Thủ tướng: Phát triển du lịch bền vững, thay đổi cách làm du lịch 'một mùa'

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phát triển du lịch phải chuyển từ tư duy "cung cấp cái mình có" sang "cung cấp dịch vụ và sản phẩm mà khách hàng cần"; phát triển ngành du lịch nhanh, bền vững, từ du lịch "một mùa" sang hấp dẫn khách du lịch quay trở lại nhiều lần.
NGUYỄN TRI
15, Tháng 03, 2023 | 15:13

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phát triển du lịch phải chuyển từ tư duy "cung cấp cái mình có" sang "cung cấp dịch vụ và sản phẩm mà khách hàng cần"; phát triển ngành du lịch nhanh, bền vững, từ du lịch "một mùa" sang hấp dẫn khách du lịch quay trở lại nhiều lần.

Ngày 15/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề "Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển".

Khách nội địa đạt ngưỡng 100 triệu, khách quốc tế chưa như kỳ vọng

Ngày 15/3/2022 là dấu mốc quan trọng của du lịch Việt Nam với nỗ lực trở lại sau thời gian dài "ngủ đông" do dịch COVID-19. Đến tháng 3/2023, một năm sau dấu mốc này, du lịch Việt Nam đã gặt hái được thành công nhất định, nhất là "bùng nổ" du lịch nội địa.

Theo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng, với nhiều giải pháp để quảng bá, giới thiệu, xúc tiến Việt Nam – điểm đến an toàn sau đại dịch, khép lại năm 2022, ngành du lịch đã hoàn thành chỉ tiêu đạt 101,3 triệu lượt khách nội địa, vượt chỉ tiêu 60 triệu lượt đặt ra từ đầu năm. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495.000 tỷ đồng, góp phần vào tăng trưởng của đất nước.

Tuy vậy, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn cần khắc phục.

Năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,6 triệu lượt (bằng 70% so với chỉ tiêu đặt ra). Trong 2 tháng đầu năm 2023, tình hình khách quốc tế đến Việt Nam có sự tăng trưởng tốt, đạt 1,8 triệu lượt, bằng 50% so với lượng khách cả năm 2022.

thao-go-cho-du-lich (4)

Thủ tướng phát biểu tại hội nghị. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Theo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, nguyên nhân chính khiến thị trường khách quốc tế chưa đạt như kì vọng là do các doanh nghiệp du lịch Việt Nam vẫn còn phụ thuộc vào thị trường truyền thống, trong khi đó các thị trường này chưa mở cửa do tác động của COVID-19.

Cùng với đó, việc kết nối, khai thác các thị trường mới, thị trường tiềm năng chưa chủ động, còn chậm. Việc triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá, cung cấp thông tin về du lịch Việt Nam ra quốc tế chưa được thực hiện kịp thời, thường xuyên, liên tục.

Chính sách visa đã có nhiều đổi mới, tiến bộ song so với các quốc gia khác thì vẫn còn khiêm tốn. Sản phẩm du lịch chưa bắt kịp với xu thế hiện nay của thế giới, chưa phát huy được lợi thế về tài nguyên thiên nhiên nhất là tài nguyên văn hoá.

"Việc phát triển các loại hình sản phẩm du lịch có lợi thế ở Việt Nam chưa được quan tâm… Chúng ta mới tiếp cận theo cái chúng ta có mà chưa tiếp cận theo cái du khách cần, vì vậy ít nhiều ảnh hưởng đến thu hút khách", ông Hùng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm đến ngành du lịch, để 63 tỉnh/thành đều có 63 sản phẩm du lịch mang tính bản sắc; chú trọng nhiều hơn đến công tác kết nối, liên kết để bảo đảm được các chỉ tiêu mà nhiều địa phương đã đề ra.

Đề xuất cải cách mạnh mẽ chính sách visa

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga cho rằng, năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế, đạt doanh thu 650.000 tỷ đồng. Đây là con số phải quyết tâm đạt được, tuy nhiên cũng cần phải có nhiều giải pháp tập trung hơn đối với nhóm khách du lịch quốc tế có khả năng chi trả cao, lưu trú dài ngày ở Việt Nam.

thao-go-cho-du-lich (1)

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tới 63 tỉnh/thành phố.  Ảnh VGP/Nhật Bắc

Đại diện Tập đoàn BRG cho biết, hiện, Tập đoàn đang vận hành nhiều khách sạn và khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế và được các tập đoàn quốc tế top đầu của thế giới quản lý.

"Vì vậy, đối tượng chính của chúng tôi hiện nay đang có mức chi trả của du lịch cấp cao, gấp 2-3 lần mức của khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam, từ 200-300USD/ngày và thường ở 3-4 ngày. Chúng tôi có thế mạnh là kết hợp du lịch khách sạn với golf. Chưa bao giờ chúng ta có nhiều khách du lịch đến Việt Nam để chơi golf như hiện nay và du lịch golf của chúng ta đã được thế giới công nhận là một trong những điểm du lịch chơi golf tốt nhất", bà Nga nói.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường thì cho hay, năm 2019, khách quốc tế đến Việt Nam là 18 triệu, bằng 21% khách nội địa nhưng doanh thu của nhóm này chiếm gần 2/3 do họ có thời gian lưu trú dài, từ 8-12 ngày, thậm chí là những thị trường trọng điểm, họ có thể ở đến 15 ngày, chi tiêu từ 1.100 – 2.000 USD cho 1 chuyến đi.

Trong khi đó, tại thị trường nội địa, khách chủ yếu đi vào cuối tuần, với thời gian lưu trú từ 1 đến 2 ngày, mức chi tiêu cũng không bằng.

Theo ông Trường, vừa qua, các chính sách visa du lịch cũng đã có những điểm tiến bộ. Tuy nhiên, để có những đột phá hơn, có tính cạnh tranh trong tương lai và bền vững, chúng ta phải có những cải cách mạnh hơn nữa.

"Năm 2019, chúng ta đón 18 triệu lượt khách thì Thái Lan họ đón 40 triệu, 2023 chúng ta mục tiêu là 8 triệu thì họ đã đón 25 triệu và theo báo cáo của Bộ VHTT&DL thì năm 2030 chúng ta đón 35 triệu, thì Thái Lan đến năm 2027 họ là 80 triệu khách. Như vậy nếu như không có các giải pháp đột phá ngay bây giờ thì chúng ta sẽ về sau", ông Trường chia sẻ.

Tập đoàn Sun Group đề xuất các Bộ, ngành sớm xem xét phân tích, đánh giá, trình Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Quốc hội để sửa đổi bổ sung các quy định của Luật Xuất nhập cảnh.

Cụ thể, các quy trình được rút gọn làm sao chỉ trong 1 kỳ họp là xong và có thể có hiệu lực ngay. Các nội dung tăng thời hạn thị thực đối với khách du lịch quốc tế 90-180 ngày, thời gian tạm trú từ 30-45 ngày và cho phép nhập cảnh nhiều lần; đối với các quốc gia đơn phương miễn thị thực nhập cảnh, tăng từ 15 ngày lên 30 - 45 ngày và cũng cho nhập cảnh nhiều lần.

thao-go-cho-du-lich (2)

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Ảnh: T.V

Đại diện Tập đoàn này còn đề xuất, nghiên cứu đề xuất gia hạn hoặc mở rộng các đối tượng, các quốc gia có thể được miễn visa đơn phương, trong đó có những thị trường trọng điểm.

Hiện, thị trường Australia chi tiêu 4 tỷ USD/1 năm để đi du lịch, hay Canada trên 33 tỷ USD, hoặc các nước Bắc Âu như Hà Lan, Thụy Sỹ, Bỉ, họ đều chi từ 21 đến 26 tỷ USD, xếp trên cả Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch - những nước hiện nay thuộc chính sách được miễn visa.

"Ngày 4/11/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 143 giao Bộ VHTT&DL chủ trì đề xuất giải pháp nghiên cứu mở rộng đối tượng miễn visa nhập cảnh đơn phương. Tôi rất mong muốn trong thời gian tới sớm ban hành nghị quyết về vấn đề này, có thể trước mùa du lịch mùa hè để chúng ta đón du khách, thực hiện mong muốn đón 8 triệu khách, thậm chí còn hơn trong năm 2023", ông Trường chia sẻ thêm.

Tăng số lượng nước được miễn thị thực, đẩy mạnh hợp tác quốc tế

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển du lịch cần chuyển từ tư duy "cung cấp cái mình có" sang "cung cấp dịch vụ và sản phẩm mà khách hàng cần"; phát triển ngành du lịch nhanh, bền vững, từ du lịch "một mùa" sang hấp dẫn khách du lịch quay trở lại nhiều lần, cảm nhận được sự an toàn, lành mạnh, mến khách.

Thủ tướng nêu rõ 3 phương châm để phát triển du lịch. Đó là là tiếp tục đổi mới và nâng cao nhận thức, tư duy về phát triển du lịch, bảo đảm phát triển du lịch một cách bài bản, chuyên nghiệp, có quy hoạch và định hướng lâu dài; phát triển toàn diện và sâu rộng nhằm phát huy tối đa nội lực, huy động và sử dụng hiệu quả ngoại lực, nâng cao năng lực cạnh tranh và từng bước xây dựng, xác lập và định vị thương hiệu du lịch Việt Nam; tăng tốc, quyết liệt hành động hơn nữa để tạo ra đột phá trong phát triển du lịch. 

Thủ tướng yêu cầu tập trung rà soát, kịp thời cập nhật, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định về du lịch theo hướng đồng bộ, hiện đại và hội nhập, tạo thuận lợi cho khách du lịch cả nội địa và quốc tế. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, giải pháp đột phá để phát triển ngành du lịch, nhất là khai thác các yếu tố riêng có của Việt Nam.

thao-go-cho-du-lich (3)

Đến tháng 3/2023, du lịch Việt Nam đã gặt hái được thành công nhất định, nhất là "bùng nổ" du lịch nội địa. Ảnh: T.V

Bên cạnh đó, phải tiếp tục tăng cường đầu tư và huy động các nguồn lực cho phát triển du lịch. Trong đó, tham mưu, báo cáo đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp đầu tư hoặc cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư cho hạ tầng du lịch (hệ thống sân bay, bến cảng; phương tiện vận chuyển, dịch vụ du lịch có quy mô lớn; hệ thống chỉ dẫn công cộng theo hướng hiện đại...).

Các Bộ, ban, ngành, địa phương cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, các hộ kinh doanh du lịch tiếp cận các nguồn vốn, gói kích cầu; nâng cao năng lực kinh doanh và chất lượng sản phẩm dịch vụ, phù hợp với nhu cầu và biến động của thị trường du lịch. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số; hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam.

Theo Thủ tướng, cần sửa đổi, hoàn thiện chính sách về thủ tục xuất nhập cảnh cho khách quốc tế theo hướng tăng số lượng nước được miễn thị thực và kéo dài thời hạn lưu trú phù hợp với lệ phí hợp lý, mở rộng visa điện tử; tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước, quốc tế mở các đường bay và trực tiếp kết nối Việt Nam với các thị trường du lịch trọng điểm, tiềm năng.

Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là với các tập đoàn, tổng công ty du lịch lớn, đa quốc gia trong thúc đẩy kết nối, thu hút các thị trường khách lớn, tiềm năng theo nguyên tắc "Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Thủ tướng yêu cầu Bộ VHTT&DL tiếp tục đáp ứng tốt nhu cầu du lịch nội địa. Tập trung khai thác có hiệu quả các thị trường nguồn khách quốc tế lớn, chú trọng khai thác các thị trường có khả năng chi trả cao, nghỉ dưỡng dài ngày, đẩy mạnh phát triển và khai thác phân khúc khách theo các sản phẩm chuyên đề mà Việt Nam có thế mạnh.

UBND các tỉnh, thành phố tích cực, chủ động phối hợp, thúc đẩy liên kết du lịch để cùng phát triển sản phẩm, nguồn nhân lực, quản lý, đầu tư phát triển du lịch. Thường xuyên lắng nghe, trao đổi, giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh, bền vững, đúng pháp luật.

Trong giai đoạn mới, Thủ tướng tin tưởng du lịch Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ theo hướng "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện", thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, góp phần quan trọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Tỉ giá đang cập nhật
Điều chỉnh kích thước chữ