Thất thu hàng ngàn tỷ đồng vì dự án điện gió 'lỡ nhịp'

Nhàđầutư
Theo lãnh đạo các địa phương ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), hiện nay đã có hàng chục dự án điện gió đã xây dựng hoàn thành nhưng chưa thể phát điện thương mại đã làm cho ngân sách địa phương hụt nguồn thu hàng ngàn tỷ đồng so với kế hoạch.
AN HÒA
23, Tháng 03, 2023 | 10:48

Nhàđầutư
Theo lãnh đạo các địa phương ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), hiện nay đã có hàng chục dự án điện gió đã xây dựng hoàn thành nhưng chưa thể phát điện thương mại đã làm cho ngân sách địa phương hụt nguồn thu hàng ngàn tỷ đồng so với kế hoạch.

dien gio 23-3

Nhiều dự án điện gió phải "phanh Turbine" chờ đàm phán giá mua bán điện. Ảnh TL

Hàng chục dự án phải "phanh turbine"

Theo Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng, địa phương có 20 dự án điện gió, với tổng công suất 1.435 MW được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung quy hoạch phát triển điện. Đến nay, có 18 dự án đã được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư. Đến ngày giá FIT hết hạn (31/10/2021) có 110,8 MW đưa vào vận hành thương mại.

Hiện nay đã có 6 dự án đã hoàn thành thi công, quy mô công suất 295,6 MW. Ước tính khi các nhà máy này đi vào vận hành sẽ đóng góp hàng trăm tỷ đồng cho ngân sách của địa phương. Tuy nhiên, do nhiều dự án "lỡ nhịp" hưởng giá FIT, chủ đầu tư phải đàm phán lại giá mua bán điện (PPA) với Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) nên nhà máy chưa đi vào vận hành.

"Hiện tại, có 2 dự án cũng đang xây dựng dỡ dang, 7 dự án khác được chấp thuận chủ trương nhưng nhà đầu tư còn chờ chính sách mới nên chưa khởi công xây dựng. Tỉnh Sóc Trăng có thuận lợi hơn nhiều địa phương khác nhờ hệ thống truyền tải quy mô công suất lớn phục vụ cho dự án nhiệt điện Long Phú nên việc giải tỏa công suất cho các dự án điện gió, điện mặt trời trên địa bàn không gặp khó khăn gì", ông Võ Văn Chiêu, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng cho hay.  

Tương tự như vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Quỳnh Thiện cho biết, hiện nay có 4 dự án điện gió là: Nhà máy điện gió Duyên Hải, do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện gió Duyên Hải làm chủ đầu tư; Nhà máy điện gió Đông Thành 1, do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện gió Đông Thành 1 làm chủ đầu tư; Nhà máy điện gió Đông Thành 2, do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đông Thành 2 làm chủ đầu tư và Nhà máy điện gió Thăng Long, do Công ty Cổ phần tập đoàn năng lượng Thăng Long đầu tư. Theo báo cáo của các chủ đầu tư hiện nay các dự án đã hoàn thành và sẵn sàng vận hành thương mại khi đàm phán xong giá điện với EVN.

"Dự kiến khi đưa vào vận hành khai thác, hàng năm 4 dự án này sẽ cung cấp nguồn năng lượng sạch với sản lượng điện hơn 1.450 triệu kWh/năm, doanh thu khoảng 1.700 tỷ đồng, nộp ngân sách 700 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho 450 lao động tại địa phương", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh kỳ vọng.

Theo Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, địa phương có 14 dự án điện gió được cấp chủ trương đầu tư với tổng công suất 800MW. Tính đến thời điểm giá FIT hết hạn (31/10/2021), chỉ có 3 dự án với công suất 100 MW kịp phát điện thương mại, hiện nay đã có thêm 3 dự án với công suất trên 200MW đã cơ bản hoàn thành nhưng chưa thể vận hành thương mại.

Lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Bến Tre cũng cho biết, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 4 nhà máy điện gió đi vào hoạt động, phát điện thương mại với tổng công suất vận hành 93,05MW; sản lượng điện mỗi năm ước đạt khoảng 80 triệu kWh. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 4 dự án điện gió đang triển khai, sắp hoàn thành với tổng công suất 140MW. Khi tất cả dự án này đi vào vận hành thương mại sẽ góp phần rất lớn trong phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, đặc biệt là mang về nguồn thu cho ngân sách hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm. 

Vùng ĐBSCL có 7 tỉnh ven biển. Theo đánh giá của Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ), khu vực ven biển các vùng ĐBSCL có tốc độ gió rất cao, trung bình từ 6,5 đến 7m/s. Những tháng cao điểm lên tới 11m/s và đón được các hướng gió chính, có nhiều tiềm năng phát triển điện gió.

Thời gian qua các địa phương có lợi thế phát triển điện gió cũng đã thu hút được nhiều dự án đầu tư điện gió. Tuy nhiên, đến ngày 31/10/2021 chỉ có 23 dự án đi vào vận hành thương mại (COD), trong đó có 6 dự án COD thương mại một phần; 31 dự án mặc dù đã ký hợp đồng PPA theo giá FIT nhưng do hoàn thành trễ hạn nên không được hưởng giá FIT. Đến thời điểm này đã có nhiều dự án trong số này đã hoàn thành xây dựng nhưng phải "phanh turbine" để chờ đàm phán lại với EVN hợp đồng PPA theo khung giá mới.

Các dự án điện gió chậm được đưa vào vận hành thương mại không chỉ làm cho địa phương thất thu ngân sách mà đã  đẩy nhiều chủ đầu tư đến bờ vực phá sản vì vỡ phương án tài chính, hàng chục ngàn tỷ đồng tín dụng đầu tư điện gió có nguy cơ chuyển thành nợ xấu.

thi cong luc dich bung phat

Nhiều dự án điện gió phải thi công trong lúc dịch COVID-19 bùng phát nhưng vẫn "lỡ nhịp" vận hành để được hưởng giá FIT. Ảnh QB 

Thủ tục đàm phán PPA phức tạp

Theo EVN đến thời điểm hiện tại chỉ mới có 1 chủ đầu tư trong số 62 dự án điện gió "lỡ nhịp" nộp hồ sơ để đàm phán lại giá điện theo cơ chế giá mới. Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân cho biết phía EVN rất mong nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các chủ đầu tư trong quá trình chuẩn bị hồ sơ đàm phán với mong muốn các dự án chuyển tiếp được đưa vào vận hành trong thời gian sớm nhất trên cơ sở đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Đại diện EVN cũng bày tỏ mong muốn Bộ Công Thương sớm có văn bản hướng dẫn phương pháp đàm phán theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ làm căn cứ để EVN và chủ đầu tư các dự án chuyển tiếp tiến hành đàm phán.

Trong khi đó, theo đại diện Tập đoàn T&T Group: lý do khiến chủ đầu tư chậm trễ trong việc nộp hồ sơ, là do gặp phải vướng mắc trong hoàn thiện bộ hồ sơ.

"Đến nay, 34 dự án điện gió, điện mặt trời tương đương 2.091 MW đã hoàn thành đầu tư xây dựng, trong đó một số dự án đã hoàn thành vận hành thử nghiệm, được Bộ Công thương nghiệm thu. Như vậy, có nghĩa là, các dự án này đã hoàn toàn đủ điều kiện để đấu điện lên lưới. Do đó, các nhà đầu tư kiến nghị, trong thời gian chờ cơ quan quản lý nhà nước xem xét lại khung giá, các nhà đầu tư thực hiện đàm phán với EVN thì Bộ Công Thương cho phép huy động ngay đối với các dự án chuyển tiếp đã đủ điều kiện vận hành với giá tạm tính bằng 90% giá điện nhập khẩu để tránh lãng phí nguồn lực xã hội, cũng như nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp", bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó tổng giám đốc phụ trách lĩnh vực năng lượng Tập đoàn T&T đề xuất.

Theo ông Phạm Lê Quang - Giám đốc Phát triển Dự án Năng lượng tái tạo- Bamboo Capital, các dự án điện chuyển tiếp đều đã có ký hợp đồng PPA với EVN trước đây, như vậy trong lần đàm phán thứ hai này, EVN chỉ nên yêu cầu chủ đầu tư cập nhật bổ sung thêm thành phần hồ sơ còn thiếu để nhà đầu tư dễ thực hiện.

"Đơn cử, như trong thành phần hồ sơ đàm phán mà EVN yêu cầu phải có đánh giá của cơ quan vận hành hệ thống điện về khả năng giải toả công suất, trong khi đây lại là việc nội bộ của EVN, nên thủ tục này đang làm khó cho doanh nghiệp", ông Quang phản ánh.

Được biết, đến ngày 31/10/2021, có 62 dự án điện gió với tổng công suất gần 3.480 MW mặc dù đã ký hợp đồng PPA với EVN nhưng do trễ hạn hoàn thành đã không kịp COD hưởng giá FIT.

Tính đến thời điểm hiện tại đã có 28 dự án điện gió, 6 dự án điện mặt trời đã hoàn thành đầu tư xây dựng, ước tính tổng vốn đã đầu tư gần 85.000 tỷ đồng trong đó khoảng trên 58.000 tỷ đồng được tài trợ từ nguồn vốn ngân hàng. Do vậy, các dự án điện hoàn thành nhưng chậm được đưa vào vận hành thương mại, nguồn vốn tín dụng đầu tư các dự án điện có nguy cơ chuyển thành nợ xấu gây lãng phí lớn nguồn lực xã hội, cũng như nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp.

Bộ Công Thương vừa ban hành văn bản số 1553/BCT-ĐTĐL, ngày 20/3/2023 gửi EVN về việc thỏa thuận giá điện với nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.

Theo đó, Bộ Công Thương yêu cầu, EVN khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư trên, để thống nhất giá điện trước ngày 31/3/2023 nhằm sớm đưa các nhà máy vào vận hành, tránh gây lãng phí tài nguyên.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ