Tương lai nào cho 'thủ phủ' điện gió Bắc Miền Trung?

Nhàđầutư
Quảng Bình - Quảng Trị đều xem điện gió là một trong các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư nhờ hội tụ các điều kiện thuận lợi. Tuy vậy, quá trình thu hút đầu tư vào lĩnh vực này tại 2 tỉnh vẫn đang bị "tắc" lại.
NGỌC TÂN
07, Tháng 11, 2022 | 06:57

Nhàđầutư
Quảng Bình - Quảng Trị đều xem điện gió là một trong các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư nhờ hội tụ các điều kiện thuận lợi. Tuy vậy, quá trình thu hút đầu tư vào lĩnh vực này tại 2 tỉnh vẫn đang bị "tắc" lại.

dien gio quang tri

Một dự án điện gió tại huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Minh Tân

Những dấu ấn đầu tiên

Là hai trong số những địa phương có điều kiện khí hậu vào loại khắc nghiệt nhất cả nước, Quảng Bình - Quảng Trị đều xem điện gió là lời giải cho việc biến các điều kiện bất lợi về khí hậu làm lợi thế phát triển kinh tế hiện nay.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên là Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, việc lựa chọn định hướng phát triển năng lượng tái tạo, trong đó bao gồm điện gió để trở thành trung tâm năng lượng của cả nước và khu vực là hướng đi phù hợp với xu hướng quốc gia và quốc tế của tỉnh Quảng Trị.

"Phát triển năng lượng gió là giải pháp hàng đầu, sau đó đến thời đại năng lượng hydro xanh, điện khí. Những cam kết của các quốc gia tại hội nghị COP 26 sẽ là cơ hội phát triển dài hạn đối với lĩnh vực này tại Quảng Trị", PGS.TS Trần Đình Thiên khuyến nghị.

Đối với Quảng Bình, PGS.TS Trần Đình Thiên nhận xét: "Điểm danh một số lợi thế phát triển mới, trong đó, có cả những lợi thế tuyệt đối, ở tầm rất cao mà Quảng Bình có được. Đó là một vùng đất cát rộng lớn khô cằn, cộng với nắng và gió – những yếu tố vốn làm cho Quảng Bình kém phát triển và khó phát triển suốt nhiều thế kỷ đang trở thành nguồn lực quý báu để phát triển năng lượng tái tạo và xây dựng các sân golf và khu du lịch độc đáo".

Đúng như nhận định về một sự "đảo phách" trong tư duy phát triển kinh tế của PGS.TS Trần Đình Thiên, hiện cả 2 địa phương Quảng Bình - Quảng Trị đang lựa chọn điện gió như là một lĩnh vực ưu tiên trong thu hút đầu tư nhằm khai thác các tiềm năng sẵn có của mình.

Tại một vùng cát trắng mênh mông ven biển phía Nam tỉnh Quảng Bình hiện nay, những trụ điện gió cao vút với sải cánh dài 70-80m vẫn quay đều đều mỗi ngày bất chấp nắng mưa để tạo ra nguồn năng lượng vô tận, góp phần đáp ứng nhu cầu năng lượng của đất nước.

Tính đến nay, sau nhiều năm kêu gọi thu hút đầu tư, Quảng Bình đã có 1 dự án điện gió đầu tiên đi vào hoạt động và được công nhận vận hành thương mại COD toàn phần đó là Cụm trang trại điện gió B&T. Dự án do CTCP AMI AC Renewables làm chủ đầu tư, gồm 60 tuabin, tổng công suất 252 MW, tổng mức đầu tư 8.200 tỷ đồng.

Đây được xem là dự án khởi đầu cho xu hướng phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo mới tại mảnh đất Quảng Bình.

Ông Nguyễn Nam Thắng, Tổng Giám đốc Công ty CP Điện gió B&T (thuộc CTCP AMI AC Renewables) cho biết, sau khi đi vào hoạt động, với tổng công suất 252MW, Cụm trang trại điện gió B&T nộp cho ngân sách địa phương khoảng 100 tỷ đồng mỗi năm.

"Chỉ riêng trong quá trình xây dựng, Cụm trang trại điện gió B&T đã nộp trên 400 tỷ đồng tiền thuế", ông Thắng thông tin thêm.

BT

Cụm trang trại điện gió B&T tại ven biển huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: VPS

Tại Quảng Trị, khu vực huyện miền núi Hướng Hóa trước đây là thủ phủ của những vườn cà phê thì giờ được xem là "cánh đồng gió" mới với nhiều dự án điện gió đã đi vào hoạt động.

Theo thống kê chung, khu vực huyện Hướng Hóa hiện có 19 dự án điện gió đã vận hành thương với tổng công suất 671MW. Ngoài ra, còn 10 dự án điện gió khác cũng đang trong giai đoạn thực hiện các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, triển khai thi công và dự kiến sẽ tạo ra thêm cả trăm cột điện gió mới tại nơi này.

Các dự án điện gió đi vào hoạt động đã mang lại những kết quả tích cực cho kinh tế xã hội huyện Hướng Hóa nói riêng và tỉnh Quảng Trị nói chung.

Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Công Thương Quảng Trị cho biết, sau khi đi vào vận hành hoạt động, cứ mỗi MW điện gió sẽ đóng góp vào ngân sách địa phương khoảng 500 triệu đồng/năm. Tính chung, khả năng đóng góp vào ngân sách Nhà nước của các dự án điện gió tại Quảng Trị hiện nay đạt khoảng hơn 300 tỷ đồng/năm.

Nhiều dự án chưa biết có cơ hội triển khai thực tế hay không

Mặc dù được xem là hết sức tiềm năng, có khả năng tạo ra thêm nguồn thu lớn hơn cho ngân sách địa phương trong tương lại, tuy nhiên quá trình phát triển của lĩnh vực điện gió đang có dấu hiệu "chững lại" tại 2 địa phương Quảng Bình - Quảng Trị.

Trong tháng 1/2021, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình năm 2021, UBND tỉnh Quảng Bình đã trao biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư cho 22 dự án với tổng vốn đầu tư gần 70.000 tỷ đồng.

Trong đó, lớn nhất là dự án Nhà máy điện gió Phúc Lộc Thọ do liên danh Tập đoàn Đồng Tâm và Công ty Quadran International thuộc Tập đoàn Lucia (Pháp) đề xuất với tổng mức đầu tư 28.103 tỷ đồng, công suất 711,2MW.

Ngoài ra, còn có 1 số dự án điện gió khác có quy mô rất lớn cũng được trao biên bản hợp tác đầu tư tại hội nghị này như: Cụm nhà máy điện gió Hải Ninh của CTCP khoáng sản Hoàng Long (198MW, 9.446 tỷ đồng); Nhà máy điện gió Kim Ngân (70MW, 2.515 tỷ đồng) và Cụm nhà máy điện gió Thanh Sơn (90MW, 3.393 tỷ đồng) của CTCP Tập đoàn Nam Mê Kông; Nhà máy điện gió Lệ Thuỷ 3 của CTCP Dịch vụ Đầu tư Xanh (151,2MW, 6.026 tỷ đồng)…

Đến đầu năm nay, sau thành công của Cụm trang trại điện gió B&T, Công ty AMI AC Renewables tiếp tục đề xuất dự án điện gió ngoài khơi AMI Quảng Bình với công suất 2.400MW, tổng mức đầu tư khoảng 6 tỷ USD.

Tại Quảng Trị, trong giai đoạn 2022 - 2025, có 12 dự án điện gió với tổng công suất 454MW đang được triển khai thực hiện. Đồng thời, tỉnh Quảng Trị cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ bổ sung quy hoạch các dự án điện gió trên bờ với tổng quy mô công suất 900MW.

tn2

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị kiểm tra công tác thi công lắp đặt một dự án điện gió tại Quảng Trị. Ảnh: Tiến Nhất

Đáng chú ý, trong tháng 3/2022, CTCP Đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông (Intracom) đã đề xuất đầu tư dự án nhà máy điện gió ngoài khơi tại Quảng Trị với tổng mức đầu tư khoảng 72.000 tỷ đồng, công suất 1.000MW.

Mặc dù số lượng các dự án được đề xuất đầu tư tại 2 địa phương là khá lớn, tuy vậy, việc các dự án này có được triển khai trên thực tế hay không thì tất cả còn phải chờ đợi.

Ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở Công Thương Quảng Bình cho biết, trên cơ sở đề xuất của các nhà đầu tư và tính toán của tỉnh, UBND tỉnh Quảng Bình đã kiến nghị Chính phủ và Bộ Công Thương xem xét bổ sung 24 dự án điện gió tổng công suất 6.009,9MW vào Quy hoạch điện VIII. "Các dự án phải vào được cập nhật vào quy hoạch thì mới có cơ sở triển khai trên thực tế ", ông Hải nói thêm.

Cũng như Quảng Bình, Quảng Trị cũng đang trông đợi vào quyết định của Chính phủ để biết được các dự án điện gió mới đề xuất có được bổ sung, cập nhật vào Quy hoạch điện VIII hay không.

Ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: "Là địa phương có dư địa phát triển năng lượng tái tạo lớn nên số lượng các dự án trình lên để bổ sung vào Quy hoạch điện VIII của tỉnh Quảng Trị cũng khá nhiều. Tuy vậy, Trung ương có đồng ý hay không thì còn phải chờ đợi".

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25475.00
EUR 26606.00 26713.00 27894.00
GBP 30936.00 31123.00 32079.00
HKD 3170.00 3183.00 3285.00
CHF 27180.00 27289.00 28124.00
JPY 158.79 159.43 166.63
AUD 16185.00 16250.300 16742.00
SGD 18268.00 18341.00 18877.00
THB 665.00 668.00 694.00
CAD 18163.00 18236.00 18767.00
NZD   14805.00 15299.00
KRW   17.62 19.25
DKK   3573.00 3704.00
SEK   2288.00 2376.00
NOK   2265.00 2353.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ