Quy định quản lý chồng chéo đang làm khó ngành cấp nước

Nhàđầutư
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, cung cấp nước sạch sử dụng cho sinh hoạt tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng núi, hải đảo đang còn rất khó khăn. Nguyên nhân do bất cập trong công tác quản lý, chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực này chưa đủ hấp dẫn khu vực tư nhân tham gia.
PHÚ KHỞI
01, Tháng 07, 2023 | 16:01

Nhàđầutư
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, cung cấp nước sạch sử dụng cho sinh hoạt tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng núi, hải đảo đang còn rất khó khăn. Nguyên nhân do bất cập trong công tác quản lý, chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực này chưa đủ hấp dẫn khu vực tư nhân tham gia.

cap nuoc nong thon

Theo Bộ Xây dựng, cơ chế mời gọi nguồn vốn xã hội hóa đầu tư hệ thống cấp nước sạch nông thôn chưa hấp dẫn nhà đầu tư. Ảnh Báo Cà Mau

5 vướng mắc cần tháo gỡ

Chia sẻ tại hội nghị lấy ý kiến xây dựng Luật cấp, thoát nước vừa được tổ chức tại Cần Thơ, ông Tạ Quang Vinh, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho rằng, theo ý kiến phản ánh từ thực tiển các địa phương, hiện nay hoạt động cấp nước đang tồn tại 5 vướng mắc lớn, đó là:

Thứ nhất, theo quy định pháp luật hiện hành thì chỉ có những thành phố trực thuộc Trung ương mới được phép lập quy hoạch chuyên ngành cấp nước, các thành phố trực thuộc tỉnh thì phải đưa quy hoạch cấp nước vào quy hoạch đô thị cấp tỉnh. Tuy nhiên, phần quy hoạch cấp nước nói riêng và quy hoạch hạ tầng kỹ  thuật  nói  chung  trong  các  đồ  án  quy  hoạch  tỉnh  rất chung chung, khó thực hiện.

Thứ hai, hiện nay, các doanh nghiệp cấp nước hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, quy định tại Điều 111 Luật Doanh nghiệp năm 2020, do đó hoạt động cấp nước cũng như lĩnh vực khác có chung các quy định được chuyển nhượng, mua bán quyền sở hữu, quyền sử dụng hay thuê quản lý vận hành.

Tuy nhiên, do cấp nước liên quan đến cuộc sống của người dân, công trình cấp nước không thể ngừng hoạt động cho dù doanh nghiệp bị phá sản, công trình bị chuyển nhượng. Ngành nước chưa có Luật riêng nên việc bảo đảm cấp nước an toàn, liên tục đang bị chi phối bởi các Luật khác.

Thứ ba, theo quy định, Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động cấp nước tại các đô thị và khu công nghiệp trên phạm vi toàn quốc; Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động cấp nước tại các khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, trong tình hình bối cảnh hiện nay, khi ranh giới đô thị và nông thôn ngày càng thu hẹp, các doanh nghiệp cấp nước đô thị cấp nước vươn tới vùng nông thôn; mô hình tổ chức cấp nước giữa đô thị và nông thôn cũng không thống nhất, khó quản lý.

Thứ tư, công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động cấp nước của cơ quan quản lý không thường xuyên, hầu hết chỉ thực hiện khi xảy ra sự cố gây mất nước, chất lượng không đạt yêu cầu. Cơ quan quản lý nhà nước khó quản lý việc mua bán buôn nước sạch giữa các doanh nghiệp, đặc biệt về giá mua bán buôn nước sạch không thống nhất giữa các đơn vị; chưa có các quy định, hướng dẫn cụ thể trong kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, cung cấp nước sạch của doanh nghiệp nên các Sở, ngành chỉ thực hiện trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công.

Thứ năm, không đủ chế tài để xây dựng và quản lý, kiểm soát cơ sở dữ liệu ngành cấp nước làm cơ sở thu hút đầu tư phát triển cấp nước. Chưa quy định phát triển hệ thống cấp nước quy mô vùng liên tỉnh khi khó khăn về nguồn nước; nguồn nhân lực và thực thi chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về lĩnh vực cấp nước nông thôn ở cấp tỉnh, huyện yếu và kém hiệu quả, trách nhiệm chưa cao; các đơn vị tham mưu, phục vụ quản lý Nhà nước phần lớn chỉ chú trọng đến các hoạt động được giao về đầu tư và quản lý các công trình cấp nước có lợi thế. Các hoạt động giám sát, hỗ trợ kỹ thuật ít được chú trọng thực hiện.

do nuoc

Nhiều khu vực vùng sâu, vùng nước mặt thường xuyên bị nhiễm mặn rất khó kêu gọi nhà đầu tư hệ thống cung cấp nước sạch. Ảnh PK 

Lấn cấn trong công tác quản lý

Theo ông Tạ Quang Vinh, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) đến nay, khu vực đô thị trên cả nước có khoảng hơn 250 doanh nghiệp cấp nước, đang vận hành khoảng 750 nhà máy nước và các mạng đường ống cấp nước bao phủ khu vực đô thị, khu dân cư nông thôn lân cận; tỷ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước sạch từ nhà máy nước tập trung 94,2%.

Đối với khu vực nông thôn, đã có hàng ngàn doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư, vận hành công trình cấp nước; tổng số công trình cấp nước tập trung khoảng 16.573 công trình, tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt khoảng 88,5%. Trong đó có 11 nhà máy nước quy mô vừa và lớn với tổng công suất 1.945.000 m3/ngđ (m3 đi qua đường ống dẫn nước trong một ngày) và có tổng mức đầu tư đạt 17.000 tỷ đồng.

Cũng theo ông Vinh, thực hiện chủ trương thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cấp nước, các địa phương đã chuyển đổi khoảng 90% doanh nghiệp cấp nước đô thị sang loại hình công ty cổ phần (hiện nay chỉ còn khoảng 10 doanh nghiệp chưa chuyển đổi). Bên cạnh việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hóa, việc huy động tư nhân tham gia đầu tư, quản lý vận hành công trình cấp nước đô thị và nông thôn đã được triển khai mạnh tại 63 tỉnh thành phố trên cả nước.

Tuy vậy, theo ông Vinh, hiện nay ngành cấp nước đang tồn tại nhiều vấn đề trong công tác quản lý khi thể chế pháp luật về cấp nước chưa đầy đủ, chặt chẽ; doanh nghiệp vận dụng theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sẽ hạn chế vai trò quản lý nhà nước trong việc bảo đảm an ninh, an toàn nguồn nước sạch; chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong đầu tư các tuyến ống cấp nước hoặc thoát nước với xây dựng hạ tầng giao thông. Do đó thường phát sinh tình trạng ống cấp nước vừa "đặt xuống" lại phải "bới lên" để di dời, không bảo đảm cấp nước an toàn và rất lãng phí.

Mặt khác, cơ sở dữ liệu và thông tin về cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải còn thiếu, không đồng bộ ảnh hưởng đến quản lý từ cấp trung ương đến địa phương, đến công tác đầu tư và khai thác, vận hành công trình cấp nước, thoát nước.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty cấp thoát nước Hậu Giang, hiện nay công tác đầu tư cấp nước nông thôn có nhiều điểm bất lợi hơn cấp nước đô thị như: Suất đầu tư cao hơn do mật độ dân số thấp; đường ống đi qua nhiều kênh rạch, ruộng, vườn…dẫn đến thất thoát nhiều hơn; chi phí vận hành, xử lý nước cao nhưng giá trần giá tiêu thụ nước sạch nông thôn luôn thấp hơn đô thị.

"Để thu hút được nguồn vốn xã hội hóa đầu tư cấp nước sạch nông thôn thì Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ cho người dân một phần, công ty đối ứng một phần để đầu tư mở rộng đường ống cấp nước cho dân sử dụng", ông Dũng đề xuất.

Đồng quan điểm đó, ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho rằng, nếu không có chính sách hợp lý thì rất khó khuyến khích xã hội hóa. Đặc biệt, cần phải chú trọng và tính toán kỹ lưỡng về vấn đề quy hoạch hạ tầng cấp thoát nước, nếu có thể thì tích hợp vào quy hoạch vùng.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn, Bộ Xây dựng được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao nghiên cứu xây dựng dự án "Luật cấp, thoát nước", trình Quốc hội vào năm 2024 - 2025.

"Luật cấp, thoát nước" ra đời sẽ hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ làm công cụ quản lý, phát triển cấp nước, thoát nước từ điều tra cơ bản, định hướng, quy hoạch, đầu tư xây dựng đến khai thác vận hành nhằm cung cấp nước sạch ổn định, bền vững, bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ sức khỏe cho người dân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25154.00 25454.00
EUR 26614.00 26721.00 27913.00
GBP 31079.00 31267.00 32238.00
HKD 3175.00 3188.00 3293.00
CHF 27119.00 27228.00 28070.00
JPY 158.64 159.28 166.53
AUD 16228.00 16293.00 16792.00
SGD 18282.00 18355.00 18898.00
THB 667.00 670.00 698.00
CAD 18119.00 18192.00 18728.00
NZD   14762.00 15261.00
KRW   17.57 19.19
DKK   3574.00 3706.00
SEK   2277.00 2364.00
NOK   2253.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ