‘Thế kẹt’ của Cảng Đà Nẵng

Nhàđầutư
TP. Đà Nẵng đang xúc tiến xây dựng Cảng Liên Chiểu với tổng vốn đầu tư từ ngân sách dự kiến ban đầu khoảng 32.000 tỷ đồng. Trong khi đó, Cảng Tiên Sa thuộc địa phương này mới chỉ khai thác được khoảng hơn 50% công suất.
VĂN DŨNG
29, Tháng 10, 2019 | 07:00

Nhàđầutư
TP. Đà Nẵng đang xúc tiến xây dựng Cảng Liên Chiểu với tổng vốn đầu tư từ ngân sách dự kiến ban đầu khoảng 32.000 tỷ đồng. Trong khi đó, Cảng Tiên Sa thuộc địa phương này mới chỉ khai thác được khoảng hơn 50% công suất.

Cảng Tiên Sa mới khai thác được 50-60% công suất

Cảng Tiên Sa nằm ở Vịnh Đà Nẵng, thuộc quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng. Đây là cảng nước sâu lớn bậc nhất miền Trung và là cửa ngõ thông thương quan trọng trên hành lang kinh tế Đông Tây.

Năm 2014, Cảng Tiên Sa được cổ phần hóa trên cơ sở chuyển đổi hình thức sở hữu từ Công ty TNHH Nhà nước MTV sang Công ty CP Cảng Đà Nẵng theo quyết định của HĐTV Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.

Sau cổ phần hóa, vốn chủ sở hữu của Cảng Đà Nẵng tăng đều qua năm,  đặc biệt, từ 2017 - 2018 vốn chủ sở hữu của công ty tăng từ 870 tỷ đồng lên hơn 1.200 tỷ đồng. Bên cạnh đó, vốn điều lệ tăng từ 660 tỷ đồng năm 2014 lên 990 tỷ đồng năm 2018.

Với hai khu cảng chính là Xí nghiệp Cảng Tiên sa và Cảng Sơn Trà, sở hữu 1.400m cầu bến cùng các thiết bị xếp dỡ và các kho bãi hiện đại, có năng lực khai thác lên đến 12 triệu tấn hàng mỗi năm, giai đoạn 2019 - 2023 đơn vị này đặt mục tiêu sản lượng hàng năm tăng trưởng từ 10-15 %. Năm 2019 đạt 9,15 triệu tấn hàng, trong đó có container đạt 400.000 teus và đến năm 2023, sản lượng thông qua sẽ là 13,4 triệu tấn, container đạt 585.600 teus. Tăng trưởng bình quân doanh thu là 10%, tăng trưởng lợi nhuân thu về tiếp tục duy trì ở mức 10-12%...

Mặc dù vậy, trao đổi với Nhadautu.vn, ông Trần Lê Tuấn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Cảng Đà Nẵng, cho biết công suất hoạt động của Cảng Tiên Sa hiện vẫn mới nằm ở mức 50-60% (6 triệu tấn/năm).

“Để đạt hết công suất của Cảng Tiên Sa thì ít nhất phải 5 năm nữa”, ông Tuấn nói.

Cửa ngõ quốc tế bí đường nội địa

Một trong các nguyên nhân khiến Cảng Tiên Sa chưa được khai thác xứng tầm được cho là do thế kẹt của hạ tầng giao thông kết nối nội địa. Vị trí của cảng này từng được đánh giá rất cao vì có hệ thống giao thông đường bộ nối liền thông suốt giữa cảng với Sân bay quốc tế Đà nẵng và Ga đường sắt; cách Quốc lộ 1A khoảng 12 km và gần đường hàng hải quốc tế. Tuy nhiên, cùng với tốc độ đô thị hóa Đà Nẵng, kết nối cảng với hạ tầng giao thông nội địa đang trở nên quá tải. Cảng nằm ở cuối đường Yết Kiêu thuộc quận Sơn Trà và hàng hóa qua cảng phải lưu thông qua các tuyến đường thuộc nội đô TP. Đà Nẵng như Ngô Quyền, Ngũ Hành Sơn.

Vì vậy, dù đang sở hữu một cảng nước sâu được các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá là có điều kiện tự nhiên lý tưởng bậc nhật miền Trung, lãnh đạo TP. Đà Nẵng đã lên ý tưởng và trình Thủ tướng Chính phủ đề án xây dựng cảng nước sâu Liên Chiểu để thay thế cho cảng Tiên Sa, dù cảng mới đã được cảnh báo có thể tiêu tốn nhiều chi phí nạo vét do dễ bị bồi lấp và tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm do nằm đầu nguồn Vịnh Đà Nẵng.

Đầu năm 2019, sau nhiều năm ấp ủ, kế hoạch của Đà Nẵng đã nhận được sự đồng ý của Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng. Theo thông báo 01 ngày 3/1/2019 của Văn phòng Chính phủ, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có ý kiến kết luận và nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án cảng Liên Chiểu, cùng với cảng Tiên Sa trở thành cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại 1). Phó thủ tướng giao UBND TP.Đà Nẵng đảm nhận toàn bộ việc đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu; chịu trách nhiệm quản lý và thực hiện đầu tư các hạng mục công trình xây dựng của dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách.

dscf1947-0659

Vấn đề của Cảng Tiên Sa hiện nay là đang “bức bí về giao thông”.

Tiến thoái ra sao?

Vấn đề đặt ra giờ đây chính là việc thu xếp nguồn vốn cho Liên Chiểu. Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cảng Liên Chiểu thể hiện, có quy mô 220 ha với tổng vốn đầu tư dự kiến 32.860 tỷ đồng, được chia làm 3 giai đoạn. Trong đó, riêng giai đoạn 1 (đến năm 2022) có tổng mức đầu tư hơn 7.370 tỷ.

Trong bối cảnh “thắt lưng buộc bụng” ngân sách và đầu tư công, đây là bài toán không dễ có lời giải.  Chưa nói tới một bài toán còn khó khăn hơn, là hiệu quả kinh tế của dự án đầu tư này.

Vì vậy, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng thời cũng đã giao Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án theo quy định của pháp luật, trong đó cần so sánh các phương án tổ chức giao thông đến Bến cảng Tiên Sa và Bến cảng Liên Chiểu để chọn phương án tối ưu (trong đó, khẳng định rõ sự cần thiết có hay không đầu tư Bến cảng Liên Chiểu để đáp ứng yêu cầu về vận tải hàng hóa, đảm bảo an toàn giao thông, hiệu quả đầu tư của Dự án và đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững).

Theo ông Trần Lê Tuấn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Cảng Đà Nẵng, vấn đề của Cảng Tiên Sa hiện nay đang “bức bí về giao thông”, chỉ cần giải quyết 3km đường Ngô Quyền để giao thông thông thoáng ở cửa đi vào cảng là phù hợp.

Như Nhadautu.vn đã đưa, tại Hội nghị thảo luận về Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng tổ chức mới đây, đơn vị tư vấn Surbana Jurong (Singapore) cũng chính thức bày tỏ quan điểm mở rộng cảng Tiên Sa, không phát triển cảng Liên Chiểu.

Trao đổi với Nhadautu.vn, chuyên gia Singapore cho rằng, Cảng Tiên Sa hiện tại vẫn chưa khai thác hết công suất là do dây chuyền chưa hiện đại cộng với bức bối về hạ tầng giao thông ra vào cảng. Vì vậy, cách giải quyết bài toán đối với cảng này không phải là xây dựng một cảng biển thay thế.

“Cách tốt nhất là nâng cấp dây chuyền của Cảng Tiên Sa lên. Bên cạnh đó cần tập trung giải quyết vấn đề về giao thông. Đằng nào cũng phải thiết kế lại hạ tầng giao thông ở khu vực này”, chuyên gia này cho biết.

Cũng theo chuyên gia trên, phương án trên do đơn vị tư vấn nghiên cứu góp ý, còn thực hiện hay không phụ thuộc vào TP. Đà Nẵng.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ