Trung Quốc bơm 154 tỷ USD vào nền kinh tế khi tăng trưởng chậm lại

Nhàđầutư
Trung Quốc sẽ cho phép các ngân hàng giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, động thái được cho rằng báo hiệu kinh tế nước này sẽ tăng trưởng chậm lại trong quý 2 và 3.
KIM NGÂN
13, Tháng 07, 2021 | 17:33

Nhàđầutư
Trung Quốc sẽ cho phép các ngân hàng giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, động thái được cho rằng báo hiệu kinh tế nước này sẽ tăng trưởng chậm lại trong quý 2 và 3.

China

ES6, xe SUV chạy bằng điện của công ty Trung Quốc NIO Inc., tại Triển lãm Ô tô Thượng Hải năm 2019. Ảnh: Bloomberg

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc vừa công bố cho phép tỷ lệ dự trữ bắt buộc giảm 0,5 điểm phần trăm vào thứ Năm tuần này đối với tất cả các ngân hàng.

Các nhà kinh tế cho biết như vậy 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (154 tỷ USD) sẽ được bơm vào nền kinh tế, và mục đích chính là hỗ trợ thêm tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ trong nước đang chịu nhiều áp lực chi phí.

Đây là lần cắt giảm đầu tiên trong vòng 15 tháng. Chính sách này cũng sẽ nới rộng sự khác biệt với Washington, hiện đang có lập trường ủng hộ thắt chặt kinh tế.

Dự trữ bắt buộc là số tiền các ngân hàng phải giữ trong kho bạc của họ theo một tỷ lệ quy định so với tổng tiền gửi. Việc giảm mức bắt buộc sẽ làm tăng lượng tiền mà các ngân hàng có thể cho các doanh nghiệp và cá nhân vay.

Theo các nhà phân tích, động thái của ngân hàng trung ương Trung Quốc cho thấy nước này thừa nhận có rủi ro đối với tăng trưởng. “Đó là một tín hiệu, một thông điệp rằng nhà chức trách đang quan tâm và có lưu ý về các rủi ro”, Andrew Tilton, kinh tế trưởng khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Goldman Sachs nói với CNBC.

Các nhà phân tích từ công ty tư vấn Eurasia Group cũng cho biết: “Động thái này là sự thừa nhận có những cản trở lớn đối với lợi nhuận doanh nghiệp, ổn định tài chính và tăng trưởng”.

Ngân hàng đầu tư UBS nói việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, ở một mức độ nào đó, khiến các nhà đầu tư cổ phiếu lo ngại thêm sự phục hồi kinh tế trong quý 2 và 3 có thể không tốt như mong đợi. “Điều này có thể tác động xấu đến các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm và tiêu dùng”.

Một số nhà kinh tế dự đoán GDP của Trung Quốc sẽ chỉ tăng 5% đến 6% trong nửa cuối của năm nay, mặc dù so với nền thấp của năm ngoái khi đại dịch dẫn đến các đợt phong tỏa diện rộng. Mức tăng trưởng là 18,3% trong quý 1, theo South China Morning Post.

Ren Zeping, nhà kinh tế trưởng của Soochow Securities, nói “cửa sổ” nới lỏng tiền tệ của Trung Quốc đang mở ra trong bối cảnh động lực kinh tế yếu đi.

Triển vọng kinh tế yếu đi bắt nguồn từ chi tiêu của người tiêu dùng yếu đi và do các doanh nghiệp vừa và nhỏ - nhóm sử dụng nhiều lao động nhất - phải vật lộn với chi phí nguyên liệu cao và sản lượng giảm. Giá hàng hóa giao tại nhà máy tăng 9% vào tháng 5, mức cao nhất trong 13 năm qua, và giảm nhẹ xuống còn 8,8% vào tháng Sáu.

“Nửa cuối năm nay và nửa đầu năm sau sẽ là thời điểm chuyển đổi. Nền kinh tế sẽ tăng trưởng chậm lại theo từng quý. Bất động sản và xuất khẩu sẽ là lực cản lớn nhất của nền kinh tế”, ông Ren Zeping nói.

“Các đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã giảm trong hai tháng liên tiếp. Trong nửa cuối năm, khi nhu cầu ở nước ngoài chuyển dần từ hàng tiêu dùng lâu bền sang dịch vụ, và khi năng lực sản xuất ở nước ngoài dần phục hồi, tăng trưởng xuất khẩu cao của Trung Quốc có thể không bền vững”. Hàng tiêu dùng lâu bền là loại hàng được sử dụng nhiều lần như đồ gia dụng và đồ điện tử.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc bắt đầu rút các biện pháp kích thích kinh tế trị giá 9 nghìn tỷ nhân dân tệ (1,39 nghìn tỷ USD) khi đại dịch đã được kiểm soát vào mùa hè năm ngoái, hướng tới chính sách tiền tệ “bình thường”.

Iris Pang, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của ngân hàng ING, nói động thái mới của Trung Quốc khiến bà cảm thấy bất an. “Các ngân hàng có bị căng thẳng không? Nếu đúng thế, điều đó có nghĩa là có thể đã có thêm các khoản nợ xấu. Trung Quốc có thể cần một đợt giảm dự trữ bắt buộc nữa trong quý 4”.

“Nếu những rắc rối của ngân hàng lan sang nền kinh tế nói chung - ví dụ như các ngân hàng không thể cấp tín dụng cho các doanh nghiệp làm ăn tốt do hạn chế về vốn và thanh khoản - cả dự trữ bắt buộc và lãi suất có thể đều cần giảm”.

“Các khoản nợ xấu có thể xuất phát từ việc đòn bẩy tài chính giảm gần đây, khi các ngân hàng không thể cho các nhà phát triển bất động sản vay dễ dàng như trước, và các công ty fintech cũng chịu tác động của việc giảm đòn bẩy tài chính”.

Các nhà kinh tế cho biết thêm những khó khăn của Trung Quốc có thể tồi tệ hơn do sự khác biệt trong chính sách ngày càng tăng so với những gì đang thấy ở Mỹ. 

Cheng Shi, nhà kinh tế trưởng của ICBC International, chi nhánh đầu tư của ngân hàng thương mại lớn nhất Trung Quốc, cho biết áp lực ngắn hạn của Trung Quốc nằm ở việc duy trì tăng trưởng, trong khi Mỹ đang tập trung kiềm chế lạm phát.

Các chính sách khác nhau sẽ dẫn đến lãi suất và tỷ giá hối đoái khác nhau, có thể dẫn tới những dòng vốn nóng ngoài ý muốn. Khi lãi suất ở Trung Quốc giảm, vốn có thể chảy ra khỏi nước này và vào Mỹ, nơi các nhà đầu tư có thể tìm thấy lợi nhuận cao hơn.

Hiện tượng này xảy ra trong nửa đầu năm khi lãi suất cao hơn ở Trung Quốc thu hút hàng nghìn tỷ nhân dân tệ tiền vốn, dấy lên lo ngại về sự xuất hiện của bong bóng tài sản.

“Trung Quốc có thể sẽ chứng kiến dòng vốn chảy ra khỏi nước này trong nửa cuối năm và tỷ giá đồng nhân dân tệ sẽ đối mặt với áp lực giảm giá, nhưng sẽ không quá gay gắt”, Yang Qinqin, giám đốc nghiên cứu tại Viện Tài chính Cao cấp Rushi, nói.

Sheng Songcheng, cựu trưởng phòng thống kê của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, cũng chia sẻ mối quan ngại tương tự: “Chúng ta phải cảnh giác với tác động lan tỏa của những thay đổi trong chính sách tiền tệ của Fed”.

“Việc Mỹ giảm nới lỏng tiền tệ sẽ thu hẹp khoảng cách lãi suất với Trung Quốc và đảo ngược dòng vốn. Khi dòng tiền nóng chảy ra khỏi Trung Quốc, tỷ giá đồng nhân dân tệ sẽ phải đối mặt với áp lực mất giá”.

Sheng cho biết nửa cuối năm nay sẽ là giai đoạn quan trọng để Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ một chút - không chỉ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc hơn nữa, mà còn giảm lãi suất.

Hiện chênh lệch lãi suất giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn tương đối lớn. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm từ mức cao vào cuối tháng 3 là 1,74% xuống còn 1,37%, so với 3% của trái phiếu Chính phủ Trung Quốc.

Sheng nói Trung Quốc phải tiếp tục nỗ lực để duy trì tăng trưởng kinh tế khi đã qua giai đoạn phục hồi. “Các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ trong nước đang gặp khó khăn. Giá nguyên liệu đầu vào quá cao. Do cạnh tranh gay gắt, các doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể chuyển giá cao cho người tiêu dùng, trong khi triển vọng tiêu dùng trong nửa cuối năm không sáng sủa.”

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ