Thuế tập đoàn và bác xe ôm

Dư luận vừa dậy sóng trước thông tin ngành thuế đưa hộ, cá nhân kinh doanh như xe ôm, quán vỉa hè vào quản lý thuế nhưng có những vụ né thuế khủng lại ít được quan tâm, như với Facebook, Google, Agoda, Booking.com...
TRƯỜNG SƠN
13, Tháng 01, 2019 | 08:38

Dư luận vừa dậy sóng trước thông tin ngành thuế đưa hộ, cá nhân kinh doanh như xe ôm, quán vỉa hè vào quản lý thuế nhưng có những vụ né thuế khủng lại ít được quan tâm, như với Facebook, Google, Agoda, Booking.com...

Chuyện này cần được đặt lên bàn cân để đảm bảo thuế với các tập đoàn phải sòng phẳng như bác xe ôm, khi Chính phủ chủ trương năm 2019 phải mở rộng cơ sở thuế, tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước.

Mở rộng cơ sở thuế lo cho ngân khố quốc gia cũng như bố mẹ phải xoay xở để có thu nhập đủ chi tiêu trong gia đình. 

Mở rộng cơ sở thuế, với bác xe ôm, bà bán quán... đã tồn tại từ lâu, nhưng với Facebook, Google, bán hàng qua mạng... mới xuất hiện gần đây. 

Tuy nhiên những gì được nêu tại hội nghị ngành thuế năm 2019 vừa qua cho thấy chưa có sòng phẳng về thuế với các trường hợp này. 

Với bác xe ôm, ngành thuế đưa vào quản lý và thu thuế nếu doanh thu trên 100 triệu đồng/năm, trong khi Facebook doanh thu hàng ngàn tỉ đồng/năm nhưng ngành thuế chưa có hệ thống luật bài bản để quản chặt nguồn thu này.

Muốn mở rộng cơ sở thuế, hãy đặt trọng tâm vào nguồn thu mới. Đừng ngần ngại rằng việc siết chặt thuế với tập đoàn xuyên quốc gia, bán hàng qua mạng... là không ủng hộ kinh tế chia sẻ, đi ngược đà tiến bộ của công nghệ, của xã hội, là làm xấu môi trường đầu tư. 

Tâm lý này là có thật, khiến cho quản lý thuế Facebook, Google, bán hàng qua mạng... dây dưa mãi. 

Mới đây nhất là vụ cơ quan thuế chùn tay khi truy thu thuế của Sabeco, Unilever... và đã đẩy lên cấp trên. 

Thu thuế phải theo luật, căn cứ vào luật mới định ra được số thuế chưa nộp đủ, phải truy thu. Đã làm đúng luật thì có gì phải chần chừ, đùn đẩy. Bởi lẽ thu sai luật vẫn có nơi bảo vệ người nộp thuế, đó là tòa án.

Nghĩa vụ về thuế là bất di bất dịch, trách nhiệm của cơ quan thuế là tạo khuôn khổ cho mọi đối tượng chấp hành, từ cá nhân đến những tập đoàn lớn. 

Nhưng đến nay các tập đoàn công nghệ nước ngoài vẫn lơ là nghĩa vụ thuế. Họ luôn nhân danh sự tiến bộ về công nghệ, kinh tế chia sẻ và mô hình hoạt động của mình để né thuế. 

Nhưng chân lý chỉ có một. Bởi khi chính phủ của bất kỳ quốc gia nào vẫn phải trông vào thuế để có kinh phí hoạt động thì bất luận công nghệ có phát triển đến mức độ nào, cách thức hoạt động sản xuất kinh doanh thay đổi ra sao vẫn không thể tránh khỏi nộp thuế. 

Và nguyên tắc "doanh thu phát sinh ở đâu phải chịu thuế ở nơi đó" vẫn là cơ sở để mọi người nộp thuế và chính phủ nước đó thu thuế. 

Vì vậy, các tập đoàn này không thể đứng trên luật lệ khi nói rằng chuyện thuế là của bên mua, tôi - bên bán - không liên quan.

Việt Nam đang muốn nhanh chân hơn trong ứng dụng công nghệ để phát triển kinh tế, cũng cần nhanh chóng đi đầu trong việc hình thành luật pháp để buộc các tập đoàn xuyên quốc gia phải sòng phẳng và tuân thủ luật chơi. 

Kinh nghiệm cho thấy Liên minh châu Âu đã có cách buộc các tập đoàn xuyên quốc gia như Facebook, Google, Amazon... phải nộp thuế. 

Nhiều nước khác cũng đã nối gót. Chẳng lẽ chúng ta quy định bác xe ôm có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm phải nộp thuế lại không thể có những quy định chặt chẽ để buộc các tập đoàn lớn có doanh thu hàng ngàn tỉ vô tư với thuế, thoải mái nói "tôi không liên quan".

Theo TTO

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ