Trung Quốc phản đối thế giới thắt chặt chính sách tiền tệ

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm thứ Hai kêu gọi các nước lớn hợp tác để giảm thiểu rủi ro kinh tế dai dẳng do đại dịch và phản đối xu hướng nhiều nước chuyển sang thắt chặt chính sách tiền tệ.
KIM NGÂN
18, Tháng 01, 2022 | 15:03

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm thứ Hai kêu gọi các nước lớn hợp tác để giảm thiểu rủi ro kinh tế dai dẳng do đại dịch và phản đối xu hướng nhiều nước chuyển sang thắt chặt chính sách tiền tệ.

Phát biểu trước Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), ông Tập Cận Bình cũng nhắc lại lời cảnh báo về "tâm lý chiến tranh lạnh" mà ông cho rằng sẽ làm suy yếu các nỗ lực giải quyết các vấn đề chung - lời chỉ trích ngầm ý nhằm vào Mỹ và các đồng minh của Mỹ.

Trung Quoc

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới, được tổ chức trực tuyến, ngày 17/1/2022. Ảnh: Nikkei Asia

Bài phát biểu tập trung đề cập đến chính sách kinh tế vĩ mô và sự chuyển hướng của nhiều nước sang thắt chặt chính sách tiền tệ.

"COVID-19 đang chứng tỏ là một đại dịch kéo dài, bùng phát trở lại với nhiều biến thể hơn và lây lan nhanh hơn trước", ông Tập phát biểu tại cuộc họp nằm trong Chương trình nghị sự ở Davos qua liên kết video.

"Nếu các nền kinh tế lớn phanh đà phát triển hoặc đảo ngược chính sách tiền tệ, sẽ có những tác động tiêu cực nghiêm trọng. Chúng sẽ đặt ra những thách thức đối với sự ổn định tài chính và kinh tế toàn cầu, và các nước đang phát triển sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất từ đó".

Trong bối cảnh đại dịch, hiện đã bước sang năm thứ ba, các quốc gia trên thế giới đã nới lỏng chính sách tiền tệ để đảm bảo tính thanh khoản của thị trường và giúp duy trì sinh kế. Nhưng điều này đã góp phần làm tăng lạm phát do gián đoạn nguồn cung và khủng hoảng năng lượng.

Một số ngân hàng trung ương gần đây đã chuyển sang thắt chặt chính sách tiền tệ, trong đó có Hàn Quốc, và mọi con mắt đều đổ dồn vào Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), cơ quan đã báo hiệu sẽ có nhiều đợt tăng lãi suất trong năm 2022.

Những động thái này gây khó khăn cho Trung Quốc, quốc gia đang đối mặt với các đợt bùng phát COVID-19 rải rác và sự suy giảm của thị trường bất động sản. Số liệu GDP được công bố hôm thứ Hai cho thấy tăng trưởng quý IV/2021 của Trung Quốc giảm tốc xuống còn 4%, mức thấp nhất kể từ quý II/2020.

Tăng trưởng cả năm là 8,1%, phần lớn nhờ vào sản xuất công nghiệp và thặng dư thương mại lớn, do các đối tác thương mại phục hồi.

Mặc dù các con số GDP cho thấy "mức tăng trưởng khá cao", ông Tập Cận Bình thừa nhận môi trường kinh tế trong nước và quốc tế đang thay đổi đã tạo ra áp lực lớn lên nền kinh tế Trung Quốc.

"Các nền kinh tế lớn nên coi thế giới là một cộng đồng, suy nghĩ theo cách có hệ thống hơn, tăng cường tính minh bạch của chính sách và chia sẻ thông tin, đồng thời điều phối các mục tiêu, cường độ và tốc độ của các chính sách tài khóa và tiền tệ, để ngăn chặn nền kinh tế thế giới giảm mạnh trở lại", ông Tập nói.

Thứ Hai đánh dấu lần xuất hiện thứ ba của ông Tập Cận Bình tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Do đại dịch, cuộc họp thường niên của các nhà lãnh đạo chính trị và kinh doanh hàng đầu thế giới - thường được tổ chức tại thị trấn trượt tuyết Davos của Thụy Sĩ - được tiến hành trực tuyến năm thứ hai liên tiếp.

Năm ngoái, ông Tập kêu gọi thế giới tránh một cuộc "Chiến tranh Lạnh mới". Lần này, ông lặp lại lời kêu gọi, lên án "những hành vi nhất tâm xây dựng 'những sân riêng có tường cao' hoặc 'những hệ thống song song' bằng cách tập hợp những vòng tròn hoặc những khối nhỏ độc quyền làm thế giới phân cực".

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ưu tiên các quan hệ đối tác an ninh như Đối thoại An ninh Tứ giác và AUKUS, dường như để chống lại những gì các đồng minh phương Tây coi là mối đe dọa ngày càng tăng của Trung Quốc đối với trật tự quốc tế. AUKUS là một hiệp ước an ninh ba bên giữa Úc, Anh và Hoa Kỳ, được công bố vào ngày 15/9/2021 cho khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Ông Tập nhấn mạnh: "Việc đi quá xa với khái niệm an ninh quốc gia để kìm hãm những tiến bộ kinh tế và công nghệ của các nước khác, đồng thời kích động tư tưởng đối kháng và chính trị hóa hoặc vũ khí hóa các vấn đề kinh tế, khoa học và công nghệ, sẽ làm giảm sút nghiêm trọng các nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết các thách thức chung".

Các nhà lãnh đạo toàn cầu khác gồm tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Joko Widodo của Indonesia dự kiến sẽ phát biểu tại các cuộc họp của diễn đàn, kéo dài đến hết thứ Sáu.

An 2

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu tại hội nghị về biến đổi khí hậu COP26 của Liên hợp quốc ở Glasgow, Anh ngày 2/11/2021. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có bài phát biểu đặc biệt về "Nhà nước của thế giới", nêu ý tưởng về "phong trào P-3 [những người ủng hộ hành tinh]" để giúp đạt được mục tiêu về một môi trường bền vững.

Ông nói: "Chúng ta phải thừa nhận rằng lối sống của chúng ta là một thách thức lớn đối với khí hậu. Văn hóa vứt bỏ và chủ nghĩa tiêu dùng đã khiến thách thức về khí hậu ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn".

Thủ tướng Ấn Độ cho biết tăng trưởng của Ấn Độ trong 25 năm tới sẽ xanh, sạch, bền vững và đáng tin cậy. Ông nhắc lại rằng quốc gia Nam Á này đặt mục tiêu đạt lượng khí thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2070.

Ông Modi nói Ấn Độ cam kết trở thành đối tác đáng tin cậy trong chuỗi cung ứng toàn cầu và lưu ý rằng New Delhi đang nỗ lực hướng tới các hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia.

Thủ tướng Ấn Độ cũng đề cập đến vấn đề tiền điện tử, kêu gọi nỗ lực toàn cầu cùng nhau đối phó với những thách thức liên quan đến tài sản kỹ thuật số. "Loại công nghệ gắn liền với nó, những quyết định do một quốc gia đưa ra sẽ không đủ để đối phó với những thách thức của nó. Chúng ta phải có một tư duy tương tự", ông nói.

(Theo Nikkei Asia)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ