TS. Võ Trí Thành: Chưa nên điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia, rượu

Nhàđầutư
Ngành bia, rượu cần phục hồi và đây cũng khoảng thời gian quý báu hỗ trợ các doanh nghiệp tái cơ cấu sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh. Do đó, chưa nên điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành này.
TS. VÕ TRÍ THÀNH
04, Tháng 07, 2023 | 09:51

Nhàđầutư
Ngành bia, rượu cần phục hồi và đây cũng khoảng thời gian quý báu hỗ trợ các doanh nghiệp tái cơ cấu sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh. Do đó, chưa nên điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành này.

thue-tieu-thu-dac-biet

Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức hội thảo khoa học "Góp ý xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)". Ảnh: Trọng Hiếu.

Sáng 4/7, tại hội thảo khoa học "Góp ý xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)", TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đã trình bày tham luận "Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia, rượu ở Việt Nam: Yêu cầu và lựa chọn thích hợp".

Nhu cầu sử dụng bia, rượu (đồ uống có cồn) là rất thật trong đời sống trên rất nhiều chiểu cạnh đời sống (thường nhật; nghỉ ngơi giải trí, và cả nghi lễ) của mọi tầng lớp dân cư. Đây chính là cơ sở tạo cung và có tác động qua lại với sản xuất kinh doanh, và cùng với đó còn là công ăn việc làm, thu nhập người lao động, nguồn thu ngân sách và cả cạnh tranh trên thị trường. Vấn đề là việc sử dụng quá mức/lạm dụng bia rượu có thể dẫn tới nhiều hệ lụy không mong muốn, thậm chí tiêu cực cho xã hội về đảm bảo sức khỏe và cả an toàn, ổn định xã hội. Đây chính là lý do ra đời của thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) nhằm ngăn ngừa tác động có hại của rượu bia.

Chính sách của Chính phủ là tìm giải pháp cân bằng đối với cung - cầu rượu bia nhằm đảm bảo: Hiệu quả kinh tế (về phân bổ nguồn lực, cạnh tranh); hiệu quả xã hội (đáp ứng nhu cầu cần thiết, lành mạnh nhưng giảm thiểu tác động tiêu cực); nguồn thu ngân sách (một lợi ích nhất định của nhà nước).

Song đây là nhiệm vụ phức tạp, không đơn giản, với đa góc nhìn cùng hàm ý chính sách đáng lưu ý. Khi chính sách có đa mục tiêu thì tính hiệu lực hiệu quả chính sách, theo nguyên lý kinh tế, phụ thuộc vào các công cụ chính sách có được. Thuế TTĐB quan trọng, song không thể là tất cả; cần có các biện pháp khác như truyền thông; chăm sóc y tế, sức khỏe; chống buôn lậu, hàng giả hàng nhái…. Cân bằng còn tùy thuộc vào "trọng số" chính sách đặt vào các mục tiêu với áp lực từ các nhóm xã hội lại khác nhau.

Trong khi đó, lựa chọn mục tiêu chính sách lại có thể có tính đánh đổi. Một ví dụ Laffer Curve về mối quan hệ giữa thuế suất và khả năng thu thuế là không phải cứ tăng thuế suất làm tăng thu từ thuế, nhất là trong giai đoạn thị trường gặp khó. Hơn nữa cân bằng ở đây là cân bằng động, có tính thời điểm liên quan đến thăng trầm sản xuất kinh doanh, thu ngân sách cao thấp, hay sự dịch chuyển thu nhập (thấp/khá/cao) và theo đó là nhu cầu.

Vo-tri-thanh

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh. Ảnh: Trọng Hiếu.

Thực trạng ngành và thị trường bia, rượu

Ngành sản xuất bia rượu bia tại Việt Nam đã có bước phát triển mạnh trong những thập niên lại đây, bao gồm các hãng bia thương hiệu Việt (như bia Hà Nội, bia Sài Gòn, bia Vida, bia Hạ Long, bia Hương Sơn, bia Đại Việt,…) với chất lượng, hương vị, giá cả phù hợp với đại đa số người dân Việt Nam, một số nhà máy sản xuất rượu và công ty bia có vốn đầu tư nước ngoài. Ngành bia rượu có vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn việc làm (tổng số lao động trong ngành bình quân năm giai đoạn 2010-2020 là khoảng 80.000 lao động), đóng góp ngân sách nhà nước (Chỉ riêng các nhà máy sản xuất bia hàng năm đóng góp 50.000-56.000 tỷ đồng), và hiệu ứng lan tỏa tích cực với nhiều lĩnh vực khác trong chuỗi cung ứng (nông nghiệp, logictics và kho vận, sinh hoá, bao bì…).

Thị trường bia rượu trong nước, nhất là bia, có ba phân khúc: phân khúc phổ thông (giá vừa phải/thấp, chủ yếu là các thương hiệu Việt); phân khúc trên phổ thông/cao cấp (giá cao, chủ yếu là các thương hiệu lâu đời trên thế giới được nhập khẩu vào Việt Nam hoặc sản xuất bởi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam); phân khúc phi chính thức (tự sản xuất hoặc lậu, thường không đóng thuế và không chịu kiểm tra về chất lượng).

Theo thống kê hiện nay, với thị trường bia, khoảng 80% tiêu thụ là các loại bia phổ thông. Theo báo cáo "Tổng quan về hệ thống chính sách thuế đối với ngành sản xuất rượu và đề xuất kiến nghị" của CIEM (2020), khu vực đồ uống có cồn phi chính thức chiếm khoảng 63% tổng khối lượng lít cồn nguyên chất (LPA) và 28% tổng giá trị thị trường đồ uống có cồn tại Việt Nam. Tổn thất về thuế đối với rượu phi chính thức là vào khoảng trên 750 triệu USD.

Do COVID-19 cùng tác động bất lợi từ xung đột, cạnh tranh địa - chính trị, và cả khung khổ pháp lý cùng một số chính sách (Luật Phòng chống tác hại rượu bia, Nghị định 100/2019/NĐ-CP), ngành bia rượu phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là ngành bia. Sản lượng sản xuất bia giảm 5% và 7% năm 2020 và 2021 sau khi đạt đỉnh vào năm 2019 (gần 4,6 tỷ lít); tương ứng tiêu thụ trung bình bia/người giảm 6% và 8% năm 2020 và 2021. Trong khi đó, sản lượng sản xuất ít nhiều có tăng nhưng lượng tiêu thụ thì không thay đổi so với năm 2019.

Doanh thu, lao động của ngành và nhiều lĩnh vực liên quan giảm. Năm 2023 vẫn là một năm khó đối với cả nền kinh tế và ngành bia rượu. SABECO báo cáo mức doanh thu Q1 thấp hơn 15% so với cùng kỳ, Heineken Vietnam cũng ước báo doanh thu Q1 giảm hơn 20% so cùng kỳ.

Ưu, khuyết điểm và một số nghiên cứu cho Việt Nam

Theo thông lệ, có 3 phương pháp đánh thuế chủ yếu: Thuế tương đối, áp dụng thuế suất theo tỷ lệ phần trăm (như doanh thu); thuế tuyệt đối, áp dụng mức thu tuyệt đối (như theo đơn vị sản phẩm); thuế hỗn hợp, áp dụng cả thuế tương đối và thuế tuyệt đối.

Mỗi phương pháp có những ưu nhược điểm riêng. Thường thì thuế tương đối đảm bảo hiệu quả phân bổ nguồn lực tốt hơn, là van tự động điều chỉnh theo lạm phát; phù hợp với các nền kinh tế đang phát triển còn có những khác biệt lớn về giá bán các sản phẩm đồ uống có cồn. Nhược điểm là nó khó có sự công bằng giữa các sản phẩm cùng LPA.

Thuế tuyệt đối sát mục tiêu hạn chế cồn trong đồ uống, nhất là khi đánh trên PLA sử dụng (nguyên nhân bia rượu có thể gây ra những tác động xã hội tiêu cực); phù hợp hơn với các nước phát triển, các sản phẩm bia rượu có giá bán và chất lượng tương đồng. Nhược điểm của phương pháp đánh thuế này là có ít nhiều hạn chế trong phân bổ nguồn lực hiệu quả do "ít uyển chuyển" và công tác thống kê, giám sát thu thuế giai đoạn chuyển tiếp có thể tốn kém hơn.

Cho đến nay chưa có nhiều nghiên cứu sâu về sự phù hợp mức thuế và phương pháp đánh thuế TTĐB đối với bia rượu ở Việt Nam. Có lẽ mới có 2 nghiên cứu liên quan gần đây nhất.

Một là của PwC (Nghiên cứu về hệ thống thuế tiêu thụ đặc biệt, tháng 11/2022) về thuốc lá, một mặt hàng khá tương đồng rươu bia xét trên các góc độ mục tiêu chính sách của Chính phủ. Theo PwC, thuế TTĐB (đối với thuốc lá) cần tăng từng bước, với mức độ vừa phải, theo lộ trình, với định hướng dài hạn (10 hoặc 15 năm; có bước chuyển qua hệ thống thuế hỗn hợp, tiến dần đến một hệ thống thuế tuyệt ít bậc rồi chỉ một bậc).

Hai là của CIEM (Báo cáo đánh giá định lượng tác động của thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành đồ uống có cồn, tháng 5/2022). Nghiên cứu sử dụng mô hình thuế của trường Đại học Charles Sturt để lượng hóa 3 kịch bản đề xuất sửa đổi thuế TTĐB, bao gồm: Tăng thuế suất với thuế tương đối; áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp, kết hợp cả thuế suất tương đối trên giá bán buôn của sản phẩm và thuế suất tuyệt đối trên mỗi lít tiêu thụ (hoặc mỗi lít cồn nguyên chất - LPA); áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp, tuy nhiên sẽ giảm mạnh mức thuế suất tương đối, trong khi tăng mạnh mức thuế suất tuyệt đối trên mỗi lít tiêu thụ (hoặc mỗi lít cồn nguyên chất - LPA).

Tác động định lượng của 3 nhóm kịch bản thuế này sẽ được so sánh với kịch bản cơ sở trên các khía cạnh về: Sự thay đổi số thu ngân sách đối với toàn ngành đồ uống có cồn; sự thay đổi về sản lượng tiêu dùng toàn ngành. Kết quả nghiên cứu cho thấy nên thay thế phương pháp thuế TTĐB tương đối hiện nay bằng thuế TTĐB hỗn hợp, và hướng tới phương pháp thuế TTĐB tuyệt đối (như đang được áp dụng một cách hiệu quả tại các nước phát triển).

Theo cả 2 nghiên cứu, về dài hạn Việt Nam nên dần theo thông lệ quốc tế, (chuyển từ thuế tương đối sang thuế hỗn hợp rồi thuế tuyệt đối. Việt Nam cũng nên cân nhắc thời điểm thay đổi thuế suất và phương pháp tính thuế khi hiện nay thị trường còn nhiều khó khăn.

Dù vậy, 2 nghiên cứu này cũng chưa phân tích đủ sâu một số vấn đề. Đó là hành vi trên thị trường, như độ co dãn tiêu dùng theo giá/thu nhập của các tầng lớp khác nhau hay sự dịch chuyển tiêu dùng giữa các phân khúc phổ thông - cao cấp - phi chính thức. Đó còn là thu ngân sách theo mức thuế với độ nhạy của Laffer Curve khi thuế cao hơn và có sự dịch chuyển tiêu dùng theo phân khúc thị trường.

Lưu ý là thuế TTĐB hỗn hợp hay tuyệt đối về nguyên tắc sẽ làm tăng giá tương đối của các dòng sản phẩm phân khúc phổ thông so với dòng sản phẩm phân khúc cao cấp. Do đó, nếu thu thuế theo phương pháp tuyệt đối hoặc hỗn hợp sẽ tạo áp lực lớn đối với sản phẩm phổ thông giá thấp, ảnh hưởng đến sản xuất và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất rượu bia thương hiệu Việt trong nước. Với mức thu nhập còn thấp ở nhiều tầng lớp dân cư, giá cao hơn cũng có thể làm tiêu dùng dịch chuyển mạnh hơn sang phân khúc phi chính thức. Khi đó, cả sức khỏe của người dân và thu ngân sách... có thể chịu tác động xấu hơn.  

Kiến nghị

Với những xem xét các chiều cạnh mục tiêu chính sách, thực trạng và đặc điểm thị trường bia rượu Việt Nam hiện nay cũng như các nghiên cứu đã biết cùng vấn đề đặt ra, tôi có một số kiến nghị như sau.

Thứ nhất, giữ nguyên phương pháp tính thuế TTĐB tương đối và chưa điều chỉnh thuế suất thuế TTĐB đối với bia rượu, nhất là bia, cho đến năm 2025. Thuế suất thuế TTĐB tương đối có thể tăng vào năm 2026, khoảng 5-10%. Ý tưởng ở đây là có thể cho đến khi sản xuất bia trở lại mức 2019 và một lập luận cho đề xuất tăng thuế suất khi đó là do sản lượng bia rượu sản xuất và tiêu thụ tăng mạnh. Ngành bia rượu cần phục hồi và đây cũng khoảng thời gian quý báu hỗ trợ các doanh nghiệp tái cơ cấu sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thứ hai, nghiên cứu kỹ và sâu cung - cầu, (phân khúc) thị trường bia rượu cùng điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, nhất là quá trình thưc hiện mục tiêu phát triển đất nước đến 2030 và 2045, và các kich bản khác nhau áp dụng phương pháp đánh thuế tương đối, hỗn hợp, tuyệt đối.

Thứ ba, trên cơ sở đó và tính đến kinh nghiệm quốc tế, cân nhắc khoảng 2030 (Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao), có thể áp dụng phương pháp đánh thuế TTĐB hỗn hợp với bia rượu. Bước đầu ở đây có thể áp dụng thuế suất thuế tuyệt đối nhiều bậc tùy sản phẩm phổ thông hay cao cấp cùng điều chỉnh thuế suất thuế tương đối.

Cuối cùng, trong mọi trường hợp, việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp chính sách khác như hỗ trợ đào tạo, chống buôn lậu, hàng giả hàng nhái, truyền thông nâng cao nhận thức và tăng cường trách nhiệm giải trình... là có ý nghĩa rất quan trọng trong đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội, nguồn thu ngân sách, và giảm thiểu hệ lụy tiêu cực của bia rượu đối với đời sống.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ