Số hoá sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất thông minh của doanh nghiệp

Tại Việt Nam, chuyển đổi số ở phần lớn các doanh nghiệp đang còn hạn chế và chưa thực sự sẵn sàng. Chỉ một số ít doanh nghiệp tiên phong và đã thành công như VinFast, Thaco, Tân Hiệp Phát… Việc ứng dụng công nghệ mang lại đột phá trong kinh doanh và tạo ra các cơ hội mới để doanh nghiệp phát triển.
MAI BÙI
07, Tháng 02, 2022 | 06:38

Tại Việt Nam, chuyển đổi số ở phần lớn các doanh nghiệp đang còn hạn chế và chưa thực sự sẵn sàng. Chỉ một số ít doanh nghiệp tiên phong và đã thành công như VinFast, Thaco, Tân Hiệp Phát… Việc ứng dụng công nghệ mang lại đột phá trong kinh doanh và tạo ra các cơ hội mới để doanh nghiệp phát triển.

chuyen-doi-so-doanh-nghiep

Tự động hóa tại nhà máy sản xuất ô tô VinFast.

Con đường số hóa còn nhiều gian nan

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp CNTT tại Việt Nam là cơ sở cho việc thúc đẩy hoạt động sản xuất thông minh. Một số doanh nghiệp trong nước cũng đã mạnh dạn phát triển sản xuất thông minh với hệ điều hành sản xuất trên nền tảng số hóa, kết nối với các dây chuyền tự động toàn nhà máy với thông tin xuyên suốt chuỗi giá trị, từ đặt hàng cho đến sản xuất.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á - Thái Bình Dương mới công bố tháng 11/2021 cho thấy, công nghiệp chế biến chế tạo của các doanh nghiệp Việt Nam 70% sử dụng máy móc do con người điều khiển, 20% được làm thủ công, chỉ 9% sử dụng máy móc được điều khiển bằng máy vi tính và dưới 1% sử dụng công nghệ tiên tiến hơn như robot, sản đắp lớp 3D. Hơn 75% doanh nghiệp vừa và nhỏ, 2/3 doanh nghiệp lớn được khảo sát hoài nghi về lợi ích kinh tế của việc đầu tư vào công nghệ mới.

Trong khi đó, báo cáo của CSIRO (cơ quan khoa học quốc gia Úc) và Bộ KH&CN cho biết, chỉ một số ít các doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động đổi mới sáng tạo. Đồng thời, tỷ lệ doanh nghiệp có R&D (nghiên cứu và phát triển) trong các ngành sản xuất còn rất thấp như: ngành sản xuất thiết bị điện 17%, ngành sản xuất hóa chất 15%, ngành sản xuất chế biến thực phẩm 9%, ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và nhựa 7%, ngành sản xuất da và sản phẩm có liên quan 6%, ngành dệt may 5%.

“Thực tế cho thấy phát triển sản xuất thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn và thách thức”, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển nói tại Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ 3 về công nghiệp 4.0 tổ chức đầu tháng 11/2021.

Ông Hiển nhận định, trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần được đặt trong xu thế phát triển công nghiệp toàn cầu và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Phát triển sản xuất thông minh cần gắn với quá trình tái cơ cấu lại ngành công nghiệp và nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế và khả năng tham gia sâu, có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đồng quan điểm, TS Đào Trọng Cường, Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN (Bộ Công Thương) cho rằng, thúc đẩy sản xuất thông minh ở Việt Nam là bài toán rất lớn cần có lời giải từ phía cơ quan nhà nước, đơn vị nghiên cứu và các nhà khoa học.

Một cuộc khảo sát của Bộ Công Thương cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp đang ở mức tiếp cận thấp so với yêu cầu của phát triển sản xuất thông minh và nhà máy thông minh. Tỷ lệ áp dụng các công nghệ 4.0 rất hạn chế, chỉ từ 2-3% và tỷ lệ dự kiến đầu tư áp dụng các công nghệ này của doanh nghiệp cũng còn khá khiêm tốn.

Thấy gì ở các doanh nghiệp đã áp dụng thành công?

TS Phạm Thái Lai, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Siemens khu vực Đông Nam Á và Việt Nam cho biết, số hóa đang thay đổi tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống, cũng như các mô hình kinh doanh hiện tại. Các ngành công nghiệp sản xuất có thể thu được nhiều lợi ích từ việc tận dụng các xu hướng công nghệ như thiết kế dựa trên thuật toán tối ưu và các mô hình thông minh.

Quy trình sản xuất trở nên sáng tạo hơn nhờ vào các công nghệ sản xuất bồi đắp, rô-bốt tiên tiến, trí tuệ nhân tạo (AI) và các mô hình dịch vụ mới hiện đang được phát triển cùng với việc sử dụng các giải pháp điện toán đám mây và tự động hóa kiến thức.

Tại Siemens cung cấp gói giải pháp doanh nghiệp số - một danh mục bao gồm các giải pháp phần mềm và tự động hóa. Danh mục này cho phép các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô có thể triển khai các công nghệ hiện tại và trong tương lai cho mục tiêu tự động hóa và số hóa. Từ đó, các doanh nghiệp có thể tận dụng toàn bộ các tiềm năng mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng cho các bước tiếp theo của hành trình chuyển đổi số.

Đơn cử như tại nhà máy số Siemens Electronics Works (EWA) tại TP. Amberg, Đức. Được thành lập vào năm 1989, nhà máy EWA hiện sản xuất nhiều dòng sản phẩm, trong đó có bộ điều khiển lập trình Simatic. Mỗi năm, nhà máy sản xuất khoảng 17 triệu bộ, tương đương với 1 bộ/giây. Hơn 1.000 dòng sản phẩm được sản xuất tại nhà máy đều được tự động hóa, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và cải thiện chất lượng sản phẩm.

Các quy trình sản xuất tại nhà máy Amberg cũng được điều khiển bởi 2.800 bộ điều khiển Simatic. Quy trình sản xuất vận hành trên một nền tảng phần lớn là tự động, với 75% chuỗi giá trị được xử lý độc lập bởi máy móc và rô-bốt. Trong mỗi 24 giờ, các sản phẩm được chuẩn bị sẵn sàng để vận chuyển tới gần 60.000 khách hàng trên toàn thế giới… Việc số hóa giúp xưởng sản xuất của Amberg đạt năng suất 1.400%.

Còn ở Việt Nam là câu chuyện tại nhà máy sản xuất ô tô VinFast (Vingroup). Những chiếc xe ô tô đầu tiên mang thương hiệu Việt cũng được áp dụng bởi phần mềm và phần cứng tích hợp của Siemens.

VinFast đã lựa chọn bộ công cụ từ phần mềm quản lý dòng đời sản phẩm để thực hiện kế hoạch thiết kế ô tô và các phương tiện vận tải thế hệ mới. Tận dụng được lợi thế của bản sao số kết nối trên cả khâu thiết kế và sản xuất.

Bên cạnh đó, VinFast sử dụng nền tảng số tích hợp, bao gồm giải pháp để quản lý vòng đời số, tính toán chi phí sản phẩm để hỗ trợ việc xây dựng chi phí, giá thành sản phẩm và giải pháp số hóa sản xuất…Việc ứng dụng công nghệ số đã giúp VinFast tăng tốc độ và tính linh hoạt trong việc phát triển, tối ưu hóa quy trình sản xuất và cải thiện hiệu suất.

Tương tự là câu chuyện số hóa tại Thaco Trường Hải. Với 14.900 nhân viên và hệ thống phân phối gồm 89 cửa hàng trưng bày và 53 đại lý trên toàn quốc, Thaco đã sử dụng phần mềm quản lý vòng đời sản phẩm, phần mềm thiết kế gia công, hệ phần mềm mô phỏng và giải pháp kiểm định sản phẩm của Siemens để từng bước xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển công ty.

Hay như ở Tân Hiệp Phát, tập đoàn nước giải khát lớn ở thị trường Việt Nam cũng đã áp dụng thành công chuyển đổi số ngay trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát. Các nhân viên được làm việc online, các giấy tờ, thủ tục ký hợp đồng với khách hàng đều tự động hóa, chứng thực qua chữ ký điện tử.

Ngoài ra, phía doanh nghiệp cũng lập các phòng họp ảo, triển khai công nghệ đơn giản để mọi người có thể tương tác từ xa và có thể sử dụng được ngay. Đặc biệt, lãnh đạo doanh nghiệp nhận thấy, dịch bệnh chính là thời điểm “vàng” để phát triển chuyển đổi số. Đối với doanh nghiệp sản xuất khi áp dụng công nghệ vào khâu vận hành cần xác định tầm nhìn của công ty, văn hóa phòng ban … từ đó lựa chọn ứng dụng mô hình phù hợp.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ