Tiên phong phát triển du lịch miền núi Quảng Nam

Khu du lịch sinh thái cổng trời Đông Giang không chỉ tạo đòn bẩy phát triển du lịch miền núi phía Tây Quảng Nam, mà còn là nơi giải quyết việc làm cho người địa phương, nhất là đồng bào cơ tu.
THÀNH VÂN
18, Tháng 06, 2022 | 07:05

Khu du lịch sinh thái cổng trời Đông Giang không chỉ tạo đòn bẩy phát triển du lịch miền núi phía Tây Quảng Nam, mà còn là nơi giải quyết việc làm cho người địa phương, nhất là đồng bào cơ tu.

Cực phát triển mới về miền núi

Sau hơn 4 năm bền bỉ thi công, vượt qua các trở ngại về thời tiết và tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, dự án Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang có tổng diện tích hơn 120ha, với tổng vốn đầu tư hơn 2.600 tỷ đồng đã chính thức mở cửa đón khách tham quan giai đoạn 1 từ ngày 29/4. Theo đó, trong giai đoạn 1, khu du lịch này đã đưa vào hoạt động các dịch vụ trọn gói gồm: tham quan, ăn uống, nghỉ dưỡng và đưa đón theo tuyến cố định 2 chiều từ Đà Nẵng đến Đông Giang mỗi ngày.

Nằm cách trung tâm TP. Đà Nẵng 75km về phía Tây và cách TP. Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) khoảng 120km, khu du lịch được tạo hóa ưu ái với khí hậu mát mẻ quanh năm, nhiều hệ thống hang động, thác suối tự nhiên kỳ vĩ giao thoa. Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào Cơ Tu rất thuận lợi để phát triển du lịch gắn liền với bảo tồn văn hóa, thiên nhiên.

Bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc điều hành Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang cho biết, tỉnh Quảng Nam có 2 Di sản Văn hoá thế giới, có thế mạnh về du lịch biển, tuy nhiên, tiềm năng du lịch miền núi vẫn chưa được tập trung khai thác. Vì vậy, Tập đoàn FVG tiên phong đầu tư và khai phá tiềm năng này. Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang được thành lập sẽ khai mở tiềm năng phát triển du lịch của vùng rừng núi phía Tây Quảng Nam theo hướng bài bản, chuyên nghiệp, có đầu tư. 

Anh-1-cong-troi-dong-giang-

Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang chính thức mở cửa đón khách tham quan từ ngày 29/4 vừa qua. Ảnh: Thành Vân.

Theo bà Hương, khu du lịch là dự án du lịch trọng điểm phía Tây của tỉnh Quảng Nam. Việc dự án đi vào hoạt động sẽ cụ thể hoá chiến lược phát triển du lịch miền núi của địa phương; tạo nên điểm du lịch mới, góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh, các giá trị văn hóa bản địa. Đặc biệt, khu du lịch giúp giải quyết việc làm cho lao động địa phương, đặc biệt là người đồng bào Cơ Tu…

“Hiện, tổng nhân viên trong khu du lịch có 170 người, trong đó, hơn 50% là người đồng bào Cơ Tu, làm việc ở các bộ phận như bếp, buồng, bàn… Đặc biệt, khách đến đều sẽ được nhân viên người đồng bào Cơ Tu trong trang phục truyền thống đón tại quầy lễ tân. Qua đây, chúng tôi mong muốn gìn giữ, bảo tồn và giới thiệu nét văn hoá của người Cơ Tu đến với du khách”, bà Hương thông tin.

Dự kiến, đến cuối năm 2023, Cổng trời Đông Giang được đưa vào khai thác giai đoạn 2 với quy mô mở rộng và nhân lực tăng lên gấp đôi. Trong tương lai, Tập đoàn FVG sẽ liên kết với các trường cấp 3 trên địa bàn huyện Đông Giang để định hướng nghề nghiệp ngành du lịch cho các em học sinh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng để sinh kế người dân bản địa sẽ ổn hơn trong tương lai.

Theo bà Hương, khu du lịch đi vào hoạt động đúng vào thời điểm du lịch Việt Nam phục hồi sau dịch, trước mắt, chúng tôi kỳ vọng sẽ đón khách nội địa đến tham quan. Đây là sản phẩm cũng rất được lòng khách quốc tế, bởi vậy, trong tương lai gần, Tập đoàn sẽ tập trung quảng bá, khai thác thị trường này. Trong chuỗi cung ứng du lịch ở Quảng Nam và Đà Nẵng, Cổng trời Đông Giang sẽ tạo thêm điểm đến ấn tượng cho du khách.

Ông Avô Tô Phương, Chủ tịch UBND huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) cho biết, Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang hoạt động đã giải quyết việc làm cho người địa phương, nhất là đồng bào Cơ Tu. Trong quá trình thực hiện dự án này, địa phương gặp rất nhiều khó khăn khi Đông Giang là huyện miền núi. Do đó để thu hút được các doanh nghiệp tâm huyết không dễ dàng.

“Trong quá trình đầu tư, hệ thống giao thông đi lại khó khăn, kinh phí bồi thường lớn khiến việc đầu tư, xây dựng không dễ dàng. Hiện dự án đã xây dựng xong giai đoạn 1, cho thấy sự quyết tâm của Tập đoàn FVG đầu tư vào Khu du lịch sinh thái cổng trời Đông Giang. Nhưng muốn đón được du khách vào tham quan, du lịch thì phải hoàn thiện hệ thống giao thông, trong khi đường kết nối từ TP. Đà Nẵng lên dự án vẫn còn khó”, ông Phương cho hay. 

Đồng hành cùng nhà đầu tư

Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam đánh giá, Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang là dự án du lịch lớn nhất từ trước đến nay được đầu tư lên khu vực miền núi. Hiện đã xong giai đoạn 1 và cố gắng hoàn thành toàn bộ dự án sớm nhất. Từ đó cho thấy được sự nỗ lực quyết tâm của lãnh đạo tỉnh trong việc kêu gọi đầu tư, nỗ lực của ngành, địa phương trong việc xúc tiến và đặc biệt là tâm huyết của nhà đầu tư. 

“Dự án khi đi vào hoạt động giải quyết công ăn việc làm, sinh kế cho người dân tại địa phương, đồng thời tạo thêm sản phẩm du lịch mới cho tỉnh. Hiện chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với địa phương tạo mọi điều kiện hỗ trợ và giúp đỡ cho nhà đầu tư hoàn thành dự án. Khi đi vào hoạt động sẽ phối hợp xúc tiến điểm đến, đào tạo bồi dưỡng nguồn lao động tại chỗ, đặc biệt ưu tiên người đồng bào dân tộc Cơ Tu”, ông Hồng thông tin.

Theo ông Hồng, khu vực miền núi phía Tây tỉnh Quảng Nam có rất nhiều dư địa để phát triển du lịch sinh thái gắn với văn hoá, ẩm thực. Do đó, trong định hướng phát triển du lịch trong giai đoạn mới, tỉnh Quảng Nam sẽ mở rộng không gian du lịch về phía Tây của tỉnh.

“Du lịch Quảng Nam phát triển theo hướng du lịch xanh và bền vững. Tỉnh sẽ lấy cộng đồng người dân ở chính khu vực đó làm đối tượng chính tham gia để làm du lịch. Đồng thời, mời gọi nhà đầu tư và sự vào cuộc từ phía nhà nước”, ông Hồng nói và cho biết thêm, tỉnh đang tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, điện và nước cho khu vực miền núi để phát huy tối đa giá trị tại đây.

Liên quan đến phát triển hạ tầng giao thông, ông Văn Anh Tuấn, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Nam cho biết, ngành giao thông có trách nhiệm, và sẽ luôn đồng hành cùng với công cuộc phát triển kinh tế trên địa bàn. Thời gian vừa qua, hạ tầng giao thông miền núi, các tuyến quốc lộ, tuyến đường vào làng nghề, về cơ bản đã đáp ứng được. Tuy nhiên, đối với các khu du lịch, dự án mới, thì hạ tầng vẫn chưa thể theo kịp.

“Chính vì vậy, sắp tới, chúng tôi sẽ khẩn trương tiếp tục cùng với các bộ, ban ngành khác để rà soát, xem xét và nghiên cứu, đưa ra nhiều giải pháp hơn, tháo gỡ các khó khăn, qua đó phát triển toàn diện ngành du lịch của địa phương”, ông Tuấn nói.

Có thể nói, phát triển kinh tế miền núi ở Quảng Nam nhiều năm qua vẫn là bài toán khó, cần cả những nỗ lực từ doanh nghiệp và sự đồng hành của địa phương, người dân để tạo nguồn lực tổng hợp. Với những viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng cho miền núi phía Tây Quảng Nam chắc chắn mở ra một giai đoạn mới cho ngành du lịch nói riêng và cho kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam nói chung. 

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ