Phó Chủ tịch Quảng Nam: 'Đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số'

Nhàđầutư
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quảng Bửu khẳng định, tỉnh sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh.
THÀNH VÂN – THU HỒNG
28, Tháng 01, 2022 | 07:00

Nhàđầutư
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quảng Bửu khẳng định, tỉnh sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh.

HO-QUANG-BUU-PCT-QUANG-NAM-2

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quảng Bửu. Ảnh: Thành Vân.

Tháng 4/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết số 04 về chuyển đổi số tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh, đưa Quảng Nam vào nhóm các tỉnh, thành phố thực hiện chuyển đổi số tốt.

Để làm rõ vấn đề này, Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.

Thưa ông, thời gian qua, tỉnh Quảng Nam là một trong những địa phương nỗ lực trong việc thúc đẩy chuyển đổi số ở Việt Nam. Vậy ông cho biết những kết quả tích cực mà tỉnh đã đạt được trong lĩnh vực chuyển đổi số?

Ông Hồ Quảng Bửu: Trong những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã triển khai đầu tư, xây dựng và đưa vào vận hành các ứng dụng dùng chung tạo nền tảng để hình thành chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh, qua đó góp phần phục vụ hiệu quả cho công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo, nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần thực hiện cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh đã triển khai thống nhất, đồng bộ các ứng dụng dùng chung cơ bản của chính quyền điện tử như: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp Qoffice, hệ thống một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến, chữ ký số… kết nối liên thông dữ liệu giữa các cấp, thúc đẩy trao đổi, sử dụng văn bản điện tử và hình thành môi trường làm việc qua mạng, góp phần nâng cao hiệu quả công việc và cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh…

Quảng Nam cũng tập trung xây dựng và phát triển nền tảng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số; phát triển thương mại điện tử tạo tiền đề cho hình thành kinh tế số trong tương lai. Cơ sở hạ tầng viễn thông được xây dựng và phát triển hiện đại, an toàn, dung lượng lớn, tốc độ cao, vùng phủ dịch vụ rộng trên phạm vi toàn tỉnh, trong đó tập trung đẩy mạnh phát triển mạng thông tin di động thế hệ thứ 4 (4G), thứ 5 (5G).

Năm 2020, Quảng Nam đã triển khai thực hiện hệ thống Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC), nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP), hệ thống thông tin báo cáo cấp tỉnh, góp phần hoàn thiện nền tảng chính quyền điện tử. Trong năm 2021 triển khai ứng dụng Smart Quang Nam kết nối người dân với chính quyền, đưa vào sử dụng Tổng đài Thông tin dịch vụ công (1022) tiếp nhận, xử lý và trả lời thông tin của người dân, doanh nghiệp…

Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Nam sẽ hành động như thế nào để đưa Nghị quyết số 04-NQ/TU đi vào thực tiễn?

Ông Hồ Quảng Bửu: Để đưa Nghị quyết trên đi vào thực tiễn, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh cần thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.

Hai là, xây dựng cơ chế, chính sách của tỉnh để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp chuyển đổi số toàn diện, hiệu quả, phù hợp với môi trường số; tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tích cực thu hút các doanh nghiệp số đầu tư vào tỉnh Quảng Nam; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực phục vụ quá trình chuyển đổi số.

Ba là, đầu tư phát triển hạ tầng số, nền tảng số đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số: tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng thông tin theo nguyên tắc bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, tăng cường dùng chung hạ tầng thông tin.

Bốn là, xây dựng chính quyền số, hình thành các đô thị thông minh phát triển hạ tầng chính quyền số phục vụ cơ quan Nhà nước trên cơ sở kết hợp thế mạnh của mạng truyền số liệu chuyên dùng, mạng Internet, trung tâm dữ liệu của cơ quan nhà nước để phục vụ kết nối liên thông, xuyên suốt từ cấp tỉnh đến cấp xã.

Năm là, thúc đẩy phát triển kinh tế số, với trọng tâm là phát triển doanh nghiệp công nghệ số, phát triển nội dung số, công nghiệp sáng tạo, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử và sản xuất thông minh. Thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế của tỉnh.

Sáu là, phát triển xã hội số, triển khai các chương trình đào tạo, đào tạo lại kỹ năng lãnh đạo, quản lý chuyển đổi số cho người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, giám đốc điều hành các doanh nghiệp. 

Để thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số thì tỉnh Quảng Nam đang có những hành động như thế nào?

Ông Hồ Quảng Bửu: Quảng Nam sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc thực hiện chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Quảng Nam đặt ra mục tiêu từ nay đến năm 2025, có tối thiểu 1.000 lượt doanh nghiệp hợp tác xã, hộ kinh doanh được tham gia các hội thảo, khóa đào tạo, tập huấn để nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; phấn đấu 40% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ứng dụng các hình thức thương mại điện tử; 50% doanh nghiệp có Website riêng để quảng bá thương hiệu, sản phẩm; hỗ trợ tối thiểu 100 doanh nghiệp thử nghiệm các nền tảng số để chuyển đổi số. 

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Quảng Nam sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số doanh nghiệp; triển khai các khóa tập huấn, đào tạo về chuyển đổi số cho doanh nghiệp; tổ chức đào tạo chuyên sâu theo quy mô, giai đoạn, lĩnh vực, nền tảng chuyển đổi số cụ thể…

Cùng với đó, tỉnh Quảng Nam sẽ tìm kiếm, đánh giá, lựa chọn các doanh nghiệp tiềm năng, ưu tiên lĩnh vực sản xuất, chế biến, nông nghiệp, du lịch… để hỗ trợ chuyển đổi số; triển khai các gói hỗ trợ chuyển đổi số chuyên biệt cho từng doanh nghiệp sau khi được đánh giá và lựa chọn; tăng cường cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.

Ngoài ra, tỉnh cũng tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu, kết nối các doanh nghiệp có nhu cầu với các doanh nghiệp cung cấp giải pháp chuyển đổi số để triển khai thử nghiệm, tiến tới triển khai chính thức các giải pháp nền tảng; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử điển hình, tham gia các sàn thương mại điện tử, website có chức năng thương mại điện tử, kết nối, liên kết với các sàn giao dịch kết nối cung - cầu theo từng ngành/lĩnh vực...   

Là một trong những địa phương có nhiều huyện miền núi, điều kiện kinh tế khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình chuyển đổi số. Vậy tỉnh Quảng Nam sẽ giải quyết bài toán này như thể nào, thưa ông?

Ông Hồ Quảng Bửu: Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin viễn thông tại khu vực miền núi nhằm rút ngắn khoảng cách số giữa miền núi - đồng bằng. 

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin giúp đẩy nhanh quá trình thực thi các quyết sách liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, giúp thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các dân tộc. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo tạo ra cơ hội cho người dân tiếp cận dịch vụ trực tuyến một cách công bằng, bình đẳng và nhân văn “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ lợi ích và chủ động, tích cực thực hiện.

Tỉnh ưu tiên thực hiện ở lĩnh vực giáo dục trực tuyến để học sinh vùng sâu, vùng xa tiếp cận được bài giảng chất lượng cao; ưu tiên hệ thống khám, chữa bệnh từ xa cho người dân vùng sâu, vùng xa; mở các sàn giao dịch thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm cho đồng bào các dân tộc. 

Ông cho biết hiện tỉnh Quảng Nam đang giải quyết bài toán lao động chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin như thế nào?

Ông Hồ Quảng Bửu: Chuyển đổi số đang chuyển biến nhanh trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội đặt ra yêu cầu về nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) để đáp ứng yêu cầu phát triển. Đầu tư phát triển nguồn nhân lực về CNTT nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đang được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Để phát triển ba trụ cột Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số đòi hỏi một lực lượng nhân lực rất lớn, có chuyên môn sâu về công nghệ số và kỹ năng số. Hiện tại, nguồn nhân lực công nghệ thông tin vẫn thiếu hụt rất nhiều. Mặt khác, công cuộc chuyển đổi số cần rất nhiều nhân lực được đào tạo về các chuyên ngành mới, chuyên sâu về công nghệ số như trí tuệ nhân tạo; khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn; điện toán đám mây; internet vạn vật… nhưng hiện nay rất ít cơ sở đào tạo có các chuyên ngành mới này.

Để đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực CNTT trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về nhiệm vụ phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT. Xây dựng khu CNTT tập trung của tỉnh để tạo điều kiện, thu hút các doanh nghiệp CNTT tham gia đầu tư.

Đồng thời, tỉnh có cơ chế chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tổ chức hoặc liên kết tổ chức các loại hình đào tạo, bồi dưỡng đối với nguồn nhân lực CNTT trong các cơ quan hành chính Nhà nước và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, có chính sách thu hút nguồn nhân lực CNTT của tỉnh như: lồng ghép thực hiện theo chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ; có chế độ đặc thù đối với đội ngũ công chức chuyên trách CNTT của các cơ quan, đơn vị; tạo điều kiện tiếp nhận, bố trí vị trí công tác đối với các trường hợp có trình độ đào tạo sau đại học.

Ngoài ra, tỉnh sẽ tăng cường hợp tác về đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng CNTT. Sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí hỗ trợ để phục vụ cho việc đào tạo, nghiên cứu ứng dụng và phát triển CNTT. 

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24780.00 24800.00 25120.00
EUR 26531.00 26638.00 27810.00
GBP 30922.00 31109.00 32063.00
HKD 3125.00 3138.00 3240.00
CHF 26997.00 27105.00 27944.00
JPY 160.61 161.25 168.71
AUD 16142.00 16207.00 16697.00
SGD 18173.00 18246.00 18786.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 18136.00 18209.00 18746.00
NZD   14822.00 15314.00
KRW   17.74 19.35
DKK   3562.00 3694.00
SEK   2305.00 2395.00
NOK   2289.00 2380.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ