Từ những kỷ lục của Hà Lan

Nhàđầutư
Câu cửa miệng của người dân xứ địa hình thấp này: "Chúa đã tạo ra thế giới, nhưng chính người Hà Lan đã tạo ra đất nước Hà Lan". Từ thế kỷ thứ 10, Hà Lan đã nghĩ cách trị thuỷ bằng việc đắp đê... TS Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan viết riêng cho Nhadautu.vn.
TS.ĐINH HOÀNG THẮNG - Nguyên Đại sứ VN tại Hà Lan
12, Tháng 07, 2017 | 21:44

Nhàđầutư
Câu cửa miệng của người dân xứ địa hình thấp này: "Chúa đã tạo ra thế giới, nhưng chính người Hà Lan đã tạo ra đất nước Hà Lan". Từ thế kỷ thứ 10, Hà Lan đã nghĩ cách trị thuỷ bằng việc đắp đê... TS Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan viết riêng cho Nhadautu.vn.

Ngày nay, đối với Hà Lan, biến đổi khí hậu không phải là một trở ngại, nó được coi như một cơ hội để kinh doanh, giống như pho mát của người Pháp hay ô tô của người Đức. 

thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-hoi-dam-voi-thu-tuong-ha-lan

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte. Ảnh: TTXVN

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Hà Lan—Việt Nam ngày 10/7 vừa qua ở La Haye (The Hague), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Lan Michael van Straalen hỏi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Đâu là thách thức của Việt Nam khiến doanh nghiệp chưa tận dụng tốt được cơ hội?” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời: “…Thách thức lớn nhất của Việt Nam chính là biến đổi khí hậu và chúng tôi đang tích cực hợp tác với Hà Lan để khắc phục thách thức này”.

Phát triển bền vững ĐBSCL

Theo tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, tại cuộc hội đàm sau lễ đón, lãnh đạo chính phủ hai nước đã đánh giá quan hệ song phương thời gian gần đây, nhất là hợp tác trong 5 lĩnh vực ưu tiên gồm thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước, nông nghiệp, dầu khí, cảng biển, dịch vụ hậu cần mà hai bên đã nhất trí thúc đẩy trong những năm qua, đặc biệt là việc triển khai Thỏa thuận Đối tác chiến lược về Thích ứng với biến đổi khí hậu và Quản lý nước (ký năm 2010) và Thỏa thuận Đối tác chiến lược về Nông nghiệp bền vững và An ninh lương thực (ký năm 2014).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam luôn coi trọng củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Hà Lan, một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam trong EU. Theo thông tin từ Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từ 8—11/7 tại Hà Lan, có tổng cộng 9 thỏa thuận với tổng trị giá ước lượng 800 triệu USD đã được ký kết giữa các doanh nghiệp hai bên. Sắp tới sẽ ký thêm 2 thỏa thuận nữa.

Trong số các thỏa thuận nói trên, có thỏa thuận phát triển bền vững Đồng Bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), hợp tác quản lý an toàn thực phẩm ở Việt nam, thỏa thuận giữa lực lượng cảnh sát biển Việt Nam và Tập đoàn đóng tàu Damen về dự án đóng 6 tàu cảnh sát biển đa năng, Hà Lan hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh chống ngập và thỏa thuận hỗ trợ giảm nhẹ thiên tai, đào tạo hàng hải.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc  cũng đã nêu trực tiếp vấn đề biến đổi khí hậu trong cuộc hội đàm với Thủ tướng chủ nhà Mark Rutte và tại hầu hết các cuộc tiếp xúc với các doanh nghiệp, viện nghiên cứu và trường đại học Wageningen hàng đầu của Hà Lan. Phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp nói trên, Phó Thủ tướng Hà Lan Lodewijk Asscher cho biết: “Hai nước chúng ta có quan hệ truyền thống về thích ứng với biến đổi khí hậu, nông nghiệp bền vững và an toàn thực phẩm. Bên cạnh đấy, hệ thống đê chắn sóng, công trình thủy lợi, quản lý cảng biển đều là những thế mạnh của Hà Lan và chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam”.

Về những điểm độc đáo của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc tới nuôi trồng thủy sản chất lượng cao, các loại trái cây nhiệt đới, cây lương thực và các nguồn dược liệu. Thủ tướng khẳng định: “Chúng tôi khuyến khích Hà Lan  giúp Việt Nam nâng cao năng lực, hướng Việt Nam định vị cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu”. Thủ tướng mong muốn chào đón nhiều doanh nghiệp hà Lan, kể cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đến Việt Nam đầu tư và hợp tác.

Thủ tướng Việt Nam cũng khẳng định đang tích cực hợp tác với Hà Lan để khắc phục những thách thức về biến đổi khí hậu, tạo dựng môi trường tốt hơn nữa để chuyển giao khoa học công nghệ, môi trường cạnh tranh tốt hơn nữa để các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước đầu tư nhiều hơn. “Chúng tôi có Luật pháp minh bạch, Luật đầu tư nước ngoài rất thông thoáng để tạo điều kiên cho nhà đầu tư”. Thủ tướng nhấn mạnh. Trước đó, tại Thượng đỉnh G-20 ở Hamburg (CHLB Đức), Thủ tướng Việt Nam cũng đã chủ động đề cập đến vấn đề biến đổi khí hậu ngay trong các cuộc thảo luận ở Hội nghị.

Hệ thống đê biển nhất hành tinh

Ngày 10/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi trực thăng trên những công trình nước ở những lưu vực sông chính và vùng duyên hải của Hà Lan. Trong đó có nhiều khu vực nằm dưới mực nước biển từ 0,5 - 6m. Đây là những kinh nghiệm tốt đối với Việt Nam khi triển khai các dự án quy mô lớn giúp Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biển đổi khí hậu và nước biển dâng.

0048_Moses_Bridge_the_Netherlands

Cây cầu Moses độc nhất vô nhị: rẽ đôi con sông ở Hà Lan 

Sau một thời gian nghiên cứu thực địa, Ủy ban Châu thổ Hà Lan đã cho ra đời một kế hoạch xây dựng các công trình với tầm vóc và quy mô vĩ đại. Đó là hệ thống các công trình đê biển, kè biển, cửa cống và cửa chắn lụt ở khu vực Tây Nam. Tổng cộng có 65 đê chắn sóng đúc bê tông khổng lồ cùng 62 cửa van bằng thép di động treo giữa các đê chắn với tổng chiều dài 6,8km.

Các cửa van dày 5m và rộng 40m, thay đổi theo độ cao từ 6m đến 12m tuỳ theo vị trí của chúng trong đập chắn. Cửa van lớn nhất nằm ở phần sâu nhất của châu thổ, nặng tới 480 tấn phải mất cả tiếng đồng hồ mới mở hay đóng cửa van. Các công trình này được xây dựng trong suốt hơn nửa thế kỷ nhằm bảo vệ các khu vực đất đai rộng lớn trước sức tấn công của nước biển. Đây được ghi nhận là hệ thống phòng hộ duy nhất chống lại sóng biến trên thế giới thuộc loại này.

Cùng với kim tự tháp ở Ai Cập, đường hầm qua eo biển Manche, kênh đào Panama, đấu trường Colosseum... Hệ thống đê biển ở Hà Lan được các nhà kiến trúc trên thế giới bầu chọn là một trong số 10 công trình vĩ đại nhất trên hành tinh.

Khoảng 60% dân số Hà Lan hiện đang sinh sống trong những vùng đất “ở dưới mặt biển”. Để sinh tồn, hàng ngàn năm qua, người Hà Lan xây dựng những tuyến đê, tiếng Hà Lan gọi là “dam”, để ngăn nước biển và tạo nên những vùng đất cao ráo có thể sinh sống và trồng trọt. Vì đây vốn là những vùng trũng thấp, được hình thành và tồn tại là nhờ các con đê (chữ Hà Lan là “dam” trong Rotterdam, Amsterdam, Volandam…). Vì thế, ngoài hình ảnh là “xứ sở hoa tulip” và “đất nước của cối xay gió”, Hà Lan còn được biết đến là một quốc gia đã lập nên kỳ tích “quai đê lấn biển” hàng đầu thế giới.

Trong một bài báo trên New York Times với tựa đề “Hãy nhìn vào người Hà Lan: Họ có giải pháp để xử lý hiện tượng nước biển dâng”. Bài báo có đoạn: “Trong vùng đất ngập nước ở Hà Lan, biến đổi khí hậu không còn được xem như một trở ngại, ngước lại, nó được coi là một cơ hội”. Và tác giả ví von: “Giống như pho mát ở Pháp hay ô tô ở Đức, biến đổi khí hậu là một ngành kinh doanh ở Hà Lan”.

Ngoài ra, Hà Lan còn đi đầu trong lĩnh vực áp dụng công nghệ cao cho nông nghiệp. Nước này vốn là một quốc gia ôn đới nhưng lại có thể sản xuất nông sản nhiệt đới. Lượng xuất khẩu nông sản hàng năm của Hà Lan đạt tới 94 tỷ USD, chỉ đứng sau Hoa Kỳ./.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24580.00 24605.00 24925.00
EUR 26271.00 26377.00 27542.00
GBP 30600.00 30785.00 31733.00
HKD 3104.00 3116.00 3217.00
CHF 26884.00 26992.00 27832.00
JPY 159.53 160.17 167.59
AUD 15865.00 15929.00 16416.00
SGD 18063.00 18136.00 18675.00
THB 664.00 667.00 694.00
CAD 17891.00 17963.00 18494.00
NZD 0000000 14617.00 15106.00
KRW 0000000 17.67 19.28
       
       
       

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ