Doanh nghiệp Việt chuyển đổi số đã được hỗ trợ gì?

Nhàđầutư
Bộ KH&ĐT đang đẩy mạnh quá trình hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp thông qua tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, qua đó tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp Việt Nam.
BÙI THU THUỶ
11, Tháng 01, 2022 | 08:50

Nhàđầutư
Bộ KH&ĐT đang đẩy mạnh quá trình hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp thông qua tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, qua đó tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp Việt Nam.

Sáng 11/1/2022 tại Hà Nội, Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn kết hợp cùng NovaGroup tổ chức Hội thảo "Chuyển đổi số và xu hướng M&A trong lĩnh vực công nghệ năm 2022".

Nhadautu.vn xin giới thiệu tham luận của bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

Hiện tại, Việt Nam có tỷ lệ thuê bao băng rộng (cả cố định và di động tương đối tốt so với một số quốc gia trong khu vực (Thái Lan, Indonesia, Malaysia). Tỷ lệ các doanh nghiệp trực tuyến sử dụng thanh toán kỹ thuật số cũng ngang bằng với một số nước trong khu vực.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Tỷ lệ giao dịch kỹ thuât số còn thấp (22%) so với 34% của Indonesia, 62% của Thái lan; Tỷ lệ thanh toán online khi mua sắm trên internet còn thấp (10% so với 49% của Indonesia và 52% của Malaysia).

Vai trò của chuyển đổi số

Về cơ bản, quá trình chuyển đổi số (CĐS) sẽ giúp phát triển mô hình kinh doanh và sáng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu thị trường; CĐS giúp phát triển kênh bán hàng, mở rộng tập khách hàng và phân phối đến các thị trường tiềm năng: các sản phẩm của Việt Nam qua nền tảng của Amazon có thể tiếp cận khách hàng ở tất cả các thị trường trên thế giới.

Ngoài ra, CĐS cũng giúp doanh nghiệp gia tăng trải nghiệm khách hàng; Cho phép thực hiện mô hình kinh doanh không tiếp xúc, tiếp tục kinh doanh trong bối cảnh COVID-19.

bui-thu-thuy

Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: Trọng Hiếu.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số giúp nâng cao hiệu quả quản trị, sử dụng tài nguyên và khả năng ra quyết định; giúp tối ưu chi phí vận hành, đặc biệt là chi phí nhân sự; tăng hiệu suất kinh doanh và sản xuất của doanh nghiệp, từ đó tăng năng lực cạnh tranh và tỷ suất lợi nhuận; hỗ trợ đưa ra các phân tích chính xác và kịp thời nhằm rút ngắn thời gian ra quyết định kinh doanh.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn gặp phải một số rào cản, khó khăn khi chuyển đổi số như: Chi phí đầu tư cao; Hạ tầng CNTT hiện tại kém phát triển; Giải pháp về rủi ro an ninh mạng khó tiếp cận; Nguồn nhân lực CĐS hạn chế; Tổ chức quản lý, quy trình nghiệp vụ, chuỗi cung ứng cần chuân hóa; Thiếu tiếp cận, kiến thức/thông tin về công nghệ số.

Cơ hội, thách thức của doanh nghiệp Việt Nam

Thời gian qua, chuyển đổi số của các doanh nghiệp đã được đẩy mạnh nhằm nắm bắt tối đa các cơ hội trong bối cảnh mới.  

Quá trình này được thúc đẩy bởi sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng, sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu và tác động của đại dịch khiến giao dịch số/online tăng mạnh, sự sẵn sàng của các nền tảng công nghệ và các nhà cung cấp trên thị trường: 64.000 doanh nghiệp công nghệ số với doanh thu 135 tỷ USD năm 2021, tăng trưởng 10%

Không chỉ vậy, Chính phủ cũng đang tăng cường các giải pháp và hỗ trợ đối với các doanh nghiệp trong việc ứng dụng CNTT.

Dù vậy, chuyển đổi số vẫn là một quá trình không hề dễ dàng với các doanh nghiệp khi gặp những thách thức như: Khả năng tiếp cận các thông tin, tài liệu, chuyên gia hỗ trợ; Khả năng kết nối với các giải pháp trên thị trường; Khả năng tiếp cận các nguồn vốn để thực hiện CĐS; Môi trường kinh tế số tại Việt nam còn khiêm tốn; Ngoài chỉ tiêu số mật độ thuê bao internet băng rộng, các chỉ tiêu khác (thanh toán điện tử, tỷ lệ giao dịch kỹ thuật số) tại Việt nam còn thấp;

Đặc biệt, Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, nhiều quy định liên quan đến CĐS đang được xây dựng, hình thành (tiêu chuẩn công nghệ, giao dịch thương mại điện tử, chứng thực số, thuế, hải quan,...); Sự gia tăng các rủi ro liên quan đến an toàn thông tin, an ninh mạng.

Lợi thế của doanh nghiệp Việt khi chuyển đổi số

Hiện tại, nhận thức của các lãnh đạo doanh nghiệp về xu hướng CĐS trong kinh doanh đã được nâng lên, doanh nghiệp muốn thay đổi, muốn tận dụng lợi thế của kinh tế số.

dai-bieu

Các đại biểu thảo luận tại hội thảo. Ảnh: Trọng Hiếu.

Ngoài ra, cơ cấu tổ chức của các doanh nghiệp đã linh hoạt, phản hồi nhanh với các thay đổi. Kênh tiếp thị, phân phối và bán hàng đa dạng, đặc biệt là xu hướng các doanh nghiệp nhỏ sử dụng các kênh số trong hoạt động bán hàng và marketing. Khả năng kết nối thông tin nhanh chóng với khách hàng và nhà cung cấp đầu vào thông qua các nền tảng số.

Tuy nhiên, nhìn chung, năng lực quản trị nội bộ vẫn chưa cao, cơ cấu tổ chức chưa hoàn thiện, tổ chức, quy trình chưa được chuẩn hóa; Năng lực quản trị và phân tích dữ liệu còn thiếu; Năng lực và nhận thức liên quan đến quản lý rủi ro và an ninh mạng hạn chế; Thiếu nhân sự có năng lực về CNTT để hỗ trợ chuyển đổi.

Đáng chú ý, hệ thống CNTT và khả năng tích hợp công nghệ mới còn hạn chế; Thiếu thông tin về thị trường giải pháp, đặc biệt là các giải pháp CNTT và số cho quản trị; Năng lực tài chính để đầu tư vào CĐS, còn hạn chế, đặc biệt trong bối cảnh COVID-19.

Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số

Ngày 7/1/2021, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đã phê duyệt Chương trình Hỗ trợ Doanh nghiệp Chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025.

Chương trình có mục tiêu hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp thông qua tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp.

Trong đó, 100% doanh nghiệp tiếp cận thông tin từ chương trình và nâng cao kiến thức về CĐS, 100.000 doanh nghiệp được nhận các hỗ trợ từ chương trình (sử dụng công cụ tự đánh giá mức độ sẵn sàng CĐS, hỗ trợ đào tạo, tư vấn, kết nối các giải pháp)…

hoi-thao

Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn kết hợp cùng Nova Group tổ chức Hội thảo "Chuyển đổi số và xu hướng M&A trong lĩnh vực công nghệ năm 2022". Ảnh: Trọng Hiếu.

Để làm được điều này, chương trình đã triển khai các nhóm hoạt động bao gồm: Xây dựng công cụ, nền tảng số, cơ sở dữ liệu CĐS; Hình thành mạng lưới chuyên gia tư vấn về CĐS; Xây dựng và triển khai đào tạo CĐS cho doanh nghiệp; Triển khai hỗ trợ tối thiểu 100 doanh nghiệp là thành công điển hình.

Cụ thể, chương trình đã xây dựng công cụ đánh giá mức độ sẵn sàng public trên Cổng thông tin: Doanh nghiệp có thể tự đánh giá để xác định mình đang ở mức độ nào so với các DN trong ngành.

Công bố tài liệu Hướng dẫn Chuyển đổi số cho doanh nghiệp tại Việt Nam để cung cấp kiến thức, tham khảo lộ trình, các chỉ dẫn giải pháp công nghệ để tự triển khai CĐS.

Thời gian qua, chương trình đã có 2 đợt kêu gọi rộng rãi và tuyển chọn tư vấn vào Mạng lưới chuyên gia chuyển đổi số.

Đến nay, chương trình đã sàng lọc, tuyển chọn được 20 chuyên gia ban đầu tham gia mạng lưới.

Đồng thời, chương trình tổ chức những buổi chia sẻ, kết nối chuyên gia với các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế, kết nối với các doanh nghiệp có nhu cầu tư vấn về chuyển đổi số đăng ký đến chương trình.

Tổ chức khóa đào tạo nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về CĐS: 2 khóa offline tại Hà Nội và Huế (thu hút khoảng 100 DN tham gia mỗi lớp).

 Đào tạo căn bản về CĐS cho gần 100 doanh nghiệp Hà Nội thuộc các lĩnh vực như sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa, thương mại dịch vụ, cung cấp giải pháp CĐS tại Trung tâm ĐMSTQG, Bộ KH&ĐT.

Đào tạo căn bản về CĐS cho gần 100 doanh nghiệp trong khuôn khổ Tuần lễ Chuyển đổi số của Huế với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp (28/4/2021)

Đào tạo online về CĐS qua nền tảng e-learning của Trung tâm hỗ trợ DNNVV phía Bắc, Cục Phát triển doanh nghiệp (2 chuyên đề về CĐS)

Ngoài ra, hệ thống e-learning đã có 46 chuyên đề đào tạo trực tuyến với hơn 500 clip (mỗi clip dài từ 7-10 phút) và hệ thống câu hỏi trắc nghiệm, tài liệu tham khảo, phục vụ hơn 6.500 học viên đăng ký học tập và khoảng gần 20.000 lượt truy cập.

Tháng 8-12/2021, chương trình đã lựa chọn 11 doanh nghiệp tiêu biểu ở một số ngành, lĩnh vực (sản xuất, chế biến, chế tạo, nông nghiệp) để tư vấn, xây dựng lộ trình CĐS cho 11 doanh nghiệp đầu tiên.

Trong 3 tháng liên tục, chương trình cử chuyên gia xuống khảo sát toàn diện về thực trạng của DN, hỗ trợ DN xây dựng kế hoạch, lộ trình tổng thể để CĐS trong giai đoạn tới; Tổ chức các buổi đào tạo chia sẻ trực tuyến (webinar) về các chủ đề trong CĐS cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, trong năm 2022, chương trình sẽ triển khai 3 gói hỗ trợ doanh nghiệp CĐS.

Gói Bắt đầu CĐS - Start Digital (dành cho doanh nghiệp quy mô nhỏ, mới bắt đầu CĐS - hỗ trợ lựa chọn các giải pháp CĐS đơn giản và phù hợp nhất để bắt đầu thực hiện quá trình CĐS).

Gói tăng tốc CĐS: Grow Digital (dành cho doanh nghiệp đang tăng trưởng - hỗ trợ tăng tốc phát triển dựa trên việc ứng dụng các giải pháp CĐS).

Gói CĐS hướng đến thị trường toàn cầu - Go Digital – Go Global (dành cho các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu thông qua các nền tảng số - hỗ trợ doanh nghiệp làm chủ quy trình, công nghệ số, phát triển Thương hiệu và Sản phẩm trên thị trường quốc tế).

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ