Thành lập hãng hàng không chuyên biệt vận tải tại Đà Nẵng - Bài 2: Chuẩn bị cơ sở hạ tầng

Nhàđầutư
Không chỉ đáp ứng được cơ sở hạ tầng cho việc thành lập cảng hàng không chuyên biệt vận tải hàng hóa, TP. Đà Nẵng còn đang lên kế hoạch cho việc mở rộng và xây dựng sân bay quốc tế Đà Nẵng, đến tầm nhìn 2050.
PHƯỚC NGUYÊN
22, Tháng 08, 2021 | 06:30

Nhàđầutư
Không chỉ đáp ứng được cơ sở hạ tầng cho việc thành lập cảng hàng không chuyên biệt vận tải hàng hóa, TP. Đà Nẵng còn đang lên kế hoạch cho việc mở rộng và xây dựng sân bay quốc tế Đà Nẵng, đến tầm nhìn 2050.

Cơ sở hạ tầng hiện nay

Theo số liệu phân tích của cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng (DIA), hiện nay, sản lượng hàng hóa thông qua cảng còn rất khiêm tốn so với nhu cầu của thị trường khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung.

Nguyên nhân chủ quan do nhà ga hàng hóa hiện có đã khai thác đạt 40.626 tấn năm 2019 (trước dịch COVID-19), vượt mức công suất thiết kế 18.000 tấn hàng hóa/năm. Tháng 3/2021, DIA đã nộp hồ sơ xin phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng Nhà ga hàng hóa mới công suất 100.000 tấn /năm.

Tuy nhiên, do vướng mắc về pháp luật trong phê duyệt chủ trương đầu tư, TP. Đà Nẵng đã có văn bản xin ý kiến Bộ KH&ĐT. Cảng sẽ triển khai dự án ngay sau khi hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư. Ngoài ra, vấn đề này còn một nguyên nhân quan trọng khác là Đà Nẵng vẫn chưa có tàu bay vận tải hàng hóa chuyên dụng (tàu bay Cargo) khai thác các đường bay thường lệ đến địa phương.

Theo dữ liệu thống kê toàn mạng cảng hàng không Việt Nam giai đoạn 2010-2019, sản lượng vận chuyển hàng hóa quốc nội do các hãng hàng không chuyên chở trên cùng chuyến bay hành khách chỉ tăng trưởng rất hạn chế.

Cụ thể: Nội Bài đạt 1,72 lần sau 9 năm; Tân Sơn Nhất đạt 1,92 lần; Đà Nẵng đạt 2,65 lần (giá trị tuyệt đối sản lượng hàng hóa thông qua DIA rất thấp so với 2 đầu). Trong khi đó sản lượng hàng hóa quốc tế chủ yếu bằng tàu bay cargo đã giúp Nội Bài tăng năng lực 4,85 lần trong cùng kỳ; Tân Sơn Nhất tăng 2,06 lần. 

bai-2

Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: Phước Nguyên.

Vì vậy, quy luật phát triển lĩnh vực hàng hóa hàng không đòi hỏi phải khai thác tàu bay cargo chuyên dụng hoặc tàu bay chuyển phát nhanh như DHL, Fedex… để đạt công suất trên 200.000 tấn/năm.

Ngoài ra, trường hợp Tân Sơn Nhất khai thác nội địa 214.118 tấn trong năm 2019 có được nhờ số lượng rất lớn tàu bay vận chuyển 25.594.835 hành khách quốc nội, Đà Nẵng không thể tiếp cận theo cách này để gia tăng lượng hàng hóa thông qua cảng.

Để trở thành Hub hàng hóa với công suất trên 300.000 tấn/năm, cần rất nhiều hãng cargo vận hành các đường bay quốc tế thường lệ như tại Nội Bài, Tân Sơn Nhất hiện nay. Do đó, Đà Nẵng cần con đường ngắn hơn để phát triển hàng hóa bằng việc mời gọi và trở thành điểm đến hoặc căn cứ của các hãng vận chuyển Cargo quốc tế và chuỗi cung ứng logistics chuyên nghiệp hơn là chỉ dựa vào đội tàu bay chở khách quốc nội với tải trọng khoang hàng rất hạn chế.

Dựa vào số liệu phân tích trên, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng - Chi nhánh Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) cho rằng, việc Đà Nẵng gửi đề xuất đến Bộ Giao thông về vấn đề lập Hãng hàng không chuyên biệt vận chuyển hàng hóa IPP Air Cargo tại DIA là phù hợp Quy hoạch chung của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Đồng thời, địa phương đã xác định phát triển phân khu sân bay thành trung tâm logistics chuyên dụng hàng không.

“Hiện nay cơ sở hạ tầng của sân bay Đà Nẵng hoàn toàn đáp ứng nhu cầu thành lập cảng hàng không chuyên biệt vận tải hàng hóa, khi thực hiện quy hoạch theo Văn bản số 1574/TB-CHK ngày 14/4/2021 Thông báo kết luận của Cục trưởng Cục HKVN tại cuộc họp xem xét, góp ý đối với phương án điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050”, Ông Lê Hoài Nam khẳng định.

Theo ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng, cảng hàng không Quốc tế Đà Nẵng là một trong những cảng hàng không quốc tế lớn của cả nước, là cửa ngõ đường không quốc tế tại khu vực miền Trung. Cùng với đó, đây là cảng hàng không trung chuyển trục Bắc-Nam, chức năng nội địa liên vùng và nội vùng, nối liền miền Bắc với miền Nam.

Vì vậy, ông Lê Văn Trung cũng đánh giá cơ sở hạ tầng hiện nay của sân bay đảm bảo khả năng tiếp nhận các loại tàu bay vận tải hàng hóa trên thế giới. Năm 2019 (trước dịch COVID-19), Cảng đã phục vụ sản lượng hàng hóa đạt 40,66 nghìn tấn, hành khách đạt 15.543.598 lượt khách.

Chuẩn bị cơ sở hạ tầng về lâu dài

Về vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho hãng hàng không vẫn tải chuyển biệt, ông Lê Hoài Nam Phó Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng - Chi nhánh Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) cho biết, hiện nay, tổng công suất vận tải hàng hóa (thiết kế) tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đạt 956.000 tấn/năm với sản lượng thông qua năm 2019 đạt 706.339 tấn.

Sản lượng hàng hóa thông qua Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất năm 2019 đạt 692.483 tấn. Nhà ga hàng hóa mới 100.000 tấn/năm tại DIA đang trong giai đoạn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, nhưng cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đã có kế hoạch chuyển loại và đào tạo lại cho nhân viên khu vực kinh doanh phi hàng không để sẵn sàng tiếp thu chuyển giao công nghệ vận hành ga hàng hóa mới.

Sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà ga hàng hóa mới DIA sẽ được thi công khẩn trương để đưa vào phục vụ từ năm 2023 là thời điểm bắt đầu giai đoạn phục hồi hậu COVID-19, sẽ tạo động lực mới cho khu vực chế tạo CNC và gia công hàng xuất khẩu của TP. Đà nẵng, làm căn cứ cho các hãng vận chuyển cargo như IPP Air Cargo khi đi vào vận hành trong giai đoạn đến 2030.

Theo đánh giá của Phó Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng - Chi nhánh Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV), việc phát triển phân khu sân bay thành trung tâm logistics chuyên dụng hàng không với quy mô xử lý đến hàng triệu tấn hàng hóa/năm giai đoạn sau 2030 là chiến lược lâu dài, ngoài bài toán huy động nguồn lực tham gia chuỗi cung ứng logistics hàng không, thiết lập mạng lưới kho hàng không nối dài tại các khu CN/khu CNC, tự động hóa quản lý kho bãi,…việc tái phân bổ quỹ đất sân bay (phần lớn đang do quân sự quản lý) cho việc phát triển hạ tầng logistics là vấn đề tiên quyết.

Qua đó, lãnh đạo thành phố đã có nhiều chuyến khảo sát thực địa và làm việc với các đơn vị hữu quan trên địa bàn để thống nhất đề xuất lên cấp thẩm quyền phương án sử dụng đất, tái phân bổ quỹ đất cần thiết thực hiện quy hoạch điều chỉnh theo công văn 1574/TB-CHK của Cục hàng không Việt Nam.

“Chúng tôi luôn tin tưởng vào sự quyết tâm của chính quyền TP. Đà Nẵng trong bước đi đầu tiên hiện thực hóa quy hoạch chung thành phố là xây dựng 2 trụ cột tăng trưởng mới là phát triển trung tâm logistics hàng không và khu hậu cần cảng biển Liên Chiểu”, Ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng - Chi nhánh Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV)  kỳ vọng.

Về định hướng quy hoạch đến năm 2030, ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng cho hay, theo Quyết định 236/QĐ-TTg ngày 20/3/2018 của Thủ tướng chính phủ, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng phục vụ đến 100.000 tấn hàng hóa và 28 triệu lượt hành khách.

Bên cạnh đó, cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đang có kế hoạch đầu tư xây dựng nhà ga hàng hóa mới công suất 100.000 tấn/năm dự kiến khởi công đầu năm 2022 và các công trình nhà ga, hạ tầng kỹ thuật đáp ứng sự phát triển sản lượng khai thác thông qua Cảng.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng cho biết, để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách ngày càng tăng cao, trong quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, địa phương sẽ mở rộng và kết nối giao thông về phía Tây sân bay để phục vụ vận chuyển hàng hóa và hành khách nhằm giảm tải cho phía đô thị trung tâm thành phố. Xây dựng tuyến đường kết nối Đông - Tây qua sân bay.

Do đó, thành phố cũng đang phối hợp với Cục hàng không Việt Nam và các đơn vị liên quan Lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng giai đoạn đến 2030 và tầm nhìn 2050, trong đó có chú trọng đến quy hoạch cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không và Trung tâm Logistic hàng không tại sân bay Đà Nẵng.

(Còn nữa)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25153.00 25453.00
EUR 26686.00 26793.00 27986.00
GBP 31147.00 31335.00 32307.00
HKD 3181.00 3194.00 3299.00
CHF 27353.00 27463.00 28316.00
JPY 161.71 162.36 169.84
AUD 16377.00 16443.00 16944.00
SGD 18396.00 18470.00 19019.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 18223.00 18296.00 18836.00
NZD   14893.00 15395.00
KRW   17.76 19.41
DKK   3584.00 3716.00
SEK   2293.00 2381.00
NOK   2266.00 2355.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ