“Siết” tín dụng chứng khoán, bất động sản

Tín dụng cho chứng khoán, bất động sản, tiêu dùng... luôn là những lĩnh vực vực rủi ro, tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu cho hệ thống ngân hàng, hay nói rộng hơn là toàn bộ nền kinh tế. Vì thế, việc "siết" tín dụng cho các lĩnh vực này là cần thiết nhằm góp phần bảo đảm sự ổn định của nền kinh tế. 
THANH NGA
02, Tháng 02, 2019 | 07:57

Tín dụng cho chứng khoán, bất động sản, tiêu dùng... luôn là những lĩnh vực vực rủi ro, tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu cho hệ thống ngân hàng, hay nói rộng hơn là toàn bộ nền kinh tế. Vì thế, việc "siết" tín dụng cho các lĩnh vực này là cần thiết nhằm góp phần bảo đảm sự ổn định của nền kinh tế. 

Không nới lỏng cho vay

Trong các sản phẩm tín dụng, tín dụng bất động sản bị coi là nguy hiểm nhất. Trên thực tế, việc quá đẩy mạnh cho vay bất động sản đã từng khiến hệ thống ngân hàng điêu đứng với khoản nợ xấu khổng lồ, gây ách tắc dòng chảy của nền kinh tế. Sau nhiều năm xử lý, đến nay nợ xấu đã xuống mức an toàn, song không vì thế mà tín dụng bất động sản được “nới lỏng”. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước không cấm cho vay bất động sản, tuy nhiên các ngân hàng phải thận trọng khi cho vay trong lĩnh vực này.

TD

Ngân hàng sẽ tiếp tục “siết” cho vay với các lĩnh vực rủi ro. Ảnh: Hải Anh

Tín dụng của các ngân hàng vào lĩnh vực bất động sản đang được duy trì khoảng dưới 10% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế, giảm nhiều so ngưỡng xấp xỉ 30% giai đoạn 2010-2011. Từ năm 2016 đến nay, tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; còn tín dụng với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, việc cấp tín dụng cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro nên Ngân hàng Nhà nước siết chặt cho vay trong thời gian qua. Việc định giá tài sản bảo đảm là bất động sản gặp khó khăn do đây là tài sản đặc biệt, có lợi nhuận kỳ vọng cao, có nhiều hoạt động đầu cơ, thao túng dẫn đến giá bất động sản không phản ánh đúng giá trị. Bên cạnh đó, sự chênh lệch về kỳ hạn và lãi suất giữa nguồn vốn huy động và cho vay; hệ thống thông tin chính thức về thị trường bất động sản còn hạn chế, dẫn đến các tổ chức tín dụng gặp khó khăn trong dự báo nguồn cung, trong đánh giá sự phù hợp về giá, phân khúc khách hàng...

Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, dư nợ cho vay của ngân hàng vào thị trường bất động sản 5 năm gần đây không giảm, dù tăng không nhanh như mức tăng tín dụng của toàn nền kinh tế. Những hạn chế về dòng vốn vào bất động sản vẫn chủ yếu từ ngân hàng, nên nguồn vốn không bền vững. Bởi về bản chất, ngân hàng không có vốn dài hạn, mà sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn trong lĩnh vực này. Vì thế, cần phát triển các kênh huy động vốn khác và cân đối cấu trúc thị trường tài chính để phát triển thị trường bất động sản.

Cùng với bất động sản, tín dụng cho vay chứng khoán hay tiêu dùng cũng bị coi là “nóng”. Mất gần 10 năm cho việc phục hồi, thị trường chứng khoán đã từng khiến không ít nhà đầu tư trắng tay khi lao vào những “canh bạc” mang tên cổ phiếu... Hay như tín dụng tiêu dùng, khi người vay được sử dụng chính tài sản vừa mua làm tài sản bảo đảm, hoặc vay tín chấp, nên nguy cơ người vay không trả được nợ rất dễ xảy ra. Bởi vậy, tín dụng cho bất động sản, chứng khoán hay tiêu dùng đều cần “siết” để không gây rủi ro cho nền kinh tế. 

Nâng cao chất lượng tín dụng

Tăng trưởng tín dụng năm 2018 dừng ở mức 14% so với kế hoạch đưa ra từ đầu năm, song theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, mức tăng 14% là phù hợp với bối cảnh hiện nay khi quy mô tín dụng của Việt Nam đã trên 130/GDP. Đây là mức mà nhiều tổ chức quốc tế khi đánh giá xếp hạng tín nhiệm Việt Nam đã khuyến cáo.

Thay vì tăng trưởng ồ ạt, tín dụng đã được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên. Tín dụng được dành cho các ngành sản xuất, kinh doanh như: Công nghiệp và xây dựng tăng 12,1%. Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên tăng khá như nông nghiệp - nông thôn tăng khoảng 15,5%, chiếm 24% tổng dư nợ toàn nền kinh tế... Vì thế, tốc độ tăng trưởng tín dụng không còn “nóng” như những năm trước, mà lùi xuống mức 14%.

Bà Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, năm 2019 chính sách tiền tệ tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước điều hành chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu bình quân dưới 4%; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. Ngân hàng Nhà nước sẽ đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng theo định hướng đề ra...

Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…; tăng cường quản lý rủi ro đối với các dự án BOT, BT giao thông, tín dụng tiêu dùng.

Cùng với chất lượng tín dụng, năm 2019 Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tập trung xử lý nợ xấu. Theo Phó Chánh Thanh tra giám sát ngân hàng Trần Đăng Phi, phấn đấu đến cuối năm 2019, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức dưới 2%. Để thực hiện được mục tiêu này, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng gắn với tăng cường xử lý nợ xấu, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh...

(Theo Hà Nội Mới)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ