Đằng sau 'cuộc chơi' dược phẩm của Hải Hà Petro ở Pharbaco

Nhàđầutư
Lượng lớn cổ phần cùng cả hai vị trí chủ chốt Chủ tịch HĐQT lẫn TGĐ tại Pharbaco được ông Ngô Nhật Phương "để lại" cho bà Trần Tuyết Mai, cho dù nữ đại gia xăng dầu này trước đó gần như không có kinh nghiệm trong lĩnh vực dược phẩm.
KHÁNH AN
27, Tháng 11, 2020 | 09:44

Nhàđầutư
Lượng lớn cổ phần cùng cả hai vị trí chủ chốt Chủ tịch HĐQT lẫn TGĐ tại Pharbaco được ông Ngô Nhật Phương "để lại" cho bà Trần Tuyết Mai, cho dù nữ đại gia xăng dầu này trước đó gần như không có kinh nghiệm trong lĩnh vực dược phẩm.

127174566_447216216680478_1602426227027739396_n

Trụ sở Pharbaco tại ngã ba Tôn Đức Thắng - Phan Văn Trị, Quận Đống Đa, Hà Nội. 

Hành trình tư nhân hoá của Pharbaco

Tiềm năng phát triển của ngành dược phẩm ở Việt Nam là rất lớn, khi thu nhập người dân ngày càng tăng lên thì chi tiêu cho y tế và giáo dục là ưu tiên hàng đầu. Chính vì thế mà ngày càng có nhiều nhà đầu tư “chen chân” vào lĩnh vực này, song cái tên có lịch sử lâu đời và đã khẳng định được vị thế cũng như uy tín trên thị trường này cần phải nhắc đến chính là CTCP Dược phẩm Trung ương I – Pharbaco.

Thành lập từ năm 1954, Pharbaco tiền thân là Xí nghiệp dược phẩm TW1, từ sau cổ phần hoá vào đầu năm 2007, bên cạnh việc tăng trưởng ổn định, Pharbaco cũng xuất hiện thêm những cổ đông chiến lược mới.

Cụ thể, vào năm 2011, Pharbaco đã phát hành 2,45 triệu cổ phần với giá 12.000 đồng/CP cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn lên 73,5 tỷ đồng. Thông qua Tổng công ty Dược Việt Nam (Vinapharm) - cổ đông Nhà nước ở thời điểm này vẫn nắm giữ hơn 5,69 triệu cổ phiếu Pharbaco, tương đương với tỷ lệ sở hữu là 77,55%. Cổ đông tư nhân chỉ nắm giữ 19,09% cổ phần, số còn lại thuộc về người lao động trong công ty.

Tới tháng 11/2015, Pharbaco tổ chức phiên họp ĐHĐCĐ bất thường thông qua việc sẽ phát hành thêm 10,65 triệu cổ phần phổ thông, với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Đợt phát hành này được hoàn tất vào năm 2016. Lúc này, cổ đông Nhà nước giảm tỷ lệ sở hữu về mức 31,67%, đồng nghĩa với việc không còn quyền phủ quyết (tối thiểu 36% vốn điều lệ). Trong khi đó, CTCP Appollo - doanh nghiệp của đại gia Ngô Nhật Phương trở thành công ty mẹ của Pharbaco với tỷ lệ sở hữu lên tới 59,17%.

Cuối năm 2016, Pharbaco tiếp tục tiến hành một cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường thông qua phương án phát hành thêm 22 triệu cổ phần phổ thông nhằm nâng mức vốn điều lệ lên mức 400 tỷ đồng.

Ba nhà đầu tư mới là Công ty TNHH Dược phẩm Huy Cường, CTCP Sài Gòn Pharma và Công ty TNHH Reliv Pharma sau đó đã chia nhau mua trọn lô cổ phần trên và cùng với Appollo của ông Ngô Nhật Phương nắm tổng cộng 76,6% cổ phần cựu công ty con của Vinapharm.

Sau đợt phát hành này, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tiếp tục giảm xuống mức gần 14,25%. Các cổ đông tư nhân ngoài việc nắm cổ phần chi phối, còn trực tiếp nắm quyền điều hành Pharbaco với việc ông Ngô Nhật Phương (người đại diện vốn của Appollo) được bầu làm Giám đốc "Điều hành, tái cơ cấu nhân sự, đầu tư và kiện toàn hoạt động sản xuất" trong năm 2017 để rồi nắm luôn ghế Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Pharbaco giữa năm 2018. 

Đến cuối năm 2018, ĐHĐCĐ Pharbaco tiếp tục thông qua phương án phát hành 55 triệu cổ phần để tăng vốn lên 950 tỷ đồng, trong đó dùng 550 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn xây dựng nhà máy GMP-EU giai đoạn 1. Ở đợt phát hành này, Appollo đăng ký mua 34,12 triệu cổ phần, hai đối tác quen thuộc là Dược phẩm Huy Cường và Sài Gòn Pharma muốn mua lần lượt 5 triệu cổ phần và 10,88 triệu cổ phần, trong khi CTCP Đầu tư Thương mại Hương Quê - một pháp nhân có liên hệ cũng mua 5 triệu cổ phần.

Tính tới ngày 22/9/2020, dữ liệu của Nhadautu.vn thể hiện Pharbaco đã hoàn tất tăng vốn lên 900 tỷ đồng, đồng thời Appollo trở thành cổ đông lớn nhất khi nắm giữ 38,74% vốn và CTCP Sài Gòn Pharma đứng vị trí thứ 2 với 27,78%.

Screen Shot 2020-11-27 at 9.56.26 AM

Nữ doanh nhân Trần Tuyết Mai. Ảnh: Báo Thái Bình

Sự xuất hiện của nữ đại gia xăng dầu Hải Hà Petro

Sau thời gian thâu tóm cổ phần tại Pharbaco thì trong thời gian gần đây, nhóm ông Ngô Nhật Phương liên tục phát đi những tín hiệu chuyển giao quyền sở hữu.

Theo đó trong các ngày 19/5 và 7/10, Appollo đã bán tổng cộng 10,65 triệu cổ phiếu PBC. Cũng trong ngày 7/10, CTCP Sài Gòn Pharma đã bán 9,35 triệu cổ phiếu PBC, giảm tỷ lệ sở hữu từ 27,78% xuống chỉ còn 17,39% vốn điều lệ.

Trước đó, ngày 23/6/2020, Công ty TNHH Reliv Pharma đã bán ra 1,5 triệu cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu từ 7,2% xuống chỉ còn 3,45% vốn điều lệ, qua đó không còn là cổ đông lớn của PBC. Trong khi đó, Công ty TNHH Dược phẩm Huy Cường cũng đã bán ra toàn bộ 5 triệu cổ phiếu, triệt thoái vốn khỏi Pharbaco. Như vậy tính thêm 5,56% vốn điều lệ mà CTCP Đầu tư Thương mại Hương Quê-một pháp nhân có liên quan đang nắm giữ thì tính đến ngày 27/11/2020, số cổ phần Pharbaco mà nhóm Appollo nắm giữ là 64,25% (tại ngày 1/1/2020 tỷ lệ này là 81,57%).

Ở chiều ngược lại, cùng ngày khi Appollo bán ra 9,9 triệu cổ phiếu (26/5/2020) thì Công ty TNHH Vận tải Thuỷ bộ Hải Hà (Hải Hà Petro) - đại gia xăng dầu hàng đầu miền Bắc cũng đã tiến hành mua vào cùng số lượng trên. Cập nhật tới ngày 7/10/2020, số cổ phần PBC mà Hải Hà Petro nắm giữ đã lên tới 20 triệu, tương ứng tỷ lệ 22,22%.

Đến ĐHĐCĐ bất thường năm 2020 của Pharbaco diễn ra ngày 3/11 vừa qua, các cổ đông đã thông qua việc miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) đối với Chủ tịch HĐQT Ngô Nhật Phương, các Thành viên HĐQT Nguyễn Ngọc Quân và Nguyễn Thị Nhung. Đồng thời bầu thay thế các bà Trần Tuyết Mai, Vũ Thị Hà vào HĐQT. Bà Mai sau đó trở thành Chủ tịch HĐQT mới của Pharbaco.

Trước đó 4 tháng, vị trí Tổng giám đốc Pharbaco đầu tháng 7/2020 cũng đã được chuyển giao từ ông Ngô Nhật Phương sang cho doanh nhân trẻ Tô Thành Hưng (SN 1992) - con trai của bà Trần Tuyết Mai. Hiện con trai bà Mai cũng đang nắm giữ 1,67% vốn tại Pharbaco sau khi mua vào 1,5 triệu cổ phiếu PBC vào ngày 23/6/2020.

Sự xuất hiện của bà Trần Tuyết Mai tại Pharbaco là một động thái khá bất ngờ trong bối cảnh pháp nhân lõi của nữ doanh nhân này đang trong cảnh thua lỗ, thậm chí còn nợ thuế "khủng" và mong muốn nhà nước hỗ trợ như Nhadautu.vn đã đề cập trong bài viết gần đây.

Dù vậy nên biết rằng Hải Hà Petro và ông Ngô Nhật Phương có mối quan hệ làm ăn khá bền chặt từ lâu, đặc biệt trong lĩnh vực xăng dầu. "Sợi dây" liên hệ này chắc hẳn là sự giải thích hợp lý hơn cả cho việc dù nhóm Appollo hiện đang sở hữu tỷ lệ chi phối hơn 64% nhưng vẫn chuyển giao chức vụ Chủ tịch lẫn Tổng Giám đốc cho nhóm của bà Trần Tuyết Mai với tỷ lệ sở hữu chỉ là 23,89%.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24580.00 24600.00 24920.00
EUR 26295.00 26401.00 27567.00
GBP 30644.00 30829.00 31778.00
HKD 3103.00 3115.00 3217.00
CHF 27002.00 27110.00 27956.00
JPY 159.74 160.38 167.82
AUD 15898.00 15962.00 16448.00
SGD 18065.00 18138.00 18676.00
THB 664.00 667.00 695.00
CAD 17897.00 17969.00 18500.00
NZD   14628.00 15118.00
KRW   17.74 19.37
DKK   3535.00 3666.00
SEK   2297.00 2387.00
NOK   2269.00 2359.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ