Tham vọng của Gunkul Engineering - đại gia năng lượng Thái tiếp theo vào Việt Nam

Nhàđầutư
Nếu tính cả dự án Phong Điền II, Gunkul riêng năm 2020 đã M&A thành công 3 dự án điện mặt trời tại Việt Nam.
HÓA KHOA
07, Tháng 12, 2020 | 12:32

Nhàđầutư
Nếu tính cả dự án Phong Điền II, Gunkul riêng năm 2020 đã M&A thành công 3 dự án điện mặt trời tại Việt Nam.

0051_gunkul

1 dự án điện mặt trời ở Việt Nam (Ảnh: Internet)

Nhóm Wealth Power Group bất ngờ thoái vốn

Gunkul Engineering Plc (Thái Lan) vừa thông báo đã M&A thành công 100% CTCP Đầu tư Đoàn Sơn Thủy - chủ dự án Nhà máy điện mặt trời Phong Điền 2 (thôn Lương Mai, xã Phong Chương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), tổng công suất 50 MW.

Mức giá mà Gunkul Engineering Plc phải chi là 39,8 triệu USD, tương đương 895,5 tỷ đồng.

Thực tế, HĐQT Gunkul Engineering Plc (Thái Lan) từ tháng 7/2020 đã thông qua Nghị quyết phê duyệt việc mua lại 100% cổ phần của CTCP Đầu tư Đoàn Sơn Thủy.

Dù vậy, thương vụ M&A này vẫn có phần bất ngờ với giới đầu tư, bởi 2 cựu cổ đông lớn nhất của Đoàn Sơn Thủy - Bangjak Green Energy Company Limited (49%), bà Trần Thị Hương Hà (46%), đều là những tên tuổi nổi danh trong mảng năng lượng tái tạo.

Trước hết, phải kể đến bà Trần Thị Hương Hà (SN 1975). Theo tìm hiểu, nữ doanh nhân này nắm các vị trí cấp cao, cổ đông lớn tại nhiều doanh nghiệp năng lượng tái tạo, tiêu biểu là CTCP Tập đoàn Wealth Power Việt Nam.

Tại công ty này, bà là Người đại diện theo pháp luật/Tổng giám đốc, đồng thời là cổ đông góp 35% vốn cùng ông Nguyễn Văn Quý Ngọc (35%) và ông Chotianan Phutpornchanan (30%).  

Dù mới chỉ hoạt động 2 năm, Wealth Power Group Vietnam đã sở hữu một hệ sinh thái đa dạng với tiềm lực không nhỏ và nhiều dự án trong tay. Đó là, khoản góp 29% vốn vào CTCP Chân Mây LNG - chủ đầu tư dự án Nhà máy điện khí LNG Chân Mây tại khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên - Huế) với tổng vốn đầu tư 6 tỷ USD, tổng công suất thiết kế 4.000 MW.

Hay mới đây nhất, Wealth Power Group Vietnam vào tháng 9/2020 đã ký kết cùng National Consulting Group Sole Company và Power Company Limited Thepvongsa phát triển các dự án điện mặt trời tại tỉnh Champasak và tỉnh Xekong, Nam Lào.

Theo tìm hiểu, dự án điện mặt trời tại huyện Lamam, tỉnh Xekong được triển khai trên diện tích hơn 720 ha, có công suất lắp đặt 500 MW, sản lượng điện 739 GWh/năm. Tổng giá trị đầu tư 332,3 triệu USD. Dự án tại huyện Khong và huyện Pathoumphone ở tỉnh Champasak có diện tích 93,1 ha, công suất lắp đặt 80 MW, sản lượng điện dự kiến đạt 123GWh/năm. Tổng kinh phí đầu tư dự án dự kiến khoảng 57,3 triệu USD.

Ngoài Wealth Power Group, bà Trần Thị Hương Hà còn nắm 99,76% vốn tại CTCP Năng lượng tái tạo Việt Nam, cùng với 2 cổ đông khác là Lê Đức Thoa (0,170%) và Chử Văn Quang (0,068%).  

Như đã đề cập, Năng lượng tái tạo Việt Nam là chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Đầm Trà Ổ, tại thôn Châu Trúc, xã Mỹ Châu (Phù Mỹ). Theo hồ sơ đăng ký, nhà máy được xây dựng trên diện tích 60 ha mặt nước và 0,6 ha mặt đất, với công suất thiết kế là 50 MW, tổng vốn đầu tư 1.440 tỷ đồng. Dự kiến đến quý II/2019, nhà máy sẽ hoàn thành đi vào hoạt động.

Không những thế, bà Hà còn góp 81,66% vốn CTCP Năng Lượng Tái Tạo Việt Nam Việt cùng ông Lê Đức Thoa (1,67%) và bà Trần Thị Thùy Trang (16,67%). Như đã biết, Việt Nam Việt là chủ sở hữu dự án Nhà máy điện mặt trời Mỹ Hiệp (tại xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) với tổng diện tích 55,927 ha, tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng.

Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến Bangjak Green Energy Company Limited, cổ đông lớn nhất Đoàn Sơn Thủy và cũng là công ty con của BS Industry Service. Ngoài khoản thoái vốn tại Đoàn Sơn Thủy, BS Industry Service cũng từng thoái hết vốn ở một số dự án năng lượng tái tạo khác, như: Dự án Trang trại năng lượng mặt trời 5MW, tại Udonthani, Thailand (tháng 8/2019); dự án Trang trại năng lượng mặt trời 5 MW, Ayuttaya, Thái Lan (tháng 3/2019).

2 thương vụ này đem về cho BS Industry Service 350,2 triệu Bath, tương đương 262 tỷ đồng. Bên nhận chuyển nhượng các giao dịch này đều cùng là Thai Solar Energy Public Company Limited.

Hiện tại, Bangjak Green Energy là chủ đầu tư dự án Trang trại năng lượng mặt trời 5 MW, Nongkai. Được biết, dự án có tổng vốn đầu tư 250 triệu Bath, tương đương 187 tỷ đồng.  

Gunkul Engineering Plc

Thành lập năm 1982 với hoạt động chính là cung cấp thiết bị điện. Sau 28 năm hình thành và phát triển, Gunkul Engineering Plc năm 2010 chính thức rẽ hướng sang lĩnh vực năng lượng sạch. Năm 2013, công ty lần đầu xuất hiện ở Myanmar với dự án Nhà máy điện động cơ khí công suất 25 MW. Giai đoạn 2015 – 2018 sau đó, Gunkul Engineering Plc liên tục “đem chuông đi đánh xứ người”, tiêu biểu phải kể đến dự án điện mặt trời công suất 31,8 MW tại Nhật và một dự án điện mặt trời ở Malaysia, với công suất 29,99 MW.

Năm 2020, Gunkul Engineering Plc không giấu diếm tham vọng trở thành ông lớn năng lượng Thái tiếp bước vào Việt Nam, sau những Super Energy Corporation hay Eastern Power Group.

Đoàn Sơn Thủy là một trong những thương vụ củng cố cho tham vọng đó. Dù vậy, ít người biết Gunkul Engineering Plc từ tháng 2/2020, thông qua công ty con là Bright Green Power, đã mua lại 100% cổ phần An Yang và Yun Yang, từ Sungrow Power (Singapore).

Đây là những đơn vị sở hữu 2 dự án nhà máy điện mặt trời tại Việt Nam, đó là: Dự án Nhà máy điện mặt trời Trí Việt 1 (Tây Ninh), công suất 30 MW, diện tích đất sử dụng 60 ha, tổng vốn đầu tư trên 760 tỷ đồng; và Nhà máy điện mặt trời Bách khoa Á Châu 1 (Tây Ninh), công suất 30 MW, diện tích đất sử dụng 60 ha, tổng vốn đầu tư 760 tỷ đồng.

Để hoàn thành thương vụ M&A này, Gunkul Engineering Plc phải chi khoảng 60,6 triệu USD, tương đương 1.363,5 tỷ đồng.

Nên biết, trước khi về tay Sungrow Power và sau đó là Gunkul Engineering Plc, 2 dự án điện mặt trời kể trên vốn thuộc sở hữu của một nhóm nhà đầu tư Việt Nam (chi tiết sẽ được đề cập trong các bài viết sau).

Trở lại với Gunkul Engineering Plc, 9 tháng đầu năm 2020 ghi nhận doanh thu gần 5.102 tỷ đồng (quy đổi từ đồng Bath), tương đương tăng 32,2% so với cùng kỳ. Trừ đi các chi phí và thuế, lãi sau thuế 1.332 tỷ, tăng nhẹ 4,1%.

Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản tính đến ngày 30/9/2020 đạt 31.167 tỷ đồng, tăng nhẹ 6,7% so với số đầu kỳ. Cấu thành chủ yếu tài sản công ty là nợ phải trả 22.961 tỷ (chiếm gần 74%), phần 26% còn lại là vốn chủ sở hữu 8.207 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, hiện tại Gunkul Engineering Plc có 2 cổ đông lớn gồm: Gunkul Group Company Limited (49,90%) – pháp nhân ít nhiều liên hệ tới Chủ tịch HĐQT công ty, và Thai NVDR (5,42%).

Được biết, ông Gunkul Dhumrongpiyawut (SN 1955) - Chủ tịch HĐQT Gunkul Engineering Plc, cũng là Tổng giám đốc Gunkul Group Company Limited. Ngoài ra, ông còn nắm 3,51% vốn công ty. Năm 2017, ông từng lọt top 50 người giàu nhất Thái Lan. 

Về quá trình công tác của ông:

2012 - hiện tại: Chủ tịch HĐQT Gunkul Engineering PCL

2009 -  hiện tại: Giám đốc Gunkul Engineering PCL

2000 - hiện tại: Giám đốc Gunkul Engineering

1996 - hiện tại: Giám đốc Gunkul Marine Line

1994 - hiện tại: Giám đốc G.M. Supply and Construction

1991 - hiện tại: Giám đốc Gunkul Group

Thị trường năng lượng tái tạo Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư Thái

Trước Gunkul Engineering, đã có nhiều ông lớn năng lượng Thái Lan bày tỏ sự hứng thú đặc biệt với thị trường năng lượng tái tạo ở Việt Nam.

Cái tên tiêu biểu nhất là Super Energy Corporation (SEC). Theo đó, tập đoàn này hiện sở hữu 10 dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam, gồm 6 dự án điện mặt trời với tổng công suất 287MW là dự án Phan Lâm 1 (36,72 MW) và Bình An (50 MW) tại Bình Thuận, Văn Giáo 1 (50 MW), Văn Giáo 2 (50 MW) tại An Giang, Sinenergy (50 MW) ở Ninh Thuận và Thịnh Long (50MW) tại Phú Yên; cùng với đó là 4 dự án điện gió có công suất 421 MW, gồm Công Lý Sóc Trăng (30 MW), Công Lý Bạc Liêu (141 MW), HBRE Phú Yên (200 MW) và HBRE Gia Lai (50 MW).

Ngoài ra, SEC cũng được biết đến là chủ đầu tư 4 dự án điện mặt trời có tổng công suất lắp đặt 750 MW tại Lộc Ninh, Bình Phước.

Một ông lớn khác phải kể đến là Eastern Power Group. Như Nhadautu.vn từng đề cập, HĐQT Tập đoàn Eastern Power Group ngày 19/6/2020 thông qua phương án mua 99,8% cổ phần trong hai dự án Hướng Linh 3 (30 MW) và Hướng Linh 4 (30 MW) – Quảng Trị, với tổng giá phí 9,6 triệu USD, tương đương khoảng 220 tỷ đồng. BCTC quý III/2020 thể hiện doanh nghiệp này đã sở hữu 31,19% vốn tại CTCP Điện gió Hướng Linh 3 và CTCP Điện gió Hướng Linh 4.

Ngoài ra, tập đoàn này vào ngày 7/8/2020 đã thông qua chủ trương mua 2,25 triệu cổ phần, tương đương 90% cổ phần CTCP Năng lượng Gió Chu Prông Gia Lai với giá phí 7,875 triệu USD; mua 2,5 triệu cổ phần, tương đương 100% cổ phần CTCP Điện gió Chư Prông Gia Lai với giá phí 8,75 triệu USD. 

Tập đoàn năng lượng Gulf Energy Development cũng là cái tên đáng chú ý khi liên tiếp mở rộng tại Việt Nam thông qua việc hợp tác với Tập đoàn Thành Thành Công. Từ năm 2018, Gulf Energy Development đã nắm giữ cổ phần tại dự án Nhà máy điện mặt trời TTC 1 và 2 tại Tây Ninh.

Một thông tin cho thấy, Gulf International Holding Pte. Ltd. – công ty con của Gulf vào ngày 2/7/2020 đã ký hợp đồng nhận chuyển nhượng 100% vốn CTCP Đầu tư Năng lượng Điện Xanh Gia Lai. Gulf cũng kỳ vọng sẽ hoàn thành thương vụ này trong năm 2020.

Theo tìm hiểu, Điện Xanh Gia Lai là chủ sở hữu bộ đôi dự án Nhà máy điện gió Ia Pech và Ia Pech 2. Được biết, Nhà máy điện gió Ia Pech có công suất thiết kế là 50MW gồm 20 tuabine, công suất 2,5MW; Năng lượng điện trung bình 145 triệu kWh/năm. Diện tích đất sử dụng 15,595ha, trong đó đất có thời hạn là 12,095 ha và đất tạm thời 3,5 ha.

Một số cái tên khác như, B.Grimm Power vào năm 2018 đã chi khoảng 34 triệu USD để mua 55% cổ phần tại tại CTCP Năng lượng Dầu Tiếng Tây Ninh. Sau đó, B.Grimm tiếp tục bỏ ra 32,5 triệu USD để ký thỏa thuận mua 80% cổ phần tại Công ty cổ phần TTP Phú Yên, chủ đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời công suất 257 MW tại Phú Yên.

Hay, Sermsang International đã chi 17,6 triệu USD để mua 80% cổ phần dự án điện mặt trời Bình Nguyên có quy mô gần 50 MW tại Quảng Ngãi. Sau thành công với dự án Bình Nguyên, Sermsang International tiếp tục hợp tác với TTVN Group để phát triển dự án điện gió V1-2 tại Trà Vinh. Nhà máy có công suất 48 MW trên diện tích 1.220 ha có tổng vốn đầu tư là 2.299 tỷ đồng.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ