Sẽ có làn sóng IPO doanh nghiệp quân đội làm xây dựng, bất động sản?

Nhàđầutư
Có 9 trong tổng số hơn 20 doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng hiện đang hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng, trong đó có những tên tuổi nổi bật như Tổng công ty 36, Tổng công ty 319, Tổng công ty 789 hay Tổng công ty xây dựng Lũng Lô,..
HỒ MAI
12, Tháng 07, 2017 | 06:50

Nhàđầutư
Có 9 trong tổng số hơn 20 doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng hiện đang hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng, trong đó có những tên tuổi nổi bật như Tổng công ty 36, Tổng công ty 319, Tổng công ty 789 hay Tổng công ty xây dựng Lũng Lô,..

Trong bài phỏng vấn trên báo Tuổi Trẻ đăng ngày 10/7, Thứ trưởng Quốc phòng - Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho hay Bộ Quốc phòng quyết tâm giảm từ 88 doanh nghiệp quân đội xuống còn 17 doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước.

Tướng Vịnh giải thích rằng quân đội chỉ giữ lại những doanh nghiệp “trực tiếp phục vụ nhiệm vụ quốc phòng”. Cụ thể hơn, đó là các đơn vị sản xuất trang bị vũ khí hay phát triển khoa học công nghệ cao. Bên cạnh đó là các đơn vị “thực hiện công tác chính trị, tuyên truyền”, cũng như các công ty hoạt động kinh tế lưỡng dụng, theo lời ông Vịnh.

nguyen chi vinh

 Thứ trưởng Quốc phòng - Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh 

Báo Quân đội Nhân dân cũng dẫn lời Thiếu tướng Võ Hồng Thắng cho hay, sắp tới, theo dự thảo đề án trình Thủ tướng phê duyệt, Bộ Quốc phòng sẽ sắp xếp chỉ còn 17 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, 12 công ty cổ phần có vốn Nhà nước do Bộ Quốc phòng quản lý (Nhà nước giữ trên 51% cổ phần đến năm 2019).

Trước đó, tại một cuộc họp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và UBND TP. HCM, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - Thượng tướng Lê Chiêm, nói quân đội “xem xét chấm dứt mọi hoạt động kinh tế”.

Theo Tướng Chiêm, đó là một chủ trương “mới và đặc biệt quan trọng”. Ông nói thêm rằng “tất cả các doanh nghiệp quân đội” phải cổ phần hóa hoặc thoái vốn, chỉ giữ lại những đơn vị phục vụ quốc phòng. Vị tướng khẳng định với việc ngừng “làm kinh tế”, quân đội sẽ “tập trung cho xây dựng chính quy hiện đại” để bảo vệ đảng, nhà nước và nhân dân.

le chiem

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - Thượng tướng Lê Chiêm 

Bộ Quốc Phòng hiện là bộ, ngành trực tiếp quản lý nhiều tập đoàn, tổng công ty nhất với hơn 20 doanh nghiệp trực thuộc. Các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Quốc phòng hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau, từ xây dựng - bất động sản, viễn thông, tài chính, logistics, cơ khí, xăng dầu, cho tới nông nghiệp.

Theo ý kiến từ các lãnh đạo Bộ Quốc phòng nói trên thì khả năng Bộ này sẽ chỉ giữ những đơn vị sản xuất phục vụ quốc phòng. Như vậy, nhiều khả năng các doanh nghiệp trong lĩnh vực như xây dựng, bất động sản có thể sẽ được tiến hành cổ phần hóa trong thời gian tới.

Là lĩnh vực chiếm ưu thế nhất về số lượng, xây dựng – bất động sản có sự hiện diện của gần một nửa số tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Quốc phòng.

Hiện có 9 tổng công ty thuộc Bộ Quốc phòng hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản bao gồm: Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị - Bộ Quốc phòng (MHDI), Tổng công ty 36, Tổng công ty 319, Tổng công ty 789, Tổng công ty Xây dựng công trình hàng không (ACC), Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (Binh đoàn 12), Tổng công ty Hợp tác kinh tế (Coecco), Tổng công ty Thành An (Binh đoàn 11), Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô.

Tổng công ty 319 tiền thân là Sư đoàn 319/Quân khu 3, thành lập ngày 07/03/1979 theo Quyết định số 231/QĐ-QP của Bộ Quốc phòng. Năm 2011, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký quyết định điều chuyển Tổng công ty 319 về trực thuộc Bộ Quốc phòng.

Năm 2016, giá trị sản xuất của Tổng công ty ước đạt 9.461,7 tỷ đồng, doanh thu ước đạt 9.393,5 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ước đạt 198,1 tỷ đồng. 

Cũng trong năm 2016, Tổng công ty 319 đã thay đổi hai vị trí nhân sự chủ chốt. Theo đó, Đại tá Phùng Quang Hải đã bàn giao chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên cho Đại tá Trần Đăng Tú, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty. Đại tá Nguyễn Văn Xiển, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công ty Xử lý bom, mìn, vật nổ 319 thay ông Trần Đăng Tú giữ chức Tổng giám đốc Tổng công ty 319.

Tổng công ty 319 được biết đến là doanh nghiệp "hàng khủng" thuộc quân đội với hàng loạt các dự án bất động sản và hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án BOT, BT.

Một số dự án BOT và BT nổi bật của Tổng công ty 36 có thể kể như: Dự án đầu tư (BOT) mở rộng Quốc lộ 1A đoạn Nghi Sơn, Thanh Hóa - Cầu Giát, Nghệ An (3.700 tỷ); Dự án đầu tư (BOT) nâng cấp mặt đường Quốc lộ 1A đoạn Phan Thiết - Đồng Nai (2.200 tỷ); Dự án đầu tư (BOT) cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang liên danh cùng tập đoàn Đại Dương, Vinaconex (4.213 tỷ); Dự án đầu tư (BT) đường giao thông từ cảng hàng không Thọ Xuân đi khu kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa (11.300 tỷ); Dự án đầu tư (BT) xây dựng sân bay phục vụ mục tiêu huấn luyện của Trung đoàn không quân 920, Quân chủng Phòng không Không quân và dự án Khu trung tâm đô thị thương mại - dịch vụ - tài chính - du lịch Nha Trang tại khu đất sân bay Nha Trang, Khánh Hòa;...

quoc lo 1a

Tổng công ty 319 là chủ đầu tư Dự án đầu tư (BOT) mở rộng Quốc lộ 1A đoạn Nghi Sơn, Thanh Hóa - Cầu Giát, Nghệ An  (Ảnh minh họa)

Tổng công ty 319 cũng thực hiện các dự án bất động sản như Dự án Trung tâm Thương mại và khách sạn 4 sao tại lô đất 62 Trần Phú, Nha Trang, Khánh Hòa; Dự án khu đô thị mới Lạch Tray Village tại phường Thành Tô, quận Hải An, Hải Phòng; Dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp Minh Khai mở rộng tại thị trấn Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên; cùng một số sự án nhà ở cán bộ,...

Cùng xuất phát từ Binh đoàn 11, Tổng công ty Thành An góp mặt trong nhiều công trình lớn như Nhà ga T1 Sân bay Nội Bài, các dự án y tế, bệnh viện lớn như Bệnh viên Bạch Mai cơ sở II, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam Cu Ba – Đồng Hới, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Chung cư khu đô thị Mỹ Đình I, cùng một số dự án BOT Quốc lộ 1, còn Tổng công ty 789 lại nổi bật với hoạt động xây dựng dân dụng và sản xuất vật liệu xây dựng.

Tổng công ty Hợp tác Kinh tế đầu tư tập trung chủ yếu vào các công trình tại Lào và 2 tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh. Trong khi đó, Tổng công ty xây dựng Công trình Hàng không (ACC) sản xuất chủ yếu các sản phẩm bê tông cho các dự án lớn.

Trong số những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng - bất động sản thuộc Bộ Quốc phòng, Tổng công ty xây dựng Trường Sơn và Tổng công ty xây dựng Lũng Lô là những đơn vị có thế mạnh đặc thù trong xây lắp các công trình thủy điện.

Trường Sơn là đơn vị lắp đặt đường dây tải điện 500Kv Bắc Nam và nhiều công trình thủy điện miền Trung, trong khi Lũng Lô từng nhận những công trình hàng trăm tỷ đồng từ Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) thi công đường hầm Thủy điện Đa Him và Hàm Thuận. Lũng Lô cũng tham gia xây dựng Dự án hầm đường bộ H1, Nhà máy lọc dầu Dung Quất,..

Ngoài tham gia xây dựng trên các lĩnh vực về điện năng, dầu khí và hạ tầng cơ sở, sân bay, bến cảng, đường giao thông,... Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô cũng tham gia thi công xây dựng các dự án dân dụng như khu đô thị, nhà ở cao tầng, cao ốc, văn phòng.

lung lo

Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô cũng tham gia thi công xây dựng các dự án dân dụng như khu đô thị, nhà ở cao tầng, cao ốc, văn phòng 

Đáng chú ý, trong danh sách 5 nhà đầu tư trong nước và 2 nhà đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư các dự án xây dựng đường sắt đô thị mà UBND TP. Hà Nội mới tiết lộ có tên Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô.

Trong số các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng - bất động sản thuộc Bộ Quốc phòng, Tổng công ty 36 - doanh nghiệp có kinh nghiệm trong việc xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, thủy lợi - là tổng công ty đầu tiên trong số hơn 20 tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Quốc phòng đã được cổ phần hóa.

Ngày 14/4/2016, Tổng công ty 36 tiến hành IPO 4,3 triệu cổ phiếu G36 với giá đấu thành công bình quân là 15.102 đồng/cổ phiếu. Ngày 26/12/2016, Tổng công ty này đã đưa 43 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM với giá tham chiếu 10.500 đồng. 

Tổng công ty 36 đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2017 và 2018 lần lượt đạt 128,8 tỷ đồng và 134,5 tỷ đồng. Trước đó, 2 chỉ tiêu này chỉ được đề ra ở mức 42,2 tỷ đồng và 44,1 tỷ đồng. Đặt kế hoạch khả quan, kết quả kinh doanh năm 2016 của Tổng công ty lại tương đối èo uột.

Sau một năm IPO, hoạt động kinh doanh của Tổng công ty 36 ghi nhận rất nhiều sự yếu kém. Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2016 của Tổng công ty 36 cho thấy, doanh thu thuần giảm từ 2.591 tỷ xuống 2.377 tỷ đồng (8%), lợi nhuận gộp tăng nhẹ 13% (từ 121 lên 137 tỷ đồng). Đáng chú ý là chi phí tài chính tăng vọt, 133,4 tỷ đồng so với 51,9 tỷ đồng của năm 2015, chiếm đến một nửa lợi nhuận gộp của Tổng công ty. Trong đó 100% chi phí tài chính là lãi vay. So với cùng kỳ năm 2015, lợi nhuận trước thuế và sau thuế đều ghi nhận giảm lần lượt 27% (từ 24,3 xuống 17,7 tỷ đồng), và 37% (từ 18,5 xuống 11,6 tỷ đồng).

Hiện tại, Tổng công ty có 2 nhà đầu tư chiến lược là Công ty Cổ phần Xây lắp và Thương mại Trường Lộc (32,91%) và Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại Anh Quân (9,3%). Bộ Quốc phòng vẫn nắm 40%, Tổng Công ty Cổ phần bảo hiểm Bưu điện nắm 9,87% và người lao động nắm 7,79%.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25100.00 25120.00 25440.00
EUR 26325.00 26431.00 27607.00
GBP 30757.00 30943.00 31897.00
HKD 3164.00 3177.00 3280.00
CHF 27183.00 27292.00 28129.00
JPY 159.58 160.22 167.50
AUD 15911.00 15975.00 16463.00
SGD 18186.00 18259.00 18792.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 17956.00 18028.00 18551.00
NZD   14666.00 15158.00
KRW   17.43 19.02
DKK   3535.00 3663.00
SEK   2264.00 2350.00
NOK   2259.00 2347.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ