức ngày 18/12/2020.

Việt Nam cũng đang kêu gọi đầu tư phát triển sản xuất dược phẩm và thiết bị y tế nhằm nâng cao chất lượng đời sống cho người dân. Chính vì vậy, dư địa hợp tác và đầu tư trong ngành dược, thiết bị y tế giữa Việt Nam - Ấn Độ rất rộng mở.

Chia sẻ kinh nghiệm hoạt động tại Việt Nam, một số doanh nghiệp Ấn Độ thông tin, điều kiện đầu tư kinh doanh của Việt Nam thời gian qua được cải thiện một cách tích cực, năng suất lao động của người Việt Nam cũng tăng nhanh và hơn hết, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm phát triển y tế. Việt Nam cũng có nguồn dược liệu tự nhiên khá phong phú sẽ là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất dược liệu khai thác, nâng cao năng lực cạnh tranh với dược phẩm của các quốc gia khác.

Tuy nhiên, để việc đầu tư hiệu quả, doanh nghiệp Ấn Độ và Việt Nam cần thiết lập nền tảng kết nối thông tin một cách thường xuyên và chặt chẽ hơn nữa nhằm phát huy tối đa lợi thế của mỗi bên vì mục tiêu phát triển cho cả đôi bên.

Quan hệ hợp tác đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm qua, trong đó, Ấn Độ đã nằm trong nhóm 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Ngược lại Việt Nam cũng là thị trường trọng điểm trong chiến lược hướng đông của Ấn Độ. Tuy nhiên, trong thời gian qua, các doanh nghiệp dược của Ấn Độ dường như đang quan tâm nhiều hơn đến việc bán thuốc thành phẩm vào Việt Nam.

Hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực dược, thiết bị y tế Ấn Độ quan tâm và muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư vào Việt Nam khi Việt Nam được biết đến là điểm đến mới đầy tiềm năng của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong bối cảnh mới sau đại dịch với chính sách thông thoáng, nền kinh tế có độ mở lớn với kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 gấp gần 200% GDP.

Lộ trình ưu đãi thuế theo các FTA và AIFTA đối với ngành dược

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, đến hết năm 2020, Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 20 Hiệp định thương mại tự do, trong đó 12 Hiệp định đang thực thi, có thêm 02 Hiệp định có hiệu lực trong năm 2019, 02 Hiệp định đã ký kết nhưng chưa có hiệu lực, 03 hiệp định đang đàm phán, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã kết thúc đàm phán lời văn của 20 Chương và kết thúc cơ bản các vấn đề mở cửa thị trường (trừ Ấn Độ).

Trong số 12 Hiệp định thương mại tự do đã thực thi tại Việt Nam, bao gồm: Hiệp định ASEAN; ASEAN - Trung Quốc; ASEAN - Hàn Quốc; ASEAN - Úc - Niu Di-lân; ASEAN - Ấn Độ; ASEAN - Nhật Bản; Việt Nam - Nhật Bản; Việt Nam - Chi-lê; Việt Nam - Hàn Quốc; Việt Nam – Lào; Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á-Âu; và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Các Hiệp định có hiệu lực trong năm 2019 gồm Việt Nam - Cam-pu-chia và ASEAN - Hồng Công (Trung Quốc).

Hai (02) hiệp định đã ký kết nhưng chưa có hiệu lực là Việt Nam – EU và Việt Nam – Cuba. Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã kết thúc đàm phán lời văn của 20 Chương và kết thúc cơ bản các vấn đề mở cửa thị trường (trừ Ấn Độ). Còn lại là 03 hiệp định đang trong quá trình đàm phán (bao gồm Việt Nam - I-xra-en, Việt Nam - EFTA, và Việt Nam - Anh).

Đến nay, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 12 Nghị định về các Biểu thuế ưu đãi cho các đối tác trong 12 Hiệp định này cho giai đoạn 2018 - 2022/2023. Riêng CPTPP là giai đoạn 2019 – 2022, và Việt Nam - Lào giai đoạn từ 01/9/2016 đến 03/10/2020. Tuy nhiên, Nghị định Biểu thuế Việt Nam - Lào đang thực hiện theo Danh mục Biểu thuế hài hòa ASEAN phiên bản 2012 (AHTN 2012).

Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN đã hoàn thành lộ trình cắt giảm thuế vào năm 2018. Các Hiệp định đang tiến gần tới năm hoàn thành lộ trình xóa bỏ thuế gồm ASEAN - Trung Quốc (năm 2020), ASEAN - Hàn Quốc (năm 2021), ASEAN - Úc - Niu Di-lân (năm 2022) đạt tỷ lệ tự do hóa cao, khoảng 90% vào năm 2019.

Cùng kết thúc lộ trình vào năm 2029, tỷ lệ tự do hóa năm 2019 của Việt Nam trong FTA Việt Nam - Hàn Quốc đã đạt 85,63%, trong khi tỷ lệ này trong FTA Việt Nam - Chi-lê mới chỉ đạt 31,73%. Còn lại, các Hiệp định đạt tỷ lệ tự do hóa trung bình khoảng 60% trong năm 2019 như ASEAN - Nhật Bản, ASEAN - Ấn Độ, Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Chi-lê, Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á-Âu.

Cam kết ưu đãi thuế quan ASEAN - Ấn Độ theo AIFTA

Trong khuôn khổ AIFTA, Hiệp định thương mại hàng hóa (AITIG) có nội dung chính là thiết lập lộ trình giảm thuế giữa khu vực ASEAN và Ấn Độ, nó cũng bao gồm các quy tắc xuất xứ, cơ chế giải quyết tranh chấp, các biện pháp phi thuế quan, minh bạch chính sách, xem xét và sửa đổi các cam kết, các công cụ phòng vệ thương mại và ngoại lệ.

Theo AITIG, các quốc gia thành viên ASEAN và Ấn Độ đã đồng ý mở cửa thị trường tương ứng bằng cách giảm dần và loại bỏ 80% các dòng thuế, chiếm 75% giao dịch. Các dòng thuế được phân loại thành Danh mục giảm thuế thông thường (1), Danh mục giảm thuế thông thường (2), Danh mục nhạy cảm (SL), Danh mục nhạy cảm cao (HSL), Danh mục các sản phẩm đặc biệt và Danh mục giảm thuế loại trừ (EL).

Cam kết giảm thuế của Ấn Độ dành cho Việt Nam

Về phía Ấn Độ, Ấn Độ cam kết loại bỏ 80% số dòng thuế tính đến năm 2016 và 10% số dòng thuế sẽ được cắt giảm một phần vào năm 2019. Danh sách loại trừ chiếm khoảng 10% số dòng thuế. Các hàng hóa mà Ấn Độ cam kết bãi bỏ thuế quan bao gồm động vật sống, thịt, cá, sữa, rau, dầu mỡ, bánh kẹo, nước ép trái cây, hóa chất, mỹ phẩm, dệt may, kim loại, thép, máy móc, thiết bị điện, đồng hồ…

Với cam kết cắt giảm thuế từ phía Ấn Độ thì nhiều danh mục hàng hóa mà Việt Nam sẽ được hưởng lợi như hàng may mặc, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, hải sản, than, cao su, thép,... Ngoài ra, năm 2018 Ấn Độ đã đồng ý giảm thuế xuống 45% đối với cà phê và trà đen, và 50% đối với hồ tiêu. Đây là những sản phẩm nhạy cảm của Ấn Độ nhưng là lợi thế xuất khẩu của Việt Nam. Danh sách loại trừ của Ấn Độ bao gồm 489 dòng thuế, chiếm 5% tổng giá trị thương mại.

Cam kết giảm thuế của Việt Nam dành cho Ấn Độ

Là thành viên của ASEAN, Việt Nam có lịch trình giảm thuế với Ấn Độ nhưng với thời gian dài hơn 5 năm so với các nước ASEAN khác. Mặc dù lịch trình giảm thuế dài hơn 5 năm nhưng Việt Nam vẫn được hưởng đầy đủ lợi ích từ các cam kết cắt giảm thuế quan của Ấn Độ và các nước ASEAN khác.

Với lịch trình này Việt Nam phải loại bỏ 80% số dòng thuế tính đến năm 2021 trong Danh mục giảm thuế thông thường và 10% số dòng thuế vào năm 2024 ở Danh mục nhạy cảm và loại trừ 468 dòng thuế (mức chữ số HS6) chiếm khoảng 10% số dòng thuế trong Danh sách loại trừ (EL).

Đến năm 2024, Việt Nam sẽ hoàn thành lịch trình cam kết giảm thuế tập trung vào các nhóm hàng như trà, cà phê, cao su, rau, giày dép, hải sản, hóa chất, kim loại, thép, khoáng sản, máy móc, thiết bị và vật liệu xây dựng. Các mặt hàng Việt Nam không cam kết bao gồm trứng, đường, muối, xăng dầu, phân bón, nhựa, cao su, kim loại quý, thép, máy móc, thiết bị điện, máy móc ô tô, phụ tùng và các mặt hàng an ninh.

Về thời gian hoàn thành: Cam kết cắt giảm thuế quan của Việt Nam với Ấn Độ về thời gian hoàn thành được xếp thứ 5, nghĩa là vào năm 2024 sẽ có 74% số dòng thuế được cắt giảm về mức thuế 0% (sau cam kết ASEAN hoàn thành năm 2018 với 98% dòng thuế về 0%; ASEAN-Trung Quốc hoàn thành 2020 với 90% dòng thuế về 0%; ASEAN-Hàn Quốc hoàn thành 2021 với 87% dòng thuế về 0%...).

Về mức độ áp thuế nhập khẩu: Theo cam kết, mức thuế suất bình quân toàn biểu thấp nhất là Biểu thuế ASEAN (ATIGA) vào năm 2021 là 0,05% và 2022 còn 0,04%. Thứ hai là cam kết Việt Nam – Liên minh kinh tế Á-Âu (1,42% vào 2021 giảm xuống còn 1,1% vào năm 2022. Cam kết thuế Việt Nam – Ấn Độ (trong AIFTA) được xếp đứng thứ 5 với mức thuế bình quân toàn biểu năm 2021 là 2,8% và giảm xuống còn 1,9% vào năm 2022.

Về mức thuế suất đối với ngành dược: Theo Hiệp định gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các FTA nêu trên thì mức thuế nhập khẩu của Việt Nam đối với các mặt hàng dược phẩm thường thấp hơn mức thuế đối với các hàng hóa thông thường. Ví dụ, với mức thuế bình quân toàn biểu MFN là 14% vào năm 2020 thì mức thuế suất đối với các mặt hàng dược phẩm sẽ ở trong khoảng 0% đến 8%, riêng dược phẩm theo các kết với Ấn Độ trong AIFTA ở mức thấp hơn 0% đến 6% (kể từ năm 2021 giảm xuống 0% đến 5%).

Hiệp định đầu tư và thương mại dịch vụ ASEAN-Ấn Độ

Sau quá trình đám phán 2 năm, Ấn Độ đã chính thức ký kết hiệp định thương mại tự do về dịch vụ và đầu tư với ASEAN. Việc ký kết thỏa thuận này đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Ấn Độ trong việc thực hiện và đưa ra một kiến trúc thể chế mạnh mẽ cho việc thúc đẩy quan hệ hợp tác và kết nối kinh tế giữa Ấn Độ và ASEAN. Hiệp định này sẽ tạo ra nhiều cơ hội hợp tác giữa Ấn Độ và các quốc gia ASEAN trong đó có Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Hiệp định này sẽ giúp cho Ấn Độ phát huy được các lợi thế cạnh tranh trong nhiều lĩnh vực khác nhau như công nghệ, y tế, viễn thông… trong quá trình đầu tư vào ASEAN.

Ưu đãi thuế trong thu hút đầu tư

Những năm gần đây, Việt Nam thực hiện đơn giản hóa các chính sách ưu đãi thuế nhằm thu hút đầu tư, đồng thời thực hiện đầy đủ các cam kết gia nhập WTO theo đó các ưu đãi thuế thu nhập được áp dụng thống nhất, không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, giữa các nhà đầu tư trong ước và đầu tư nước ngoài.

Hiện tại Luật Đầu tư và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), theo đó chỉ còn ưu đãi cho một số lĩnh vực cần khuyến khích và một số địa bàn được quan tâm thu hút đầu tư với 03 cấp độ ưu đãi, đó là:

Ưu đãi cao nhất: Thuế suất thuế TNDN là 10% trong 15 năm kể từ khi dự án đi vào hoạt động, miễn thuế tối đa 04 năm kể từ năm có lãi và giảm thuế tối đa 50% không quá 09 năm tiếp theo áp dụng đối với các dự án đầu tư mới thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (Danh mục quy định tại Nghị định của Chính phủ), đầu tư tại khu kinh tế, khu công nghệ cao.

Dự án đầu tư mới về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; ứng dụng, ươm tạo, đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của Luật Công nghệ cao; sản xuất sản phẩm phần mềm; sản xuất vật liệu composit, các loại vật liệu xây dựng nhẹ, vật liệu quý hiếm; sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng từ việc tiêu hủy chất thải; phát triển công nghệ sinh học. Dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, bao gồm: sản xuất thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường, thiết bị quan trắc và phân tích môi trường; xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường; thu gom, xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn; tái chế, tái sử dụng chất thải.

Mức ưu đãi thấp hơn: Thuế suất TNDN là 20% trong thời gian 10 năm kể từ khi kinh doanh, miễn thuế tối đa 02 năm kể từ khi có lãi và giảm tối đa 50% thuế trong 04 năm tiếp theo áp dụng đối với: Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định của Chính phủ; từ thực hiện dự án đầu tư mới: Sản xuất thép cao cấp; sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng; sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; sản xuất thiết bị tưới tiêu; sản xuất, tinh chế thức ăn gia súc, gia cầm, thuỷ sản; phát triển ngành nghề truyền thống.

Mức ưu đãi thuế dành riêng cho các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa theo quy định của Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNN&V). Mức ưu đãi cụ thể do Quốc hội quyết định (ví dụ năm 2020 Quốc hội quy định giảm 30% số thuế TNDN dành cho các DNN&V có quy mô doanh thu 200 tỷ VND trở xuống).

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24580.00 24600.00 24920.00
EUR 26295.00 26401.00 27567.00
GBP 30644.00 30829.00 31778.00
HKD 3103.00 3115.00 3217.00
CHF 27002.00 27110.00 27956.00
JPY 159.74 160.38 167.82
AUD 15898.00 15962.00 16448.00
SGD 18065.00 18138.00 18676.00
THB 664.00 667.00 695.00
CAD 17897.00 17969.00 18500.00
NZD   14628.00 15118.00
KRW   17.74 19.37
DKK   3535.00 3666.00
SEK   2297.00 2387.00
NOK   2269.00 2359.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ