Từ chuyện mẹ Việt chi 1,5 triệu USD cho con vào đại học Mỹ: Tiền du học đã bằng 1/4 kiều hối chảy về

Nhàđầutư
Việt Nam được xem là nước "xuất siêu" trong lĩnh vực giáo dục khi chi phí du học mỗi năm lên tới 3 tỷ USD. Không chỉ đổ hàng tỷ USD cho du học, du lịch, hay dịch vụ y tế, người Việt có điều kiện tại Việt Nam còn chi hàng tỷ USD cho bất động sản ở nước ngoài...
HỒ MAI
13, Tháng 02, 2018 | 11:55

Nhàđầutư
Việt Nam được xem là nước "xuất siêu" trong lĩnh vực giáo dục khi chi phí du học mỗi năm lên tới 3 tỷ USD. Không chỉ đổ hàng tỷ USD cho du học, du lịch, hay dịch vụ y tế, người Việt có điều kiện tại Việt Nam còn chi hàng tỷ USD cho bất động sản ở nước ngoài...

Một bài viết trên New York Post đăng tải mới đây cho thấy, theo hồ sơ một vụ kiện, một bà mẹ người Việt tên 'Buoi Thi Bui' đã đồng ý trả 1,5 triệu USD cho một cố vấn tuyển sinh để con gái bà là 'Vinh Ngọc Dao' được nhận vào trường Ivy League - hệ thống trường đại học danh giá nhất nước Mỹ (như Harvard, Princeton, Yale, Brown, Columbia, Cornell, Dartmouth, Pennsylvania...).

du hoc

 

Số tiền khổng lồ này được trả cho The Ivy Coach, một công ty tư vấn giáo dục độc lập có trụ sở ở Manhattan, Mỹ.

Công ty này có nhiệm vụ hướng dẫn các bậc phụ huynh và con cái họ vượt qua quá trình tuyển sinh để vào được những trường nội trú và đại học danh giá. Người của công ty tư vấn hiện đang kiện hai mẹ con bà Bùi Thị Bưởi vì chỉ trả một nửa số tiền đã thỏa thuận.

Bà Bưởi hiện đang sống ở Hà Nội, còn cô con gái “là một trong số những người thuộc tầng lớp quý tộc quốc tế”. Họ cùng với “các quan chức Chính phủ, những người đứng đầu các ngành công nghiệp, người nổi tiếng và hoàng loạt gia đình giàu có trên thế giới và con cái họ” là những khách hàng của The Ivy Coach.

Mức phí 1,5 triệu USD đã gây "sốc" các chuyên gia giáo dục đại học. Mức chi phí mà trung tâm này thu của bà Bui được cho là cao hơn mặt bằng chung, nơi mà các tư vấn viên độc lập ở nhiều nơi thường thu từ 85 tới 350 USD/ giờ và các dịch vụ trọn gói dao động từ 850 tới 10.000 USD, theo một khảo sát hồi tháng 1 của Hiệp hội Tư vấn giáo dục độc lập.

Theo một báo cáo của HSBC, năm 2015, có hơn 110.000 du học sinh Việt Nam tại 47 quốc gia trên thế giới. Ước tính, chi phí du học của họ vào khoảng 3 tỷ USD mỗi năm. Như vậy, trung bình mỗi du học sinh Việt chi tiêu khoảng 30.000 – 40.000 USD/năm cho học phí và sinh hoạt phí.

Con số 3 tỷ USD mà người Việt chi cho du học mỗi năm gấp gần 3 lần tổng kim ngạch xuất khẩu gạo và tương đương với số tiền bán dầu thô. Theo báo cáo "Migration and remittances factbook 2016" do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, lượng kiều hối gửi về Việt Nam trong năm 2015 đạt 12,25 tỷ USD. Như vậy, chỉ tính riêng tiền chi cho du học đã bằng 1/4 lượng kiều hối chảy về nước.

Không chỉ đổ hàng tỷ USD cho du học, người Việt có điều kiện tại Việt Nam còn chi hàng tỷ USD cho du lịch, dịch vụ y tế, mua bất động sản ở nước ngoài...

Theo số liệu từ Hiệp hội Du lịch Việt Nam, trong năm 2016, có khoảng 6,5 triệu lượt du khách trong nước đi du lịch nước ngoài, tăng khoảng 15% so với năm trước và chi tiêu 7 - 8 tỷ USD. Đây là số liệu thống kê chưa đầy đủ, do Hiệp hội thống kê từ cơ quan quản lý du lịch của một số nước. Theo đó, người Việt hay đi du lịch như Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,…

Tương tự, trong lĩnh vực y tế, Bộ Y tế ước tính mỗi năm người Việt chi 2 tỷ USD chữa bệnh ở nước ngoài. Ngoài các dịch vụ y tế ở Singapore và Thái Lan, người Việt Nam có điều kiện tài chính có xu hướng đi Nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc để khám chữa bệnh, do nền y tế của các nước trên đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh không phải chờ đợi và dịch vụ chăm sóc người bệnh chu đáo, tận tình.

Hiện chưa đơn vị nào có thể thống kê được lượng tiền người Việt đổ ra nước ngoài để đầu tư bất động sản. Dư luận chỉ giật mình chú ý tới xu hướng này khi Hiệp hội Quốc gia Chuyên viên địa ốc Mỹ (NAR) công bố báo cáo “Hồ sơ hoạt động quốc tế về bất động sản tại Mỹ năm 2017” với con số 3,06 tỷ USD của người Việt. Và khi nhìn lại, người ta mới thấy Việt Nam đã đứng trong danh sách 10 quốc gia có công dân mua nhà đất tại Mỹ nhiều nhất thế giới từ 5 năm nay và xu hướng này chưa hề thay đổi. Con số 3,06 tỷ USD mỗi năm chỉ là số tiền người Việt chi để mua bất động sản Mỹ chưa kể các quốc gia khác. Ngoài Mỹ, Úc, Canada cũng là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư bất động sản Việt Nam.

Theo thống kê mới đây của Ngân hàng Thế giới, kiều hối đã chuyển về Việt Nam trong năm 2017 đạt hơn 13,8 tỷ USD, con số này tăng 16% so với năm 2016. Lượng kiều hối chủ yếu vẫn từ thị trường Mỹ, chiếm 60% và châu Âu gần 20% và một số nước khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tài chính còn cho rằng dòng tiền ròng trong kiều hối thực sự không lớn. Tất cả các dòng tiền chuyển về Việt Nam thông qua hệ thống ngân hàng đều được xem là kiều hối, nhưng đôi khi đó chỉ là sự chuyển dịch và ngân hàng trong nước chỉ là trạm dừng chân tạm thời trước khi tiền lại được chuyển tiếp ra nước ngoài.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24600.00 24610.00 24930.00
EUR 26213.00 26318.00 27483.00
GBP 30551.00 31735.00 31684.00
HKD 3105.00 3117.00 3219.00
CHF 27051.00 27160.00 28008.00
JPY 159.87 160.51 167.97
AUD 15844.00 15908.00 16394.00
SGD 18015.00 18087.00 18623.00
THB 664.00 667.00 694.00
CAD 17865.00 17937.00 18467.00
NZD   14602.00 15091.00
KRW   17.66 19.27
DKK   3523.00 3654.00
SEK   2299.00 2389.00
NOK   2259.00 2349.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ